In trang này
Chánh niệm ai cũng làm được
Cập nhật ngày: 7/7/2018 9:16:07 AM
GN - Có khi nào bạn đã hoàn thành xong một số việc mà sau đó lại không chắc chắn là mình đã làm xong hay chưa?
 
Trong xã hội hiện nay, sống trong môi trường “chỉ cần nhìn vào màn hình” và ở trong “sự tự động” quá nhiều, chúng ta dễ dàng bỏ lỡ những gì đang thật sự diễn ra xung quanh mình. 
 
chanhniem12.jpg
Hãy chậm lại và chú ý đến những gì bạn đang tiến hành
 
Có bao nhiêu cuộc đối thoại đến giữa chừng rồi mà bạn không thật sự đang lắng nghe những gì người kia nói hay đọc một trang sách cả chục lần mà vẫn không biết nội dung trang sách đó nói gì? - Chúng ta đang trở thành những con người đa tác vụ dễ dàng bị phân tán (nhưng không ai có thể đồng thời làm nhiều việc một cách tốt đẹp) và sự chánh niệm, tỉnh giác, sự có mặt của chúng ta ngay trong một môi trường hay hoàn cảnh nào đó bị đánh mất. 
 
Chánh niệm là gì? 
 
Chánh niệm, nói một cách đơn giản là sự thực hành chú tâm một cách chủ động và nỗ lực để nhận thức một cách có mục đích về môi trường xung quanh và những người bạn đang tương tác. Chánh niệm cũng đòi hỏi chúng ta tập trung vào điều đang diễn ra ngay trong hiện tại và tất cả mọi thứ là một phần của hiện tại đó - những thứ như: cảnh vật, âm thanh, xúc chạm, mùi, suy nghĩ và cảm giác. 
 
Với nhiều người, trọng tâm mỗi ngày chính là “hoàn thành một danh sách công việc”. Chúng ta có danh sách các việc cần làm và “chạy” từ việc này sang việc khác. Trong trạng thái bận rộn liên tục này, về nghĩa đen giống như chúng ta “đang chạy” và luôn trong tình trạng thở gấp. Sự tập trung của chúng ta “luôn ở 10 bước chân phía trước mặt” chứ không phải ở nơi chúng ta đang hiện diện trong hiện tại đó. 
 
Tại sao lại cần chánh niệm? 
 
Nếu chúng ta có thể không ngừng dịch chuyển suốt cả ngày, tuần này qua tuần khác và hoàn thành hết các việc đặt ra, vậy chúng ta cần gì phải chánh niệm? - Có lẽ vì hướng đến chất lượng cuộc sống, sự đo đạc về chất lượng cuộc sống không phải là bảng đánh dấu các công việc đã hoàn thành trong danh sách công việc mà chính là liệu bạn có đang thật sự thấy vui vẻ và có mặt với những gì bạn đang trải qua không. 
 
Chánh niệm đòi hỏi chúng ta ngừng lo lắng về điều tiếp theo sau đó và phải tập trung vào hiện tại. Bằng việc thúc đẩy bộ não của mình hồi chuyển một cách liên tục “tiếp theo sẽ là gì, tiếp theo sẽ là gì”, bạn sẽ rơi vào trạng thái lo lắng và stress. Sống như thế có thể sẽ không mang lại hạnh phúc và sẽ gây ra các bất ổn về sức khỏe. Và dù có stress hay không, cố gắng nghĩ đến các nhiệm vụ tiếp theo trong khi đang nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ hiện tại có nghĩa là bạn đang không chỉ gây ra áp lực làm việc cho não bộ mà còn đang bỏ sót những điều đang diễn ra. Đó có thể là những khoảnh khắc, trải nghiệm đặc biệt với người thân thương của bạn. 
 
Chúng ta không thể tận hưởng một cách đầy đủ thời khắc hiện tại khi chúng ta rong ruổi với quá nhiều thứ khác. 
 
Làm thế nào để chánh niệm? 
 
Để có được sự chánh niệm, cần kết hợp nhiều sự thực hành và đây không phải điều có thể diễn ra chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, việc bắt đầu quá trình này có thể tạo ra sự khác biệt tức thời và tích cực mà bạn cảm nhận ngay được vào cuối mỗi ngày và từ các mối quan hệ của bạn. Hãy thử những sự thực hành dưới đây để có được sự chánh niệm ngay trong đời sống hàng ngày của mình. 
 
1. Hãy chậm lại 
 
Đúng là thời hạn hoàn thành công việc luôn ở khắp nơi và nhiều người trong chúng ta cảm thấy giống như mình cần phải vội vội vàng vàng hoàn thành việc này để bắt tay vào việc khác. 
 
Sự thật là, di chuyển quá nhanh chỉ làm chúng ta dễ dàng mắc sai phạm mà thôi, cả về mặt cá nhân lẫn chuyên môn; và hiển nhiên, khi vội vã, chúng ta không thật sự trải nghiệm việc mình đang làm. Vì thế, hãy chậm lại và chú ý đến những gì bạn đang tiến hành. Bạn có thể thành công hơn đồng thời cũng có được nhiều niềm vui hơn. 
 
2. Hãy hít thở 
 
Nghe có vẻ quá dễ dàng? - Duy trì việc hít thở một cách tỉnh giác yêu cầu bạn phải từ từ và tập trung. Khi thở trong sự tỉnh giác, nhịp tim của bạn chậm lại và bắt đầu giảm được stress, lo lắng. 
 
3. Chánh niệm, tỉnh giác 
 
Vào những thời điểm khác nhau trong ngày, bạn nên dừng lại và chỉ nhìn xung quanh mà thôi. Lưu ý đến người bạn đang nhìn thấy, điều họ đang làm, những mùi (hương) xung quanh bạn, những âm thanh bạn nghe được. Nghe có vẻ như rất cơ bản nhưng đây chính lại là nơi bạn đang hiện diện, bạn đã chú ý đến tất cả các khía cạnh của sự trải nghiệm thực tại. 
 
4. Thực hành thiền định 
 
Lắng yên tâm của mình là giải pháp hiệu quả để đạt được sự kiểm soát và tập trung. Sự thực hành này cũng cho bạn thời gian để sắp xếp lại mớ bòng bong các suy nghĩ mà bạn cất giấu vào trong suốt một ngày tất bật của mình. Điều này không mất nhiều thời gian, chỉ cần vài phút mỗi ngày cũng đủ cho phép bạn cảm thấy tập trung và an tịnh. 
 
Có thể nói rằng, dù mỗi ngày chúng ta có dịch chuyển nhanh như thế nào và cảm giác xâm lấn của việc “phải hoàn thành tất thảy các việc đó”, đa số chúng ta đều cảm thấy căng thẳng, lo lắng và cảm giác mình bị tụt lại đằng sau. Nỗ lực thực hành chánh niệm, chúng ta có thể bắt đầu tập trung vào những điều làm cho cuộc sống của mình trở nên đáng sống hơn. Bởi vì đo mỗi ngày bằng việc hoàn thành bao nhiêu phần việc trong danh sách công việc không làm cho chúng ta sống một cách an vui, hạnh phúc thật sự. 
 
Trần Trọng Hiếu (theo Huffington Post)
 
 
In trang này