In trang này
Dìu con qua mỗi bước đi
Cập nhật ngày: 8/15/2018 11:58:56 PM
 

 

Kích thước chữ: Decrease font Enlarge font
image
Trong tác phẩm “Du Thiên Trúc ký sự”, cao tăng Pháp Hiển (Fa-hsien) có ghi lại câu chuyện tiền thân của vua A Dục (Asoka), nói rằng trong đời quá khứ, khi còn là một cậu bé con đang nghịch cát trên đường,

A Dục gặp Đức Phật Ca Diếp (Kasyapa) đang đi khất thực. Cậu bé vui vẻ nhặt một nắm đầy cát cúng dường cho Ngài. Đức Phật hoan hỷ tiếp nhận nắm cát cúng dườngcủa cậu bé. Do nhân duyên này, cậu bé được phước báu trở thành một vị vua trị vì cõi Diêm Phù Đề (Jambudvìpa).

Câu chuyện phỏng theo dạng Bổn sanh (Jàtaka) nên thực hư thế nào khó ai mà biết được. Thế nhưng câu chuyện vẽ nên một hình ảnh thật đẹp. Cậu bé con đang nghịch cát bên đường mà biết mở tâm cúng dường Đức Phật. Vật phẩm cúng dường của cậu bé cũng không có gì ngoài nắm đất cát. Cậu đang chơi cát thì cậu cúng dường Phật một nắm cát. Còn Phật thì cúi mình xuống tiếp nhận nắm cát cúng dường của cậu bé. Phật đi khất thực, ai hoan hỷ cúng dường thứ gì thì Phật tiếp nhận thứ ấy, không phân biệt. Cậu bé con vui vẻ cúng dường nắm cát thì Phật hoan hỷ tiếp nhận. Sao Phật lại từ chối tấm lòng của cậu bé? Nhưng cát làm sao ăn được mà Phật đưa bình bát tiếp nhân? Phật tiếp nhận cái tâm cúng dường của cậu bé, cái thiện tâm, cái tâm hoan hỷ và cả cái tâm “vô tâm” của cậu bé nữa. Tâm ấy chảy vào bình bát của Phật thì nắm cát của cậu bé biến thành thức ăn thanh tịnh của Phật. Phật đi khất thực mỗi ngày, nhận đồ ăn thì ít mà cho công đức thì nhiều. Ai bảo tâm cậu bé không gần tâm Phật?

Câu chuyện lưu truyền đến nay đã hàng thế kỷ và những bậc cha mẹ người Việt xưa nay có tín tâm với Phật pháp đều nhớ thuộc lòng; đều ước mong con mình có được phúc duyên như cậu bé, biết cung kính cúng dường Phật, dù chỉ một nắm cát! “Tu kiếp nào rồi mà may mắn phước đức đến thế!”. Rõ ràng, những bậc cha mẹ có đạo tâm thì không trông mong con mình sẽ làm vương làm tướng gì trong tương lai, mà chỉ mong con mình có được tấm lòng như cậu bé ấy, hoặc nuôi dưỡng được tấm lòng trong sáng vị tha như cậu bé. Ước mong ấy khiến các bậc cha mẹ nghĩ đến việc dìu dắt con cái mình trên mỗi bước đi, ngay cả khi con đang còn thơ trẻ. Ước mong ấy khiến cho các thế hệ bà mẹ Việt Nam tay trong tay dắt con trẻ đến chùa lễ Phật cúng dường.

Tôi kể lại câu chuyện cậu bé tiền thân vua A-Dục để nói lên rằng những bậc cha mẹ người Việt các thế hệ trước đã có cái nhìn thật sâu xa trong việc sửa soạn cho con mình những bước đi an ổn lâu dài. Họ nghĩ đến việc sửa soạn cái tâm thanh thản an lạc cho con bằng cách tập cho con mình những bước đi thật ngoan lành. Họ dẫn con trẻ đi lễ chùa, không phải để cầu mong điều gì mà để nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng hiền thiện của con trẻ, tập cho con mình gần gũi, quen dần với điều lành điều thiện. Họ nói khiêm tốn: “Đi chùa lễ Phật cúng dường để kiếm chút phúc cho con”, kỳ thực họ đang dìu dắt con mình từng bước đi an lạc. Cha mẹ lên chùa lễ Phật, chắp tay lễ Phật thật cung kính, rồi tập cho con trẻ chắp tay lễ Phật. Một hình ảnh bố mẹ dạy con trẻ thật đẹp. Rồi họ xuống trai đường sửa soạn các phẩm vật chay tịnh dâng cúng chư Tăng. Họ thành tâm dâng cúng chư Tăng các vật thực, cũng không quên tập cho con trẻ biết cách cung kính cúng dường chư Tăng. Cả cha mẹ và con cái đều mở tâm cúng dường, thành tâm hướng về điều lành điều thiện. Các bậc cha mẹ trước đây làm việc này rất chu đáo và kiên trì. Cứ hết năm này sang năm khác, họ luôn luôn dành thời gian và tằn tiện chi tiêu để đưa con đến chùa lễ Phật cúng dường. Thời gian trôi đi. Đến khi cha mẹ tuổi già không còn đủ sức đến chùa lễ Phật cúng dường được nữa thì cũng là lúc con cái đã trưởng thành, đã quen thuộc với nếp sống lễ Phật cúng dường, có thể thay cha mẹ tiếp tục truyền thống gia đình. Các gia đình người Việt trước đây chuyên tâm dìu dắt con mình những bước đi như thế.

Đến đây, ai đó có thể nêu câu hỏi: Cho con trẻ đến chùa tập lễ Phật cúng dường như vậy liệu có lợi ích gì cho chúng khi chúng trưởng thành? Câu hỏi khá tế nhị khó đưa ra bằng cứ để thuyết phục. Lợi ích tâm linh thường đến rất chậm và ít tỏ lộ bên ngoài. Những câu hỏi cũng khiến cho tôi liên tương đến cảnh người ta đua nhau đến đăng ký các khóa học cấp tốc về Yoga hay Thiền được mở ra ngày càng nhiều, nhất là ở các trung tâm và thành phố lớn. Tại sai người ta thích đến các vùng trung tâm đông dân dạy Thiền như vậy? Nhất là người Tây phương rất thích Thiền, rất mê Thiền. Có cả quảng cáo về Thiền nữa. Mà sao lại không quảng cáo? Một vị thuốc hay nhiều người đang cần thì tiếc gì một mẩu địa chị mách lối. Sách nói về Thiền cũng bán rất chạy ở Tây phương. Ngày nay, Thiền trở nên hấp dẫn đối với nhiều người đến độ đi tu Thiền ở trung tâm này hay trung tâm khác trở thành một cái mốt, một phong trào. Việc này có cái hay của nó.

Ở Việt Nam, ngoài các Thiền viện duy trì nếp sống an lạc như xưa nay vốn thế, cũng có một số trung tâm Yoga và Thiền mở ra đáp ứng nhu cầu cho một số người mới nổi. Nhưng người Việt chưa tha thiết học Thiền như người phương Tây. Thiền chưa trở thành mốt, chưa trở thành phong trào như ở Tây phương. Tại sao? Có người nhìn người thấy mình như thế thì vội cho người Việt Nam không khéo họ tu như người Tây phương. Thiền là cốt lõi của đạo Phật mà Phật tử Việt Nam ít chịu tìm hiểu,ít chịu tu Thiền. Có thật như vậy không? Ai bảo người Phật tử Việt Nam không biết tu Thiền, không sống Thiền? Những Thiền là gì và như thế nào thì gọi tu Thiền? Một giải pháp hay một nếp sống tự nhiên? Có cả hai.

Tôi nói nhiều trung tâm Thiền được mở ra có cái hay của nó, ấy là bởi ít nhất nó đáp ứng ngay trước mắt những vấn đề khá tế nhị liên quan đến cuộc sống nội tâm và đầu óc của con người hiên đại. Đạo Phật là đạo cứu khổ. Cứu khổ nhiều loại dạng nên cần có nhiều thứ thuốc trị khổ. Thứ thuốc nào trị được loại khổ nào cho con người thì Phật giáo cũng hoan nghênh. Thiền có thể giúp trị được khổ căng thẳng đầu óc, rối loạn tâm lý. Vậy nên Thiền là liều thuốc hiệu nghiệm, là giải pháp thiết thực trước mắt mà đạo Phật có thể cung hiến cho con người đang sống trong các xã hội đô thị hiện đại. Nhưng đó là giải pháp trước mắt dành cho một số người sống trong các truyền thống văn hóa và điều kiện xã hội không giống như người Việt Nam. Họ đang đói Thiền, đang khát Thiền. Thiền do đó trở thành một món ăn, một giải pháp là vậy. Nhưng người Việt Nam và nhất là Phật tử Việt Nam thì không xem Thiền như một giải pháp. Vì sao? Bởi vì họ chưa bị quấy rầy, chưa bị khổ bởi áp lực quá nặng nề của lối sống thực dụng, đặc biệt hơn, bởi họ được sửa soạn khá chu đáo về nếp sống Thiền ngay từ tuổi nhỏ. “Đối cảnh vô tâm, hỏi chi Thiền?”. Đây là cái may mắn to lớn của người Việt Nam, nhờ truyền thống 2.000 năm của đạo Phật Việt.

Các Thiền sư Việt Nam ít luận về Thiền. Họ chỉ nói: “Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền”. Đơn giản chỉ có thế. Họ cũng ít dạy người khác tu Thiền. Họ chỉ khuyên các bậc cha mẹ sống giữ giới tri túc và thường xuyên đưa con đến chùa lễ Phật cúng dường. Cũng chỉ đơn giản thế thôi. Đáp lại, các bậc cha mẹ biết tin nghe lời khuyên của các Thiền sư mà ăn hiền ở lành và tập cho con cái biết cách đến chùa lễ Phật cúng dường. Nếp sống đạo đức của người Việt Nam là thế. Nếp sống Thiền của người Phật tử Việt Nam là thế. Thiền không lý luận, không thành phong trào, chỉ là một lẽ sống khá lặng lẽ tự nhiên, giống như tiếng chuông chùa lặng lẽ buông rơi mỗi ngày vậy. Cứ hết năm này qua năm khác, người Phật tử Việt Nam lặng lẽ làm điều lành điều thiện và dành thời gian đưa con cái đến chùa lễ Phật cúng dường. Ai bảo trong một gia đình cha mẹ có nếp sống ăn hiền ở lành và khéo tập cho con thơ biết tu tâm như thế mà con cái lại trở nên hư hỏng, nội tâm trống vắng và đầu óc rối loạn khi chúng trưởng thành? Ai bảo một người luôn hạ thấp mình xuống và hoan hỷ mở lòng ra vớ mọi người, mọi loài lại rơi vào căng thẳng đầu óc, khủng hoảng tâm lý, cần phải tìm đến các khóa Yoga hay tu Thiền để trị liệu? Người Việt Nam mà nhất là Phật tử Việt Nam ít nói về Thiền và ít tìm đến các trung tâm dạy Thiền là vì thế. Họ được các bậc cha mẹ sửa soạn cho những bước đi thật đơn giản, hết sức tự nhiên nhưng đủ an lạc và tỉnh táo để có thể sống một cuộc đời nhẹ nhàng, không mệt mỏi, không căng thẳng. Những người có phúc duyên được đến chùa lễ Phật cúng dường từ thuở nhỏ thì tâm luôn luôn thư thái an lạc, không còn lo sợ bị stress, không cần tìm đến các khóa học Yoga hay hành Thiền cấp tốc để mong giải quyết đầu óc căng thẳng hay tìm lại sự quân bình và an ổn nội tâm.

Nói đến đây tôi lại xin lưu ý các bậc cha mẹ hiện tại về tình trạng bỏ quên nếp sinh hoạt mang tính truyền thống của các gia đình Phật tử người Việt. Chúng ta vẫn giữ nề nếp đến chùa lễ Phật, nghe pháp và cúng dường. Nhưng chúng ta ít dìu dắt con cái mình những bước đi mà trước đây ông bà cha mẹ của chúng ta đã từng dìu dắt chúng ta lúc còn trẻ nhỏ. Số là chúng ta đang trải qua giai đoạn chuyển đổi lớn về cơ cấu xã hội nên khó tránh khỏi sự thay đổi về nề nếp sinh hoạt mang tính truyền thống. Điều này ai cũng thấy rõ nhưng vấn đề diễn ra khá tế nhị khiến cho chúng ta cảm thấy hết sức khó khăn trong việc duy trì nếp sinh hoạt như trước đây. Rõ ràng,chúng ta khó duy trì được nếp sinh hoạt gia đình mang tính truyền thống như ngày nào, nhưng chúng ta cũng không thể hoàn toàn giao phó con cái chúng ta cho các đoàn thể xã hội được. Bởi ở đó con cái của chúng ta chỉ học được cái khôn ngoan dẫn đến thành đạt về mặt xã hội nhưng chúng không học được sự bình an nội tại mà một lúc nào đó bảnthân chúng hẳn phải cần đến. Chúng ta thương con thì không thể không nhận ra sự trống vắng yếu tố nội tâm trong các hoạt động mang tính đoàn thể của xã hội hiện đại. Tôi thấy con trẻ mình trao đổi tiếng Tây tiếng Tàu thật lưu loát trên máy điện thoại di động thì thấy vui nhưng không tránh khỏi lo lắng. Tôi lo bởi tôi thấy chiếm số đông trong những người đến đăng ký các khóa học Yoga hay hành Thiền cấp tốc chính là những người có học thức cao, làm ăn thành đạt, điều hành những công ty tập đoàn lớn có hàng ngàn công nhân làm việc. Tôi lại nghĩ và lo không biết mình có đủ sức hiểu và đủ thương con cái hay không để có thể dìu dắt chúng một quảng đường thật đơn giản nhưng cần cho chúng về sau thoát khỏi cảnh truy tìm trên máy tính các địa chỉ học Yoga hay hành Thiền cấp tốc.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 85

 
 
In trang này