In trang này
Di sản kiến trúc Việt: Hồn khí thâm nguyên
Cập nhật ngày: 8/26/2018 9:31:52 AM
 
Kích thước chữ: Decrease font Enlarge font
image
Những đường cong trong nghệ thuật kiến trúc cổ truyền xuất phát từ triết lý Nhu của người phương Đông xưa. 
 
 
Những đường cong trong nghệ thuật kiến trúc cổ truyền xuất phát từ triết lý Nhu của người phương Đông xưa. 
 
chuakeo.jpg
Một góc chùa Keo, Thái Bình
 
Trong mỹ học Việt, đường cong của lưỡng long triều nguyệt, của đầu đao trên những mái đình làng thật phiêu thăng. Phạm trù cái Nhu cùng với cái Hậu là nền tảng chi phối cái Hùng, cái Thiêng trong kiến trúc truyền thống. Những di tích ông cha để lại như: Cổ Loa, Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, những di sản văn hóa thế giới của Việt Nam như: phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, kinh thành Huế và những ngôi đình làng Việt là sự ngưỡng vọng thâm nghiêm. Những di sản đó là hình ảnh của quá khứ, chứa đựng những vẻ đẹp và bí mật của thời gian, là nơi tích chứa hồn khí người xưa, tích chứa thành trường năng lượng tinh thần nhiều tâm linh. Nếu hậu thế biết gìn giữ, kế thừa nó, đời sau còn biết bảo tồn và phát huy nó thì di sản sẽ đáp trả lại vượt trội nhiều lần giá trị mà nó hiện hữu… 
 
Hồn khí quốc gia 
 
Đứng trước một di sản văn hóa vật thể, di tích kiến trúc - nghệ thuật bạn có cảm xúc như thế nào? Một kiến trúc sư trẻ say mê đương đại, nhìn những di sản ấy bằng con mắt ý tưởng kiến trúc, hoa văn họa tiết, bố cục không gian, kết cấu vật liệu, kiểu dáng công trình, tính chịu lực... và thấy nó Cổ vật tinh hoa. Còn người viết luôn mang trong mình phiêu thức di sản không chỉ là vật bảo bối quốc truyền để đời sau chiêm ngưỡng một cách thuần túy mà còn thâm nguyên hơn thế, một cảm giác rất khó diễn đạt tường luận nhưng rất rõ trong tâm tưởng. Tôi cảm nhận di sản bằng thần khí toát lên từ chính nó. Đắm sâu vào di sản là chìm vào chiều sâu quá khứ ông cha tiên tổ đã sống nhưng cũng sẽ thấy bóng dáng tương lai hậu duệ. 
 
Hãy nhìn vào các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam được UNESCO công nhận: Huế, Hội An, Mỹ Sơn sẽ thấy hồn khí người Việt. Một kiến trúc cung đình, một thương cảng phố cổ, một thánh địa tôn giáo. Một nơi là vua chúa uy nghi quyền quý, một nơi là người dân bán buôn thương hội và một nơi là chỗ trú ngụ của thần linh trên cõi thế. Tại sao Huế lại có thể trầm linh mặc tưởng đến thế. Những đền đài lăng tẩm, những đổ nát cung điện xưa nguy nga tráng lệ, những lầu son gác tía thành quách huy hoàng giờ thinh lặng trầm miên. Và những ngôi cổ tự uy thinh tự ngàn kiếp: Thiên Mụ, Từ Đàm, Báo Quốc, Từ Hiếu, Huyền Không... Tại sao Mỹ Sơn lại có thể uy lệ và phồn thực đến thế. Những đền tháp phiêu mỹ phủ rêu trầm mình trong hoàng hôn nghiêng chiều chưa tắt nắng. Tại sao Hội An, những đèn lồng lung linh soi bóng sông Hoài tỏa sáng với đêm trăng. 
 
Và hãy nhìn vào dấu tích Thăng Long để thấy bóng rực rỡ điện Càn Nguyên, Thiên An, Kính Thiên các triều đại đã vùi trong tao loạn nhưng hồn thu thảo ngàn năm còn lưu mãi. Tại sao Hoàng thành Thăng Long lại có thể phát lộ vẻ đẹp linh trầm như một cổ ngoạn vậy. Bởi di sản là hồn khí quốc gia, là sự bày tỏ lòng thành kính, ngưỡng vọng thiêng liêng với thần, Phật, tổ tiên và những người có công với đất nước, xóm làng. Còn tôi vẫn nghĩ rằng thời gian đã tham dự vào vẻ trầm linh những di sản đó bằng những nét phiêu lệ miên thinh. Hồn khí di sản ấy là gì? 
 
Là vẻ đẹp cổ kính trầm nét thâm rêu. Là nhịp thở của thời quá khứ. Là những ước vọng truyền đời của tổ tiên. Là những trang sử bằng kiến trúc nghệ thuật đủ lực bào mòn những tư duy giáo điều, những định hình sai trái trong quá khứ. Nó vượt lên trên cả những điều kiện vật chất hiện hữu. Hồn khí ấy có thể hưng khởi hay suy tán tùy thuộc cách ứng xử của chúng ta với di sản. Bia đá chùa Bối Khê (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) viết: “Anh tú của đất trời là sông núi, anh tú của sông núi là thần linh”. Thần linh là vẻ đẹp thánh thiện của con người, có khả năng đem ân huệ đến cho đời. Di sản văn hóa của tiền nhân trao truyền là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Là nguồn lực cho phát triển. Chẳng ai có thể định lượng được hồn khí trong các di sản quốc gia cũng như không ai có thể lượng hóa, quy đổi cái nguyên khí dân tộc mình. Nó không thể bán mua. Nó chỉ có thể được bồi tụ hay tiêu hư, hưng phát hay hao biến qua từng thế hệ. Mỗi di tích tự nó là bản thông điệp của quá khứ thông qua hiện tại để chuyển đến tương lai. 
 
Thời gian làm nên bản sắc? 
 
Đình làng vốn hội tụ vào mình rất nhiều thuộc tính triết học bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Trơ gan cùng tuế nguyệt, những ngôi đình làng Việt với góc mái cong như kéo cả kiến trúc bay lên, tạo cho công trình một dáng vẻ uyển chuyển, trữ tình. Nét duyên dáng ấy như sự náo nức của những di tích bởi sáng tạo của các kiến trúc sư dân gian. 
 
Thời gian là đồng tác giả của mọi công trình kiến trúc. Nhưng nếu chúng ta không ý thức về bản sắc của mình thì khi trục thần Đạo của đất đế đô bị xâm phạm, một không gian thiêng bị cắt ngang bởi đường dây điện cao thế, những chiếc cổng làng cổ bị phá đi, đá ong bị bê-Tông hóa... thử hỏi còn đâu bản sắc nữa? Chợt nhớ bộ sưu tập ảnh Cổng làng của họa sĩ Quách Đông Phương và kiến trúc sư Nguyễn Địch Long là cái nhìn day dứt về quá trình đô thị hóa làm mai một những giá trị cổ xưa, tàn phá những giá trị văn hóa lâu đời. Hay triển lãm ảnh Cây cổ thụ trên đất Hà Tây là niềm xót xa khi một phần diện mạo văn hóa làng của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ cứ thưa vắng dần ở xứ Đoài hay bất cứ miền quê nào khác đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ nhưng không gìn giữ được. Thời gian phá hủy, làm tiêu biến công trình kiến trúc này hay tôn vinh quần thể kiến trúc kia, phủ lên đó những tầng văn hóa, những màn sương huyền thoại hay lắng lại linh khí thiên nhiên hoặc làm lu mờ đi trong tâm thức. Thời gian có sức mạnh vô hình nhưng có thể làm những vật hữu hình dù hoành tráng cũng phải tan vào mây khói trong một biến động dù nhỏ nhoi. Thời gian sàng lọc tất cả: vẻ đẹp, độ bền bỉ, những giá trị... Chỉ những gì thực sự mãnh liệt mới trụ vững với thời gian. 
 
Vượt lên thời gian, có một công trình kiến trúc thật đặc biệt mà có lẽ chưa một kiến trúc sư nào nghĩ tới. Đó là ngôi từ đường trong bài thơ Văn bản ngoài lễ khấn ông nội của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một ngôi nhà chuyển động trong vô tận thời gian: 
 
Trong bóng tối huyền diệu
Ông nội tôi hiện lên
Giống pho tượng khắc chìm
Trong đá hoa cương đen
Trí tưởng tượng của Người
Về ngôi nhà không ngừng mở rộng
Bốn chiếc cột gỗ mọc cao mãi
Dâng lên những mùa lá khổng lồ. 
 
Ý tưởng về một công trình kiến trúc như thế thật là độc đáo, kỳ thú và hoang đường. Nhưng tôi thấy sự hoang đường ấy hợp lý. Không phải là ngôi nhà mà là linh hồn ngôi nhà. Không phải là những cột đỡ, vì kèo, phù điêu chạm khắc mà là hương khói uốn cong trong ngôi nhà ấy dẫn lối ta về với tổ tiên. Và trong ngôi nhà tâm thức ấy tiên tổ phù hộ độ trì cho cháu con... 
 
Ngàn năm sau sen vẫn nở 
 
Ngược dòng thời gian, có lẽ ý tưởng kiến trúc đầu tiên của người Việt là ý tưởng về tòa thành ốc Cổ Loa và vị kiến trúc sư Việt đầu tiên có lẽ chính là thần Kim Quy. Theo dòng chảy thời gian, chùa Một Cột vẫn nguyên là bông sen cách điệu trong giấc chiêm bao của vua Lý Thái Tông. Khi cho xây dựng chùa, nhà vua không nghĩ rằng nó sẽ trở thành một trong những biểu tượng của Thăng Long ngàn năm văn hiến, chỉ biết đó là sự thôi thúc bên trong tâm hồn, là mong muốn giải tỏa những khuất khúc trong đời sống tâm linh của mình. Giấc mơ hình hoa sen đã trở thành công trình đặc sắc như nhắc nhớ về một nỗi niềm sâu kín được sẻ chia. Và cùng với thời gian, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn đang tỏa ánh hồi quang kiến trúc... 
 
Kiến trúc sư giỏi là người có ý tưởng sáng tạo độc đáo. Sau tất cả, cái gì sẽ đọng lại? Khi con người đứt mạch với quá khứ, họ sẽ phải tìm lại chính mình. Tìm lại hồn thu thảo trong đổ nát phế tích Hoàng thành, từ những mảnh vỡ di tích Lý-Trần để nuôi dưỡng một giấc mơ khi bước qua tuổi tri thiên mệnh. Dọc con đường mòn tâm tưởng, theo lời nhắn nhủ của ông cha, tìm về cái yếu nghĩa trong các di tích kiến trúc cổ truyền Việt, tìm ẩn ý triết học trong bố cục không gian đình làng, tôi vẫn mường tượng về một công trình mang tầm vóc và thật đậm bản sắc Việt mà mình trăn trở trong những phút nghĩ suy bất chợt hay trong tiềm thức, trong cả giấc chiêm bao đến muộn sau những giờ làm việc căng thẳng. Công trình ấy khi ai nhìn vào cũng phải thấy nó đẹp và nó Việt. Nó lắng hồn khí thâm nguyên của di sản kiến trúc ông cha và in dấu tích thời đại...

 

Lê Âu Bảo Long

 
In trang này