In trang này
Cha mẹ học được gì từ con cái?
Cập nhật ngày: 9/7/2018 4:45:24 AM
 
GN - Có dịp chia sẻ với nhiều người làm cha mẹ ở độ tuổi sau 35, tôi phát hiện ra hầu như ai cũng biết ơn con cái vì nhờ bọn trẻ mà họ sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn, và đặc biệt là biết tu tập trong đời sống tự thân. 

Cá nhân tôi, kể từ khi mới hoài thai, tôi học được nhiều bài học cho đến tận hôm nay, khi con đã bước vào tuổi dậy thì. Người Huế xưa hay nói: Con vào dạ thì mạ đi tu.

chame.jpg
Ảnh minh họa

Sáng hôm ấy mẹ con tôi đi học hơi muộn hơn thường lệ nên tôi lái xe rất nhanh cho kịp giờ vào lớp. Đến đoạn đèn đỏ, tôi quá trớn vượt vạch trắng và chiếm gần đường dành cho người đi bộ. Con tôi nhắc nhở: “Mẹ ơi, mẹ phải dừng đúng vạch quy định nha mẹ!”. Tôi giật mình, lật đật de xe về đúng vị trí. Sau đó tôi tự cười vì hành động của mình. Lời nhắc nhở của con quả như một mệnh lệnh buộc mình phải làm ngay, xuất phát từ việc mình không bao giờ muốn con nhìn mẹ “bê bối” như vậy. 

Con vào dạ, mạ đi tu

Tôi thừa nhận rằng mình thật sự có tu tập kể từ khi biết con đã đến với mình từ bên trong. Tôi may mắn vì những hạt giống tu tập đã được gieo từ thời bé lúc còn là một oanh vũ trong Gia đình Phật tử, nên mình chuyển hóa rất nhanh. Điều đầu tiên tôi thay đổi được đó là bớt nóng giận và không để mình rơi vào tâm trạng buồn bã. Thoạt đầu đơn giản vì tôi đọc sách thấy nói rằng để những cảm xúc tiêu cực đến với mình sẽ làm ảnh hưởng đến con. Tôi thực hành việc đó một cách có kỷ luật. Tôi cố gắng nghĩ thoáng hơn trong mọi việc, nhất là khi đối diện với những điều làm mình không vui, làm mình đau khổ. Nhờ đó mà tôi thấy tâm mình yên tĩnh hơn rất nhiều. Những lúc không thể đối diện với muộn phiền, tôi sẽ cố gắng trò chuyện với em bé trong bụng, hoặc trò chuyện với Quán Thế Âm. Trong suốt thai kỳ, tôi đã niệm danh hiệu Ngài không biết bao nhiêu lần. 

Một người bạn của tôi chia sẻ, từ khi mang thai, cô ấy bỏ hẳn việc uống rượu, còn chồng cô thì thôi không hút thuốc. Một thói quen theo họ bao nhiêu năm tuổi trẻ, vài lần muốn cai không thành, nhưng nhờ thai nhi mà họ đủ sức mạnh từ bỏ. Đó là sức mạnh của trách nhiệm và tình thương.

Những bài học từ con cái

Với từng người, bài học đầu tiên mà con cái dạy họ sẽ khác nhau. Có người đó là bài học về sự siêng năng chăm chỉ, nếu như trước kia họ không hề động chân động tay làm việc gì, thì nay vì con, họ có thể làm mọi việc như giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn... Người khác thì trở nên giản dị hơn, biết tiết kiệm hơn, hồi trẻ ăn diện mua sắm bao nhiêu thì giờ ăn mặc đơn giản, bao nhiêu tiền dành dụm cho con. Có những ông bố rất cộc cằn thô lỗ nhưng khi có con, ông ta trở nên dịu dàng thậm chí có thể làm những trò ngớ ngẩn vì con. 

Một người đồng nghiệp của tôi kể, chồng cô ấy là một người vô cùng gia trưởng, luôn cho mình đúng trong mọi cuộc tranh luận. Vậy mà kể từ khi cô con gái của họ lớn lên và biết nhận thức, biết phân biệt đúng sai, thì hễ mà con gái nói ba sai rồi, thì anh ấy lập tức rút êm, vẻ mặt len lén nhìn con, kiểu như anh ta sợ trong mắt con gái, mình đánh mất hình tượng!

Với cá nhân tôi, bài học đầu tiên mà con dạy cho tôi là biết cười với mọi người. Hồi mới sinh ra, con tôi có một gương mặt rất hài hước và lúc nào cũng sẵn sàng cười. Bé rất ít khóc quấy, lúc nào mặt cũng tươi tắn. Mỗi khi nhìn vào con, tôi đều thấy một nguồn năng lượng tươi mới, bao mệt nhọc bay mất và tôi nhận ra rằng, khi đối diện với một gương mặt tươi tắn bình hòa, thì ai cũng sẽ vui. Từ đó, tôi thực tập việc cười với mọi người xung quanh nhiều hơn, thậm chí với người mà tôi biết họ không thích mình (và hẳn nhiên tôi cũng không thiện cảm với họ) thì tôi cũng cố gắng đối diện với họ bằng nụ cười hoặc một gương mặt thân thiện. Thoạt đầu cũng khó khăn, gượng ép, nhưng khi thực tập dần dần, tôi thấy hiệu quả thực sự. Các mối xung đột trong đời sống cũng giảm bớt rất nhiều khi tôi gia tăng nụ cười. Đó là điều mà tôi rất biết ơn con gái của mình.

Giảm cái tôi sân si, tăng tình thương và trách nhiệm

Có lần trò chuyện với một chị thẩm phán chuyên xử các vụ ly hôn, tôi tiếp nhận được một thông tin như sau: “Hơn 70% các vụ ly hôn trong địa bàn tôi quản lý đều có nguyên nhân chính là cả hai vợ chồng không tìm thấy tiếng nói chung”.

Quả là một lý do chính đáng để chia tay không thể bình luận gì thêm. Nhưng sâu xa của vấn đề này chính là hai cái tôi quá lớn không thể buông bỏ. Có câu ông bà mình hay nói: khó nhất là tu tại gia, khó nhì tu chợ, khó ba tu chùa. Tu trong gia đình là gian nan nhất, cho nên người đời vẫn hay khuyên rằng vợ chồng ở với nhau phải biết nhẫn nhịn. Còn giáo sư Cao Huy Thuần thì từng viết một bài rất hay nói về chữ nhẫn. Ông mô tả vô cùng sâu sắc mối liên hệ giữa chữ nhẫn trong nhẫn cưới và chữ nhẫn trong đời sống hôn nhân. 

Khi chữ nhẫn tuột dốc, chữ tôi sân si lên ngôi thì gia đình đổ vỡ, mọi sự kiện sự cố chỉ là vấn đề leo thang.

Lúc có xung đột giữa hai cái tôi mang tên vợ chồng, gia đình nào lấy con cái làm hạt nhân để xử lý, gia đình đó có khả năng hàn gắn. Ngược lại, gia đình nào lấy hạt nhân cái tôi sân si làm gốc, thì khả năng đổ vỡ rất cao. Rất nhiều bạn bè của tôi chia sẻ, có những lúc họ chỉ còn nước ký vào đơn, rồi hỏi con muốn ở với ai, vậy mà chỉ cần con cái nói một câu “Con thương cả ba và mẹ, con muốn ở với cả hai”, thì lập tức mọi việc gần như được hóa giải hơn một nửa. Câu nói mang tính tỉnh thức rất cao ấy mang đến cho cha mẹ bài học gì? Là trách nhiệm với người khác, là tình thương với người khác cao hơn tình thương cho bản thân. Và trên đời này, không ai yêu người khác bằng chính bản thân mình, trừ khi người khác đó chính là con cái, thì cái tôi ích kỷ được chuyển hóa. Không ai yêu thương con hơn cha mẹ. 

Từ góc nhìn cá nhân, tôi luôn thấy rằng tôi có thể làm tất cả mọi việc vì con tôi, kể cả việc từ bỏ cái tôi. Cái tôi là một thứ gì đó rất to lớn, rất khó nắm bắt, rất khó buông bỏ. Nếu không biết sống trong tỉnh thức, không có tình thương lớn lao với người khác, thì việc từ bỏ cái tôi là một điều viển vông vô cùng, khó thực hiện vô cùng.

Vậy mà, chính con cái đã dạy cho cha mẹ bài học về việc buông bỏ cái tôi sân si một cách hiệu quả. Con cái giúp cha mẹ nhìn thấy quả trước khi thực hiện cái nhân. Bởi vì, đối với những bậc cha mẹ có trách nhiệm, khi làm bất cứ điều gì, họ cũng sẽ nghĩ đến con để mà từ đó không dám làm bậy. Hiểu rõ rằng, con cái chính là phản chiếu cách sống của gia đình, cha mẹ sẽ luôn cố gắng chỉnh đốn bản thân và tu tập mỗi ngày để con sẽ nhận được những điều tốt đẹp nhất có thể. 

Hóa ra, chính con cái đã dạy cho cha mẹ hiểu thế nào là trách nhiệm và tình thương thật sự là như thế nào.

Bùi Lan Xuân Phượng

 
In trang này