In trang này
Khổ đau là lẽ sống
Cập nhật ngày: 9/16/2018 7:02:43 AM
 
GN - Thấy khổ liền sợ hãi là tâm lý rất chung của hầu hết con người. Ai cũng muốn sống một cuộc đời bằng phẳng, trôi chảy nhẹ nhàng, càng ít lo toan, càng không có điều bất như ý thì càng tốt. Chính tâm lý luôn cầu bình an này lại làm cho con người dễ gặp thêm nhiều nỗi khổ. 

Khi tâm kỳ vọng sự an toàn ở mức cao, thì sự thất vọng sẽ dễ đến. Gặp một chút trục trặc nhỏ mình thấy khổ, việc diễn ra không như ý thì dễ than thở hoặc rối tinh lên. Nỗi khổ, trên thực tế luôn nằm quanh ta, sẵn sàng nói xin chào ta bất cứ lúc nào. Vậy nếu không có sự chuẩn bị về mặt tinh thần, thì như Đức Phật nói, đời là biển khổ mênh mông. Một trong những chất liệu căn bản để dệt nên cuộc sống này chính là sự khổ đau.

Kho dau la le song - Copy.jpg
Một trong những chất liệu căn bản để dệt nên cuộc sống này chính là sự khổ đau - Ảnh minh họa

Ứng xử với cái khổ

Nhìn từ góc độ tánh Không, thì không có khổ đau cũng không có chấm dứt khổ đau. Khổ đau hay vui sướng là do tâm của người đối diện.

Tôi có dịp nhìn thấy rõ điều này khi đọc 2 dòng trạng thái thú vị của hai người bạn trên mạng xã hội. Người thứ nhất viết: “Chán quá, hôm nay phải ngồi chỉnh sửa từng chút một kế hoạch của nhân viên. Số tui khổ quá, không có nhân viên giỏi nên cứ phải lao động vất vả!”. Người thứ hai viết: “Tớ đang đọc đề án của một nhân viên trẻ, tuy phải chỉnh sửa nhiều do bạn ấy chưa có kinh nghiệm, nhưng tớ thấy vui vì có thể qua đây huấn luyện được nhân viên của mình ngày một tốt hơn”.

Cùng việc chỉnh sửa, nhưng người thứ nhất thấy khổ còn người thứ hai thấy vui. Nói về mong muốn, có lẽ cả hai đều cùng muốn nhận một bản kế hoạch hoàn hảo, cho đỡ nhọc công. Làm việc nhiều thật ra cũng khổ chứ sao. Tuy nhiên, tùy vào năng lượng và mức độ tỉnh thức của từng người mà nỗi khổ được xua đuổi hoặc đón nhận.

Sự chuyển hóa trong việc hiểu rằng khổ đau là chuyện phải có trong cuộc sống sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều trong việc vượt qua những đại nạn cuộc đời. Là một giáo viên dạy yoga trị liệu, tôi có gặp một vài học viên có bệnh nhiều năm. Thời gian đầu tiếp xúc với họ, tôi thấy ai cũng mang vẻ mặt căng thẳng, buồn bã khi tập yoga. Họ hay than bệnh thật là chán, khó hòa nhập cuộc sống, rằng họ đã uống rất nhiều thuốc mà chẳng khỏi. Họ chán ghét căn bệnh của mình. 

Lúc đầu tôi cũng loay hoay với họ rất nhiều. Sau đó, tôi thay đổi cách hướng dẫn. Tôi chữa từ tâm trước. Tôi nói với họ, bệnh tật là một trong những khổ đau mang tính hiển nhiên. Có thân là có bệnh. Đừng xua đuổi chống cự lại bệnh nữa. Đón nhận nỗi khổ thân xác, chấp nhận rằng đó là một phần đã quen thuộc với đời mình, thì trước tiên tâm đã được hóa giải, lo lắng thuyên giảm. 

Trong mọi cuộc chiến đấu với bệnh tật, năng lượng chữa lành bệnh của tâm gần như chiếm hơn 50%. Khi tâm tỉnh táo thì sẽ biết cách tìm đến các giải pháp khác như vận động thể thao, thay đổi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý… thay vì cứ chỉ ngồi một chỗ để uống thuốc và gặm nhấm căn bệnh. Một số học viên của tôi đón nhận tích cực điều này, tôi thấy sau đó họ tự tin hơn, tươi vui hơn, nhẹ nhàng hơn khi nói về căn bệnh của mình và trở nên chăm chỉ luyện tập để chăm sóc cho sức khỏe của mình hơn. 

Mọi nỗi khổ đu vô thường

Khi ý thức được rằng khổ đau là chuyện hiển nhiên trong đời, thì tâm thế đón nhận khổ đau cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Vì là chuyện hiển nhiên, nên có gì để mà lo lắng. Khổ đau cũng dịch chuyển và vô thường. Nó đến rồi nó sẽ đi một cách khách quan, kể cả khi cá nhân đang chịu nỗi muộn phiền đó không hề có giải pháp. Còn với một người sống tỉnh thức, thì họ sẽ nhìn sâu vào nỗi đau, tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Ngay khi không có giải pháp, họ cũng biết chấp nhận nó trong chánh niệm, như vậy cũng đã vơi đi nhiều phần phiền não.

Đừng cầu không có khổ đau, mà hãy cầu cho mình có ý chí, sự định tâm để có thể thong dong vượt qua mọi nỗi khổ trần gian. Chỉ trong gian nan mới tôi luyện bản thân. Chỉ trong khó khăn con người mới có cơ hội khai phá hết trí thông minh, khả năng thích nghi với cuộc sống. Chỉ trong bất hạnh con người mới hiểu hết giá trị của yêu thương và sẻ chia. 

Hãy xem từng nỗi đau khổ như một vị khách viếng thăm đời mình. Khách đến rồi khách sẽ đi theo quy luật vô thường của cuộc sống. Cuộc tiếp đón nồng hậu ấm áp, thì khách sẽ càng ra đi trong hân hoan. Càng xua đuổi hay lạnh nhạt, bạn lại càng thấy phiền hà. Nỗi khổ cũng y như vậy. 

Thực tập đối diện muộn phiền

Khi đứng trước một chuyện làm cho bạn đau lòng, điều đầu tiên cần làm là bạn cứ khóc bao nhiêu tùy ý để giải tỏa tâm lý. Đừng chống cự hay tỏ ra cứng rắn. Sau khi khóc thì đầu óc sẽ dịu lại và tỉnh táo hơn. Tiếp theo, hãy tự hỏi: Mình có thể giải quyết được việc này không? Nếu có, giải pháp là gì? Nếu không có, mình có buồn đau tận cùng thì cũng thế thôi. 

Thông thường trong cuộc sống sẽ có hai dạng việc: Một dạng là mình có thể giải quyết được và một dạng nằm ngoài tầm tay. Xác định chuyện của mình nằm ở dạng nào trước tiên. Nhận diện đơn thuần là một trong những phương pháp hữu ích trong lúc này. Hãy cố gắng nhận thấy rằng có một việc như thế đang xảy ra, không suy diễn thêm, không tưởng tượng  nhiều, càng không vội trách cứ người và việc. Cách này giúp làm nỗi khổ nhỏ lại. Trên thực tế, tâm phóng đại làm cho ta khổ nhiều hơn chính sự việc đang diễn ra. 

Thực tập đối diện với những phiền muộn, chấp nhận nó như là lẽ sống không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi thời gian tu tập lâu dài. Nhưng hãy bắt đầu bằng một câu thần chú: Rồi mọi chuyện sẽ qua. Còn bây giờ, giải pháp của việc này là gì? Khi đã vượt qua nỗi đau thì niềm vui sẽ đến. Đó gần như là quy luật cân bằng của vũ trụ. Khổ là tiền đề của niềm an lạc, không có nó thì hạnh phúc gần như không có sắc màu. 

Xuân Phượng

 
In trang này