In trang này
Bạn chọn bố thí hay cúng dường?
Cập nhật ngày: 10/10/2021 2:40:57 PM
Chiều hôm trước trên đường đi dạy về, tôi dừng xe ở chỗ đèn đỏ và đưa cái bánh cùng ít tiền lẻ biếu bà cụ ăn xin vẫn hay ngồi ở đấy. Khi đưa tiền, bà chìa ngay cái mũ ra để nhận, còn bánh thì lập tức lắc đầu từ chối, vẻ như không thiết.

Bà còn khoát tay ý bảo thôi đi mau lên đi để người phía sau còn đến cho bà tiếp tục xin tiền.

Tôi biết đây là một tổ chức đưa người đi giả làm ăn mày để xin tiền người ta, thực ra bánh ấy trước đó tôi đã niệm Phật chú nguyện vào, mục đích để muốn kết duyên cho họ với Phật pháp mà thôi. Nhưng cuối cùng thì sao? Kẻ bị quê một cục, ngại ngùng xấu hổ hoá ra là kẻ đem cho chứ không phải kẻ đang ngửa tay xin tiền thiên hạ. Khi ấy tôi liền quán sát tâm niệm của mình xem thế nào, bị hẫng và tiu nghỉu giữa đường như thế có thay đổi từ niệm thương xót sang giận ghét hay không, có dấy lên sự hối tiếc vì đã giúp người không xứng đáng hay không.

Tôi bỗng nhớ đến lời Thầy dạy khi học đạo: "Không cần biết người khác đúng hay sai, trước tiên mình phải làm đúng", và hạnh đầu tiên của mười nguyện Phổ Hiền"Lễ kính những bậc đức hạnh thì chẳng có gì đáng nói, nếu đến cả những kẻ xấu ác cũng có thể cung kính được thì đó mới thật sự là cung kính", nghĩ vậy tôi liền cảm thấy rất bình thường, tâm ý lắng dịu trở lại. Dù người ta đang dùng thủ đoạn để lợi dụng tình thương và lòng tốt của người khác, nhưng ai ai cũng vẫn có Phật tánh, đấy là Phật tương lai, chẳng dám coi thường được, tôi thầm nguyện kết pháp duyên với những người như vậy, mong sau này có nhân duyên gặp lại sẽ cùng nhau học tập Phật pháp, cùng nhau giải thoát luân hồi sinh tử.

Bố thí cao thượng là người có lòng từ bi rộng lớn

'Lễ kính những bậc đức hạnh thì chẳng có gì đáng nói, nếu đến cả những kẻ xấu ác cũng có thể cung kính được thì đó mới thật sự là cung kính'. Ảnh minh họa.

"Lễ kính những bậc đức hạnh thì chẳng có gì đáng nói, nếu đến cả những kẻ xấu ác cũng có thể cung kính được thì đó mới thật sự là cung kính". Ảnh minh họa.

Trong cuộc sống, chúng ta thường hay gặp phải những tình huống như vậy, thường thì các bạn sẽ có thái độ xử trí như thế nào?

Có người bảo vẫn cho tiền vì thấy tội nghiệp, rằng với người nghèo khó thì so đo tính toán mấy đồng lẻ làm gì cho tổn hại đến lòng trắc ẩn, nhưng cũng không ít người không thích cho những đối tượng như vậy, bởi người nghèo thực sự thì ít mà kẻ lừa đảo xin tiền thì nhiều, cho họ tiền thì chỉ càng khuyến khích xuất hiện thêm những thành phần lười lao động, lợi dụng xã hội mà thôi.

Thực sự thì cuộc sống này có rất nhiều điều không thể chỉ đơn giản dùng một câu đúng – sai, nên – không nên mà phán định được. Tốt nhất mỗi người chúng ta nên ứng xử linh hoạt tùy theo tình huống, không quá khờ khạo cả tin, cũng không quá chi li xét nét. Giúp đỡ người phải có nguyên tắc, chia ra hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, giả sử bạn muốn đóng góp tịnh tài cho một việc thiện nguyện lợi ích cộng đồng, đây là một việc lớn, vậy bạn không thể chỉ mới nghe qua chút thông tin trên mạng, chưa biết thật giả thế nào đã vội vàng huy động anh em bạn bè cùng nhau đóng góp. Cách làm đúng đắn là trước tiên bạn nên tìm hiểu chắc chắn về uy tín của người hoặc tổ chức đứng ra nhận tài vật ủng hộ đó, phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo số tiền bạn đóng góp sẽ được dùng đúng chỗ, giúp đúng người.

Trường hợp thứ hai là nếu đang đi trên đường phố mà bỗng có một người ăn xin tiến đến chìa mũ về phía bạn thì sao? Cho hay không cho đây? Chắc hẳn nhiều người trước tiên sẽ phải nhìn qua đánh giá một lượt xem người ăn xin đó quần áo có rách rưới hay không, điệu bộ có đáng thương hay không đã. Thực ra cũng không nên suy đoán nhiều quá như vậy. Trường hợp này, nếu sẵn có ít tiền lẻ giúp được họ thì bạn cũng có thể tự nhiên mở ví mà không cần toan tính quá lâu. Nên nghĩ như thế này: nếu đây là người nghèo khổ thực sự thì chút tiền này sẽ có thể giúp họ tạm qua cơn đói khát, thật là giúp người đúng lúc, còn nếu nhỡ là kẻ giả ăn mày thì cũng không sao, bạn hãy vừa đưa tiền vừa niệm câu A Di Đà Phật cho họ nghe thấy, thầm nguyện kết pháp duyên với họ, mong họ nghe được câu Phật hiệu rồi sau này sẽ có nhân duyên học Phật, vô lượng kiếp sau cũng sẽ trở thành một vị Phật tương lai. Như vậy tiện cả đôi đường: vừa nuôi dưỡng tâm từ bi và lòng trắc ẩn của bạn ở mọi nơi, vừa thực hiện tài bố thí và pháp bố thí trong cùng một lúc. Huống chi chúng ta không có thần thông, đâu ai biết được người ăn mày kia rất có thể lại chính là một vị Phật, Bồ Tát hóa thân để thử thách chúng ta cũng nên. Mà dù không phải như vậy thì mỗi chúng sinh cũng đều là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai cả, khởi tâm nghĩ đây là đang cúng dường cho cha mẹ đời trước và chư Phật đời sau, vậy thì một niệm chuyển đổi lại ấy, không còn là hành động bố thí nữa mà nó đã trở thành cúng dường, nghĩa là bạn đã tu được công đức rất khó thể nghĩ bàn rồi.

 

Người thợ rừng cúng dường chiếc đĩa mặt trăng

Phật pháp là cuộc sống, là thực tế ứng dụng, học hỏi và rèn luyện tâm tánh từng chút một ở mọi nơi, mọi lúc...Ảnh minh họa.

Phật pháp là cuộc sống, là thực tế ứng dụng, học hỏi và rèn luyện tâm tánh từng chút một ở mọi nơi, mọi lúc...Ảnh minh họa.

Cho nên mười nguyện Phổ Hiền, hạnh đầu tiên chính là Lễ kính chư Phật, ý nghĩa thật sự thâm sâu! Chư Phật thì bao gồm cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Ai là chư Phật vị lai? Chính là hết thảy chúng sinh, kể cả những kẻ nghèo hèn xấu ác cho đến con muỗi con kiến con vi trùng, hết thảy đều là Phật tương lai cả. Nếu có thể nhìn bất cứ chúng sinh nào cũng đều xem thấy như Phật vị lai, vậy thì không phải cả ngày bạn đều ở chung với Phật hay sao?

Từ câu chuyện nhỏ trên đường nghĩ về những đạo lí được học trong Phật pháp, mới thấy Phật pháp là cuộc sống, là thực tế ứng dụng. Học hỏi và rèn luyện tâm tánh từng chút một ở mọi nơi, mọi lúc...

Nam mô Phật,

Nam mô Pháp,

Nam mô Tăng,

Nguyện từ nay đến tận cùng đời Vị Lai, con một lòng quy ngưỡng.

Nhờ cúng dường với tâm hoan hỉ được phước báu vô lượng

In trang này