In trang này
Chùa Liên Hoa và “hành trình xanh” bảo vệ môi trường
Cập nhật ngày: 10/10/2021 2:45:24 PM
Nhiều năm nay, đúng 5 giờ sáng ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, chư Tăng và Phật tử chùa Liên Hoa (Phường 8, Quận 11, TP.HCM) sẽ tiền hành quét dọn vệ sinh nhiều tuyến đường, tuyến hẻm trên địa bàn.

Đồng thời, chùa Liên Hoa còn được biết đến là ngôi chùa không đốt vàng mã trong suốt 23 năm qua.

“Điểm sáng” bảo vệ môi trường

Từ năm 2016, khi TP.HCM phát động phong trào “15 phút vì thành phố văn minh, sạch, đẹp”, các chư Tăng và Phật tử chùa Liên Hoa đã tích cực hưởng ứng, dành 15 phút mỗi ngày để dọn dẹp vệ sinh khu vực trước cửa chùa, cửa nhà. Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa, ban đầu chỉ có 2 vị tăng và 3 phật tử tham gia quét dọn vệ sinh hàng ngày. Trong khi đó, một số người cho rằng công việc quét rác ngoài đường là trách nhiệm của công nhân vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, chỉ sau một tuần phát động, số lượng Phật tử tham gia đã tăng lên và sau 1 tháng đã có 40 người tham gia dọn vệ sinh hàng ngày. Từ đây, Câu lạc bộ bảo vệ môi trường chùa Liên Hoa mang tên “Hành trình xanh” đã chính thức được thành lập với số thành viên không ngừng được gia tăng.

Thượng tọa Thích Duy Trấn và các thành viên Câu lạc bộ “Hành trình xanh” chùa Liên Hoa trong một buổi dọn vệ sinh môi trường (ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid -19).

Thượng tọa Thích Duy Trấn và các thành viên Câu lạc bộ “Hành trình xanh” chùa Liên Hoa trong một buổi dọn vệ sinh môi trường (ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid -19)

Chùa Liên Hoa đồng hành cùng 'Hành trình xanh'

Từ cuối năm 2018, thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, ngoài việc giữ gìn vệ sinh trước cửa nhà, cửa chùa hàng ngày, Câu lạc bộ Hành trình xanh chùa Liên Hoa đã tổ chức ra quân dọn vệ sinh cố định vào sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần

Theo đó, không quản ngại thời tiết mưa hay nắng, cứ đúng 5 giờ sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, sau khi được trang bị đầy đủ dụng cụ cần thiết, Thượng tọa Thích Duy Trấn cùng phật tử trong Câu lạc bộ tiến hành quét dọn vệ sinh khắp những tuyến đường, con hẻm trên địa bàn, rác thải sau khi được thu gom sẽ được phân loại ngay. Không chỉ dọn dẹp trên mặt đường, các thành viên Câu lạc bộ Hành trình xanh còn không ngại vất vả vớt rác dưới các miệng cống ngầm để khơi thông dòng chảy, không để ngập nước khi mưa.

Chư tăng chùa Liên Hoa tiến hành vớt rác tại miệng cống thoát nước để khơi thông dòng chảy ngăn ngập nước khi trời mưa.

Chư tăng chùa Liên Hoa tiến hành vớt rác tại miệng cống thoát nước để khơi thông dòng chảy ngăn ngập nước khi trời mưa.

Thượng tọa Thích Duy Trấn cho biết, địa bàn hoạt động của Câu lạc bộ không ngừng được mở rộng. Ngoài các tuyến đường, tuyến hẻm cố định, cứ thứ 6 hàng tuần, Câu lạc bộ sẽ cử thành viên đi khảo sát các các điểm ô nhiễm rác thải để sáng thứ 7 và chủ nhật tiến hành quét dọn. Các hoạt động của Câu lạc bộ Hành trình xanh chùa Liên Hoa đã nhận được sự hưởng ứng của người dân, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng. Trong các buổi sáng thứ 7 và chủ nhật, ngoài thành viên Câu lạc bộ, nhiều người dân cũng tích cực tham gia quét dọn, vệ sinh đường phố.

Chính vì vậy, trong những năm qua, các tuyến đường, tuyến hẻm trên địa bàn Phường 8 (Quận 11) luôn sạch sẽ, không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi không đúng quy định. Từ kết quả trên, Phường 8 đã được UBND TP.HCM công nhận là Phường sạch - xanh và thân thiện môi trường.

 

Ngôi chùa 23 năm không đốt vàng mã

Thượng tọa Thích Duy Trấn cho biết, đầu năm 1998, trong một chuyến đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt tại Thừa Thiên - Huế, chứng kiến sách vở của học sinh một trường tiểu học ố vàng, cũ nát do đã dùng đi dùng lại nhiều lần. Trong khi đó, ở Thành phố, hàng ngày có nhiều người đốt vàng mã với những tập giấy còn đẹp, trắng hơn cả sách vở của học sinh. “Tại sao số tiền để mua vàng mã rồi đem đốt đi ấy không để dành để mua sách vở mới cho học sinh?” – câu hỏi ấy cứ ám ảnh Thượng tọa trong suốt chuyến hành trình.

Trở về chùa, Thượng tòa Thích Duy Trấn đã trao đổi và vận động Phật tử, đặc biệt là những gia đình gửi tro cốt người thân tại chùa không đốt vàng mã khi đến chùa hành lễ và cúng vong linh người thân. Số tiền mua vàng mã sẽ được quy thành tiền và đóng góp vào quỹ từ thiện của nhà chùa. Cùng với đó, lò hoá vàng tại chùa được dỡ bỏ, việc thắp nhang trong chùa cũng được hạn chế.

Chùa Liên Hoa trao học bỏng cho học sinh nghèo hiếu học từ nguồn kinh phí vận động không đốt vàng mã.

Chùa Liên Hoa trao học bỏng cho học sinh nghèo hiếu học từ nguồn kinh phí vận động không đốt vàng mã.

Ban đầu chỉ có 30% người dân đồng ý không đốt vàng mã, trong đó một số kịch liệt phản đối. Họ cho rằng các chùa khác vẫn cho đốt bình thường, sao chùa Liên Hoa lại cầm? Một số người đã phản ứng bằng cách xin thỉnh hũ cốt người thân đem về nhà hoặc thờ ở chùa khác.

Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Duy Trấn vẫn không bỏ cuộc, kiên trì vận động, giải thích để người dân hiểu, bởi thay đổi một thói quen đã ăn sâu từ bao đời không phải là chuyện dễ dàng, một sớm một chiều.  Đặc biệt, chỉ sau một năm thực hiện chủ trương “không đốt vàng mã để chuyển thành tiền thật”, chùa Liên Hoa đã tổ chức chuyến từ thiện đầu tiên trao hàng trăm phần quà gồm sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam với vấn đề bảo vệ môi trường

Sau chuyến trao quà nhiều ý nghĩa cho học sinh nghèo bằng nguồn kinh phí tiết kiệm từ việc không đốt vàng mã, nhiều người đã thay đổi quan điểm và ủng hộnh nhà chùa. Đến nay, chùa Liên Hoa đã trài qua 23 năm không đốt vàng mã và hạn chế tối đa việc đốt nhang đèn. Theo Thượng tọa Thích Duy Trần, việc không đốt vàng mã còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ bầu khí quyển, bởi khi đốt gây ra nhiều khí độc hại từ các loại mực in trên vàng mã, gây khói bụi, làm chết cây cối. Vì vậy, dù là ngày lễ hay Rằm, mồng Một, không gian chùa luôn thông thoáng, trong lành và xanh ngát của cỏ cây hoa lá.

Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, sau 23 năm, tổng số tiền tiết kiệm từ không đốt vàng mã, nhang, đèn và vận động từ thiện xã hội, chùa Liên Hoa đã quyên góp được khoảng 30 tỉ đồng để giúp đỡ nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn, xây những ngôi nhà tình nghĩa, khoan giếng, làm nhà ở cho người nghèo, cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở các vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, hàng năm, chùa Liên Hoa còn tích cực tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi”, đón tiếp lo toàn bộ chi phí ăn ở cho hàng trăm thí sinh và phụ huynh từ các tỉnh miền Trung, miền Tây đến lưu trú tại chùa.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

In trang này