In trang này
Loài “hoa lạ” có phải là hoa ưu đàm?
Cập nhật ngày: 1/26/2022 3:43:00 PM
Một hiện tượng được một số người đồn thổi là... "hoa ưu đàm" 3,000 năm nở một lần nhưng lại có ở nhiều nơi
Một hiện tượng được một số người đồn thổi là... "hoa ưu đàm" 3,000 năm nở một lần nhưng lại có ở nhiều nơi

 
 
GNO - Những năm gần đây, trên các trang mạng xã hội và nhiều trang báo ở Việt Nam thường xuyên xuất hiện những thông tin về một loài hoa lạ, mọc trên thép, sắt, đá, gỗ, xi-măng, thủy tinh… nghĩa là chúng mọc không cần đất.

Người ta gán cho chúng thành loài hoa ưu đàm linh thiêng trong Phật giáo, ba nghìn năm mới nở một lần, điềm báo sẽ có một đấng Như Lai hoặc Đức Chuyển luân Thánh vương xuất hiện nơi thế giới con người. Vậy thực hư ra sao?

Loài “hoa lạ” có phải là hoa ưu đàm? ảnh 1

"Hoa lạ" mọc trên thành chậu lan ở chùa Bách Môn (Bắc Ninh) được cho là hoa "Ưu đàm" - Ảnh: C.K

Lạ nhưng không hiếm

Mới đây, một nhóm bạn Phật tử ở Hà Nội đưa lên Facebook ảnh chụp một loài hoa lạ, và khẳng định rằng đó là hoa Ưu đàm linh thiêng trong truyền thuyết nhà Phật. Tuần vừa qua, tôi theo các bạn trẻ đến chùa Bách Môn ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để chiêm ngưỡng loài hoa lạ đó. Trên chiếc vỏ nhựa đựng giá thể trồng một giò phong lan, mặt ngoài vỏ nhựa trong điều kiện không có đất, mọc ra 10 sinh vật nhỏ xíu, kích thước dài chưa tới 1cm. Không giống với mọi loài hoa thường thấy, loài sinh vật này có hình dạng tựa như những chiếc chuông nhỏ, màu trắng tinh khiết, nhỏ li ti, thân mảnh như sợi tơ trong suốt…

Sở dĩ nhóm bạn Phật tử trẻ tin chắc đó là hoa ưu đàm, vì chúng rất giống với hình ảnh từng được đưa trên báo chí và các trang mạng ở Hàn Quốc, Đài Loan từ nhiều năm trước. Theo đó, những bông hoa ưu đàm đầu tiên được nhìn thấy ở Hàn Quốc vào tháng 7-1997, trên bức tượng đồng Phật Như Lai của một ngôi chùa Phật giáo ở Kyungki Do. Có 24 bông hoa dài khoảng 0,25cm mọc trên ngực của tượng Phật Như Lai, khiến đông đảo người dân đổ xô đến đây để chiêm bái. Kể từ đó, loài hoa này đã khai nở khắp nơi trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Úc, Pháp, Hồng Kông…

Ở nước ta, từ năm 2012 đến nay, cũng ghi nhận nhiều thông tin về hoa ưu đàm huyền thoại đã liên tục khai nở khắp các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Nghệ An, Đắk Lắk, Phú Yên, Thái Nguyên, Nam Định… Đó là, một khóm hoa ưu đàm nở trên chuông đồng vào tháng 5-2012 tại đền Tràng Kênh, Hải Phòng.

Ngày 3-6 cùng năm, báo chí trong nước đưa tin: gia đình ông Đinh Gò (ở huyện Tuy An, Phú Yên) đã phát hiện trên cửa kính, song sắt cưa nhà có một loài hoa lạ mọc thành từng khóm, có chỗ 5 bông, có chỗ 8 bông… Sau đó, gia đinh Thạc sĩ Lê Văn Mậu (giáo viên môn Sinh vât Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) phát hiện trên lá cây sả trước nhà có một khóm hoa màu trắng li ti, giống hình dáng loài hoa nhà ông Đinh Gò. Hoa ở nhà ông Mậu có chiều cao khoảng 80mm, hoa có hình chuông, màu trắng nhiều cánh, có nhị, thân mảnh như sợi tơ, được sắp xếp vươn theo hướng sáng, một số hoa nở ra có nhụy; quan sát bằng kính lúp có thể thấy có nhiều tính chất để khẳng định đây là một loài thực vật.

Tiếp đến, anh Huỳnh Vinh Quang ở TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cũng phát hiện ban-công nhà anh có nhiều bông “hoa lạ” đang nở giống hệt, mọc đều trên tấm lưới thép B40. Tháng 7-2012, gia đình chị Huỳnh Thị Nhung ở Tịnh Biên, An Giang đã phát hiện khóm hoa ưu đàm bé li ti mọc ra từ mấy sợi dây mới giăng để làm giàn dưa leo. Rồi sau đó, hoa ưu đàm được phát hiện tại nhà nhiếp ảnh gia Hoài Sơn ở TP. HCM. Cùng với, hoa ưu đàm mọc ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vào tháng 7-2012, nở trên song sắt của một dãy phòng trọ ở Đắk Lắk năm 2013, khai nở khắp vườn nhà của một học viên Pháp luân công ở huyện Nghĩa Thành, Quảng Ngãi vào tháng 4-2014…

Sự huyền bí được gán cho kinh Phật

Sở dĩ sinh vật lạ gây xôn xao trong dư luận nhiều nước suốt những năm qua, vì chúng ẩn chứa nhiều điều đặc biệt. Không chỉ lạ ở hình dáng, kích thước, mà còn vì chúng mọc trong những điều kiện không có đất, không có ánh sáng, không có nước. Có nơi hoa mọc liên tục trong vài năm, lại có nơi cùng lúc có hơn vài trăm, vài nghìn đóa cùng khai nở. Đặc biệt, vật này thường xuất hiện vào tháng Tư âm lịch, xung quanh kỳ Phật đản.

Theo một bài viết đăng trên báo ở Đài Loan của ký giả Đại Kỷ Nguyên Trương Nhã Huệ, vào mùa thu năm 2008, tại Miêu Lật, Đài Loan có một học viên Pháp luân công họ Trương đã tu luyện vài năm, bỗng phát hiện cánh cửa sắt nhà anh có một cụm hoa ưu đàm. Ban đầu có 30 đóa hoa mọc trên khung cửa sắt, sau đó một tuần thì xuất hiện 500-600 đóa hoa cũng tại chỗ đó. Một người em làm về kỹ thuật của ông cắt một cụm hoa đem về phòng thí nghiệm, dùng kính hiển vi phóng đại lên 400 lần để quan sát.

Dưới kính hiển vi, đóa hoa hiện ra có màu trắng thuần khiết, thân và cành đều trong suốt, viền cánh hoa có màu xanh lục, phủ đầy những điểm sáng màu trắng long lanh. Điều làm mọi người ngạc nhiên hơn là đằng sau đóa hoa xuất hiện rất nhiều Pháp luân. Đồng thời điều thần kỳ nữa là, một tuần sau khi bị cắt, phần gốc của hoa lại mọc trở lại, nở hoa giống hệt như trước.

 

Nhiều người dân ở Hàn Quốc, Đài Loan tin rằng sinh vật lạ xuất hiện chính là hoa ưu đàm, vì trong kinh Phật có ghi chép về “tiên giới kỳ hoa” 3.000 năm mới nở một lần. Đó là hoa Udumbara trong tiếng Phạn, phiên âm tiếng Việt là Ưu đàm bà-la, có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời”. Nếu một đấng Như Lai hoặc Đức Chuyển luân Thánh vương xuất hiện nơi thế giới con người, loài hoa này sẽ xuất hiện nhờ đại đức và đại ân của Ngài.

Tuy vậy, Hòa thượng Thích Đức Cương, trụ trì chùa Phổ Chiếu, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng cho rằng, nếu quán chiếu theo kinh Phật, sự kiện hoa ưu đàm xuất hiện và nở có ý nghĩa tương tự như việc Đức Phật ra đời. Hoa này là một loài kỳ hoa dị thảo, mọc những nơi linh thiêng nên không có chuyện mọc tùy tiện như mọc trên dây thép, trên các vật tầm thường. Loài sinh vật nêu trên xuất hiện rất nhiều ở nước ta, thì không thể được coi là loài hoa lạ, và càng không phải hoa ưu đàm linh thiêng đề cập trong kinh Phật.

Đại đức Thích Minh Tri, Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội cho hay, một số tài liệu về Phật giáo ghi: Cây sung cũng được gọi là cây Udumbara, vì loài cây này còn nhiều điều bí ẩn và kỳ diệu, đặc biệt không có hoa mà vẫn có quả. Tuy nhiên, ngày nay các nhà khoa học đã giải mã và kết luận rằng cái mà người ta gọi là trái sung, thật ra đó là hoa. Bên trong mọc tua tủa những cánh hoa li ti và được khép kín lại, hình tròn, bầu bĩnh, trông giống như quả. Trên đầu quả có một lỗ nhỏ khiến cho các loài côn trùng nhỏ xíu chui lọt vào bên trong. Chính vì thế khi chúng ta mổ đôi trái sung thường thấy có vô số côn trùng bu quanh khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên.

Loài “hoa lạ” có phải là hoa ưu đàm? ảnh 2

Cũng lòa hoa này "mọc" nhiều nơi, trên cả logo xe ô-tô - Ảnh: Zing.vn

Theo Đại đức Minh Tri, kinh “Huệ Lâm âm nghĩa” viết rằng “Hoa ưu đàm do điềm lành linh dị sinh ra; đây là một loại hoa của cõi thiên, thế gian không có”. Từ xưa tới nay, chưa từng có tài liệu nào mô tả về hình dáng loài hoa ưu đàm màu trắng trong, có thân mảnh như sợi chỉ như những sinh vật lạ xuất hiện nhiều thời gian gần đây. Bởi vậy, nếu nói nhìn thấy hoa ưu đàm nở ngoài tự nhiên thì thực sự khó hiểu, cần phải nghiên cứu kỹ.

Các nhà khoa học nói gì?

Các nhà khoa học thường ít tin vào những điều huyền bí, nên khi chúng tôi hỏi ý kiến, thì thường họ phỏng đoán loài vật này theo hướng khác. TS.Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa của Viện Nghiên cứu Rau quả nhận định, đây không phải là một loài thực vật, vì chúng không có bộ phận nào mang màu xanh của diệp lục. Một giả thuyết cho rằng, đây là trứng của một loài côn trùng. Từng có nhà khoa học phỏng đoán chúng là ấu trùng loài lacewing. Khi đẻ trứng, loài vật này tiết ra một chất keo dính và nâng bụng của nó lên để tạo thành một cuống mỏng.

Khi chúng tôi đưa cho TS.Nguyễn Bá Tiếp, giảng viên khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam xem những tấm ảnh về sinh vật lạ, thì ông nêu quan điểm khác. TS.Tiếp cho rằng, chưa từng thấy trứng, ấu trùng của loài côn trùng nào có hình dạng như vậy. Ấu trùng của loài lacewing tuy có cuống, nhưng có kích thước lớn hơn và hình dáng cũng rất khác. Bởi vậy, đây khó có thể là sản phẩm từ động vật.

Theo GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, Phòng Công nghệ và Giống gốc nấm, Đại học Quốc gia Hà Nội, thực chất loài sinh vật mà nhiều người gọi tên là hoa ưu đàm là sinh vật bậc thấp chưa có cấu trúc mô. Qua quan sát trên kính hiển vi có độ phóng đại 400 lần với mẫu hoa ưu đàm mà ông có được thì đây là một thể nhầy trong suốt vắt ngang chiếc lá, thân của thể nhầy này mới phát triển, chưa có hoa và cũng trong suốt như pha lê… Có thể đây một loài nấm nhầy, khi gặp điều kiện thích hợp, môi trường thuận lợi, khối nhầy sẽ tạo ra các thể sinh sản mang bào tử, phát triển.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Chính, khoa Sinh học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, chưa thể khẳng định được loài này. Nếu đây là loài nấm nhầy cũng chưa đủ cơ sở vì nấm nhầy không dễ xuất hiện cả trên đồng, sắt và trên lá cây giống như ảnh các báo chí đã nêu. Có thể đây là nấm mốc, bởi nấm mốc cũng có thể xuất hiện ở bất cứ môi trường sống nào mà không cần điều kiện đất, độ ẩm.

Phải nhìn nhận rằng, loài sinh vật lạ nêu trên xuất hiện ngày càng nhiều và khiến dư luận bán tín bán nghi. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu cụ thể về cấu trúc, gene của loài sinh vật này, mà mới chỉ phỏng đoán qua ảnh. Mong giới khoa học trong ngành các ngành sinh vật, nông nghiệp nước ta quan tâm nghiên cứu để đưa ra kết luận rõ ràng để định hướng dư luận.

 
In trang này