In trang này
Búp sen xóm núi
Cập nhật ngày: 10/1/2018 7:28:15 AM
 
GN - Chị sẽ rất nhớ em, em gái!

- Em cũng sẽ rất nhớ chị! Khi nào rảnh, chị lại lên chơi với em nhé!

- Tất nhiên rồi. Chị sẽ trở lại. 

Hồng Liên cứ đứng ôm lấy Thủy Chi như thế mãi nếu như bác tài không bấm còi thúc giục lần nữa. Cuộc chia tay bùi ngùi giữa đoàn thiện nguyện và người dân xã vùng núi đầy bịn rịn, lưu luyến.

rang.jpg

Người dân xóm núi đón đoàn thiện nguyện vào một buổi chiều khi ráng trời đã đỏ au như hòn than sắp tàn. Gió núi đem hương rừng man mác phả vào tâm hồn những vị khách nơi phố thị một cảm giác thư thái, an nhiên. Hồng Liên dang hai tay hít vào lồng ngực hương rừng thoang thoảng và cảm thấy thật khoan khoái. Vậy là một phần hai chặng đường của hành trình thiện nguyện đã qua đi. Là một nữ doanh nhân, sống ở phố đã quen, giờ đứng giữa núi rừng, Hồng Liên cảm thấy tuổi 30 của mình thật ý nghĩa. Cô tự nhủ trong chuyến thiện nguyện này sẽ gom thật nhiều món quà tinh thần của rừng núi về phố khoe với ông nội. 

- Em chào chị! - Đang miên man với những dòng suy nghĩ bất chợt, Hồng Liên giật mình sau tiếng chào nhẹ nhàng của ai đó. Cô quay lại. Cô bé có gương mặt rạng ngời, nụ cười sáng biếc, tóc tết thành hai bím gọn lỏn, bộ quần áo đã cũ nhưng trông rất gọn gàng, tuy cao khoảng một mét nhưng hiện lên vẻ chững chạc, chín chắn. Hồng Liên cảm thấy vui sướng khi cô bé đặt vào tay cô bó hoa rừng đủ màu trắng, đỏ dìu dịu đưa hương. 

- Cảm ơn em! Em tên gì? 

- Em tên Thủy Chi. 

- Thủy Chi? Tên em cũng có nghĩa là hoa sen như tên chị đấy! Chị tên là Hồng Liên. 

Thủy Chi nhoẻn miệng cười rồi chạy mất hút vào con đường nhỏ mọc đầy hoa dại trước mặt khiến Hồng Liên càng tò mò. 

Sáng hôm sau, người dân xã vùng cao đón đoàn thiện nguyện bằng sự thân thiện, đông vui và nhộn nhịp. Trong tiết mục múa mở màn của các em học sinh, Hồng Liên nhận ra Thủy Chi. Cô bé nhỏ nhất trong đội múa nhưng lại là người múa chính với khuôn mặt sáng và nụ cười rạng rỡ. Hồng Liên chưa hết tò mò thì người phụ nữ ngồi bên vỗ tay nhiệt liệt, giọng hồ hởi:

- Cô bé nhỏ nhất đội múa ấy tên là Thủy Chi. Năm nay học lớp 12 rồi đấy. Gia đình nghèo lắm. Nhưng được cái chăm ngoan, học giỏi. 

Mãi ngắm nhìn nụ cười của Thủy Chi, Hồng Liên sững lại khi nghe người phụ nữ bên cạnh nói về số tuổi của cô bé.

- Bé Thủy Chi năm nay đã học lớp 12 rồi hả cô? Nhưng bé nhỏ vậy mà?

- Đúng rồi. Con bé đã 18 tuổi rồi đấy. Nó giống ba của nó. 

Người phụ nữ bỏ lửng câu chuyện khiến Hồng Liên càng muốn tìm hiểu rõ hơn về gia đình của Thủy Chi. Cuối buổi, cô men theo con đường mòn đầy cỏ dại có ý tìm đến nhà của Thủy Chi. Trước mắt cô là ngôi nhà lá liêu xiêu, tuềnh toàng. Ở góc sân, một người đàn ông nhỏ thó đang ngồi đan rổ, rá một cách tỉ mẩn. Qua câu chuyện của người phụ nữ trong thôn nói khi sáng, Hồng Liên đoán chắc đó là ba của Thủy Chi.

- Chào anh!

- Chào cô! Cô vào nhà chơi! Sau mấy câu chào hỏi, giới thiệu xã giao, anh Lừng, ba của Thủy Chi niềm nở mời Hồng Liên vào nhà. Thế rồi trước lạ sau quen, chẳng cần giữ kẽ, câu chuyện về  gia đình, về cô bé Thủy Chi qua lời kể của anh Lừng cứ thế trôi đi trong căn nhà lặng lẽ.

Cha của anh Lừng hy sinh trong chiến tranh khi anh mới lọt lòng. Một mình mẹ anh lặng lẽ nuôi anh đến năm 15 tuổi thì bà cũng ra đi sau một trận đau bệnh nặng. Chẳng may mắn như bao người khác, anh Lừng khi sinh ra đã là đứa trẻ bất hạnh khi tuổi cứ lớn dần mà chiều cao thì cứ mãi dừng lại ở 1 mét không hơn không kém. Có lần, các bác sĩ về thôn khám bệnh, họ nhìn anh rồi bảo anh bị rối loạn về nội tiết gì đó trong cơ thể. Anh biết vậy và chấp nhận sống với những thiệt thòi của mình. Cuộc sống càng trở nên khó khăn khi bản thân anh không thể mang vác nặng. Không được đến trường, anh Lừng chịu cảnh mù chữ từ bé. Tưởng như cuộc đời khép lại với anh trong sự cô đơn, buồn bã thì tình yêu lại đến với anh như một phép màu. 

Ông trời công bằng khi cho ông tơ bà nguyệt xe duyên anh với Mùi, cô gái trẻ xinh đẹp, cao ráo, nhỏ hơn anh 5 tuổi và được học hành tương đối. Mối tình so le như đôi đũa lệch ấy ban đầu bị gia đình Mùi phản đối dữ dội. Phải mất ba năm, bằng thời gian, sự kiên trì và tình cảm chân thành cả hai dành cho nhau, cuối cùng định kiến khắc nghiệt kia cũng không thể đánh đổ thành trì tình yêu của họ. Một đám cưới với đôi ba mâm cơm đạm bạc do gia đình nhà gái chuẩn bị đã giúp cho đôi trẻ nên duyên vợ chồng. Anh tập tành nghề đan lát từ ba vợ. Còn chị Mùi gánh hàng đan lát xuống chợ huyện bán kiếm tiền đong gạo. 

Hai năm sau, ước mơ có một đứa con của vợ chồng anh Lừng được toại nguyện khi chị Mùi sinh ra một bé gái khỏe mạnh. Họ đặt cho con tên gọi Thủy Chi, nghĩa là hoa sen, vì tin tưởng rằng sau này con lớn lên sẽ có ý chí, nghị lực và niềm tin trong cuộc sống.  Nhưng niềm vui chỉ đến với họ một nửa khi đứa bé càng lớn lại càng giống anh như đúc.

Thủy Chi cứ thế lớn lên trong tình yêu thương, sự bao bọc và chở che của vợ chồng anh Lừng cũng như gia đình bên ngoại. Hạnh phúc với vợ chồng anh là khi con càng lớn càng học giỏi. Không chỉ thế, Thủy Chi còn học lỏm nghề đan từ ba. Hàng ngày, một chiều đi học, một chiều cô bé ở nhà phụ ba mẹ đan lát. Dẫu vợ chồng anh Lừng khuyên con dành thời gian để học tập nhưng cô bé Thủy Chi vẫn muốn san sẻ bớt nhọc nhằn giúp ba mẹ bằng những việc nho nhỏ vừa sức với mình. Được thầy cô, bạn bè quý mến bởi ý chí cầu tiến và niềm lạc quan trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động, Thủy Chi càng nỗ lực vươn lên khẳng định mình.

Rồi hoàn cảnh gia đình càng khó khăn hơn khi chị Mùi một lần đi chợ, trượt chân ngã xuống núi bị gãy chân. Việc chợ búa, bán buôn cũng thưa dần. Cuộc sống chật vật hơn gấp bội. Có lần, Thủy Chi đã thủ thỉ với ba mẹ về ước mơ trong tương lai của mình là muốn trở thành bác sĩ. Biết ước mơ của con là chính đáng nhưng sức khỏe của con, rồi điều kiện gia đình làm sao có thể giúp con toại nguyện. Anh Lừng bùi ngùi nhìn Hồng Liên, bộc bạch:

- Tôi chỉ mong con bé Thủy Chi có đủ sức khỏe. Con bé học được đến đâu vợ chồng tôi vui đến đó. Dù thế nào chúng tôi cũng sẽ cố gắng làm lụng để lo cho con... 

Đang dở câu chuyện thì mẹ con Thủy Chi về. Trong khi chị Mùi niềm nở mời Hồng Liên ở lại ăn bữa cơm với gia đình thì Thủy Chi bưng rổ rau rừng ra khoe:

- Em theo mẹ đi hái rau rừng. Đầu mùa mưa, rau non và ngọt lắm. Chị ở lại ăn cơm luôn nghe chị! 

Biết không thể từ chối lời mời chân thành của Thủy Chi, Hồng Liên mỉm cười nhận lời. Bữa cơm của gia đình Thủy Chi hôm ấy đặc biệt hơn mọi ngày bởi những câu chuyện, tiếng cười giòn tan của khách và chủ thân thiết như người trong một nhà.

Thời gian đoàn thiện nguyện ở lại cùng người dân xóm núi không dài nhưng với Hồng Liên đó là những khoảnh khắc tuyệt vời. Càng tiếp xúc với Thủy Chi, Hồng Liên càng thấy quý mến cô bé tí hon hoạt bát, vui tính và luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Hồng Liên nhìn Thủy Chi cười bảo:

- Mình kết nghĩa chị em nhé!

- Dạ. Em rất vui!... Bàn tay Hồng Liên nắm chặt bàn tay nhỏ bé của Thủy Chi. Nhìn khóe mắt Thủy Chi, Hồng Liên nhận ra niềm hạnh phúc rưng rưng ngập tràn.

Gia đình anh Lừng được chính quyền địa phương cấp cho ngôi nhà tình nghĩa đúng vào những ngày tháng 8. Thủy Chi có giấy báo vào đại học cũng trong khoảng thời gian ấy. Cô bé vui nhất khi khoe với ba mẹ được chị Hồng Liên nhận làm chị em kết nghĩa. Hồng Liên còn hứa với gia đình anh Lừng sẽ quan tâm, giúp đỡ Thủy Chi trong thời gian em học đại học cũng như sau khi tốt nghiệp ra trường. Vợ chồng anh Lừng vui đến phát khóc và chẳng biết nói gì ngoài hai tiếng cảm ơn. 

Hồng Liên ngồi tần ngần trên xe ngắm cảnh núi rừng trước giờ phút chia tay xóm núi. Xe chầm chậm lăn bánh. Con đường đất núi đỏ quạch, ngoằn ngoèo sau cơn mưa buổi sáng bỗng trở nên nhèm nhẹp, dẻo quẹo. Giọt nước mắt trong vắt lăn tròn trên má Hồng Liên nóng hổi. Qua màn mưa lất phất, ngoái đầu nhìn lại, cô vẫn như thấy bóng dáng Thủy Chi dõi theo chiếc xe khách nhỏ dần và mất hút cuối con đường qua những cánh rừng cao su xanh ngút ngàn.

Truyện ngắn Lê Thị Xuyên

 
In trang này