In trang này
Trò chuyện cùng tác giả Huỳnh Thanh Bình: “Biểu tượng thần thoại về chư thiên & linh vật Phật giáo”
Cập nhật ngày: 11/7/2018 7:20:25 AM
 
GN - Có lịch sử ngót hơn hai ngàn năm, kể từ khi du nhập vào nước ta, Phật giáo đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm và trở thành tôn giáo quan trọng của người Việt. Song, với sự phong phú, đa dạng và tiếp biến linh hoạt của văn hóa - nghệ thuật Phật giáo theo dòng chảy lịch sử, không phải ai cũng hiểu được toàn vẹn về xuất xứ, cũng như ý nghĩa của những bức tượng, phù điêu, tranh vẽ, biểu tượng… đặc trưng của nhà Phật.

Chính từ sự thắc mắc ấy, tác giả Huỳnh Thanh Bình đã bắt tay nghiên cứu, tìm hiểu một cách chi tiết, cặn kẽ các biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo. Qua đó, với tác phẩm “Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo” được ra mắt dịp này, độc giả sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về ý nghĩa, cũng như tín niệm của các vị thần, linh vật và những vị hộ pháp vẫn thường được nhìn thấy nơi chùa chiền, hoặc trong các kinh điển của Phật giáo từ trước đến nay… 

IMG_20181007_212757.jpg
Sách của tác giả Huỳnh Thanh Bình - Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo
- Ảnh: Trương Điền

Nói về nhân duyên nghiên cứu đề tài “chư thiên” và “linh vật”, nhà nghiên cứu trẻ này chia sẻ:

- Ở xứ ta, các biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo thường được nghe, đọc trong kinh văn, thấy nơi các chùa chiền, cũng như thường được đề cập trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đây đó, người ta bảo kẻ này dữ như Dạ-xoa, người kia là “bà La-sát” v.v… Nhưng Dạ-xoa là ai, La-sát là gì thì không phải ai cũng nắm được một “sơ yếu lý lịch” về các loài sinh linh ấy. Các chư thiên, linh vật đa phần trường hợp cũng được tiếp cận ở chừng mực danh lý thông tục như vậy, với cách hiểu nhiều pha trộn đa tạp. Đây là một trở ngại thật sự khi chúng ta muốn tiếp cận đến di sản mỹ thuật Phật giáo, cũng như tìm hiểu các vấn đề lịch sử-văn hóa liên quan, thậm chí cản trở việc thấu hiểu nội dung kinh văn nhà Phật.

Khởi đi từ việc tìm hiểu nội dung đề tài của các dòng tranh kiếng ở Nam Bộ, tôi đã vấp phải một lỗ hổng kiến thức như vậy. Do đó, tôi nhận thấy, cái bắt đầu phải làm là mày mò tìm đọc, tìm các bậc tôn túc để học hỏi… Sau một thời gian, tôi mới quyết định viết thử về đề tài này, từng vị từng vị một, từ linh vật này sang linh vật khác, trước hết là gửi đăng ở nguyệt san Giác Ngộ - phụ trương nghiên cứu Phật học của báo Giác Ngộ, một trong những kênh thông tin Phật giáo chính thống, mà theo tôi, sẽ có kiểm chứng chính xác nhất cho nghiên cứu nhỏ của mình. 

Dần dần như vậy, suốt mấy năm mới thành một tập hợp tương đối đầy đủ về các chư thiên và linh vật Phật giáo, để đến nay, tôi hệ thống lại thành tập sách này.

Trên thực tế, Phật giáo không đề cao các yếu tố “thần linh”. Như vậy, theo chị, liệu có nảy sinh đối lập về sự xuất hiện, hay ý nghĩa của các biểu tượng chư thiên và linh vật, khi đưa chúng vào quan niệm Phật giáo hay không?

- Theo tôi, đặc trưng khác biệt lớn nhất của Phật giáo so với các tôn giáo khác là ở tính chất vô thần. Phật giáo xem xét thế giới từ góc độ nhân duyên, phủ nhận uy quyền của quỷ thần hoặc linh hồn chủ tể vĩnh hằng. Tuy phủ nhận sự tồn tại của một đấng chủ tể tối cao của vũ trụ, nhưng Phật giáo vẫn thừa nhận sự hiện hữu của các quỷ thần ở bên ngoài cõi người. 

Có điều là, Phật giáo cho rằng quỷ thần cũng một dạng chúng sinh như loài người, cũng là loài hữu tình mà không hề có quyền uy chủ tể, có tác động quyết định đến số phận con người. Điều này cắt nghĩa sự tồn tại một tập hợp quỷ thần, linh vật trong kinh văn cũng như trong các dạng thức văn hóa - nghệ thuật Phật giáo, đặc biệt là trong nghệ thuật tạo hình, từ tượng thờ, các đồ án trang trí kiến trúc chùa tháp, đến bích họa, tranh vẽ…

Có thể thấy, tuy xuất phát từ khái niệm Phật giáo, với cùng một tạo hình giống nhau, song, vì sao lại có sự khác biệt về ý nghĩa của các biểu tượng chư thiên và linh vật Phật giáo, chị có thể giải thích thêm về điều này?

- Khác với đạo Hindu và đạo Kỳ-na là tôn giáo chủ yếu phát triển ở nội địa Ấn Độ, đạo Phật trở thành một tôn giáo phổ truyền: tuy đã mất vị thế ở quê hương, nhưng giáo lý của Đức Phật được truyền bá rộng rãi đến tận Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á. Tại mỗi tọa độ địa lý - văn hóa, tùy theo truyền thống Đại thừa, Tiểu thừa hay Kim Cang thừa, các biểu tượng quỷ thần và linh vật lại được bảo lưu và đồng thời được tích hợp vào mình những thuộc tính bản địa tạo nên biểu tượng mới cả về thần tích, tín lý, công năng, lẫn hình tướng, trang phục, trì vật… một cách đa dạng, nhằm phát triển một thế giới biểu tượng riêng có chức năng hướng dẫn và cấu trúc cuộc sống của tín đồ. 

Dĩ nhiên, các biểu tượng này khởi đi từ một nguồn và được cải biến theo một định hướng chung, là hoằng truyền Phật pháp, song từng nơi, từng lúc các biểu tượng đó phản ánh chân lý theo cách riêng thích ứng với tổng phổ văn hóa - tín ngưỡng tại nơi thổ ngơi nó được cấy trồng. Điều đó giải thích sự khác biệt về ý nghĩa và hình tướng của các biểu tượng ở từng ngữ cảnh văn hóa.

Rõ ràng, hiện nay, nhiều nơi đang có biểu hiện lạm dụng các biểu tượng chư thiên và linh vật xuất phát từ nguồn gốc Phật giáo, theo chiều hướng mê tín dị đoan, gây nên một nhận thức sai lệch về giáo lý đạo Phật. Nhận định của chị như thế nào trước vấn đề này?

- Quả thực, trong quá trình nghiên cứu, mình có nhận thấy rõ điều đó, rằng rất nhiều nơi, thậm chí trong chính cửa thiền, một số nơi vẫn diễn ra tình trạng thờ tự các linh vật, chư thiên Phật giáo, nhưng hiểu sai về mặt ý nghĩa. Rõ ràng điều này, vô tình tạo nên sự mê tín, một thực trạng của hầu hết các tôn giáo.

Để có thể nắm bắt được những hiểu biết cơ bản nhất của mỗi đối tượng buộc phải có những thông tin về nguồn gốc, lịch sử và cách thức tiếp biến đối tượng đó tại từng tọa độ địa lý-văn hóa, mới đối sánh và xác định nên nội dung, đặc điểm và tính chất của đối tượng đó trong từng biểu tượng và chức năng tâm linh của chúng đối với mỗi cộng đồng dân tộc cụ thể. Và chính những điều đó, cũng giúp chúng ta nhận ra những đặc điểm riêng trong cách tiếp nhận, hệ thống cách hiểu của dân tộc mình về các biểu tượng thần thoại này.

Nhìn chung, tập hợp chư thiên và linh vật Phật giáo được các dân tộc tiếp nhận không đồng đều như nhau và trong ngữ cảnh phong hóa từng cộng đồng cư dân, việc sùng bái, tôn thờ các đối tượng này nọ đậm nhạt cũng khác nhau. Ở xứ ta cũng vậy. Do đó, có những đối tượng được coi trọng, phổ biến rộng và ngược lại có không ít đối tượng không được chú tâm đến, có đối tượng hội nhập vào hệ thống thần linh bản xứ với ít nhiều canh cải và có đối tượng tồn tại song song với các thần linh, linh vật bản địa, thậm chí chỉ có mặt trong chùa chiền và không phổ biến rộng rãi trong phong hóa chung. 

Mặt khác, theo sự biến chuyển lịch sử, cũng có đối tượng được sùng bái ở giai đoạn trước và tuyệt tích trong giai đoạn sau; lại cũng có những đối tượng mới được sùng bái trong xã hội đương đại ngày nay mà xưa kia không thấy dấu vết tồn tại.

Như vậy, việc xem xét theo cái nhìn lịch đại về tập hợp chư thiên và linh vật Phật giáo hứa hẹn cho chúng ta những khám phá lý thú về lịch sử văn hóa nói chung, lịch sử văn hóa Phật giáo nói riêng, cũng như nội hàm các biểu tượng văn hóa, đa phần là mang tính chất tổng hợp, của dân tộc ta. 

Mặt khác, việc xem xét tập hợp này theo lát cắt đồng đại sẽ giúp cho chúng ta xác lập được cơ cấu chư thiên và linh vật Phật giáo khu biệt với cơ cấu thần thánh và linh vật của Đạo giáo, với hệ thống thần linh và linh vật thuộc truyền thống dân gian tồn tại và lưu truyền qua thần thoại và truyền thuyết… Đây là những vấn đề cần tiếp tục tìm hiểu trong tương lai khi có điều kiện thuận lợi.

Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ hôm nay.

 

IMG_20181008_185716.jpg
Tác giả Huỳnh Thanh Bình (ảnh - sinh năm 1985), hiện làm việc tại Bảo tàng TP.HCM. Tác phẩm đã xuất bản: Tranh kiếng Nam Bộ, Nxb Hồng Đức, 2013 và hơn 100 bài viết về văn hóa thế giới, mỹ thuật Phật giáo, mỹ thuật VN và văn hóa dân gian trong và ngoài nước đã công bố.  

Với sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong từng bài viết, tác giả Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo giới thiệu đến bạn những thông tin, theo đó, để hiểu hơn về gốc tích về những câu chuyện Ông Thiện Ông Ác, về đồ án Cửu Long phún thủy, rắn thần Naga; nguồn gốc của những Dạ-xoa, La-sát, chằn tinh… Cùng với đó là những cải đổi, khác biệt về hình tượng và ý nghĩa của chư thiên, linh vật Phật giáo khi du nhập đến những nền văn hóa khác nhau. Rất nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, nhiều hình ảnh đã được tác giả sử dụng để minh họa cho phần nội dung, tất cả đã góp phần tạo nên sự phong phú và sinh động cho cuốn sách. Sách dày 559 trang, NxbTổng Hợp TP.HCM ấn hành, 2018.

“Ở chùa Phật Học Xá Lợi có một câu: “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đãy sách”, đây là một câu châm ngôn mà mình rất tâm đắc, và luôn lấy đó làm phương châm cho mình. Là một Phật tử, mình thấy để làm được điều đó cần phải nhiều cố gắng và mong được chư Phật gia hộ”, tác giả Huỳnh Thanh Bình chia sẻ.

Giao Hảo thực hiện

 
 
In trang này