GN - Trụ trì tức trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng. Đó là lý tưởng của người tu, nhưng thực tế cuộc sống của chúng ta không phù hợp với điều này, thì chỉ là không tưởng. Vì vậy, cần phải kết hợp được việc giữ Như Lai tạng với hiện thực cuộc sống là điều quan trọng của vị trụ trì.
Vị trụ trì được Giáo hội bổ nhiệm, thay mặt Giáo hội để tạo mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp với quần chúng và chính quyền địa phương. Như vậy, về phương diện pháp lý, đối với Giáo hội và chính quyền, các vị trụ trì là cán bộ cơ sở đặt dưới sự điều hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các vị trụ trì nói riêng và chư Tăng nói chung, đều sinh hoạt theo nội quy Tăng sự quy định. Chúng ta sống đúng vị trí và tuân thủ luật đạo, luật đời, thì chắc chắn được an lành.
HT.Thích Trí Quảng ban đạo từ tại khóa sinh hoạt hành chánh Giáo hội và
bồi dưỡng trụ trì do Phật giáo TP.HCM tổ chức từ 31-10 tới 3-11 qua - Ảnh: Bảo Toàn
Nếu đạo cao đức trọng, xứng đáng làm trụ trì một ngôi chùa lớn, nhưng ta ở chùa nhỏ, thì người cũng thỉnh về chùa lớn, hoặc ngôi chùa nhỏ mà ta chăm sóc cũng dần dần phát triển thành chùa lớn, vì chùa là xác và thầy trụ trì là hồn. Tâm hồn lớn thì ngôi chùa bên ngoài cũng lớn theo. Trái lại, nếu tài hèn, đức mọn, chúng ta trụ trì chùa Tổ, nhưng Tăng chúng không kính nể, Phật tử không quý mến, hỗ trợ, thì vô số vấn đề khó khăn bao vây, ta không thể nào chịu đựng nổi.
Như đã nói, trụ trì nghĩa là trụ Pháp Vương gia, tức ở nhà của đấng Pháp Vương. Như vậy, tất cả chùa được coi là cơ sở Phật giáo, là nhà của Phật, thì điều quan trọng của trụ trì là phải làm cho người thấy được chùa là nhà của Phật và trong nhà của Phật đương nhiên có những điều mà bên ngoài không có được, nên người phải tìm đến chùa. Đó là bước đầu mà vị trụ trì phải ý thức được mình đang sở hữu kho báu của Như Lai, cần phải giữ gìn và ban phát cho quần chúng.
Nhà Như Lai khác với nhà thế gian ra sao. Ở thế gian luôn luôn phân cực thiện ác, phải trái, vui buồn, làm việc và không làm việc… Và khi người đời đã lao đầu vào làm thì bao nhiêu việc xảy ra khiến cho thân thể và tâm lý của họ phải chuyển biến theo sự tác động của hoàn cảnh. Người đời gặp việc vui buồn, tốt xấu, tâm họ sẽ quay cuồng theo đó.
Vị trụ trì ở trong nhà Như Lai thì khác hẳn, dù hoàn cảnh vinh nhục thế nào, tâm vị trụ trì cũng không thay đổi, không lo sợ, buồn vui.
Thật vậy, bước chân vào nhà Phật, chúng ta phải có ý niệm đó trước, không để việc thế gian làm bận tâm, thậm chí kể cả mạng sống của mình, vì chúng ta đang cầu mạng sống vô cùng, Pháp thân bất tử, nên sẵn sàng đánh đổi mạng sống ngắn ngủi, giả tạm này để có được mạng sống vĩnh hằng, thì cũng không tiếc gì.
Từ đó, chúng ta như như bất động trước mọi thuận nghịch của cuộc đời. Tâm hồn của vị trụ trì là như vậy. Người đời ở nhà họ khổ sở, sợ sệt, lo lắng đủ thứ, nên họ đến chùa để được an trú trong sự thanh thản. Trong thời chiến tranh, chúng ta thấy rõ điều này. Người dân sống trong cảnh bom rơi, đạn lạc, cái chết rình rập từng phút giây, họ vào trú thân trong chùa, trên có Như Lai, dưới có nhà sư an nhiên, tự tại, tác động cho họ cảm nhận được sự bình ổn.
Nếu vị trụ trì dao động, buồn phiền theo thế gian, là phạm tội phá pháp, vì đã làm cho người lầm tưởng pháp của Phật cũng như thế gian. Phải rèn luyện tâm bất động, nói cách khác, người tu bình tĩnh trong mọi tình huống. Thầy tu dù ở cương vị nào cũng không chứng tỏ rằng ta có quyền uy sai khiến, hay bực tức, buồn phiền, nhăn nhó… Thầy tu dễ thương nhất là chấp nhận được tất cả gì người đổ lên cho ta. Phật dạy nhẫn nhục đệ nhất đạo là ý này. Ta không rầy la, không nói, nhịn chịu tu hành sẽ được nhiều người quý trọng.
Chúng ta la, người sợ, nhưng la nhiều có hai điều hại cho ta. Một là la nhiều thành tướng hay la, người không sợ nữa, hoặc tránh ta, vì ta hay la hoảng, là tự cô lập mình. Hai là la quen thành nghiệp, thành tánh, không bỏ được. Ban đầu, chúng ta la đúng, nhưng dần dần thành la bậy, la hoảng. Tôi thấy một số thầy không lãnh đạo được nữa, vì phạm sai lầm này. Đức nhẫn nhục và lòng từ ái là điều quan trọng đối với thầy trụ trì nói riêng và người tu nói chung.
Nếu có nguyện làm trụ trì một ngôi tự viện, nên thân cận các vị trụ trì thành đạt. Có vị nói làm trụ trì là làm dâu trăm họ, rất khó, vừa lòng người này thì mất lòng người khác. Có người làm trụ trì thành đạt, tôi thấy ai mời cũng đi, ai nói cũng nghe, không biết mệt, không biết giận. Mười giờ đêm, người ta rước cũng phải đi. Có nguyện vọng làm trụ trì phải nghĩ đến làm vừa lòng tất cả, nếu không được như vậy, không tồn tại. Theo tôi, làm sao nâng đức hạnh lên cao, mình sẽ vừa lòng được tất cả, không mất lòng ai.
Có nguyện làm trụ trì, để tránh mất lòng, luôn giữ tâm bình đẳng, giáo hóa không phân biệt giàu nghèo, sẽ thành công. Điều này tôi học các vị trụ trì tham dự khóa trụ trì chùa Pháp Hội, nghe được những thành đạt và thất bại của họ.
Còn việc chính của chúng ta là tu tam vô lậu học, mà tu huệ là gốc. Phát huy trí tuệ, mới thấy việc nên làm, người nên tránh, thì tai ương không giáng lên chúng ta. Phật khác với mọi người, vì hành động, lời nói, suy nghĩ của Ngài do trí tuệ chỉ đạo. Chúng ta là đệ tử Phật, học Phật, tất yếu lấy trí tuệ làm sinh mạng để đạt đến quả vị Phật và tùy duyên mỗi người mà hoằng pháp, hay trụ trì, đều thành công.
Trở lại việc trụ Pháp vương gia, nhờ có tâm định tĩnh, từ đó huệ phát sinh, trí sáng suốt, thầy trụ trì mới giáo hóa được quần chúng và làm an lạc cho mọi người. Chính yếu tâm trạng và cuộc sống của trụ trì như vậy, là thể hiện được ý nghĩa trụ Pháp Vương gia.
Ngoài ra, vị trụ trì còn có hạnh nguyện cao hơn, gọi là trì Như Lai tạng. Nói cách khác, vị trụ trì là chiếc cầu nối giữa Phật và tín đồ. Đó chính là việc làm vô cùng quan trọng và có ý nghĩa của vị trụ trì. Thật vậy, với việc thể nghiệm tinh ba của pháp Phật trong công phu tu tập, vị trụ trì tạo được mối tương quan sâu sắc với Phật và có thể truyền đạt niềm tin chân chánh này cho quần chúng, để họ nương theo đó hướng tâm về Phật mà có được suy nghĩ, lời nói và cuộc sống an lạc, tốt đẹp ch o bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
Trên bước đường tu, giữ được Như Lai tạng dưới hai hình thức, giữ được tạng bí yếu của Như Lai và làm an lạc cho trời, người; đó là trình độ của những vị tu cao. Hạng thứ hai thấp hơn là Pháp sư tam tạng, giữ được hiển giáo, hay kinh luật luận.
Như vậy, thầy trụ trì giữ tạng Như Lai, nhưng không học, không hiểu kinh luật luận, chắc chắn không thể hướng dẫn quần chúng được. Không phải chỉ thông suốt tam tạng trên văn tự, mà vị trụ trì còn phải ứng dụng kinh luật luận có kết quả tốt đẹp trong cuộc sống của chính mình.
Từ căn bản thông suốt tam tạng và giữ được tạng bí yếu của Như Lai, trụ trì ra làm việc lợi ích chúng sanh. Vì trụ trì một ngôi chùa là cơ sở của Giáo hội, thay mặt Giáo hội hướng dẫn quần chúng tín ngưỡng đạo Phật, tất nhiên phải hiểu rõ tất cả văn kiện, nghị quyết liên quan đến Giáo hội. Tất cả phải thống nhất lấy Hiến chương và Nội quy của Giáo hội làm chuẩn để sinh hoạt, không phạm phải mâu thuẫn, chống đối nhau, gây bất lợi cho đạo pháp.
Ngoài ra, việc quan trọng nữa đối với vị trụ trì, phải nắm vững chính sách tôn giáo và chủ trương của Nhà nước để truyền đạt cho Phật tử hiểu rõ, tạo được sinh hoạt hài hòa với chính quyền, làm lợi ích cho đạo và tốt đẹp cho đời.
Thật vậy, vị trụ trì là cán bộ trực tiếp quản lý cơ sở vật chất và còn có trách nhiệm hướng dẫn chúng Tăng, cùng người dân nơi đó, chung sống an vui, hòa hợp. Bảo quản tự viện tốt là việc quan trọng, nhưng giáo dưỡng con người còn quan trọng hơn.
Đức Phật luôn luôn vì con người. Chúng ta bước theo dấu chân Phật cũng phải chú trọng đến con người. Thầy trụ trì có trách nhiệm chính yếu là làm cho Tăng chúng thanh tịnh, hòa hợp. Hễ Tăng chúng trong trú xứ hòa hợp, an vui, thì nơi đó Phật pháp dễ dàng phát triển.
Tôi nhìn vào tấm gương của các vị trụ trì mà tôi có dịp sống chung, thấy quả tình đại chúng tu hành, thăng hoa được là nhờ nương theo đức hạnh của thầy trụ trì. Thuở xưa, Hòa thượng Thiện Hòa trụ trì chùa Ấn Quang, vừa là Giám đốc Phật học đường Nam Việt. Tôi thân cận ngài, không thấy ngài rầy la học Tăng nào, nhưng ai cũng kính sợ. Theo tôi, chính đức hạnh của Hòa thượng đã tạo được hiệu quả cao trong việc giáo dưỡng chúng Tăng.
Nếu thầy trụ trì biết lấy đức của Như Lai để trang nghiêm thân tâm, lấy hạnh Bồ-tát làm việc của mình, chắc chắn dễ cảm hóa người khác.
Đức của Phật trọn lành và lớn lao vô cùng. Ngài đã nhập diệt hàng ngàn năm mà Tăng Ni, Phật tử nghĩ đến Ngài đều kính trọng. Lấy đức cảm hóa người là việc chính mà chúng ta phải làm.
Đức không thấy được bằng mắt, nhưng cảm được bằng tâm. Tâm của Hòa thượng Thiện Hòa rộng lượng, chăm sóc chúng Tăng như con ruột. Vì vậy, gần như không ai muốn làm phiền lòng ngài. Tăng chúng cố gắng tu học, nếu không, sợ ngài buồn. Xưa kia, tình thương của Đức Phật dành cho các thầy Tỳ-kheo cũng bao la vô cùng và Ngài giáo dưỡng họ thật hoàn hảo. Thiết nghĩ ngày nay, thầy trụ trì tất yếu cũng phải thương yêu lo lắng cho đại chúng cùng chung sống. Chăm sóc là hành động bên ngoài phải phát xuất từ tình thương chân thật bên trong. Vì vậy, có người cũng lo cho chúng, nhưng thực sự không phải vì thương, mà vì một thâm ý không tốt nào đó, nên họ không được chúng quý mến.
Thầy trụ trì hết lòng phụng sự Tam bảo, mới nhận được ân đức của Tam bảo, Phật mới hộ niệm, Bồ-tát mới gia trì cho thành tựu được những việc lớn lao ngoài khả năng của con người. Ngoài ra, thầy trụ trì thương đại chúng như đứa con một và đáp lại, chúng thương thầy hơn cả cha mẹ. Làm trụ trì tiếp Tăng độ chúng dưới dạng này thì giữ được đạo. Xưa kia cũng vậy, các Tỳ-kheo thương Phật hơn thương gia đình, họ mới từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo được.
Người còn nặng nợ tình gia đình, khó tu lâu. Lúc đó, con đường tâm linh không được khai mở, nên họ thường quay trở lại theo đường học vấn thế gian. Ông đạo ở chùa chỉ dựa chùa để học văn hóa, tôi nghĩ không tồn tại lâu. Học văn hóa chỉ là phương tiện giúp chúng ta hiểu con người để hướng dẫn họ vào đạo, không phải học thế gian để theo thế gian.
Mở được cánh cửa tâm linh để đi vào đạo, tuy không biết việc thế gian, nhưng chúng ta có thể chỉ đạo cho người thế gian không sai lầm. Đó là nội minh, hay Phật học. Tôi tồn tại và đóng góp được cho Giáo hội cũng nhờ nội minh.
Theo tôi, học giáo lý dưới dạng tâm linh, từng câu từng chữ thấm sâu vào tim óc là lẽ sống của chúng ta; không phải học dưới dạng văn tự, kinh không dính líu gì đến cuộc sống chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng suy nghĩ lời Phật dạy và áp dụng trong cuộc sống, từ đó chúng ta mới bắt gặp được các vị Tổ sư, Bồ-tát, Như Lai. Quan hệ chính của chúng ta là Phật, Bồ-tát, Thánh Hiền, có vậy mới giúp ích cho đời, là nếp sống căn bản của thầy tu.
Các thầy có nội lực vững vàng mới vào đời, làm trụ trì quản lý cơ sở Phật giáo tốt lành và cảm hóa được người cùng tu hành. Mọi việc tốt đẹp đều phát triển tùy theo nội minh của chúng ta. Nội minh không có, thì chúng ta làm sao hơn được người đời ở những lãnh vực tính toán hơn thua. Theo Phật, chúng ta không thể lấy khôn dại thế gian để đối chọi, chỉ nên xử trí bằng đạo lực thể hiện qua tầm nhìn chính xác, suy nghĩ đẹp, lời nói dễ thương, cuộc sống lợi ích cho đời.
Ngoài cuộc sống tinh thần, hay đạo lực, cuộc sống vật chất của thầy trụ trì do thập phương tín thí hiến cúng. Không sống như vậy, nhưng chọn đời sống tích lũy là đã thế tục hóa đạo Phật, gây ra sự đụng chạm với chúng Tăng là sai đạo.
Phải coi tất cả tài sản tạo được là của thường trụ Tam bảo. Chùa không phải của trụ trì. Khi một vị Thượng tọa đến ở chùa nào đó, không phải do thầy này tạo ra, cũng không phải của ông cha cho, nhưng là của Phật để lại từ quá khứ dẫn đến hiện tại và mãi trong tương lai, đều là của Phật. Nếu là thường trụ Tăng thì được hưởng những quyền lợi phát sinh từ chùa; ngày nào ra đi thì người khác quản lý. Đừng nghĩ tài sản của ta.
Xây chùa hay cúng dường Tam bảo để Phật pháp cửu trụ, lợi ích cho số đông là mục tiêu của đàn na tín thí cúng. Cúng cho Phật, nhưng thầy trụ trì nghĩ của mình là phạm tội gian tham, trộm cắp của thường trụ, của Tam bảo, của Phật. Đó là phạm giới căn bản trong bốn trọng tội, phải đọa địa ngục. Nợ một người còn trả được, nợ của thập phương thường trụ không thể trả nổi. Thầy trụ trì có ý niệm sai như vậy và phạm tội thì chỉ còn hình thức người tu, thực chất tâm của người tu biến mất, là điều nguy hại nhất.
Vì thực chất không phải là Tăng, nhưng mang hình thức tu sĩ, Hộ pháp và chư Phật không thể hộ niệm, thầy trụ trì sẽ gặp tai ương không lường được. Trước nhất, Phật tử cúng dường vì Tam bảo. Thầy trụ trì muốn chiếm hữu làm của riêng, thì họ phải bất bình và kiếm chuyện.
Một số chùa ở thành phố Hồ Chí Minh luôn bị thưa kiện, vì những chùa này là của tổ tiên họ cúng cho Tam bảo, biến nhà thành chùa. Nay con cháu thưa kiện đòi lại.
Việc này nếu không giải thích theo đạo, chúng ta không hiểu được. Tại sao trước cúng, nay đòi lại. Theo tôi, họ cúng vì thấy Tỳ-kheo chân chính tu hành. Vị này chưa có chùa, tâm hồn hoàn toàn trong sáng. Họ mới cảm đức, phát tâm hiến cúng đất và tiền xây chùa, để cầu nguyện cho tổ tiên của họ. Phần lớn các chùa đều ở dạng này và các nhà truyền giáo cũng truyền đạo ở dạng này, nhưng thường thì chỉ trải qua ba đời, khó giữ được lâu.
Thật vậy, vị Tổ sư rất thánh thiện, đến đời thầy thì còn được, nhưng đến đời đệ tử là hư. Vì đời thứ nhất, Tổ tu hành đúng với nghĩa giải thoát, y bát là chính, tức chân truyền. Chúng ta đều biết Đức Phật cũng chỉ truyền y bát, không giao nhà cửa, tiền bạc… Giữ chân truyền như vậy thì đi khắp thiên hạ, nơi nào cũng được cung kính cúng dường, thủ hộ.
Nhưng đến đời thứ hai, có chùa rồi, thầy trụ trì bắt đầu quan sát xem chùa lớn hay nhỏ, quyền lợi nhiều hay ít, phiền não bắt đầu phát sinh. Tuy nhiên, chỉ một ít phiền não thôi, nên Phật tử còn tín nhiệm và thầy trụ trì này ráng sửa sang chùa cho lớn hơn.
Và đến đời thứ ba, đệ tử ôm chùa lớn này mà hưởng, ai động đến thì phải bước qua xác chết của thầy. Đến đây, thầy trụ trì đã lạc khỏi con đường đạo, nghĩ rằng chùa này của mình, thì con cháu của người cúng xưa kia cũng nói tài sản này là của ông bà tổ tiên họ để lại.
Tranh chấp này đành phải đưa ra luật pháp xét xử và họ đã xử rằng con cháu đúng, vì của tổ tiên họ, không phải của thầy trụ trì. Nếu chùa của Phật, của Giáo hội, Nhà nước phải bảo vệ.
Thực tế cho thấy các chùa của Nam tông, của Khmer không bao giờ bị mất, vì tu sĩ coi chùa là của chung, của Phật. Nhưng một số chùa Bắc tông thường biến của chung thành của riêng, thì luật pháp và cả Hộ pháp không bảo hộ, con cháu sẽ đòi. Người tu luôn nghĩ rằng chùa là của thường trụ Tam bảo thì sẽ trường tồn.
Tôi làm việc với Nhà nước, họ dứt khoát rằng chùa là của Giáo hội, của thập phương Tăng và tín đồ, không phải của riêng ai. Chùa được phân công cho các thầy quản lý. Tính cách pháp nhân và pháp lý của chùa thuộc về Giáo hội và Thành hội, Tỉnh hội Phật giáo quản lý tất cả chùa và Tăng Ni tỉnh nhà.
Khi Tăng Ni và tự viện thuộc Giáo hội, thì luật pháp phải bảo hộ, vì tài sản của Giáo hội là của chung, do đàn na tín thí cúng dường, nên được miễn một số thuế. Thí dụ chúng ta xây chùa chính thức của Giáo hội, Nhà nước miễn thuế. Tăng Ni thuộc Giáo hội quản lý cũng được miễn trừ ngày lao động công ích. Chúng ta giữ đúng điều này, Nhà nước phải tôn trọng.
Ngoài ra, còn điểm quan trọng mà quý thầy trụ trì cần lưu ý. Đức Phật dạy rằng chúng ta đến nơi nào phải tùy hoàn cảnh ở đó mà hành đạo. Thí dụ quý vị đang ở vùng xa, vùng nông thôn khó khăn, thầy trụ trì phải biết tùy theo hoàn cảnh địa phương mà sinh hoạt để giúp đỡ người dân. Chẳng hạn vùng Bạc Liêu sống chủ yếu về nông nghiệp và ngư nghiệp. Có một anh làm nghề nuôi tôm hỏi thầy trụ trì rằng làm nghề này có tội hay không. Thầy trụ trì trả lời dứt khoát là có tội, vì phạm giới sát. Anh này không đi chùa nữa. Trụ trì buộc tội như vậy thì đúng ở chỗ nào đó, nhưng chỗ này thì không đúng, cũng có cái đúng lúc này nhưng không đúng lúc khác.
Lúc mới thống nhất Phật giáo, tôi được Hòa thượng Pháp chủ dạy rằng tuy cùng là Phật giáo, nhưng cần nhớ miền Nam có cách sinh hoạt tu hành khác miền Bắc, không vì thấy khác biệt đó mà phê phán cái nào đúng hay sai. Sinh hoạt đạo thích hợp với hoàn cảnh, thích hợp với phong tục, tập quán, nếp sống, nếp nghĩ của dân chúng địa phương, thích hợp với luật pháp thì đúng.
Chúng ta đừng khuyên tín đồ tu hành mà mất công ăn việc làm; phải nghĩ đến cuộc sống của họ. Tuy thương thầy, nhưng theo thầy, họ không sống được thì cũng phải bỏ thầy.
Vị trụ trì phải cân nhắc xem dân tình và nghề nghiệp của dân địa phương mình như thế nào. Nếu quý vị giúp họ tăng trưởng đời sống kinh tế, nhất định họ quý trọng và gắn bó. Đối với tôi, luôn cân nhắc, cho lời khuyên thích đáng mà người chấp nhận và làm được.
Giúp được nhiều người, làm họ an vui là trụ trì phát triển được ngôi chùa vật chất và cả ngôi chùa tâm linh. Trụ trì làm mất lòng quần chúng và trái luật pháp, bản thân không thể an lành, mà còn làm cho sinh hoạt Giáo hội bị ảnh hưởng xấu theo, vì chùa chiền là một phần cơ sở của Giáo hội, vị trụ trì là một tế bào sống của sinh hoạt Giáo hội.
Và tiến xa hơn nữa, chúng ta phải phát bốn vô lượng tâm của Phật là từ, bi, hỷ, xả. Đối với tôi, phát tâm Đại thừa tu hành, việc đầu tiên lấy xả tâm làm chính. Các thầy thử tập thanh thản, ai làm gì cũng được; vì nếu suy nghĩ dù chỉ một chút, chúng ta cũng khó chấp nhận mọi người, mọi việc. Xưa kia, tôi khó tánh, không bằng lòng ai, kể cả bạn đồng tu. Ai xúc phạm thì tôi nhớ suốt đời, nếu vậy là tự mình luôn đeo dính mối thù nghịch với người. Thậm chí đến thầy dạy chúng ta có chín điều tốt, phạm một lỗi, chúng ta cũng nhìn vào đó mà phê phán. Tâm như vậy thì khó có bạn và ta lại sanh tâm ngạo mạn rằng nước trong không có cá, người tốt không có bạn.
Phát tâm Đại thừa, thấy được sai lầm của chúng ta, nếu thật tốt thì phải có bạn, người tốt đã đành, mà cả người xấu cũng muốn kết bạn với ta, vì chơi với ta tốt thì họ có lợi. Hãy tập tâm xả để lòng chúng ta nhẹ nhàng, thanh thoát, đó là của báu của người tu.
Và kế đến, chúng ta tập sống với hỷ tâm, tùy hỷ với việc làm tốt của người khác, phá bỏ lòng ganh tỵ, thù hiềm. Người có ý kiến hay, người làm được việc tốt, ta sanh tâm vui mừng, mừng cho Phật pháp có thêm một người tốt, người giỏi. Càng có nhiều người tốt, người giỏi, việc của chúng ta càng nhẹ hơn, đạo chúng ta càng được mở rộng. Tôi ước mơ sao có được nhiều người giỏi hơn tôi để thay thế tôi, vì không có người, tôi phải kiêm nhiệm nhiều việc, nên không thể đạt năng suất cao. Tôi thường nghĩ Phật sự thì nhiều, chúng sanh nghiệp nặng thì đông, không có nhiều người giỏi, người tốt, làm sao gánh vác nổi. Cả thế giới này, chỗ nào cũng có người tốt, người giỏi thì lúc đó, ta làm ít, mà thành quả lớn lao.
Ngoài ra, bi tâm cũng rất quan trọng. Tôi thấy một số thầy thường muốn thân cận người có quyền lực, tiền của, để làm Phật sự lớn. Theo tôi, nghĩ như vậy làm cho các thầy gặp nhiều trở ngại lớn. Tôi thường nhìn xuống, đến bất cứ chỗ nào người cần tôi. Nhớ lời Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng đừng đến nơi chúng ta cần, đến để nhờ, mượn thì dứt khoát không đi.
Đại bi tâm luôn dẫn chúng ta đến với người khổ, người khó, để giúp đỡ họ thăng hoa đời sống tinh thần và phát triển cuộc sống vật chất. Nét đẹp của đạo Phật là vậy.
Trang nghiêm tâm từ, lòng chúng ta lúc nào cũng an vui và chính sự an vui của ta mới làm cho người an vui theo. Ta không có gì cho người, nhưng gần ta, họ cảm thấy an lạc. Thầy trụ trì mà lúc nào mặt cũng hầm hầm, miệng luôn rầy la, quả thật khó ai thương được. An vui, thanh thoát là tánh quan trọng mà thầy trụ trì phải tu cho được, dù cực mấy cũng ráng giữ tâm này.
Thầy trụ trì có tâm an vui thì Phật tử tự tìm đến, vì đời đã quá khổ, họ mới tìm sự an lạc trong chùa, nơi tấm lòng thanh thoát, hỷ lạc của người tu.
Thầy trụ trì là chỗ dựa tinh thần của quần chúng. Họ đến nhờ giúp đỡ, có gì ta cho đó, hoặc với hiểu biết chính xác, ta cho lời khuyên để họ có hướng đi tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Giáo dưỡng người trở thành người Phật tử thuần thành, sống theo lời Phật dạy là quý thầy phần nào đền đáp được công ơn của thầy Tổ, của đàn na tín thí và tiến gần đến quả vị Vô thượng giác.
Tóm lại, giữ gìn và phát triển bốn tâm vô lượng, từ bi hỷ xả với mọi người là hành trang quý báu giúp thầy trụ trì thành công lớn trong nhiều việc. Có thể nói, trang bị bốn tâm này để cảm hóa người, thì vị trụ trì chỉ ngồi yên mà mọi việc tốt đẹp đều tự thành tựu.
Ngoài ra, vị trụ trì nói riêng và Tăng Ni, Phật tử nói chung có nghĩa vụ đóng góp cho đất nước phát triển. Làm như vậy, chúng ta mới phát triển được sinh hoạt đạo pháp.
Thử nghĩ Tăng Ni, Phật tử chúng ta có theo kịp sự tiến hóa của xã hội hay không. Phần lớn chúng ta đi theo lối mòn cũ, trong khi xã hội đi lên mà chúng ta lại đi lùi. Phải làm sao đi cùng nhịp với xã hội, thậm chí đi trước xã hội một bước như Phật giáo Nhật Bản hay Đài Loan, thì mới tồn tại và giữ được thế mạnh.
Nhìn tấm gương hành đạo của người, chúng ta tự suy nghĩ những công việc có thể làm được, chẳng hạn như mỗi chùa có bao nhiêu Phật tử có khả năng lao động tay chân hay trí óc, chúng ta nghĩ cách giải quyết việc làm cho họ; được như vậy, mới có sự gắn bó mật thiết giữa chùa và tín đồ.
Trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, chúng ta ở tạm trong ngôi chùa vật chất, để giữ gìn ngôi chùa tâm linh là lòng từ bi và tuệ giác của Phật. Tâm từ bi và tuệ giác của Đức Phật thể hiện trong ta, tỏa sáng thành những việc làm xoa dịu oi bức của cuộc đời, mang an lạc cho người, giúp người thăng hoa đời sống tâm linh. Thành tựu như vậy, quý thầy trụ trì làm tròn trách nhiệm của người trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng.
Mong các vị trụ trì suy nghĩ một số ý vừa nêu để đóng góp cho xã hội, cho Phật giáo, ngõ hầu tạo cho Phật giáo chúng ta giữ vững vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc như các bậc tiền bối đã từng thành công.
HT.Thích Trí Quảng