In trang này
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Mật ngôn từ cát trắng
Cập nhật ngày: 11/24/2018 8:58:51 AM
 
nguyen-huy-quy.jpg
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
GN - Những câu rất phiêu triết Á Đông: Có là gì đâu với ngàn năm mây trắng/ Hay như câu thơ rong ruổi cõi vô thường/ Ta là chút mong manh trong vô tận/ Rồi sẽ hư vô như chưa được sinh thành trong tập thơ “Im lặng trên cao” của Nguyễn Hữu Quý, nói theo cách, là nhi nhiên hư thường. Phải sống đến thế nào, phải chín tới độ nào mới có thể thản nhiên mà lặng yên, ung dung mà tự tại được như thế? Chứ chẳng thể tự nhiên mà có được và chẳng phải tính cách nào cũng đạt được… 

Oa oa hạt cát

Trong cái nắng của một chiều tháng Tư, trước mặn mòi của biển cả, có một hạt cát trắng giữa muôn vàn hạt cát miền Trung oa oa vỡ tiếng khóc chào đời. Ngôi sao Thi ca chiếu mệnh hạt cát đó từ lòng biển Đông bay về, khi nghe tiếng khóc ấy. Tiếng khóc rền vang từ thằng cu hon hỏn giữa đất trời Bố Trạch, Quảng Bình. Nguyễn Hữu Quý sinh ra trước cửa bể như thế. Nguyễn Hữu Quý là hạt cát trắng cuối dòng Linh giang, nơi con sông Gianh “chảy qua nhật thực mà thành dòng thiêng”. Được tiếng sóng ngày đêm ru hời, hạt cát trắng lớn lên với cái nắng cháy rát cùng ngọn gió Lào bên cồn cát quê hương. Và thơ Nguyễn Hữu Quý chính là mật ngôn được chắt chiu, được cô lắng từ những đụn cát trắng ấy. 

Tự sự về mình, Nguyễn Hữu Quý có trường ca Sinh ở cuối dòng sông với những câu thơ như ngàn con sóng: Ra đi là sông, trở về là bểDòng sông Gianh cứ thao thiết chảy ra từ ca dao cổ tích, nơi mẹ tiễn cha đi vào chiến trận, nơi một thời biền biệt cách phân, nơi ta khát khao trở lại. Linh giang, uốn cong như dấu hỏi đặt dưới trời. Cứ lặng im. Nguyễn Hữu Quý, hạt cát trắng cuối dòng Linh giang, hậu duệ của dòng sông ấy, cứ mang nỗi chia ly và đoàn tụ. Tự họa về mình, Quý vẽ: Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru…

Chang chang dặm cát

18 tuổi, Quý vào bộ đội, biên chế vào Binh đoàn Trường Sơn, ở một đơn vị làm kinh tế nhưng anh luôn dành cho thơ những tình cảm thiêng liêng, như thể ngôi sao chiếu mệnh anh là ngôi sao Thi ca. Và khi đã trót mang tâm hồn thi sĩ thì khó mà thoát khỏi sự mê dụ của những con chữ, của những câu thơ. 

Quả thực, văn chương chẳng phải là điều dễ dàng nhưng nó là con đường mặc định cho anh, có những thác ghềnh và có cả những nguyệt quế. Bài thơ Bông huệ trắng đã đạt Tặng thưởng thơ hay nhất Văn nghệ Quân đội năm 1995, bài thơ Khát vọng Trường Sơn đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội năm 1996, trường ca Hạ thủy những giấc mơ đạt giải B giải thưởng Bộ Quốc phòng về Văn học Nghệ thuật Báo chí giai đoạn 2009 - 2014. 

Nhưng hãy bỏ qua những giải thưởng, bỏ qua năm tháng đề dưới bài thơ, bỏ qua tất thảy những xáo động bên ngoài, thiêm đắm đọc thơ anh mới thấy những câu thơ hay nhất là những câu thơ về miền Trung “nắng góp bão dồn”, “lũ tràn qua mặt, bão giật ngang đầu” quê anh, những câu thơ về song thân phụ mẫu và những câu thơ về dòng Linh giang yêu dấu. Nó nặng tình và đau đáu, ngân nga như những câu hò: Chang chang dặm cát/ mẹ múc sông lên vằng vặc câu hò/ soi tỏ gừng cay muối mặnGánh thơ lên trăng bằng vai Hàn Mặc Tử/ đa tình chi lắm rứa miền Trung/ nhạy cảm đến từng tấc non nước… 

Và cái ký ức chiến tranh hằn lên trong thơ anh như một vết xước. Những câu thơ viết về Trường Sơn, về thành cổ Quảng Trị thật rung động và lắng lòng ở chiều sâu những góc khuất, không trực diện. Đó là góc của người thiếu phụ khóc ru nấm mộ hai tên, là khúc ca Trường Sơn mười nghìn khát vọng, là những sự hy sinh lặng thầm… Rồi có lúc anh lại ngồi ghế nóng chấm giải cho cuộc thi thơ “Lục bát Trường Sơn” để tìm ra “Những câu thơ lẩn khuất/ Mọc góc xa của rừng”.

Mật ngôn của cát

Những góc tĩnh lự của đời sống, anh nhìn vào và nhìn với góc độ nhân văn sâu sắc. Sống thế nào sẽ ánh xạ vào thơ thế ấy. Tôi đã từng thích câu thơ “Sống như tinh cầu/ làm lộ mọi bạc đen trần thế” trong bài thơ Nguyễn Trãi của Hồng Thanh Quang cũng như từng yêu thích câu thơ “Lưỡi gươm chém người Hiền treo giữa chốn vàng son/ Câu thơ của người Hiền cất trong lòng thiên hạ” trong bài thơ Nguyễn Trãicủa Nguyễn Hữu Quý. 

Hai nhà thơ cùng viết về một danh nhân văn hóa. Hai câu thơ cùng viết về một hiền nhân quân tử. Đều toát lên cái khí phách rạng ngời. Sống, như tinh cầu, chết, vằng vặc sao Khuê. Một hồn thơ hơn 500 năm trước nay vẫn vằng vặc Ức Trai. Vâng, câu thơ của người Hiền đã cất trong lòng thiên hạ thì làm sao có thể bị thất truyền, kẻ ác bá làm sao có thể trảm được hồn vía những vần thơ? 

cattrang.jpg
Miền cát trắng - Ảnh minh họa

Khi thơ đã đi vào lòng người thì nó sẽ sáng lung linh, có lẽ còn làm hồi sinh cả cái chết. Như ý thơ của một nhà thơ “Sẽ có ngày tôi viết câu thơ/ như hơi thở ấm/ phả vào anh/ trong phút lâm chung…” và tôi nghĩ đó chính là tuyên ngôn của người viết ra câu thơ ấy. Nó ám ảnh, bởi những giá trị mà thi ca mang lại thật nhân văn, như sự sống không sao đong đếm được. Tuyên ngôn thơ của Nguyễn Hữu Quý, quan niệm về nghề cầm bút viết văn của anh tôi đã tìm thấy trong bài Trước biển. Anh vùi nó vào trong cát. Cát lẫn vào đại dương. Đại dương mượn tiếng sóng ngàn trùng để dội vào vách đá, khắc vào núi thành những câu thơ: Thức nghìn đêm không viết trọn bài thơ/ Anh bản nháp của dã tràng trước sóng/ Viết nghìn câu không mặn hơn hạt muối/ Anh bóng mây giữa vô vọng trùng trùng/ Vẫn mê hoặc bởi chân trời ảo ảnh… 

Thực ra anh không có ý định tuyên ngôn đao to búa lớn gì nhưng những trăn trở về công việc lao động nghệ thuật của nhà thơ hiển hiện trên từng con chữ thì chẳng thể giấu được. Thời blog còn thịnh hành, anh giãi bày trên trang mạng xã hội của mình: “Từ sự ám ảnh về số phận chung của con người: cái chết, tôi niệm giữ đức tin vào những điều tốt đẹp. Tôi cầu mong cuộc sống hàng ngày lương thiện, ấm áp hơn. Tôi khao khát được viết bởi lòng yêu thương con người và bằng ngôn ngữ trong sáng của đất nước tôi”. 

Còn bây giờ, khi dùng facebook, status cho tình hình thời sự những ngày Formosa, anh Khóc biển bằng những giọt lệ của cát: Ai khủng bố biển khơi/ ai tàn sát những đường bơi của cá/ ai đang giết dần những ngư trường, ngư phủ/ ai đẩy dân tôi đến chỗ bần hàn? và Gọi Hoàng Sa bằng những tiếng vọng của cát:Một hạt cát cũng là Tổ quốc/ một cành san hô cũng là máu cha ông…

Nguyễn Hữu Quý, hạt cát trắng cuối dòng Linh giang, khi cảm thức về cội nguồn dân tộc đã Soi gương giếng NgọcTôi soi vào chốn dịu dàng/ thấy trong cát mịn ánh vàng trái tim/ mịt mù tăm cá, bóng chim/ cái duyên lặn lội đi tìm cái duyên/ núi che lán, sông chở thuyền/ bão giông, ôm lấy lời nguyền trăm năm/ lứa đôi cứ vậy nồng nàn/ gái trai thành nước non ngàn dặm xanh… Khi về miền Trung gió Lào cát trắng cố hương, là nỗi niềm: Ta về cuối ngọn sông sâu/ Bới trong cát mặn tìm câu gọi đòCó đêm thổn thức nhớ làng/ Chiêm bao thấy cát trắng tràn chân mây… 

Hạt cát trắng Nguyễn Hữu Quý, hậu duệ dòng sông Gianh, anh đắm cảm đầy sâu nặng: Linh giang hỡi, chảy qua miền máu gợn/ sóng nỉ non như tiếng chiêu hồn! Cái đắm cảm tưởng như tận thấu đến từng giọt nước trong dòng chảy sinh thành ấy. Thật nặng tình nặng nghĩa.

Tận cùng im lặng

Thấm được thơ ắt cũng sẽ hiểu được tính người bởi làm thơ là một cách ứng xử với đời, một thái độ sống với người và vì thơ chính là phần thăng hoa của cuộc sống. Tính cách của Nguyễn Hữu Quý là tính cách của dải cát trắng miền Trung: dù sục sôi nắng lửa đến đâu vẫn yên trầm, hiền hậu qua mọi giông bão. Phương châm sống của anh là chân thật, khôn cũng thật, dại cũng thật. Sống ở đất nước chiến trận và thi ca, anh hiểu “Khi người lính lặng im tan vào đất/ là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông/ là cuộc đời đi tới mênh mông”
 
Hãy nghe câu thơ này để hiểu rõ hơn ngọn nguồn tính cách anh: Sinh ra kề mắt bão/ Mẹ bọc tôi trong vạt phù sa/ Cái cuống rốn người vùi nơi gốc rạ/ Im lặng rễ đồng nhập vía hồn tôi. Cái căn cốt của anh là thinh lặng. Thinh lặng thôi chưa đủ, “Con muốn mình tan ra giữa xa xanh/ Để được tới tận cùng im lặng” là ước nguyện của anh. 
 
Con người ta cần hai năm để học nói, nhưng cần 60 năm để học im lặng, tôi nhớ có một câu danh ngôn như vậy. Với sự lặng im, không mấy người có được. Biết cách nói đã khó, biết cách im lặng còn khó hơn vạn lần. Thực đúng thay và thực khó thay. Khi tĩnh lự trong lòng, tiếng nói từ tâm sẽ vọng ra. Và khi Nguyễn Hữu Quý thinh lặng, những vần thơ sẽ bật chồi. Khi đi tới tận cùng im lặng ta sẽ chạm vào… mật ngôn của cát.

Lê Bảo Âu Long

 
 
In trang này