In trang này
Hành trình của những nông dân “tầm thuốc”
Cập nhật ngày: 12/12/2018 5:27:08 AM
GN - Hiện nay, thị trường thuốc Bắc, thuốc Nam rất phức tạp, dược liệu không có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng đã làm bệnh nhân lo lắng.

Trước tình hình đó, nhiều cơ sở khám chữa bệnh từ thiện đã tự tìm nguồn thuốc bằng cách vận động người dân quanh vùng tìm, tự trồng các loại cây thuốc làm nguồn cung chính để nâng cao hiệu quả chữa bệnh cho người nghèo. Và, đã có những người nông dân thầm lặng làm công việc này để cung cấp thuốc đến các cơ sở từ thiện khắp các tỉnh Tây Nam Bộ với mục đích duy nhất là làm phước…

Tổ Tầm dược và “nghề” trồng cây thuốc

Mùa lũ năm 2018 đã đi qua, nhưng đa phần những ruộng thuốc Nam của Tổ Tầm dược (Tổ) thuộc xã Vĩnh Thới (H.Lai Vung, Đồng Tháp) vẫn ngập chìm trong biển nước. Bởi, hầu hết đất được cho mượn trồng thuốc đều thuộc địa bàn nông thôn hẻo lánh, ruộng sâu hoang hóa mà chủ nhân chưa có điều kiện hay nhu cầu đầu tư canh tác.

Nhưng để góp phần cung ứng thuốc cho hàng chục cơ sở khám bệnh, hốt thuốc Nam từ thiện trong và ngoài địa phương, những thành viên của Tổ đã ngụp lặn hằng giờ giữa đồng nước mênh mông dưới cái nắng nóng để thu gặt thuốc. Họ là những nông dân hiền lành, chất phác, sống thanh bần, đạm bạc nhưng luôn sẵn sàng góp sức chung lòng làm việc thiện.  

anh 1 xh GN977.JPG
Những nông dân trầm mình rửa cây thuốc sau khi thu hoạch

Hơn 10 năm miệt mài trồng thuốc và lặn lội săn tìm, những lão nông tiên phong giờ đã ngừng nghỉ khi sức khỏe không cho phép, hàng ngàn tấn thuốc Nam đã góp phần đáp ứng yêu cầu chữa bệnh cho hàng triệu bệnh nhân các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 

Lớp con cháu tâm huyết của họ đã cùng động viên và chia sẻ cho nhau những khó khăn trong cuộc sống để chu toàn việc nghĩa. Tổ tầm thuốc Nam xã Vĩnh Thới quy tụ hơn 100 thành viên trong và ngoài địa phương. Do sinh kế của gia đình còn khó khăn nên mỗi đợt tầm thuốc chỉ có gần 40 người tham gia.

Sau mỗi đợt thu hoạch, để đáp ứng nhu cầu của các cơ sở chữa bệnh từ thiện, Tổ lên kế hoạch vận động thành viên làm cỏ, dọn đất, trồng thuốc, tưới tiêu, vun bón, thu hoạch, phơi khô, đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ, là những phòng khám, chữa bệnh từ thiện. Trong số hơn 30 công đất được cho mượn để trồng cây thuốc Nam có 15 công đất ruộng của anh Nguyễn Văn Hà (sinh 1962), nông dân ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc.

Mùa lũ 2018 cũng là mùa thu hoạch thuốc, anh em phải trầm mình trong biển nước để chặt cây thuốc. Chủ đất cũng nhiệt tình lặn lội cùng anh em dẫy, bứng củ bồ bồ bằng những chiếc xạn cán dài tự chế, chất lên bè chuối đẩy vào bờ cho các chị giũ rửa, rồi mang về chặt, phơi hay cho các nơi đến chở.

Chị Hà Diệu Kim, Tổ trưởng Tổ Tầm dược cho biết, do nhu cầu thuốc Nam từ các nơi, hàng tháng anh em trong Tổ hầu như đi suốt. Những chuyến đi tầm thuốc xa tận Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước đến Cần Thơ, miệt thứ Kiên Giang, Phú Quốc… Tổ không có nguồn kinh phí hoạt động nên mỗi đợt tầm thuốc, các thành viên phải chung hùn chi phí vận chuyển, gạo thóc, thức ăn đến điểm có cây thuốc, “nằm vùng” tạm trú từ 5 bữa đến hơn 10 ngày. Lắm khi chi phí tự lực không đủ, Tổ trưởng phải đi vay mượn thêm bên ngoài.

Chị Nguyễn Thị Chính ở Cái Mít, xã Tân Hòa (H.Lai Vung) chia sẻ: “Sắp xếp công việc gia đình, tôi tham gia cùng chị em, có khi dầm mưa cả ngày làm cỏ, dãi nắng để phơi thuốc. Thấy chúng tôi vất vả, cô bác ở nơi cho thuốc trông cho mau hết thuốc để mình rảnh tay nhưng tôi không nệ công, chỉ mong có nhiều thuốc để giúp người vượt qua bệnh tật”. Còn anh Hồ Ngọc Mi, ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành thì tâm sự: “Mọi khi hai vợ chồng cùng đi, hôm nào nhà có việc thì bả hối tôi đi sớm để kịp phụ anh em, càng nhiều cực nhọc thì ý nghĩa công quả càng cao”. 

Gian nan, vất vả là vậy nhưng họ lại tự nguyện “tha phương cầu… phước”. Điều trăn trở cũng là nỗi lo chung của các thành viên là kinh phí hoạt động eo hẹp, bởi hầu hết thành viên của Tổ là nông dân nghèo, cơm gạo còn phải chạy vạy, sẻ chia từng bữa nên không có khả năng đóng góp lộ phí mỗi đợt tầm thuốc. Cũng theo chị Diệu Kim, đất trồng thuốc của Tổ được cho mượn nhiều lắm, nhu cầu Nam dược từ các cơ sở hốt thuốc từ thiện vẫn còn trông chờ Tổ mà kinh phí đầu tư cho mỗi công thuốc với các công đoạn làm cỏ, lên liếp, phân thuốc, vận chuyển … thì “lực bất tòng tâm”. 

Những nỗ lực thầm lặng …

Hơn 60 năm qua, nơi đây từng ghi dấu ấn của vài bậc cao tăng cứu nhân độ thế, hốt thuốc cứu người và hiện nay vẫn là cơ sở cung ứng thuốc Nam cho các nơi trong và ngoài tỉnh. “Tôi chẳng có gì cả. Tất cả đều của bà con đóng góp cho tôi có phương tiện thực hiện tâm nguyện của mình. Dù làm phước trả ơn đời hay chỉ mới bắt đầu gieo hạt nhưng ngày nào không làm thuốc là ngày ấy tôi như bị thất nghiệp, buồn lắm.” 

Ông Nguyễn Văn E (Ba E, sinh 1950), cư sĩ quản lý ngôi chùa Phước Bửu ở xóm Rạch Chùa, ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương (H.Lai Vung) cho biết. Không thừa nhận bản thân có công lao gì nhưng việc làm âm thầm của một cư sĩ thuần nông đã có sức lay động lòng nhân ái của mọi  người xung quanh, từ thờ ơ, phiền phức để rồi nhiều người đã cảm kích, trân trọng và đồng hành cùng ông trên những ngả đường thiện nguyện.


anh 2 xh GN977.JPG
Ông Ba E (trái) cùng các tình nguyện viên phơi thuốc

Lúc nhỏ, ông thường đến chùa phụ tiếp cô bác phơi thuốc. Từ năm 1981, ông tranh thủ lúc nông nhàn, một mình đi tầm thuốc Nam mang về chùa chặt, phơi. Nhìn trời mà canh giờ, phơi, gom thuốc, nhìn con nước mà đi, nước lớn thì chèo ghe tam bản 1,4m vào những con rạch hoang sơ hun hút, nước ròng thì cho ghe ra về với đầy ắp “hương đồng cỏ nội”.

Một vài cô bác đến chùa công quả than phiền không ngủ được vì mới 3 giờ sáng đã nghe tiếng chặt thuốc lụp cụp của ông Ba E. Còn ông thì hề hà lý giải: “Sân phơi còn trống, mình tranh thủ chặt thuốc để sáng mai thuốc lại đầy sân, vả lại lúc đó chưa có dao xắt, máy bào nên phải làm thủ công lâu lắm, do đó phải tranh thủ làm đêm cho các nơi có đủ thuốc sử dụng.”

“Cực lạc chẳng ở đâu xa”

Thấy ông Ba E gò lưng, cặm cụi bào từng lát thuốc bằng dao bào thủ công, suốt ngày chỉ được 2 bao thuốc, bà con rủ nhau hùn tiền mua dao xắt thuốc, vật liệu cần thiết, rồi bàn bạc tự chế một máy làm thuốc 2 trong 1, máy có công năng vừa cắt vừa bào thuốc. Ngày khai trương khởi động máy vui như hội, bà con kẻ công người của, nô nức đến Phước Bửu tự nấu ăn, tham gia tìm hiểu cách sử dụng máy, hẹn nhau đến chặt và phơi thuốc. 

Từ đó, ngôi chùa quê thanh tịnh mỗi ngày có hơn 20 người đến công quả, chặt, phơi thuốc. Các bà, các chị sau giờ tan chợ về lo cơm trưa hay tranh thủ việc đồng áng lại đến chùa công quả. Những giáo viên tranh thủ dịp hè hay buổi nghỉ dạy ở trường, cho đến anh em lao động bình dân vùng lân cận cũng thường có mặt ở nơi thiện nguyện.

Cảm động nhất là trường hợp anh Phạm Phước Tồn, sinh năm 1952, ở phường 3, TP.Sa Đéc, địa bàn giáp ranh xã Tân Dương, huyện Lai Vung, ông Tồn làm thuê nuôi vợ con đồng thời tầm thuốc Nam giúp người. Năm 1996, nhân lúc vào “chùa ông Ba E” bào nhờ cây thuốc, thương mến bạn “đồng hội đồng thuyền”, ông bắt đầu đến hợp tác làm thuốc với ông E từ đó. Không may trong một lần chặt thuốc vào cuối năm 2015, ông bị máy chặt cướp mất bàn tay phải, bác sĩ phải cưa đến cùi chỏ.

Vậy mà chỉ sau 9 ngày, khi vừa xuất viện, vết thương còn đau nhức, ông vẫn cùng anh em đi chở thuốc. Ông Tồn chia sẻ: “Tôi bị nạn nhưng vẫn làm vì có thuốc tập kết về, ghe xuồng các nơi dập dìu đến chở, vui lắm. Bà con nói ráng làm việc thiện để về Tây phương, nhưng thật ra Cực lạc chẳng ở đâu xa. Mình vui, chúng sanh vui là tâm Cực lạc rồi. Cụ thể là lúc tôi bị cưa tay, hàng ngàn tấm lòng cô bác, anh em dành cho tôi thật cảm động. Niềm vui thiện nguyện vàng không mua được.”

Còn anh Phạm Văn Dương, sinh năm 1981, ở ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương, chân trái bị teo cơ bẩm sinh. Anh làm nghề sửa chữa điện cơ, anh tham gia chế tạo máy chặt, máy bào tranh thủ lúc rảnh cũng đến chạy máy bào thuốc.

Cũng như những ngôi chùa khác, chùa Phước Bửu không có nguồn thu nhập ổn định. Chút tịnh tài của cô bác làm công quả đều được dành dụm làm chi phí cho mỗi chuyến tầm thuốc, dè sẻn lắm mới tạm đủ lo những đợt tầm thuốc xa tận Bến Tre, Long An, miệt núi An Giang... 

Tiền của thập phương bá tánh được sử dụng vào mục đích độ sinh là tâm nguyện không chỉ của ông Ba E mà là của một tập thể cô bác thiện nguyện ở một góc quê Đồng Tháp, dưới những manh áo cơ hàn vẫn luôn tràn đầy… lòng nhiệt huyết. 

Thanh Tuyền

 
In trang này