Chùa Keo có tên là Thần Quang tự, tọa tại xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình. Chùa được xây dựng từ thời Lê thế kỉ XVII, có liên quan tới chùa Nghiêm Quang do thiền sư Không Lộ - Lý triều Quốc sư xây năm 1061 tại Giao Thủy, Nam Định.
Trải qua thăng trầm lịch sử, qua nhiều lần tu tạo, nay chùa vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc vốn có từ hơn 400 năm trước.
Chùa có khuôn viên rộng với nhiều hạng mục, đến nay còn 17 công trình với 128 gian xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”, được làm chủ yếu bằng gỗ lim, mang đậm dấu ấn kiến trúc, điêu khắc thời Hậu Lê.
Chùa gồm 2 cụm kiến trúc: Khu chùa thờ Phật, khu đền thờ Không Lộ đại sư. Hàng năm tổ chức 2 kì hội là hội xuân vào mùng 4 tháng giêng và hội thu vào tuần rằm tháng 9 âm lịch, với những nghi thức cổ truyền và nhiều trò chơi dân gian.
Ngôi chùa đẹp bởi kiến trúc, điêu khắc tinh tế, độc đáo. Chất liệu gỗ lim là nền móng để các nghệ nhân nhà Hậu Lê truyền cảm hứng và sự khéo léo vào đây, tạo thành hệ thống các tác phẩm điêu khắc rất đẹp.
Điểm nhấn của điêu khắc là bộ cánh cửa ở Tam quan, cao hơn 2m, rộng hơn 1m, khi khép lại tạo thành một bức phù điêu lớn, mang hình “lưỡng long mẫu tử chầu nguyệt”. Bức phù điêu tinh xảo, sống động vô cùng, rồng mẹ thân uốn trong mây, khúc ẩn khúc hiện, bầy rồng con núp sau bóng mẹ.
Mẹ con rồng mắt hướng về nhìn trăng, toàn thân rồng như bốc lửa, như đốt cháy cả những đám mây và cảnh vật xung quanh.
Điểm độc đáo phải kể đến là gác chuông cao hơn 11m, với 3 tầng, mái cong cùng các hạng mục được chạm khắc đạt tới độ tinh tế vô cùng, treo 3 quả chuông to ở giữa. Bên cạnh việc lưu giữ được những kiến trúc cổ, chùa Keo còn lưu giữ được nhiều pho tượng lâu đời.
Với giá trị văn hóa, kiến trúc đặc biệt, chùa Keo được nhà nước xếp hạng là "Di tích Quốc gia đặc biệt" .
Để tìm hiểu và chiêm ngưỡng thêm những ngôi chùa trải dọc trên đất nước Việt Nam, mời quý Phật tử đọc thêm tại mục "Chùa Việt" của phatgiao.org.vn.