In trang này
An lạc
Cập nhật ngày: 12/25/2018 5:55:28 AM
GN - Hò ơ…! Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ, mùng ai còn trống cho tui ngủ nhờ một đêm…!

Tiếng hát khàn đục của người đàn ông ngà ngà men rượu vang lên ngoài ngõ. Tiếng hát nghe rất tình, rất dân ca. Là tiếng từ đáy lòng của người cô đơn hay tiếng hát trêu đùa cợt nhã? Chị không biết, chị chỉ biết dù chính tâm hay tà tâm thì câu hát ấy cũng có chủ đích. Vì chị không chồng. Chị đã cài then chốt cửa từ sớm, đáp lại câu hát ấy là tiếng gió hú heo hút trên đồi và bầy chó hùa sủa inh ỏi. 

4_ODCL.jpg
Ảnh minh họa

Ở xứ núi này toàn dân góp, người ngoài Bắc vào, người dưới Trung lên… Họ đến đây làm rẫy, đa phần là người đã có gia đình và có sức lao động. Duy có mỗi chị là người ở phố lên, một thân một mình và yếu đuối. Chị chỉ có mảnh đất nhỏ mới mua từ năm ngoái, đủ xây căn nhà và khoảnh vườn trồng rau. Đi sâu vào trong là nơi cư trú của người đồng bào, họ là dân gốc ở đây và có thói quen ở sâu trong thung.

Ở rẫy thì phải làm rẫy. Cái xứ này, ngoài làm rẫy ra người ta chẳng biết làm gì. Hết mùa cà-phê lại đến mùa hồ tiêu, năm nào trời cho thì được thêm mùa khoai lang hoặc khoai sắn. Chị không có rẫy, cũng không có chồng. Chị ngoài ba mươi, mấp mé hàng bốn. Ở cái tuổi không trẻ không già ấy, một thân một mình lên đây, coi bộ cũng là chuyện lạ. Nhiều người tò mò, cũng là lẽ đương nhiên.

*

Chuyện vợ chồng con cái, vốn dĩ là chuyện trần tục nhưng cũng rất thiêng liêng. Con người ta sinh ra lớn lên thì dựng vợ gả chồng, đó là quy luật muôn thuở. Vậy mà, khi chị còn đôi mươi, chị chẳng mấy khi để ý đến chuyện lấy chồng. Chị rất dễ buồn, có những nỗi buồn không rõ căn nguyên là đâu. Khi chị hai lăm, chị như bị tương lai và quá khứ giật dây. Tương lai là điều tất yếu sẽ đến, quá khứ cứ bắt chị hoài niệm ngược về sau. Năm chị ba mươi, chị cảm thấy một khi vô thường kéo về, mọi giá trị hữu cơ đều trở nên vô nghĩa. Chị biết, mình quá nhạy cảm và tâm bất an. Ngoài ba mươi tuổi chị nghĩ, người ta hay miệt mài kiếm tiền, miệt mài kiếm danh vọng, miệt mài gây đau khổ cho nhau. Nhưng ít ai thử một lần, tìm kiếm chính con người mình. Thế là chị đến nơi này, chỉ đơn giản là để tìm bằng an cho bản thân. Chị thấy không phù hợp với những lẽ đời thường tình như yêu đương, ganh ghét, bon chen…

Hồi mới lên đây, chị phiền não trước những lời trêu ghẹo của vài người đàn ông. Họ đã vợ con đã đùm đuề, ngày đi làm vật vã, tối ôm chai rượu, có men rồi thì hành vi bất nhã. Dường như, cuộc sống của họ xoay quanh cái vòng: lao động - miếng ăn - nhục dục xác thịt. Nhưng rồi chị lại thấy thương, một niềm thương của sự thông cảm.

Có hôm, trời chạng vạng tối, chị buồn bã khi thấy đôi vợ chồng già đi tìm đứa con trai uống say chưa về. Hai dáng người còng lưng, bước đi xiêu vẹo ngược chiều gió. Họ vừa đi vừa gọi khản giọng, gió nuốt chửng tiếng gọi ấy vào lòng không gian sâu hút. Cuối đời, vẫn khổ. Có hôm, chị chỉ biết lặng im nhìn vài em bé không được đến trường, chân trần chạy theo sau đàn bò, bụi đất đỏ cao nguyên làm các bé lấm lem. Chị vịn vào vành cửa khóc ròng rã, thương cho kiếp người trần ai. Ngày xưa, chị nghĩ phố xôn xao, mà lòng chị thì lặng quá, chị cần nơi yên tĩnh hơn. Bây giờ chị đến nơi vắng lặng, nhưng ngầm trong cái vắng lặng ấy vẫn có sự xôn xao. Tâm tư chị vẫn vậy, u uất và rất dễ buồn trước những nỗi khổ của con người. Chị muốn bỏ cuộc, muốn quay về.

*

Chiều hôm qua có mưa, con đường đất đỏ trước nhà trở nên dẻo quánh. Đất đỏ mắc kẹt trong căm xe, vài đứa trẻ không đạp xe được, chị chạy ra cậy đất giúp mấy bé để kịp giờ đến trường. Một bé gái tóc cháy nắng, ánh mắt trong veo hỏi chị:

- Cô ơi, ba con nói cô sống một mình như người đang tu phải không cô?

- Tu hú thì có, lười lao động, má tao nói vậy á! - Bé trai khác nói chen vào.

Câu nói của mấy đứa trẻ nghe thật xót, nhưng chị không chống chế được. Người ta thấy sao nói vậy thôi. Chị xoa đầu bé gái, rồi cười. Chị bước vào nhà, vừa đi vừa nhìn cái bóng lẻ loi của mình in trên nền đất, cảm thấy con đường tìm chính mình thật cô đơn và gian nan. Với những người quanh năm chỉ biết cực nhọc với rẫy rừng, màu đất đỏ, nắng cháy da và gió hanh hao xứ cao nguyên này, ắt hẳn, họ sẽ xem cách sống của chị là nhàn tản, vô công rỗi nghề.

Mấy hôm nay trời cao nguyên se se lạnh, gió thổi rào rạt cả ngày, nắng giòn tan và bầu trời xanh sâu hút mắt. Đó là dấu hiệu của một mùa khô bắt đầu. Đất mùa này rất yên, không quá ẩm ương, cũng không quá cứng. Chị trồng vài dây mồng tơi leo trên hàng rào, vun vài liếp cải, khoảnh vường vuông vắn phía sau nhà chị tỉa đậu phộng. Hồi còn ở phố chị có học may, chị kê máy may trước nhà, nhận may và sửa quần áo cũ. Dần dần, cảnh nhà của chị cũng ấm lên khi có cây có trái, có rau có hoa, có bà con láng giềng lui tới và có kế sinh nhai bình dị.

Mùa khô cũng là mùa thu hoạch cà-phê. Từ đầu mùa đến giờ, xe chở cà-phê từ trong rẫy ra ngoài lộ lớn cứ rù rì chạy qua con ngõ trước nhà chị, ồn ã và đông vui. Đàn ông xứ rẫy, mùa này phải nhọc lắm. Nhìn ai cũng lem luốc, mồ hôi rịn ướt cả người. Khi xe chạy qua nhà chị, có anh vui tính gọi với vào kiểu bông đùa cho xua đi mệt nhọc:

- Cô Xuyến ơi, trưa nay cho ăn ké bữa cơm nhá, làm từ sáng giờ đói cơm quá!

- Anh ngộ ghê, chị nhà đang đợi kìa! - Chị nói kiểu thân tình xóm giềng.

- Giỡn cô thôi, mẹ con nó đợi cơm tui ở nhà! - Anh vừa nói vừa cười xuề xòa, đưa bàn tay dính đầy nhựa cà-phê quẹt mồ hôi trên mặt, trông bần nông và chất phác.

Trước những lời trêu chọc, chị không còn cảm thấy phiền não vì sợ điều tiếng nữa. Nhìn cách họ lao động, cách họ nôn nóng về với bữa cơm bên vợ con, chị thấy mến con người nơi đây. Chị hòa nhập hơn, như thể mình là một cá thể của xứ này.

Giờ thì, nhìn những con người lao động hết mình, chiều xuống ngắm người già ngồi bên ấm trà, nghe giọng con nít nói cười trong vắt, thấy mây trời gió núi thong dong bay…, lòng chị bình yên đến lạ thường. Lúc này chị biết, chị đã an được cái tâm cho mình. Vạn sự, tại tâm mình mà ra. Ở phố, ở chợ hay ở quê, tâm phải an mới không bị xáo trộn. Chị đã dung nạp và yêu thương những con người nơi đây. Chị chợt nhớ bé gái ngày trước bảo rằng chị sống như đang tu. À, tu là sửa. Xe hư cần phải sửa, người chưa trọn vẹn thì sửa cho vẹn tròn. Chị đã sửa sang lại tâm tư của mình, từ một người hay có suy nghĩ u uất, mở lòng ra thành hoan hỷ đón nhận. Có những chuyện trong cuộc sống, hoặc là tránh xa, hoặc là dung nạp, đừng cố khống chế. Chấp nhất chính mình rất khổ. Vậy là, trong vạn sự bất an chị từng trải, giờ đã tìm ra được căn nguyên của một niềm an lạc.

Truyện ngắn Lưu Huyên

 
In trang này