Cây bồ đề trở thành mốc lịch sử Việt Nam - Sri Lanka
Trước sự thỉnh đón cây bồ đề tôn nghiêm, trang trọng của đại diện phía Việt Nam, ông Bhathiya Sumitharaarachchi - cựu Giám đốc các vườn bách thảo Quốc gia Sri Lanka nói: Tôi rất vui mừng và hy vọng thông qua sự kiện này, 2 quốc gia Việt Nam và Sri Lanka sẽ tiếp tục gắn kết bền chặt, vun đắp cho mối quan hệ giữa phật tử và Giáo hội Phật giáo để cùng nhau phát triển phật pháp, mang lại sự bình an cho muôn dân.
Cây bồ đề thường được gọi là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên còn được gọi là “cây giác ngộ”. Theo các nhà khảo cổ học, cây bồ đề này được coi là thiêng liêng ngay từ buổi bình minh lịch sử của nền văn minh Indus. Trong bộ kinh tôn giáo cổ nhất của dân tộc Aryans ở Ấn Độ cho rằng, cây bồ đề này được kính trọng như vật thiêng liêng ngay từ thời đó.
Thật ra, trước khi Phật giáo xuất hiện tại Ấn Độ, cây bồ đề cũng được trồng rất nhiều tại đất nước này. Con người ngày xưa rất kính trọng và kiêng sợ những vật to lớn như cây cổ thụ, những hang đá khổng lồ, các dãy núi đồ sộ…, vì họ nghĩ rằng đó là nơi trú ngụ của các thần linh, các linh hồn và thậm chí của những ma quỷ xấu, ác. Khái niệm thờ cây đạt đến đỉnh cao trong việc thờ cây bồ đề. Sự quan trọng của nó không chỉ nằm ở bản chất hùng vĩ của cây mà còn là sự kết hợp của sự chứng đạt vĩ đại nhất của Đức Phật, đó là giác ngộ.
Trò chuyện với Tiền Phong, Thượng toạ Thích Minh Quang, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong suốt thời gian Phật còn tại thế, cây bồ đề rất được kính trọng và thờ phượng như Đức Phật. Cây bồ đề được xem là một trong ba đối tượng thiêng liêng, cùng với chùa và điện tháp cần được thờ phượng. Cả ba đối tượng này được coi trọng như nhau.
Khi đoàn Việt Nam sang nhận, vị Chủ tịch Quốc hội đã trịnh trọng tiếp đón tại toà nhà Quốc hội, tiếp đó đoàn khởi hành đi Cố đô Anuradhapura để tiếp nhận cây bồ đề. Tại đây, nghi thức làm lễ giao nhận được tổ chức rất long trọng.
Lúc đầu, cây bồ đề thiêng dự định được trồng ở chùa Bái Đính, về sau, do cây bồ đề trên danh nghĩa Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong khi theo dự kiến năm 2019, sẽ diễn ra Đại lễ Vesak (Đại hội Phật giáo Thế giới) tại chùa Tam Chúc. Chính vì thế, Ban Bí thư và Chính phủ chấp thuận việc trồng cây bồ đề thiêng tại chùa Tam Chúc.
Thượng toạ Thích Minh Quang cho biết: Đối với nhà Phật, cây bồ đề tượng trưng cho sự giác ngộ tâm Phật, tâm thiện của mình. Chính vì thế đối với các nước Phật giáo Nam truyền hay phật giáo nguyên thủy, cây bồ đề được coi trọng như Đức Phật. Khi sang các nước Phật giáo, cây bồ đề, tượng phật và bảo tháp có giá trị như nhau. Bồ đề có nghĩa là giác, con người khi giác ngộ thì thành phật, đề cao tính giác, sự giác ngộ. Bên cạnh đó, cây bồ đề còn đánh dấu sự kiện Đại lễ Vesak 2019, cũng thể hiện quan hệ phật giáo giữa 2 nước Việt Nam - Sri Lanka và là sự kiện rất hiếm về trao đổi văn hoá.
Ngoài ra, sự kiện này còn là sự hướng con người đến chùa cần hướng tâm, hướng thiện, hướng tới điều lành, tránh điều dữ, làm việc thiện để được đạt tới sự giác ngộ và an lạc như Đức Phật. Qua đó cầu bình an đến với đất nước, dân tộc, mọi nhà, mọi người. Chính vì thế, việc trồng cây bồ đề tại chùa Tam Chúc được coi là sự kiện khởi động hoạt động chương trình cho đại lễ Vesak 2019. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa, Thượng tọa Thích Minh Quang nói.
Cây thiêng trong Phật giáo
Theo lời kể của Thượng toạ Thích Minh Quang, mặc dù được trồng từ khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, nhưng nhánh cây bồ đề thiêng vẫn xanh tốt cho đến ngày nay. Trong khi cây bồ đề gốc đã bị phá hủy nhiều lần bởi nhiều thời đại sau đó. Khi cây gốc bị hủy diệt lần cuối năm 1876 do một cơn bão, cây bồ đề cũ đã bị cuốn phăng, một nhánh cây con mới mọc lên và đó là cây bồ đề sum suê tại Bồ đề Đạo Tràng hiện nay.
Vì vậy, cây bồ đề được tuyên bố trong lịch sử cây cổ nhất trên thế giới chính là cây được trồng tại thành phố Anuradhapura, Sri Lanka với tuổi thọ gần 2.300 năm. Sau này người dân Tích Lan (Sri-lanka) đã gọi cây bồ đề tại nước họ là “Sri- Maha-Bodhi,” nghĩa là cây bồ đề thiêng liêng. Chính vì thế, ý nghĩa của việc thờ phượng tu tập dường như bị mất đi mà chuyển thành hình thức của việc thờ cây thịnh hành tại Ấn Độ và Tích Lan và nhiều nơi suốt trong thời tiền Phật giáo.
Ngày nay, những tràng hoa tươi đẹp, những ánh nến lung linh, khói hương trầm thơm ngát, cờ phướn nhiều màu luôn bay phấp phới khắp cây bồ đề, dưới cội bồ đề và xung quanh. Thậm chí, theo luật của người Tích Lan trình cho Chính phủ vào cuối thế kỷ 18, nếu ai phá hủy chùa, cây bồ đề cùng những tài sản thuộc tôn giáo thì sẽ bị chính phủ Sri - Lanka quy tội chết.
Theo một số tài liệu, sự có mặt của cây bồ đề thiêng tại Sri Lanka diễn ra vào triều đại vua Devanampiyatissa (250-210 trước Công nguyên), và Phật giáo đã ảnh hưởng đến phong cách sống của người dân ở đảo quốc này kể từ đó. Ngày đó, Hoàng đế A-Dục đã sai con gái mình là công chúa mà sau này trở thành Tỳ-kheo-ni Sanghamitta cùng với nhánh phía nam của cây Bồ đề thiêng đến Sri Lanka.
Theo tìm hiểu, cây bồ đề thiêng tại Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ đã bị phá hủy vào chính thời của Hoàng đế A Dục. Nhưng nhánh cây được trồng ở Sri Lanka vẫn đang nở rộ trong sân của ngôi đền Sri Maha Bodhi tại thành Anuradhapura.
Chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) là nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 từ ngày 12-14/5/2019 với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Quần thể chùa Tam Chúc có tổng diện tích gần 5.000ha, bao gồm hồ nước, núi đá rừng tự nhiên và các thung lũng. Đây là ngôi chùa rất đặc biệt, với cảnh quan hùng vĩ, tiền lục nhạc, hậu thất tinh, mặt trước có 6 quả núi giữa lòng hồ, tương truyền rằng đây là 6 quả chuông của nhà trời đưa xuống. Hậu thất tinh nghĩa là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về đêm. Từ các hiện vật khảo cổ, bước đầu có thể kết luận chùa Tam Chúc có niên đại trên 1.000 năm.
Trải qua năm tháng, giờ chùa chỉ còn lại những di tích cột gỗ, cột đá, xà đá còn vùi lấp ở nền móng cũ, trong đó có những cột gỗ có đường kính trên 1m, những xà đá, cột đá rất lớn. Chùa Tam Chúc đang được đầu tư xây dựng lại với 12.000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật, thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12 m, nặng 200 tấn. Quần thể khu du lịch Tam Chúc đã được Thủ tướng công nhận là khu du lịch quốc gia năm 2013.