>NHỮNG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT NÊN ĐỌC
Từ xưa đến nay, đi lễ chùa – một hoạt động gắn liền với Đạo Phật đã trở thành một tập tục đẹp luôn được duy trì trong mỗi người con, mỗi gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai đến chùa cũng có những mục đích giống nhau và không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc đi chùa nên bên cạnh những người đến chùa với đúng nghĩa lễ Phật, học Chánh pháp, hành thiện tích đức thì cũng không ít người đến chốn cửa thiền làm những điều trái giáo lý nhà Phật, ngược với thuần phong mỹ tục.
Ý nghĩa của việc đi lễ chùa
Phần lớn người dân Việt Nam đi lễ chùa theo truyền thống gia đình. Từ đời này qua đời khác với những nhà theo Đạo Phật từ lâu thì việc đi lễ chùa đã trở thành một hoạt động thường ngày. Họ đi đến chùa để cầu xin từ chuyện cầu bình an, sức khỏe đến việc mong “trời Phật phù hộ” cho kết quả học tập của con cái, hay chuyện làm ăn, buôn bán sẽ thuận lợi và ngày càng tốt hơn. Thông thường, mọi người sẽ đi chùa vào các ngày Rằm và mồng Một hàng tháng hoặc khi có các sự kiện Phật giáo.
Ngoài ra, nhiều người cũng đến chùa vì gặp khúc mắc trong cuộc sống, như khi thi trượt, đau khổ vì chia tay người yêu, thất nghiệp,…và khi không thể giải quyết được những vấn đề khó khăn, rơi vào trạng thái khủng hoảng, bế tắc. Với họ, đến chùa không những giúp bình tâm trở lại mà đôi khi việc đi chùa còn giúp họ tìm thấy được con đường hay nói cách khác là cách giải quyết những trăn trở của mình.
Các Phật tử thì đến chùa để học giáo lý nhà Phật, để hiểu được triết lý Nhân – Quả, tìm sự bình an cho gia đình. Từ đó có thể dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Với những ai chuyên sâu về pháp môn Tịnh độ thì mục đích khi đến chùa của họ đơn giản chỉ là cầu sự giải thoát, để giác ngộ được chân lý của đức Phật A Di Đà, mong cầu được vãng sinh.
Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ hay rủ nhau đi chùa cầu duyên hay cắt tình duyên ảnh hưởng rất nhiều đến mặt tâm lý. Việc cầu duyên không sai nhưng quá lạm dụng để nó biến tướng thì không ổn chút nào. Bởi khi cầu duyên không thành các bạn trẻ dù mới ở độ tuổi đôi mươi đã rủ nhau đi cắt tình duyên. Như một vòng luẩn quẩn cứ đi từ chùa này đến chùa khác xin làm các khóa lễ mà không biết được mọi sự trên đời đều bởi do nhân quả. Có những việc không phải cầu là có được.
Bên cạnh đó nhiều người thiếu hiểu biết về đạo Phật đang làm méo mó, biến dạng các lễ hội gắn với chùa chiền. Do vậy, để hoạt động tín ngưỡng diễn ra đúng với bản chất, góp phần tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bài trừ mê tín dị đoan thì cần có cái nhìn đúng đắn về chùa chiền và giáo lý đạo Phật. Theo đó các Phật tử cần chú ý hơn đến những quy tắc, chuẩn mực khi vào chùa lễ Phật.
Hãy cùng phatgiao.org.vn lưu ý 5 nguyên tắc cho người đi lễ chùa, hiện diện nơi cửa Phật:
1. Trang phục
Theo quan niệm của đạo Phật thì ở nơi thờ tự linh thiêng, sự giản dị, tôn nghiêm luôn được đưa lên hàng đầu. Vì thế, khi đến cửa Phật bạn nên chọn trang phục có màu sắc nhã nhặn. Không mặc váy ngắn, áo cộc, váy xẻ, trang phục cut-out…
Đối với phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật trong chùa. Nếu có thể, bạn hãy chọn những trang phục có cùng tông màu với loại áo tràng các phật tử thường mặc đi lễ chùa là màu nâu và lam.
2. Sắm sửa lễ vật
Khi đến dâng hương ở các chùa nên sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè… Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa.
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức.
3. Cầu nguyện
Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho con Phật chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ. Vào đình, đền bạn có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm…
Cầu nguyện là một biểu hiện lòng nhớ ơn, đền ơn đáp nghĩa đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân… một biểu hiện của tình thương yêu, quan tâm, lo lắng đến nhau như: cầu siêu, cầu an, sám hối,...
4. Nguyên tắc ra, vào
Đền, chùa là nơi thanh tịnh, khi vào đền chùa cần phải đi nhẹ, nói khẽ. Khi đi qua cổng tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này.
Sau đó, du khách có thể gặp sư trụ trì, sở dĩ là vì Chùa do sư trụ trì cai quản, có sư, tăng ni, chùa mới được giữ gìn và Đạo Phật mới được truyền lưu nên khi vào chùa phải theo lệ. Khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chếch sang một bên.
5. Nguyên tắc xưng hô
Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy,… và xưng mình là con. Xưng hô như vậy tức là nhìn thấy tăng mà tưởng nhớ thầy Thích Ca Mâu Ni, mình xưng hô như vậy là đang xưng hô với Đức Thích Ca.
Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy,… và xưng mình là con.
Nếu nhà sư đó là thầy hướng dẫn mình tu tập thì xưng hô là thầy thì ngoài ý nghĩa trên còn mang nghĩa là thầy dạy học đạo. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen.
Cách hành lễ khi đi chùa
Bước 1: Đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước tiên.
Bước 2: Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
Bước 3: Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
Bước 4: Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).
Bước 5: Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.
Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ.
Khi hành lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Tùy vào từng môn phái, có thể đứng hoặc quỳ khi làm lễ nhưng cần phải lên trước. Khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chếch sang một bên. Và không nên bước qua mặt những người đang quỳ lạy.
Những việc không nên làm khi đi lễ chùa
1. Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi, sổ mũi, khạc nhổ,… quanh khu vực Phật điện, tam bảo.
2. Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật
3. Vào Phật đường, tam bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc. Tam bảo là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
4. Không nên mang theo mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc, bao tay… vào tam bảo bái Phật. Lỡ đặt những đồ đạc như vậy trên bàn, trên chiếu hoặc trong góc tam bảo để bái Phật thì mọi công quả tu dưỡng bấy lâu đều tiêu tán. Đi lễ chùa, tốt nhất không mang theo những đồ tùy thân khi vào tam bảo.
5. Trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước tam bảo. Nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, nên đứng từ ngoài để quan sát.
6. Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa.
7. Tuyệt đối không được tự ý lấy sử dụng hoặc mang bất kỳ đồ đạc gì của nhà chùa về làm của riêng. Và cũng không nên mang các đồ ở đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại; hơn nữa nhiều đồ có chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ.