Đón tiếp các vị đại biểu, Thượng tọa Tiến sĩ Phra Shakyavongsvisuddhi (Anil Sakya), Hiệu trưởng trường Đại học Phật giáo Thế giới ở Bangkok (WBU), Phó hiệu trưởng đặc trách Ngoại giao Đại học Phật giáo Mahamakut tại Thái Lan (MBU) cho biết, hội nghị này là một cuộc đối thoại cởi mở về cách thức “để đảm bảo tính bền vững của hành tinh, cung cấp công bằng xã hội về kinh tế, và ra quyết định thúc đẩy sự nghiệp đạo đức”.
Hội nghị được tổ chức bởi Văn phòng Quốc gia Phật giáo Thái Lan và Đại học Phật giáo Thế giới ở Bangkok (WBU), Hội Liên hữu Phật giáo thế giới (The World Fellowship of Buddhists, WFB) phối hợp với Trung tâm Quản lý Bền vững của Sasin (Sasin Center for Sustainability Management, SCSM) và Hội nghị Bàn tròn Caux (CRT, một mạng lưới quốc tế gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nguyên tắc hoạt động để thúc đẩy một chủ nghĩa Tư bản Đạo đức).
Hội nghị được tổ chức để vinh danh cố Quốc vương Thái Lan Bhumibhol Adulyadej (Tại vị: 1946-2016) và Đức Tăng thống Phật giáo Thái Lan Somdet Phra Nyanasamvara (1913-2013).
Từ lâu, trước Liên Hợp Quốc, Cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej: Vị vua quốc dân trong tim triệu người Thái, với những đóng góp không ngừng nghỉ để cải thiện cuộc sống và văn hóa Thái Lan, được người dân xứ sở Chùa Vàng kính ngưỡng là vị cha của dân tộc đã phát triển một hình thức “Triết lý Kinh tế vừa đủ” bền vững với vận dụng giáo lý từ bi trí tuệ Phật giáo cho người dân Thái Lan – bất kể đẳng cấp, tín ngưỡng tôn giáo. Nó nhấn mạnh trọng tâm của lý thuyết Nhân quả nghiệp báo của Phật giáo để tìm ra một phần của giải pháp cho các vấn đề phát triển và biến đổi khí hậu – và cuối cùng là hạnh phúc của con người.
Tầm quan trọng của ứng dụng sự phát triển bền vững trong hành động
Thượng tọa Tiến sĩ Phra Shakyavongsvisuddhi (Anil Sakya) chia sẻ với các đại biểu rằng: “Sự gia tăng của các chính sách phát triển kinh tế hiện tại không bền vững, cũng không đóng góp cho hạnh phúc. Thế giới đang tìm kiếm một mô hình phát triển hoàn hảo, giữ tầm nhìn toàn diện về phát triển con người – sự cân bằng giữa phát triển vật chất và tinh thần đảm bảo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia (Center of Gross National Happiness)”.
Mọi diễn giả đều nhấn mạnh mô hình “Phát triển” được áp dụng trong nhiều thế kỷ là sự sai lệch hoàn toàn so với “Con đường trung đạo của Phật giáo” và chưa bao giờ thực sự bền vững một cách toàn diện. Nếu nhiều phát minh của con người được thiết kế để cải thiện “chất lượng cuộc sống”, tại sao có quá nhiều xung đột, bệnh tật, sự hận thù và nghèo đói?
Thượng tọa Tiến sĩ Phra Shakyavongsvisuddhi (Anil Sakya) bắt đầu chỉ ra rằng chính lời vàng ngọc qua tuyên thuyết của Đức Phật là về sự bền vững. Ngài nói thêm: Về cơ bản, phát triển bền vững giống như bất kỳ sự phát triển nào có sự cân bằng làm nền tảng, và không có sản phẩm phụ tiêu cực nào đối với xã hội, nền kinh tế và môi trường. Đó là cùng một gốc và cùng một nghĩa với gốc từ chữ Pháp là dịch âm từ tiếng Phạn “Dharma” (Sanskrit). Nói cách khác, Phật giáo là tất cả về sự hướng dẫn phát triển bền vững. Theo đó, bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật “kinh chuyển Pháp luân” (Dhamma-Chakka-Pavattan Sutta), theo nghĩa nôm na có thể tạm dịch là “Ứng dụng sự phát triển bền vững trong hành động” (the application of sustainabledevelopment in action).
Tham luận của Tiến sĩ Patrick Mendis tại Hội nghị quốc tế "Lộ trình Phật giáo đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc"
Trong bài phát biểu quan trọng của mình, Tiến sĩ Patrick Mendis, một thành viên cao cấp của Trung tâm Quản trị dân chủ và đổi mới Ash tại Trường Kennedy, Đại học Harvard lưu ý rằng, giáo lý từ bi trí tuệ của Phật giáo, áp dụng một cách bình đẳng cho các cá nhân, cộng đồng, xã hội và quốc gia. Nhưng tất cả bắt đầu với một cá nhân. Sau đó, Tiến sĩ Patrick Mendis tiếp tục nói rằng, tất cả Phật tử đều thụ trì “5 điều cơ bản Đạo đức của người Phật tử tại gia” (Ngũ giới) trong việc thực hiện các điều kiện cơ bản của việc sinh kế, phải phát nguyện trọn đời gìn giữ:
Giới Thứ Nhất: Bảo Vệ Sự Sống
Ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, con nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác tương tức và lòng từ bi, để có thể bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài và môi trường sống. Con nguyện không giết hại, không để kẻ khác giết hại và không tán thành bất cứ một hành động giết hại nào trên thế giới, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con. Thấy được rằng tất cả những bạo động do sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị; con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không kỳ thị, không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung trong con và trên thế giới.
Giới Thứ Hai: Hạnh Phúc Chân Thật
Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp, áp bức và bất công xã hội gây ra, con nguyện thực tập chia sẻ thời giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ thiếu thốn, trên cả ba phương diện: tư duy, nói năng, và hành động trong đời sống hằng ngày. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện thực tập nhìn sâu để thấy được hạnh phúc và khổ đau của người kia có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc và khổ đau của chính con. Con biết hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu không có hiểu biết và thương yêu, trong khi đó đi tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem lại nhiều hệ lụy và tuyệt vọng. Con ý thức được hạnh phúc chân thực phát sinh từ cách nhìn của con mà không phải từ bên ngoài đem tới. Thực tập tri túc giúp con sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà con đang có. Con nguyện thực tập Chánh mạng để có thể làm giảm thiểu khổ đau của mọi người, mọi loài, bảo hộ được trái đất và chấm dứt những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu bất thường.
Giới Thứ Ba: Tình Thương Đích Thực
Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con nguyện thực tập theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và xã hội. Con biết tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau. Những liên hệ tình dục do sự thèm khát gây nên luôn mang tới những hệ lụy và đổ vỡ cho con và cho người khác. Con nguyện không ăn nằm với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức lâu dài. Con sẽ làm mọi cách để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con, để thấy được sự thật thân tâm nhất như và nguyện nuôi lớn các đức Từ, Bi, Hỉ và Xả, tức là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực, làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con biết thực tập Tứ vô lượng tâm, con sẽ được tiếp tục đẹp đẽ và hạnh phúc trong tương lai.
Giới Thứ Tư: Ái Ngữ và Lắng Nghe
Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con nguyện học hạnh Ái ngữ và Lắng nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt nỗi khổ đau của người. Con nguyện tìm cách đem lại an bình và hòa giải giữa mọi người, giữa các quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói gì khi cơn giận đang có mặt trong con. Con nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của cơn giận ấy, để nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những khổ đau trong con và trong người mà con đang giận. Con nguyện học nói sự thật và lắng nghe sâu để có thể giúp người kia thay đổi và vượt thoát những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập Chánh tinh tấn để nuôi dưỡng khả năng hiểu biết, thương yêu, hạnh phúc và không kỳ thị nơi con, để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi mà con đang có trong chiều sâu tâm thức.
Giới Thứ Năm: Nuôi Dưỡng và Trị Liệu
Ý thức được những khổ đau do sự tiêu thụ thiếu chánh niệm gây nên, con nguyện học hỏi cách chuyển hóa thân tâm, nuôi dưỡng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thực phẩm độc hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phầm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và chuyện trò. Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và xung quanh con mà không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ; không để lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để khỏa lấp khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì được an vui trong thân tâm con, trong xã hội, và trong môi trường sống.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Patrick Mendis nói thêm rằng: “Một người Phật tử dự kiến sẽ sống một cuộc đời theo quy tắc ứng xử này. Nhưng trong thực tế, nhiều Phật tử tại gia vi phạm lối sống những điều cơ bản Đạo đức. Nhiều người tự xưng mình là Phật tử ở các quốc gia Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và những nơi khác sống cuộc sống trái ngược với niềm tin tôn giáo và triết học của họ.
Sau đó, Tiến sĩ Patrick Mendis lập luận rằng, các nền kinh tế thông thường được các chủ ngân hàng và các nhà kinh tế tán thành thường mâu thuẫn hoàn toàn với chính họ và với giáo lý Phật giáo. Giáo lý của Phật giáo nhấn mạnh rằng một người thoát khỏi nợ nần – và tiết kiệm của cải cho gia đình và trẻ em – đạt được hạnh phúc thực sự. Sau đó, Tiến sĩ Patrick Mendis cảnh báo về nguy cơ trở thành nô lệ của cải tích lũy quá mức và đau khổ về sự tiếc nuối của cải. Chẳng hạn như sản xuất và buôn bán vũ khí gây chết người, chất độc và đồ uống gây nghiện làm tổn hại thân tâm.
Trích dẫn nhiều kinh điển Phật giáo, Tiến sĩ Patrick Mendis đặc biệt mô tả Kinh “Lời khuyên dạy Vyagghapajja”, Đức Phật giải thích bốn chìa khóa dẫn tới thành công trong cuộc sống cho một thương nhân giàu có tên là Dighajanu. Nhiều người có quan kiến sai lầm cho rằng đạo Phật chỉ chú trọng vào phát triển tâm linh mà xem nhẹ việc gây dựng đời sống vật chất. Đi theo con đường của đạo Phật khiến con người ta trở nên thụ động và thiếu tham vọng thành công về mặt tài bảo trong cuộc sống. Hiểu biết này hoàn toàn sai lầm!
Kinh Vyagghapajja nói đến tiết kiệm là một trong những yêu cầu quan trọng nhất cho sự thịnh vượng kinh tế. Những lời dạy trong kinh này và các kinh điển khác chứng minh rằng, chính triết lý kinh tế Phật giáo dựa trên sự đạm bạc, tháo vát, kiểm soát sự ham muốn quá mức và mô hình tiêu thụ vừa phải để tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống giữa vật chất và tinh thần. Tiến sĩ Patrick Mendis lập luận rằng, Phật giáo không phải là để hạn chế việc hưởng thụ trong cuộc sống và tài sản thiên nhiên mà sự khao khát không cần thiết đối với chúng dẫn đến sự đau khổ của con người và sự suy thoái môi trường.
Hướng dẫn áp dụng tương tự cho các vấn đề sinh thái và biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Patrick Mendisnói, khi con người tham lam và mua lại của cải quá mức trở thành một lối sống, nó tạo ra sự mất cân bằng trong cuộc sống của con người và trong hệ sinh thái tự nhiên. Giáo lý Phật giáo tán thán thái độ hòa nhã đối với môi trường, và nhấn mạnh tầm quan trọng của một xã hội bình, không bạo lực, hạnh phúc mà Tiến sĩ Patrick Mendis gọi là “Con đường trung đạo Phật giáo” trong việc chăm sóc trái đất và phát triển bền vững.
Tiến sĩ Patrick Mendis, học giả Harvard mô tả, Đức Phật sinh ra tại Công viên Lâm Tỳ Ni, thành đạo Vô Thượng Chính giác dưới gốc cây Bồ đề và nhập Niết bàn trong rừng Ta la. Các sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật nêu trên, biểu tượng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên.
Một số tham luận khác tại Hội thảo quốc tế "Lộ trình Phật giáo đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc"
Tập trung vào Quản trị để đạt được hạnh phúc của con người, Giám đốc Hội nghị Bàn tròn Caux (CRT, một mạng lưới quốc tế gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nguyên tắc hoạt động để thúc đẩy một chủ nghĩa Tư bản Đạo đức), Giáo sư Tiến sĩ Stephen Young, từng giảng dạy tại các trường đi học nổi tiếng ở Hoa Kỳ như Havard, Hamline và Minnesota biện minh cho đạo đức sâu sắc nhất, cộng hưởng với tất cả các nền văn hóa và đức tin cho một cuộc sống bền vững, tự do và hạnh phúc của con người.
Giáo sư Tiến sĩ Stephen Young nói thêm rằng: “Giá trị đạo đức của Hồi giáo tập trung vào việc sử dụng quyền lực, và sự minh mẫn của chúng ta đối với những điều tốt đẹp. Nó ngụ ý rằng, quản trị là quản lý và không khai thác. Nó đòi hỏi sức mạnh đó không phải đo bằng sức mạnh của nó, mà là bằng những kết quả mà nó dùng sức mạnh của nó. Điều này đúng cho các cá nhân cũng như cho tập thể - gia đình, làng mạc, công ty, phi lợi nhuận, nhà thờ và chính quyền có chủ quyền. Quản trị là việc thực hiện khả năng tự kiểm soát sự ham muốn của chính mình, có thể làm cho hạnh phúc của con người. Không ai ngoài tầm kiểm soát sự ham muốn của mình mà có thể hạnh phúc. Sau đó, ông kết luận rằng, việc thiếu quản trị đạo đức là tự hủy hoại.
Các diễn giả khác cũng chia sẻ một loạt các trải nghiệm thực tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.