Trước đó, vào đúng cái năm mà Tôn giả Tăng Hộ xuất gia thì người chị gái của ông cũng vừa sinh hạ được một bé trai, người chị ấy bèn lấy tên của ông mà đặt cho hài nhi của mình và gọi đứa bé ấy là “Tăng Hộ cháu”.
Lớn lên, Tăng Hộ cháu cũng xuất gia và đi theo tu tập cùng Tôn giả Tăng Hộ.
Sau khi thụ đại giới, Tăng Hộ cháu đến an cư tại một khu làng nọ và anh ta được cúng dường hai bộ y phục tốt. Vốn rất quý trọng cậu, Tăng Hộ cháu liền để dành lại một bộ đẹp nhất với ý định sẽ cúng dường cho người cậu của mình sau mùa an cư.
Hết mùa an cư kiết hạ, Tăng Hộ cháu trở về tịnh xá Cấp Cô Độc đảnh lễ Phật và ra mắt cậu. Nhưng vị trưởng lão Tăng Hộ đi an cư chưa về. Tăng Hộ cháu bèn quét dọn am thất của cậu, lại không quên sửa soạn cả nước uống và các thứ cần dùng cho vị Tôn giả cậu.
Khi Tôn giả trở về, Tăng Hộ cháu bước ra đảnh lễ và ngỏ ý cúng dường cho ông bộ y phục, nhưng vị Tôn giả này từ chối nói:
– Ta đã có đủ ba bộ tăng y. Vậy con cứ giữ lấy mà dùng.
– Bạch Tôn giả, xin người nhận lấy món quà nhỏ mà con cúng dường, để cho con được chút phước mọn! Tăng Hộ cháu năn nỉ.
– Thôi, con hãy giữ lấy. Ta đã có đủ y phục rồi, Tôn giả vẫn từ chối.
Đứng quạt sau lưng Tôn giả, Tăng Hộ cháu trong lòng không vui, thầm nghĩ:
– Tôn giả ở ngoài đời là cậu ruột của ta, mẹ ta là chị ruột của ngài. Ta đối với Tôn giả vừa có tình ruột thịt vừa có nghĩa thầy trò, Thế mà Tôn giả vẫn lạnh nhạt với ta, không thèm nhận đồ cúng dường của ta. Ngài đã không thương ta, thì ta còn đi theo ngài tu tập làm chi nữa cho thêm phiền não. Chi bằng ta hoàn tục quách cho rồi…
– Nhưng ta xuất gia từ lúc hãy còn thơ bé. Bây giờ hoàn tục, không biết nghề ngỗng gì thì làm sao mà sống nhỉ? Thật khó khăn thay!
– Ồ, hay là ta hãy bán bộ y phục đẹp này mà mua một con dê cái. Loài súc sinh ấy sinh đẻ rất nhanh. Vừa khi dê đẻ một đàn thứ nhất bảy con, ta sẽ đem bán mà kiếm một số vốn. Cứ tiếp tục như thế, ta sẽ có một mớ tiền. Khi có tiền nhiều, ta sẽ cưới một cô vợ. Cô ấy sẽ sinh ra một thằng con trai. Ta sẽ lấy tên vị Tôn giả này – tức là cậu của ta, mà đặt tên cho thằng con ấy.
– Rồi ta sẽ đặt nó nằm trong một chiếc xe nôi, cùng với vợ đẩy xe đến tịnh xá thăm ông cậu Tôn giả này!
Thế rồi Tăng hộ cháu vừa đứng sau lưng Tôn giả vừa mơ màng… anh ta bỗng thấy trong đầu não của mình hiện lên cái cảnh hai vợ chồng vừa đẩy xe trên đường vừa nựng một thằng bé rất kháu khỉnh và bụ bẫm. Người chồng thấy cậu con trai đáng yêu quá muốn bồng nó, nên bảo cô vợ:
– Bây giờ mình đẩy xe đi, để tôi ẵm thằng bé.
Chị vợ ngúng nguẩy cãi lại:
– Mình mà ẵm con cái gì, để tôi ẵm nó, mình đẩy xe đi!
Rồi nàng cúi xuống vừa nựng, vừa ẵm thằng bé lên. Nhưng vì bất cẩn nàng làm thằng bé rớt ngay xuống đường. Thằng bé con đau quá khóc thét.
Người chồng xót con quá mắng vợ:
– Mình không chịu để con cho tôi bồng, không đủ sức ẵm mà cứ giành lấy nó, để cho nó rớt như vậy. Thật là báo hại!
Tức mình, anh ta bèn giơ tay ra mà gõ vào đầu cô vợ một cái!
Vừa quạt cho tôn giả, Tăng Hộ cháu vừa để cho tư tưởng của mình phiêu lưu như trên, và đến đoạn giấc mơ kết thúc, cũng chính là lúc y gõ cán quạt vào đầu Tôn giả một cái đánh: “bốp”!
Vì có được phép: “Tha tâm thông” nên vị Tôn giả chẳng chút khó khăn mà đọc tỏ ngay dòng tư tưởng của cháu mình. Ông nói:
– Này, ngươi đánh không trúng cô vợ ấy đâu, mà là gõ trúng ngay đỉnh đầu ta đó!
Tăng Hộ cháu giật thót mình, nghĩ:
– Chết rồi! Tôn giả đã biết tâm niệm của ta hết cả! Làm sao ta còn có thể tiếp tục tu tập cùng người được nữa! Cũng chẳng thể xuất gia được nữa rồi! Nghĩ xong, y bèn liệng cái quạt, co giò chạy tuột ra khỏi cổng tịnh xá.
Thấy Tăng Hộ cháu hộc tốc bỏ chạy khỏi chùa, một số tăng nhân đồng khóa liền chạy theo bắt y lại rồi dẫn đến trước mặt đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đấng Thế tôn mỉm cười từ bi hỏi:
– Tại sao các ngươi bắt Tăng Hộ cháu?
– Bạch Thế tôn, y toan chạy trốn khỏi tịnh xá nên chúng con bắt lại.
Đức Phật lại quay sang hỏi Tăng Hộ cháu:
– Có phải vậy không?
– Bạch Thế tôn, dạ phải ạ!
– Tại sao con trốn? Có phải vì con bất mãn? Đức Phật lại hỏi tiếp.
Tăng Hộ cháu bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni nghe, đến đoạn y gõ cán quạt một cái đánh “bốp” vào đầu Tôn giả, rồi kết luận:
– Bạch Thế tôn, chính vì sự việc xảy ra như vậy, nên con phải trốn.
Đức Thế tôn khẽ mỉm cười và giảng:
– Này thiện nam, con đừng sợ: “Tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình, đi rất xa, vô hình vô dạng, như ẩn náu hang sâu. Người nào điều phục được cái tâm của mình, thì thoát vòng ma trói buộc”. Cúi nhìn Tăng Hộ cháu bằng ánh mắt rạng rỡ và đầy từ bi, đức Thế tôn an ủi tiếp:
– Tâm con người ta thường phiêu lưu như vậy đó. Con phải tu hành sao cho nó thuần tịnh và định trụ trở lại thì mới có thể viên mãn được.
***
Đối diện trước danh-lợi-tình và đủ mối quan hệ nhân duyên phức tạp nơi nhân thế này, “Tâm” con người ta thường cứ hay náo loạn lung tung cả lên giống như ngựa hoang vậy. Nếu như không kiểm soát và định trụ được cái tâm ấy lại thì đúng là nguy hiểm! Những người “Tâm viên ý mã” (ý tứ là: tâm nhảy nhót linh tinh như vượn; ý chạy lăng xăng như ngựa bất kham), nếu không có chính Pháp để cải biến thì khó lòng mà tu thành được.
Có thể có người nói: “Tôi mới chỉ nghĩ vậy thôi chứ có làm chuyện xấu gì đâu!”. Thực ra không phải vậy, khi người ta vừa nảy sinh ra một tư tưởng nào đó không tốt ở trong đầu não, thì chính cái tư tưởng vừa nảy sinh đó đã là chuyện xấu rồi!
Phật giáo có phép tu Thân-Khẩu-Ý: Không làm điều xấu (tu Thân); Không nói lời xấu (tu Khẩu); Không nghĩ niệm xấu (tu Ý).
Những người hiểu đạo lý đều tin vào quan hệ nhân quả và biết rằng: khi một ai đó nghĩ điều xấu, làm chuyện xấu thì chắc chắn sẽ phải gánh chịu hậu quả. Phật gọi đó là tạo nghiệp, người thường xuyên tạo nghiệp ắt sẽ tự hại mình trong vô vàn khổ đau, bất hạnh.
Vị “Tăng Hộ cháu” trong câu chuyện kể trên vừa để cho tư tưởng của mình “chạy loạn” lung tung chút xíu mà kết quả là đã mơ mơ hồ hồ rồi gõ nhầm nguyên cả cái cán quạt vào đầu ông “Tôn giả cậu”, lại xém chút nữa mà rơi rớt mất cả cơ duyên tu luyện! Sự việc ngỡ như là nhỏ mà đáng suy ngẫm lắm thay!