Trước tình hình ấy, vào sáng ngày 14/06/2019, ngày thứ 11 của khóa sinh hoạt đạo đức mùa hè tại Thiền Tôn Phật Quang, hơn 600 em học sinh đã được lắng nghe thời Pháp thoại từ Thượng tọa Thích Chân Quang. Bài Pháp thoại hết sức quan trọng, cùng những hành động thiết thực khi toàn nhân loại đang đứng trước nguy cơ sự sống bị đe dọa.
Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa đã đề cập đến thông tin 4 người Ấn Độ đã chết vì nắng nóng do ngồi trên toa tàu không có điều hòa trong nhiệt độ 45 độ Celcius. Ở Việt Nam cũng bắt đầu có dấu hiệu với hiện tượng cá chết nổi trắng ở hồ trung tâm thành phố Bảo Lộc và ở hồ điều tiết Thạc Gián, Đà Nẵng do nắng nóng làm cho nước hồ mất oxy. Người cũng nêu rõ, cá là loài nhạy cảm, phải hứng chịu hậu quả trước, rồi lần lượt các giống loài khác sẽ chết nếu nhiệt độ cứ tăng dần như hiện nay. Cái chết đang đến từ từ do hiện tượng nóng lên toàn cầu!
“Một số dữ liệu khoa học chỉ ra rằng thế giới chỉ còn sống được 30 năm nữa chiếu theo tốc độ nóng lên từng ngày như thế này. Khi đạt ngưỡng 60 độ Celcius thì hơn phân nửa giống loài biến mất, trong đó có con người. Với tốc độ nóng lên từng ngày thế này thì ngưỡng 60 độ Celcius không phải là quá xa vời nữa, có thể ập đến rất nhanh, nhanh hơn cả dự kiến.”
Vậy nguyên nhân do đâu mà khí hậu ngày càng trở nên gay gắt như thế? Hai em học sinh đã đưa ra hai câu trả lời đúng hoàn toàn: do chặt phá rừng và nguồn khí thải độc hại. Nói đến đây, thầy đặt ra câu hỏi: “Tại sao các chính phủ biết, ai cũng biết… nhưng chưa ai làm gì? Và chúng ta cần làm gì để cứu trái đất?”
Hơn 600 em học sinh đã sôi nổi thảo luận, đưa ra rất nhiều ý kiến, hầu hết các câu trả lời của các em đều đúng, nhưng chưa đủ.
Để dẫn chứng cho câu trả lời thực tế nhất, TT Thích Chân Quang đã kể về một nhân vật lịch sử đã vực dậy cả một dân tộc chống lại ách đô hộ của Thực dân xâm lược, giành lại hòa bình cho đất nước, đó chính là Bác Hồ vĩ đại. Đã có rất nhiều cuộc kháng chiến nổ ra nhưng đều thất bại, vậy nhờ đâu mà Bác đã làm được sứ mệnh lịch sử ấy? Chính nhờ sự quyết tâm, phương pháp thuyết phục kết hợp bắt buộc, để từ đó, chúng ta đã đưa ra những chiến thuật không ai dám nghĩ ra và khó ai có thể làm được. Chính yếu tố cấp bách của nhà nước đã giúp một dân tộc bé nhỏ nhưng có thể đánh bay được thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là chìa khóa bí mật để mở ra lời giải đáp cho tình hình xã hội hiện tại.
Các chính phủ không đủ quyết tâm giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến môi trường, trong khi guồng máy kinh tế hoạt động rất cần các nguồn năng lượng. Chính những nguồn năng lượng này đã tạo ra khí thải gây hại trực tiếp đến sự sống của muôn loài.
Các Hiệp hội, các diễn đàn thế giới đều tập trung thảo luận các vấn đề về thương mại, chính trị, tranh chấp lãnh thổ,… và dường như vấn đề môi trường đã bị lãng quên. Vậy, các chính phủ cần phải làm gì?
Trả lời cho câu hỏi trên, thầy Chân Quang đã nêu ra rất nhiều lợi ích của cây xanh như giảm nhiệt độ không khí, bảo vệ bầu không khí trong lành, bảo vệ sự sống cho muôn loài,… “Human will be safe in the tree”. Chúng ta phải ngăn chặn các hành vi “deforestation” (phá rừng), thay vào đó là “reforestation” (trồng rừng). Nhưng, việc trồng rừng phải được tính toán thật kỹ lưỡng và chu đáo, từ nguồn giống cây, vị trí đất trồng, loại đất, phương tiện vận chuyển, công tác hậu cần… Những việc này, một cá nhân không thể làm nổi, mà đây là chuyện của cấp Nhà nước.
Người tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Cả thế giới chưa đủ quyết tâm thì phải có một đất nước buộc thế giới phải có quyết tâm! Đó là đất nước nào?” Các em học sinh đã chọn Việt Nam, do phần nhiều là cảm tính, nhưng Người đã phân tích câu trả lời của các em hoàn toàn đúng, với lý do hết sức thuyết phục: Việt Nam là bạn của thế giới.
Người đã kể ra bằng chứng cụ thể thông qua kết quả bỏ phiếu tham gia Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp quốc vừa qua, Việt Nam đã đạt 192/193 phiếu bầu. Trong đó, 1 phiếu không được tính do quốc gia Libya không có quyền bầu cử. Cuộc bầu cử với phiếu gần như tuyệt đối này là chuyện lần đầu tiên xảy ra. Một đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, phát triển với chính sách khéo léo, kiên nhẫn, ôn hòa cùng sức mạnh quân sự, tình báo, an ninh chặt chẽ.
Nơi đây đã trở thành nơi tin tưởng cho các lãnh tụ thế giới đến thăm và làm việc, điển hình là sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua. Chính đất nước này đã đóng góp một phần nhỏ bé vào nền hòa bình cho toàn thế giới. Thế nên, giờ đây, với uy tín và vai trò hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đứng lên, tiên phong yêu cầu các chính phủ các quốc gia phải ra lệnh bắt buộc trồng cây như là một nghĩa vụ, quyết tâm trồng rừng, gác hết mọi chuyện để trồng rừng rồi mới tính đến những chuyện khác.
Bằng hành động cụ thể, TT Thích Chân Quang đã kêu gọi các em khóa sinh viết một bức tâm thư gửi lên các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bức thư ghi rõ nguyện vọng xin Nhà nước ban hành luật Nghĩa vụ trồng rừng cho tất cả công dân Việt Nam giống như Nghĩa vụ Quân sự; nguyện vọng thứ hai là xin Đảng và Nhà nước ta tiên phong đấu tranh buộc Liên Hiệp quốc ra lệnh cả thế giới này bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng.
Mỗi em viết một bức thư thật cảm động, bằng chính nét chữ, suy nghĩ của các em. Với vai trò là mầm non tương lai của đất nước, trước nguy cơ sự sống bị đe dọa từng ngày, tuy chưa đủ sức làm những việc lớn lao, các em có thể thực hiện hành động chung tay kiến nghị lên Đảng và Nhà nước thực hiện việc thay đổi để xã hội, đất nước tốt đẹp lên từng ngày.
Từng câu, từng chữ, từng ánh mắt, từng cử chỉ là tất cả niềm hy vọng mà TT Thích Chân Quang gửi đến thế hệ trẻ, cụ thể là các em đang tham gia khóa học đạo đức mùa hè tại Thiền Tôn Phật Quang và khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Thầy gửi gắm ước mong tất cả mọi người đều đồng lòng kêu gọi cả thế giới tạm thời gác bỏ mọi dự án khác, dồn tất cả sức lực để trồng lại rừng cho thế giới, vì nếu kịp trồng rừng trên toàn thế giới thì chỉ trong mười năm, nhiệt độ toàn cầu sẽ bị kìm hãm lại liền, không tăng cao nữa, và loài người có cơ may sống sót.
Phải còn sống rồi mới nói tiếp chuyện tương lai.
“EVERYTHING CAN WAIT, TREES FIRST!”