Đảo Bé (huyện Lý Sơn) thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm. Kéo theo đó là một lượng lớn rác thải nhựa phát sinh gây ô nhiễm môi trường. Với mong muốn bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Lợi (29 tuổi) thu gom hơn 6.000 vỏ chai nhựa làm nên ngôi nhà độc đáo.
Chủ nhân của ngôi nhà là anh Nguyễn Lợi (29 tuổi) – một cư dân trên đảo Lý Sơn. Lên ý tưởng từ vài tháng trở lại đây với thông điệp bảo vệ môi trường và muốn mọi người hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khi đến với đảo Bé.
Ngôi nhà vỏ chai nhựa nằm cách khu vực cầu cảng đảo Bé chừng vài năm mét, nằm xen lẫn giữa những ngôi nhà ba gian, cấp 4 truyền thống. Với vẻ ngoài độc đáo, ngôi nhà tạo nên sự khác biệt với không gian xung quanh và vô cùng thoáng đãng. Với diện tích khoảng 15,5m2, chiều dài 5m, chiều ngang 3,5m và phải cần đến 6.000 vỏ chai nhựa. phần cột nhà vẫn được làm bằng gạch thông thường để đảm bảo độ vững chắc.
Đó là loại vỏ chai nước lọc, nước ngọt chứa khoảng nửa lít nước được vứt đủ nơi trên đảo, đủ màu sắc, phần lớn có kích thước tương đồng. Còn loại lớn hơn thì dùng để trang trí hoặc trồng rau, làm hàng rào và cổng nhà.
Để có được số lượng này, vào mỗi buổi chiều, trong nhiều tháng qua, anh cùng những đứa trẻ trong thôn đã đi lang thang khắp nơi ở bãi biển, khu vực bãi tắm và cả khu dân cư để thu gom.
Mỗi chai nhựa mang về được phân loại ngay ngắn, vỏ chai nào thì gắn liền với nắp đó. Sau đó đổ đầy cát vào để có độ bền chắc như một viên gạch. Cát đã được hong phơi giữa tiết trời nắng nóng. Sau đó tiến hành xây nhà bằng cách dùng xi măng để gắn kết các vỏ chai chứa cát lại với nhau như xây nhà bằng gạch.
Khi xây, đầu chai hướng vào bên trong và phần đuôi nhô ra bên ngoài. Ngoài cửa chính, còn có cửa sổ hóng gió. Phần nền lát gạch hoa, riêng phần mái được lợp bằng lá, đảm bảo ấm về mùa đông, mát vào mùa hè. Đặt chân vào bên trong ngôi nhà, các loại màu của vỏ chai, tạo ra nguồn ánh sáng đẹp mắt cả ban ngày, lẫn ban đêm.
“Với 40 triệu cho 15m2 thì so với ngôi nhà thông thường thì nhà nhựa tốn nhiều chi phí hơn, thậm chí là gấp đôi. Công năng sử dụng ngôi nhà có thể lên đến hơn 10 năm và chỉ tầm khoảng 2-3 năm là có thể thu hồi vốn. Mặc dù tốn nhiều chi phí, thế nhưng mỗi ngày nhìn ngôi nhà một hoàn thiện, tôi cảm thấy hài lòng và vui sướng khi ý tưởng được hình thành trong hiện thực”, anh Lợi bộc bạch.
Dự kiến ngôi nhà hoàn thiện trong vòng một tháng nữa và bắt đầu đón những vị khách lưu trú đầu tiên. Cùng với ngôi nhà gỗ bên cạnh thì đây sẽ là điểm dừng chân lý tưởng, thuận tiện cho du khách khi đến thăm đất đảo, thưởng ngoạn cuộc sống yên bình ở An Bình.
Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, vừa ra trường, anh Lợi nhận thấy du lịch biển đảo quê hương ngày phát triển, được nhiều người biết đến, anh đã mau chóng quay trở về cùng những người trẻ chung tay xây dựng, làm giàu, cống hiến sức trẻ cho mảnh đất quê nhà.
Làm du lịch, đó là cái nghề anh nghĩ ngay đến và không ngại khi từng mua xe điện để làm tài xế phục vụ du khách. Sau nhiều năm dành dụm được một số vốn, ý tưởng xây dựng ngôi nhà homestay cho khách lưu trú được anh nghĩ ngay đến. Homestay không còn là mô hình mới mẻ ở đảo Bé vì thế muốn cạnh tranh, ngôi nhà phải thật đặc biệt và ý tưởng xây nhà từ nguyên vật liệu vỏ chai nhựa bỏ đi được hình thành.
Những chiếc chai nhựa được anh Lợi lựa chọn có kích thước bằng nhau sau đó đóng đầy cát vào từng chai rồi nút chặt lại. Những chiếc chai nhựa đầy cát này sẽ được anh thay thế những viên gạch để xây lên homestay phục vụ khách du lịch.
Ngôi nhà đã truyền thông điệp đến với tất cả người dân và du khách, lan tỏa cảm hứng đến cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, sử dụng nước tiết kiệm, biết cách tái sử dụng các loại rác thải, chai nhựa khó phân hủy thành những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống
Hiện nay trên toàn xã đảo Bé có khoảng 8 hộ dân làm nhà ở homestay, trong đó chủ yếu là người trẻ. Với điều kiện còn khó khăn và hạn chế trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà nghỉ, khách sạn thì việc phát triển homestay là phù hợp.