>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Quan điểm Phật giáo về tử vi, bói toán
Trong kinh Chuyển Pháp Luân ngay sau khi Phật giác ngộ và kinh Di Giáo ngay trước khi Phật Niết-bàn, Ngài khuyên các đệ tử của Ngài là không nên xem bói toán, xem quẻ, xem tướng số...
Đạo Phật là đạo Giác, hay là con đường tới Giác Ngộ. Đức Phật là người đã giác ngộ, là người thầy dẫn đường cho chúng ta đạt tới giác ngộ. Ngài không phải là một vị thần linh tối cao, hay một đấng thượng đế toàn năng, sáng tạo và bất diệt. Ngài không ban phát ân huệ hay trừng phạt chúng sinh. Ngài có thể cứu giúp chúng sinh bằng cách chỉ dạy cho chúng sinh phương pháp tu hành để chuyển hóa nghiệp lực, thoát khỏi những khổ đau và đạt được niềm vui an lạc. Tuy bản thân Ngài đã giải thoát hoàn toàn khổ đau và đạt được niềm vui an lạc vĩnh cửu, nhưng Ngài không thể tu thay hoặc ban phép cho chúng sinh thoát mọi khổ đau và đạt được niềm vui an lạc.
Nhiều người cho rằng việc bói toán, tử vi, coi ngày giờ, ngũ hành,…là quan niệm của nhà Phật. Nhưng đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Không có bất kỳ quyển kinh nào Đức Phật nói về cách xem tử vi, ngày giờ, vận mạng của con người trong tương lại hay quá khứ. Phật chỉ dạy về “xem bói” trong kinh Nhân Quả rằng:
“Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị.
Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.”
Nghĩa là:
“Muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn vào kết quả thọ báo hiện tại.
Muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, hãy nhìn vào những tạo tác của hiện tại”.
Theo quan điểm Phật giáo thì vấn đề tai họa hay sung sướng, khổ đau hay bất hạnh, giàu có hay nghèo khổ đều do nhân thiện ác mà chúng ta gieo trồng từ nhiều đời sống trước rồi đời này hay đời sau chịu quả báo. Lại cộng thêm sự nỗ lực hay lười biếng trong đời sống hiện tại mà có thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng của đời này hay đời sau. Do việc gieo nhân khác nhau trong đời trước mà tiếp nhận hoàn cảnh khác nhau trong đời này.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật nói: “Những hành vi tạo lỗi này do chính ta làm, không phải do nơi cha mẹ, bè bạn, hay người thân quyến thuộc, cho nên chính ta phải gặt hái kết quả đau khổ.”
Cái gọi là hoàn cảnh cũng bao gồm cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh, nuôi dưỡng và giáo dục, anh em, họ hàng, thầy bạn và đồng nghiệp. Tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của cả một cuộc đời. Dù cho nhân tạo ra ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại xấu nhưng hiện tại biến tu tập, làm nhiều việc thiện thành sẽ giúp phước báu sinh trưởng có thể chuyển hóa được vận mệnh.
Như thế thì tử vi bói toán đâu có ích lợi gì! Điều cần thiết là làm lành, lánh ác, thì nhân xấu ác sẽ tàn lụi, nhân lành sẽ nẩy nở xum xuê. Cho nên nhà Phật có câu:
“Khi trước gây nhân hiền, ác
Bây giờ đang lãnh thọ đây
Muốn biết tương lai sướng khổ
Cứ xem hành động lúc này”.
Phật Giáo quan niệm, con người không phải do một đấng nào đó tạo ra, có thể bị sai sử, bị thưởng phạt, cho sống hay cho chết. Người Phật tử không tin vào cái gọi là "định mệnh" an bài. Phật giáo cho rằng, sự vận hành biến hóa của vũ trụ và sự lưu chuyển của sinh mạng, là do nghiệp lực của chúng sinh tạo nên. Tiến trình nhân và quả không do một nhân vật toàn năng nào điều khiển và định đoạt mà do hành động qua thân, khẩu và ý của chúng ta hằng ngày. Đó là một định luật tự nhiên. Chúng ta trách nhiệm về những hành động chúng ta làm, thì chúng ta cũng phải gánh trách nhiệm về hậu quả của những hành động ấy.
Việc chấp nhận ở đây không có nghĩa là tự mãn hay cam chịu với cái gọi là "Số Mệnh" an bài, bởi vì chúng ta có tự do làm thay đổi và khắc phục những sự việc hay kết quả mà chúng ta không ưa thích, chúng ta là chủ của mọi hành động và cũng chính là người sẽ kế thừa hậu quả của những hành động ấy. Chỉ cần sáng suốt khi tạo nhân, chịu khó chăm sóc tốt cho nhân tăng trưởng, thì quả chín ngon ngọt sẽ đến tay chúng ta một cách dễ dàng. Ðó là lý nhân quả, nếu chúng ta tin sâu và tin chắc lý này, chắc chắn sẽ không còn mê tín mà đi coi bói toán tử vi hay đi xin xăm cầu đảo.
Có bao giờ bạn thắc mắc rằng: “Nếu như ông thầy, bà bói biết được tương lai và quá khứ của bạn thì tại sao họ không dùng khả năng này để xoay chuyển cuộc đời của mình?”.
Phật tử cần cẩn trọng để không rơi vào hố sâu mê tín dị đoan
Phật tử nên trau dồi học hỏi thêm Phật pháp và đồng thời cũng gieo duyên lành với Tam Bảo. Và nhân đó, chư Tăng, Ni còn có thể giải thích cho Phật tử biết thêm về quy luật nhân quả. Nhờ đó, có nhiều Phật tử bước đầu chưa hiểu Phật pháp còn mê tín nhưng dần dần về sau, khi nghe chư Tăng, Ni giảng pháp và tìm hiểu học hỏi Phật pháp sẽ phát khởi Tâm Phật vào Tam Bảo và quy luật nhân quả. Trở lại với con đường chánh pháp, chánh tín.
Đối với việc xem tử vi bói toán, cũng như việc xin xăm cầu đảo là những việc làm có tính cách mê tín, không có chỗ đứng trong Phật giáo. Người Phật tử được khuyên bảo cẩn trọng đừng để rơi vào hố sâu mê tín dị đoan khiến tâm bị rối loạn bởi sự sợ hãi không cần thiết. Một thời tọa thiền hay niệm Phật hằng ngày giúp ích rất nhiều để tự thanh lọc tư tưởng bất thiện trong tâm. Tâm được thanh lọc tự động dẫn đến một thân thể trong sạch và khoẻ mạnh. Giáo pháp của Đức Phật là liều thuốc chữa khỏi các loại tâm bệnh này. Một phút giây tâm được tịnh là ngưng tạo bao nhiêu nghiệp, ngưng gieo bao nhiêu nhân xấu và xa bao nhiêu dặm khổ ải.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
“Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.” (127)
Nếu như con người hàng ngày không làm các việc lành thiện, chỉ lo tạo tội, tạo nghiệp, trong cuộc sống đấu tranh giành giật, khi quả báo đến, không ai có thể tránh được, dù cho có lên non xuống biển hay trốn đi bất cứ đâu!