Phương pháp đơn giản để “Cân bằng cuộc sống” (Work-Life Balance) là vẽ một biểu đồ phân tích tình trạng sinh hoạt của mình để thấy chỗ nào đang bị lệch lạc như về công việc, tài chánh, học tập, giải trí, gia đình, bạn bè… Theo dõi biểu đồ đó từng thời gian, có thể thấy mình đang bị lệch về hướng nào, cần điều chỉnh ra sao.
Có một vài phương pháp cụ thể hơn để giải stress, ví dụ như yoga, thiền quán, thở bụng… Phương pháp thở bụng (Diaphragmatic breathing hay Abdominal breathing) đơn giản mà hiệu quả. Các bác sĩ nổi tiếng hiện nay như Dean Ornish hay Deepak Chopra (Mỹ) đang phát triển phương pháp này để chữa bệnh. Họ nghiên cứu trên hai nhóm bệnh nhân tim mạch, một nhóm uống thuốc bình thường, nhóm còn lại kết hợp thêm thở bụng thì thấy rõ ràng nhóm có thở bụng đạt kết quả tốt hơn (thống kê y học).
Gần đây Tây phương nghiên cứu nhiều về thiền, ứng dụng thiền vào cuộc sống. Họ mời các nhà sư Tây Tạng tham gia, dùng nhiều kỹ thuật đo đạc hoạt động của não bộ như EEG, fMRI, PET… để xem xét coi có sự chuyển biến trong não bộ thế nào trong lúc hành thiền và đã phát hiện ra nhiều điều lý thú rồi ứng dụng để chữa nhiều bệnh trong đó có bệnh tâm thần, mất ngủ, nghiện, tim mạch… Các phương pháp tâm lý trị liệu như MBSR (Midfulness-Based Stress Reduction) hay MBCT (Midfulness-Based Cognitive Therapy) chủ yếu cũng dựa trên thiền Chánh niệm để giải quyết vấn đề stress, trầm cảm thường gặp trong đời sống hiện đại.
Ta biết khi stress kéo dài thì tuyến Pituitary ở não sẽ không tiết hormone tăng trưởng nên những trẻ bị căng thẳng quá trong học tập sẽ không lớn nổi. Stress làm Tuyến tụy tiết ra Glucagon làm giảm Insulin gây tiểu đường. Tuyến sinh dục cũng không phát triển được, không tiết DHEA bình thường. Đó là lý do tại sao đời sống tình dục ngày càng có vẻ yếu đi, yếu đến nỗi người ta phải dùng thuốc cường dương các thứ …
Một dấu hiệu quan trọng của stress nữa là giảm sút trí nhớ, luôn do dự, khó tập trung, suy nghĩ không logic, phán đoán sai, chỉ thấy mặt tiêu cực, mất định hướng, hoang mang, sợ hãi… hoặc buồn rầu, cô đơn, tâm tính bất thường…
Những dấu hiệu của stress về thể chất như nhức đầu, đau lưng, đau cột sống cổ… Đi bác sĩ đau đâu chích đó, hoặc can thiệp bằng mổ xẻ cũng không dứt hẳn. Vì gốc bệnh là do stress hoặc do tư thế ngồi làm việc, phải điều chỉnh.
Cần có một chế độ để nghỉ ngơi hợp lý. Nghỉ và ngơi là hai từ khác nhau. Ngơi là ngưng, ngưng hẳn. Nhiều khi nghỉ mà không ngơi. Cho nên, cần có nghỉ và ngơi thực sự. Chương trình đưa Thiền chánh niệm vào trường học (MiSP) nói trên có đề ra một công thức khá hay, mà tôi gọi là “Lá Bùa”, có thể dán bất cứ ở đâu để nhắc nhở mình. Đó là (.b).
Chấm (.) có nghĩa là Ngưng, Thôi, Dừng lại. Còn (b) là breath (thở chánh niệm) và hiện diện “ở đây và bây giờ”. Thực hiện được đã là rất tốt.
Nên tìm kiếm niềm vui trong những việc sáng tạo: học múa, học nhảy, ca hát, vẽ vời… Cũng nên có một vài “nghề” tay trái. Nghề “tay trái” nhiều khi mang đến nhiều hạnh phúc cho ta hơn là nghề “tay mặt”, dù ai cũng biết nhất nghệ tinh nhất thân vinh.
Giao tiếp rất quan trọng trong đời sống. Giao tiếp giữa người với người mà thành công sẽ tạo một môi trường lành mạnh cho sự phát triển cảm xúc và trí tuệ. Có 3 nguyên tắc chính: tôn trọng, chân thành và thấu cảm. Trong Bồ-tát thập hạnh, hạnh thứ 6 là “Thiện hiện”, đây chính là sự thấu cảm; hạnh thứ 8 là Tôn trọng và hạnh thứ 10 là chân thực. Nếu thực hành được ba hạnh này thì giao tiếp chắc chắn thành công.
Để có cuộc sống an lạc, tự tại, thì ta phải “từ bi” với mình, đừng cao vọng đòi hỏi xa xôi quá để bị hút vào, bị cuốn đi. Nhưng như vậy không có nghĩa là không phấn đấu để trở thành người hoàn thiện hơn. Trong thời đại người ta nói nhiều đến Siêu hiện đại như hiện nay, càng thấy rõ lời Phật dạy từ 2600 năm trước: vô thường, khổ, vô ngã… Phải vượt qua ái dục, chấp trước, phải “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”…, “viễn ly điên đảo mộng tưởng” thì mới có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc./.
(ĐHN) (Tạp chí Văn hóa Phật Giáo, số 312, Ngày 1.1.2019)