In trang này
Nước ngầm: Tài nguyên hữu hạn
Cập nhật ngày: 10/22/2019 1:31:04 PM

Ý niệm sai lầm mơ hồ về sự vô hạn của một số tài nguyên vì có quá nhiều và dễ khai thác, như nguồn nước ngầm, phải trả giá nhãn tiền. Thực ra, như mọi tài nguyên hay mọi tồn tại vật chất, đều hữu hạn.

>>Phật giáo và môi trường 

Ở Việt Nam, nguồn nước ngầm từng rất dồi dào và hầu như đóng kín

Chuyện không xa, ngay trước khi người Pháp thiết lập cai trị và khai thác thuộc địa, chừng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước khi xuất hiện các hệ thống khoan giếng hoành tráng công phu để kiến tạo các giếng nước lấy nguồn bên dưới lòng đất cung cấp nước cho khu vực dân cư đô thị hay  bộ máy hành chính quân đội với số lượng ít, thì ở Việt Nam hầu như chỉ có các giếng đào thủ công trữ nước mưa cho một vùng, hay các giếng khơi kéo gầu lấy nước cùng không nhiều.

Người Pháp áp dụng công nghệ khoan giếng công nghiệp, thả ống sắt cỡ lớn và đẩy nước lên bồn cao (các xi tet), từ độ cao ấy, nguồn nước sạch được truyền dẫn phân phối. Chi phí cho một hệ thống khai thác nước ngầm như thế rất đắt và độ bền của công trình khiến chúng vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi đến ngày nay trong tình trạng tốt, từ ống sắt đến bồn trên cao và công nghệ khai thác, đều tinh xảo.

nước-sạch

Sự lạm dụng, khai thác tràn lan nguồn tài nguyên nước ngầm

Trong tình trạng lạm dụng chung, sự tàn phá hoang phí nước ngầm diễn ra cũng chưa lâu lắm nhưng đã vét cạn kiệt nguồn nước ở nhiều nơi. Chương trình viện trợ khai thác nước ngầm của Unicef tương đối bài bản vì nguồn vốn và công nghệ, do nhà nước quản lý, số lượng giếng khoan cũng còn cân đo đong đếm được. Nhưng sau đấy toàn dân khai thác nước ngầm, các đội khoan, doanh nghiệp khoan nước ngầm mọc lên như nấm thành phong trào. Xứ Cống Đôi – Đại Nghãi - Kế Sách (Sóc Trăng) từng ken dày đội khoan nước ngầm đếm  không xuể, tỏa đi khắp vùng đồng bằng. Giá thành khoan giếng hạ mãi và phương thức thanh toán giản lược mềm dẻo mãi, rồi khiến hầu như ai cũng có thể đủ điều kiện gọi điện đặt khoan một giếng nước ngầm. Chất liệu ống PVC hạ mãi rồi có laoij ống nhựa thứ phẩm mỏng manh, rẻ rề! 1.400.000 đồng tiền mặt cho một giếng khoan nước ngầm dùng ống có đường kính 42 hay 1.700.000 đồng cho ống cỡ 49! Đội khoan vài người trong một ngày cơ động trên ghe có thể khoan ba giếng gần nhau! Cả nước có bao nhiêu đội khoan như thế? Và một ngày có bao nhiêu giếng nước ngầm xuất hiện, khai thác? Ngoài các đội khoan cơ động trên sông rạch, các xe ba gác len lỏi tận hẻm hóc trong thành phố thị xã chỉ sau cú điện thoại là...có ngay, cũng góp phần lấp đầy bản đồ giếng nước ngầm ở mọi nơi.

Chính sách và thực tế

Như mọi sự, ở ta, trên góc độ câu chữ thành văn thành luật cũng không hề tệ: các quy phạm pháp luật dưới luật áp dụng điều  chỉnh khai thác nước ngầm công phu gây dựng, chi li. Cơ quan chức năng có thẩm quyền khảo sát thực tế và cấp phép trên từng giếng khoan, các giếng phải có khoảng cách nhất định với nhau và xa nguồn ô nhiễm như bãi rác hay nghĩa địa, doanh nghiệp khai thác nước ngầm phải được cấp phép và đào tạo, các giếng hỏng phải xử lý tránh thẩm thấu...Ai cũng biết các quy định trên sống...trên giấy. Người ta mua không khó các giấy phép thành lập doanh nghiệp khai thác nước ngầm với giá rẻ, và chung chi sao đấy để mua một vùng khai thác vô tư mà không cần giấy phép nhiêu khê từng giếng. Tiếng động cơ nổ rền vang khắp nơi vét cạn dần nguồn tài nguyên cần kíp cho sự sống con người.

Nước ngầm 3
Giếng công nghiệp hút sạch nước

Các giếng phục vụ sản xuất công nghiệp như nhà máy nước đá, xí nghiệp thủy hải sản xuát khẩu…cần  lưu lượng lớn, nhanh và các bơm chìm dùng điện hút cạn nguồn nước bởi tốc độ bơm, lượng nước lấy lên tính từng giây lại có khi suốt ngày đêm. Công nghiệp hóa “góp phần” làm rỗng tầng sâu bên dưới mặt đất và vơi dần dự trữ tài nguyên nước ngầm với tốc độ nhanh chóng mặt.

Giếng lấy nước mặn

Muôn hình vạn trạng sự khai thác vô trách nhiệm nguồn nước. Ở vùng tôm lậu, tức nuôi tôm trong khu vực quy hoạch trồng lúa,  ngọt hóa, muốn có nước mặn phải chuyên chở xa chi phí lớn, người ta “sáng tạo” bằng cách lén khoan các giếng lấy nước mặn ở tầng cạn để đổ vào vuông tôm, dùng ống cỡ 60. Tình tạng này phá vỡ, gây thẩm thấu rò rỉ các tầng nước bên dưới mặt đất.

Nước ở Singapore

Trái ngược tình trạng trên ở bên mình, Singapore chắt chiu nâng niu từng giọt nước và phải nhập khẩu nước từ Malayxia rồi sản xuất nước ngọt từ đập bởi nguồn nước biển với chi phí cao ngất. Nước sạch, bất kỳ vị trí nào như công viên hay nơi công cộng,  nước đều đủ chuẩn sạch để uống! Từng chai nước bán bằng đô la! Chữ “tài nguyên” với nước ở Singapore thấy rõ rệt và..buồn.

Nước ngầm

Nước đến chân? Không, đến lâu rồi!

Mấy ngày nay UBND TP HCM cho biết sẽ kiến nghị bộ tài nguyên môi trường ngừng cấp phép khai thác nước ngầm ở Sài Gòn, và đã chỉ đạo cơ quan thuộc quyền rà soát hiện trạng khai thác nước ngầm. Thông tin này muộn, nếu nó có trước chừng chục năm hay hơn sẽ tốt biết mấy.

Ở Việt Nam nhiều vùng không tìm thấy  nguồn nước. Ở bán đảo Cà Mau, từ độ sâu chừng 120 m đã tìm thấy nước sạch, có nơi thăm dò ngày càng sâu rồi chật vật tìm … Dường như sự lạm dụng  khai thác đã khoan đến vạch cảnh báo nào đấy?

Nguồn nước ngầm hữu hạn cho dù trữ lượng có lớn đến bao nhiêu và sự tái tạo từ nước mưa có đến đâu. Như rừng, cát, than hay dầu khí, nếu không quản trị chặt chẽ tài nguyên nước ngầm, bên cạnh phá vỡ kết cấu bên dưới bề mặt đất, làm cạn dữ trữ nguồn nước cho sự sống, sự thẩm thấu tùm lum cho một nguồn nước bẩn trước khi vơi cạn! Khi phải dùng đô la nhập nước hay chi hàng tỉ đô cho tinh lọc chưng cất nước biển thành ngọt - tương lai ấy có khiến bạn sợ hãi?

Nguyễn Thành Công
 
 
In trang này