Dẫn nhập: Đức Phật ra đời cách nay đã hơn 25 thế kỷ, với lời vàng ý ngọc từ kim khẩu của Ngài thuyết ra nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong 49 năm thuyết pháp chỉ với một mục đích giúp cho mọi người hiểu được cuộc đời đâu là khổ, đâu là cách thức để diệt tận khổ, đem lại an trú Không trong cuộc sống an vui hạnh phúc. Thời Phật tại thế, ở thành Xá Vệ, Lâu Đài Lộc Mẫu, Phật đã giảng một bài pháp mang tên: “Kinh Tiểu Không” giúp cho đệ tử Ananda[1] hiểu về sự an trú Không, để được bình an nhiều hơn.
Giải quyết vấn đề: Thế nào là an trú? An nghĩa là yên, trú nghĩa là ở, nhiều khi từ “trú” mọi người hay đọc là trụ. Theo tôi gọi “trú” hay “trụ” cũng được. Ví dụ như “Trụ trì” nghĩa là ở trông nom gìn giữ gì đó. Vậy an trú là ở yên, hay nói rộng ra đối với người tu tập, cần phải để tâm thức của mình an tĩnh, thảnh thơi trong mọi hoàn cảnh, theo thể mọi pháp theo lý Duyên sinh vô ngã, dù ở nơi ồn ào hay hay lặng lẽ.
Tâm là gì? Theo cuốn Từ Điển Thông Dụng của Trần Ngọc Hưởng, Trần Công Tùng, Lê Túy Nga cho rằng: “Tâm là quả tim, tâm là điểm giữa, tâm vòng tròn, tâm trái đất, hay tình cảm của con người, tâm trạng”[2]. Theo Phật học Từ Điển của Đoàn Trung Còn cũng có phần giải thích Tâm giống như trên giải thích, tuy nhiên còn giải thích: “Tâm là ý, tâm thức, là Bồ Đề, là trí, tâm trí, thánh tâm, Phật tâm, chân tâm, là chỗ bí mật”[3]. So sánh và đối chiếu giữa đời với đạo ta thấy: “Tâm là muôn hình muôn vẻ, khi thế này khi thế kia”, nhiều người hiểu khác nhau. Tuy nhiên ta cần hiểu tâm ở đây là tâm thức, là ý biết.
An trú Không là gì? Nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng không có tự tính cố định. Vì sao không có tự tính cố định, vì mọi sự vật, hiện tượng tồn tại được là nhờ sự chi phối bởi quy luật Vô thường (thay đổi) nên mọi sự vật, hiện tượng không có cái tướng cố định, không có tướng cố định nên gọi là Không Tánh hay Không Tính, Tính Không. Trong bài viết này ta chỉ dùng từ Tính Không cho dễ theo dõi. An trú không là để tâm thức của ta nương theo lời Phật dạy trong trạng thái thấy mọi sự như thật, chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức (tuy nhiên thấy biết theo lý vô thường) ở thể Không.
An trú rất nhiều nghĩa là sao? Nghĩa là dù ở đâu, thời gian, không gian, hoàn cảnh nào, thuận lợi hay khó khăn, tâm thức người ấy đều an trú như vậy. Người tu đạo, hay người không tu đạo nếu gìn giữ được tâm của mình quân bình an ổn trong trạng thái Không, vui thấy biết như thực, thì không bao giờ có phiền não mà toàn cảnh an vui.
Như trong Kinh Tiểu Không, Phật dạy Ananda rằng: “Này Ananda ta nhờ an trú Không, nên nay an trú rất nhiều”[4]. Qua đó ta thấy chính Phật đã thấu rõ chân lý vô thường, tâm tỏa sáng, nên không tham, không sân, không si, làm những việc thiện không kẹt chấp vào vấn đề gì cả nên Phật an trú được dài lâu.
Vẫn trong bài thuyết giảng, Phật dạy Ananda cũng như:: “Ví như Lâu Đài Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng và bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội, và chỉ có một cái không phải không…nhưng đối với cái còn lại, ở đây, vị ấy tuệ tri: “cái này có, cái kia có”. Như vậy, này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, Không Tánh”[5]. Đoạn này, Phật khẳng định với đệ tử Ananda, ta cũng như chư Phật mười phương đã thấy đạo, quán chiếu mọi sự vật, hiện tượng trên nhân gian này bằng con mắt trí tuệ chân thật, sự thấy biết như thực thể vốn có của chúng, cũng như Phật quán chiếu nhìn trong Lâu Đài Lộc Mẫu không bị kẹt vào việc thấy không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, vàng bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội, Phật chỉ thẳng, thấy nói thẳng, chỉ có một cái là chính nó: “chỉ có một cái không phải không”, không phải không tức là có mọi thứ, và không thấy mọi thứ như thật, nhưng cái thấy đó hải là tuệ tri, biết rõ như thực theo lý duyên sinh (Điều kiện cần và đủ), cái này có, cái kia có và ngược lại.
Phật xác quyết Ananda là người đệ tử đã tuệ tri được lý duyên sinh, nghe nói hành động an trú như thật, như kinh văn diễn: “Thật vậy, này Ananda, điều ông đã nghe là nghe đúng, nghĩ nhớ đúng, tác ý đúng, thọ trì đúng. Thuở xưa và nay, này Ananda, ta nhờ an trú không, nên nay an trú rất nhiều”[6]. Có thể nói Ananda đã bao đời kiếp tu hành thanh tịnh thân tâm, kính Phật trọng Tăng, hiếu hạnh cho mẹ, chăm chỉ học hỏi, khiêm tốn, không vì tướng hảo mà kiêu, Ananda đã chú ý nghe đúng, nghĩ nhớ đúng, thực hành đúng.
Có thể nói, nhờ Phật dạy Ananda, giúp cho mọi người khác học hỏi tinh tiến tu học, siêng hành việc thiện, có lỗi thì nên sám hối, không lỗi thì tinh tiến hơn, sao cho tâm được an, quán lý Duyên sinh, giác ngộ, giải thoát.
Trong cuộc sống thường nhật, nếu như chúng ta không chịu khó học hỏi, trau dồi tri thức, tu tập thiền quán hoàn thiện bản thân thì chúng ta sẽ bị lạc vào u lâm, ngu si, giống như người ngu nhận lầm đôi tai thỏ là sừng thỏ. Con thỏ vốn không có sừng, đôi tai vểnh giống như sừng, nên người nhầm tưởng tai là sừng thỏ. Than ôi, thật tội nghiệp cho ai một cuộc đời ngu si lầm lẫn. Đó là một ví dụ, trong thế gian này còn vô vàn ví dụ khác giản đơn như: một ngôi chùa có nhóm Phật tử thường hay tu tập, xin thầy trụ trì thành lập một đạo tràng nào đó, duy trì tụng kinh niệm Phật, tâm tham nổi lên, hong hóng vài cành lộc, vài cái oản quả chuối, học tập giáo lý không đến nơi đến chốn, cãi nhau, thầy bảo chúng ta hãy “im lặng”, quay lại chính niệm, bình tâm để theo dõi hơi thở, thở ra cho phiền não tiêu tan, thở vào ta cảm giác an lạc, nhưng có ai nghe đâu. Không những thế, Phật tử còn đi buôn dưa lê bán dưa chuột, ăn nói đặt điều, không nói thành có, có nói là không, gây nên hiểu lầm, mất đoàn kết. Lại có khi có áo dài lễ may mặc nhưng đi lên chùa toàn mặc áo cộc, thày trụ trì nhắc mặc áo dài để trang nghiêm khóa lễ, nhưng lại cố tình không mặc. Vậy hành xử như thế có đúng là một Phật tử tại gia không?
Còn đối với người Phật tử xuất gia thì sao? việc trụ trì một ngôi chùa là rất quan trọng, nhiều việc như: cầu an, cầu siêu, còn thời gian nghiên cứu để thấu hiểu, triển khai pháp ngữ thâm huyền của Phật để giúp cho chúng sinh dễ tu giác ngộ, giải thoát. Tuy nhiên, trong những thầy trụ trì vất vả như thế, chắc không tránh được một số nhỏ còn mải chơi, cờ bạn, rượu chè thâu đêm suốt sáng, mượn cảnh Phật để tu, mượn quyền hành để áp đặt, sai thành đúng, đúng thành sai, tham tiền mê bạc, từ bi chẳng có, sao định được tâm, sao thấy Duyên sinh, an trú bây giờ.
Người xuất gia nếu không an trú ở Không thì nói và hành động dễ dẫn đến sai lầm, dễ làm cho mọi người đau khổ về việc mình gây ra. Ngược lại, người an trú ở Không thì thường hay nói đi đôi với việc làm, nhất ngôn, làm người bình an và hạnh phúc như bóng theo hình.
Bởi vậy, vấn đề tác ý là rất quan trọng, cần phải tác ý như thật, không điên đảo, nên Phật đã dạy Ananda và tỷ kheo: “Vị ấy tuệ tri: “các ưu phiền do duyên dục lậu không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên hữu lậu không có mặt có ở đây; các ưu phiền do duyên vô minh lậu không có mặt ở đây…và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy biết: “cái kia có, cái này có”. Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, Không Tánh”. Cái ưu phiền là cái buồn khổ của cuộc đời, cái buồn khổ không như muốn ấy cũng là phiền não, do vô minh đem lại, do không thấy lý Duyên sinh, tức là do không giác ngộ. Thực chất cái buồn khổ đó chúng không hề có tự tính cố định, ta chỉ cần quán sát thật kỹ, theo dõi chúng, hình thành xuất hiện từ đâu, do đâu, nhân duyên điều kiện thế nào, từ đó ta có thể tháo gỡ từ từ, không chấp sẽ được hạnh phúc, an lạc dễ dàng. Bởi do, mọi sự vật, hiện tượng nương vào nhau mà có mặt, theo kiểu cái này có thì cái kia có, cái này không, thì cái kia không, cứ thế mà tồn tại, thực tính của nó là Tính Không, không cố định. Do vậy, Phật lại cảnh tỉnh bằng thông điệp cho chúng ta nữa là, người tu cần biết “tuệ tri” về mọi sự vật, hiện tượng như thật có của nó, có thì nói là có, không thì nói là không, không điên đảo, quan trọng là hiểu gì, làm như thế nào để hợp với chân lý nhất có lợi ích an vui cho chúng sinh nhất.
Việc tu học để giúp đời giúp đạo, tri thức, trí tuệ và đạo đức là cốt yếu. Đức Phật là người có đức và trí tuệ viên mãn nên mọi người mới tôn thờ kính ngưỡng. Chúng ta còn nhớ trong lịch sử nước ta, Thân Nhân Trung soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên năm Nhâm Tý (1442) từng nói, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu…Bởi vậy các vị vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí” phát triển. Theo lăng kính Phật giáo thì, hiền tài và nguyên khí của quốc gia có thể được nhìn nhận theo giáo lý an trụ tâm không, không cố chấp, quan tâm hơn tới giáo dục thì người tài người hiền sẽ nhiều hơn, người hiền tài sẽ biết phải làm những gì đem lại lợi ích cho nhân dân. Vào tháng 5/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh vì nước vì dân tộc đã phải sang Pháp cứu vãn nền hòa bình, đã từng phải giao quyền chủ tịch nước cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng và dặn dò cùng anh em rằng tôi có việc nước phải đi xa thời gian, việc ở nhà trăm sự nhờ anh em giúp cho và hãy khéo dùng cách “dĩ bất biến, ứng vạn biến”[7] (lấy cái không đổi ứng với cái thay đổi để có được cái không đổi vi diệu). Đây là kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm mới có. Tôi nghĩ trong câu này đã thấm nhuần tinh thần Phật pháp, an trụ Không để đất nước thịnh vượng lâu dài.
Kết Luận: Qua đại ý bài Kinh Phẩm Tính Không, Kinh Tiểu Không, Phật đã dạy Ananda nhắc nhở mỗi chúng ta luôn luôn tinh tấn học hành, cần phải lấy trí tuệ, tuệ tri làm sự nghiệp, dù là người nông dân, hay người tri thức, chúng ta cũng phải học hỏi để trao dồi kiến thức, quán chiếu mọi sự vật hiện tượng theo lý Duyên sinh (điều kiện cần và đủ), vô thường, thanh tịnh, nhằm thấy bằng được thực thể của chính chúng là Không Tính, như Phật đã từng quán chiếu trong Lâu Đài Lộc Mẫu không phải không có gì, mà là có tất cả như thật. Trong cuộc sống, vấn đề ăn, làm, ngủ nghỉ, sống theo tinh thần tư tưởng an trú ở dạng Không (Tính Không) như thế mới có thể đạt được an lạc giải thoát tự tại trong mọi hoàn cảnh.
Ta có thể mượn câu cuối kinh Phật nhắn nhủ với chúng ta qua Ananda. Này Ananda, phàm có những vị Sa Môn[8] nào hay Bà La Môn[9] nào sau quá khứ, tương lai, hiện tại sau khi tu chứng đạt, đều an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không Tính này. Người an trú Không là người an trú ở mọi lúc mọi nơi tâm không bị phiền não khổ đau chi phối, vì họ đã quán chiếu bằng tâm thức xét mọi pháp đều do huyễn duyên giả hợp mà thành, nên họ không cố chấp nên không hề có đau khổ. Nên Phật dạy mọi người cần học để có tâm an trú: “Như vậy, này Ananda, các ông cần phải học tập”[10]. Đó không phải chỉ người tu, sửa tâm sửa tính cần an trú Không mới là vi diệu đệ nhất đó sao?./.
TS. Thích Quảng Hợp
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-Trần Ngọc Hưởng, Trần Công Tùng, Lê Túy Nga, Từ Điển Tiếng Việt Thông Dụng, Nxb Thanh Niên
-Đoàn Trung Còn (2009), Phật Học Từ Điển, Nxb tổng hợp TP HCM
-Thích Minh Châu dịch (2014), Trung Bộ Kinh, Phẩm Không Tánh, Kinh Tiểu Không, NXB Hồng Đức
-Hồ Chí Minh (1993) Biên Liên Tiểu Sử, T.3, Nhà chính trị quốc gia, HN
-Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học (số 5, 2017), Để tâm vô trụ khi làm từ thiện, Cơ quan ngôn luận của Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
-Phân viện nghiên cứu Phật học, Kim Cương Tử (chủ biên 2004), Từ Điển Phật Học Hán Việt, Nxb. Khxh
[1] Ananda là đệ tử Phật gọi tắt là A Nan (605-485 TCN) dịch nghĩa là Khánh hỷ, hoan hỷ
[2] Trần Ngọc Hưởng, Trần Công Tùng, Lê Túy Nga, Từ Điển Tiếng Việt Thông Dụng, Nxb Thanh Niên, Tr.607
[3] Đoàn Trung Còn (2009), Phật Học Từ Điển, Nxb tổng hợp TP HCM, tr. 1095-1096
[4] Thích Minh Châu dịch (2014), Trung Bộ Kinh, Phẩm Không Tánh, Kinh Tiểu Không, NXB Hồng Đức, tr.255
[5] Thích Minh Châu dịch (2014), Trung Bộ Kinh, Phẩm Không Tánh, Kinh Tiểu Không, NXB Hồng Đức, tr.255 -256.
[6] Thích Minh Châu dịch (2014), Trung Bộ Kinh, Phẩm Không Tánh, Kinh Tiểu Không, NXB Hồng Đức, tr.255
[7] Hồ Chí Minh (1993) Biên Liên Tiểu Sử, T.3, Nhà chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.216
[8] Là đệ tử xuất gia của Phật
[9] Là những Giáo sĩ, giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về nghi lễ, cúng bái.
[10] Thích Minh Châu dịch (2014), Trung Bộ Kinh, Phẩm Không Tánh, Kinh Tiểu Không, NXB Hồng Đức, tr.259-261 |