>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Đức Phật
Mấy hôm nay khí trời thay đổi, hình như sắp hết mùa mưa và hơi lạnh vào mỗi buổi sáng. Sự thay đổi của không khí này khiến tôi có một cảm hứng về đề tài Chiếc áo chân thật.
Mỗi khi khí lạnh về, ai cũng chuẩn bị cho mình chiếc áo. Với người Phật tử, chiếc áo nên chuẩn bị là chiếc áo chân thật của mình. Bởi một khi chúng ta mặc chiếc áo chân thật vào người thì ngàn đời không bao giờ bị hư, bị rét. Cho nên chiếc áo này không thể thiếu với người tu chúng ta. Vì vậy hôm nay tôi sẽ nói về chiếc áo chân thật. Chiếc áo này không cũ, không rách, không hư hoại nhàu nát, không có gì làm nhơ nó được, nên gọi là chiếc áo Bất Cấu Bất Tịnh. Nó không phải là thứ vải vóc thường có thể mua sắm được.
Chiếc áo của mình
Người con Phật không thể thiếu chiếc áo chân thật của mình vì nó là sự sống của chúng ta. Chúng ta có thể thiếu cái khác được, như tiền của, địa vị, học thức... nhưng một khi đã phát tâm hướng về Tam bảo rồi, mà thiếu cái chân thật thì thiệt thòi rất lớn. Vì vậy Phật tử nhất định phải tạo duyên thuận lợi, để cái chân thật từ bên trong phát triển. Trái lại, những thứ khác phát triển theo chiều hướng thế gian sẽ làm trở ngại việc tu hành của chúng ta. Ví dụ như danh vọng hoặc tiền bạc, hai thứ này phát triển đôi khi làm trở ngại việc tu hành không ít.
Phật tử trong điều kiện đời sống vật chất cao, càng phải cẩn thận hơn để giữ đạo tâm của mình. Đa số quí vị cũng lo ngại tiền bạc, danh vọng, tiện nghi làm chướng việc tu hành, trở ngại cho đời sống đạo hạnh.
Nhiều vị đã thưa hỏi, trình bày tâm tình với chúng tôi. Gặp những trường hợp này chúng tôi không có lời khuyên gì khác hơn: Chiếc áo chân thật là cần thiết nhất cho người tu chúng ta. Người tu đây là Phật tử, không phải chỉ riêng giới xuất gia. Những vị đã quy y, biết hướng về Tam bảo, học pháp và phần nào áp dụng Phật pháp trong đời sống của mình đều được gọi là Phật tử.
Chiếc áo đó nếu ai tìm và mặc được rồi thì không bao giờ hư hoại nhàu nát, nên trong kinh gọi là chiếc áo Bất Cấu Bất Tịnh. Không có gì làm đổi thay được nó nên gọi là chiếc áo Bất Tăng Bất Giảm. Chúng ta phải làm sao để mặc được chiếc áo này. Giống như khi mùa đông về, khí lạnh xâm nhập vào người, muốn hết lạnh chúng ta phải có những chiếc áo ấm. Tùy theo hoàn cảnh gia đình, tùy theo phúc duyên của mỗi người mà chúng ta có những chiếc áo ấm khác nhau.
Mùa đông giá buốt được ví như sự điêu đứng từ nhiều đời của chúng ta. Nguyên nhân có hiện tượng này phần lớn là do sự không chân thật của chính mình. Không chân thật thế nào? Ta không chân thật với mình, không sống lại với tâm thể của mình, mà lao theo vọng tưởng, sống với những niệm khởi, những ngược xuôi, toan tính, hơn thua của dòng đời. Vì bỏ quên cái chân thật nên nhiều mùa đông rồi, chúng ta chịu rét lạnh. Nhiều năm tháng trong cuộc đời, chúng ta nếm trải biết bao cay đắng khổ đau. Ngày nay có được phúc duyên lành, gặp Phật pháp và biết trở về với Phật pháp, thì từ đây về sau, không có lý do gì chúng ta để cho cuộc đời mình trôi theo dòng xoay chuyển ấy nữa. Muốn được như vậy, ngay bây giờ chúng ta phải trở về sống thực với cái chân thật của chính mình.
Cái chân thật đó là gì? Là niệm hiện tiền. Sống với cái hiện tiền thì không chạy ngược xuôi theo dòng đời, dần dần khôi phục lại bản vị chiếc áo chân thật của mình. Khôi phục và mặc được chiếc áo ấy vào người thì sẽ sống được cuộc đời thanh tịnh giải thoát. Đây là việc làm mà chư Phật Bồ-tát trong mười phương nhiều đời kiếp qua đã sống trải, đã thực hiện. Hôm nay chúng ta muốn đi theo con đường của các ngài, thì phải mặc cho được chiếc áo chân thật ấy. Chúng ta tự nguyện đi theo con đường thanh tịnh giải thoát, nên tự tu trì gột rửa những ngoại duyên làm chướng ngại công phu. Việc này không ai bắt buộc mình làm cả. Những gì bất như ý, khổ đau trong cuộc đời ta tự nguyện buông bỏ.
Khi hướng về Tam bảo trong lòng chúng ta hứa rằng: Từ đây về sau con không bao giờ gầy dựng những tội lỗi, những nhân xấu, không dám làm điều gì trái với lương tâm. Đó là chúng ta ý thức việc trở về tìm và mặc lại chiếc áo chân thật của mình đã bỏ quên từ xưa nay. Đôi khi Phật tử nghĩ những việc làm của Phật, Bồ-tát chúng ta sẽ không bao giờ với tới. Không phải vậy đâu. Những việc làm ấy dành cho tất cả mọi người có tâm chân thật. Chân thật như thế nào? Nhiều khi nghĩ lại, ta không chân thật với chính mình, chứ đừng nói với ai. Đó là điều hết sức tệ hại.
Chân thật với mình là sao? Mỗi khi có một suy nghĩ gì khởi lên, chúng ta xem coi nó có chân thật không? Hoặc khi nói, khi hành động, chúng ta xem lại lời nói và việc làm ấy có chân thật không? Phật dạy người tu hành lúc nào cũng soi xét lại mình, tìm xem mình suy nghĩ, mình nói, mình làm như vậy có chân thật không? Hay vì tham, vì sân, vì si mà nghĩ, mà nói, mà làm. Nếu bị một lực bên ngoài thúc đẩy, hoặc tham hoặc sân hoặc si thúc đẩy khiến ta phải làm phải nói, thì chắc chắn chiếc áo chân thật không bao giờ ta có thể mặc được. Trái lại, nếu chúng ta chịu khó suy xét từ cử chỉ, ngôn ngữ, hành động của mình, nghĩ nói và làm đúng pháp, đúng nghĩa, từ đó sẽ khôi phục được chiếc áo chân thật của mình. Khôi phục được rồi thì chiếc áo chân thật chính là sự sống là chúng ta. Từ đó ta bước những bước vững vàng trên con đường Phật pháp.
Phật pháp thật ra không khó tu, nhưng với điều kiện mỗi người chúng ta chịu sống với cái chân thật. Trái lại cứ chạy theo những thứ giả dối phù phiếm bên ngoài thì trải qua số kiếp lâu xa vẫn không đạt được gì. Chúng ta đọc sử Phật, Bồ-tát, thấy số kiếp tu hành của các ngài rất dài lâu. Song chúng ta cũng đã có duyên tu hành như thế nào đó, hôm nay mới gặp Phật pháp trong điều kiện thuận lợi này. Huynh đệ cùng ngồi chung bàn bạc những vấn đề Phật pháp, đều muốn sống lại với cái chân thật của mình. Đó cũng là duyên lành nhiều đời vậy, chứ không phải duyên mỏng ít mà có thể được đâu.
Như vậy điều đầu tiên, chúng ta phải đủ sáng suốt để kiểm soát những ý nghĩ, ngôn ngữ và hành động của mình. Điều này không thể xem thường được. Quý vị tu bất cứ pháp môn nào, tu thiền, niệm Phật, trì chú, làm các công đức lành, cất chùa in kinh… nhưng thiếu chân thật thì nhất định các Phật sự ấy thành công không bao nhiêu. Nếu có thành công cũng chỉ mang tính tạm thời, chứ không phải là cái chân thật.
Điểm quan trọng của người tu là nói được phải làm được. Nếu chưa làm được trọn vẹn ít ra cũng được 30, 40 hoặc 50%. Từ từ chúng ta tự khắc tự hứa sẽ làm được trọn vẹn. Nhất định không nói những chuyện ngoài tầm tay của mình. Đối với Phật pháp, những lối nói như thế không có giá trị gì hết, đôi khi còn làm trở ngại cho việc tu tập của chúng ta. Như khi nói về việc tu hành, bản thân chúng tôi phải có sự tu hành, phải thể nghiệm. Có thế lời nói của mình mới sống thực, mứi có giá trị và đem lại lợi ích thiết thực cho người nghe. Những gì sai mình xấu hổ để tự phấn chấn, nỗ lực tu tập nhiều hơn nữa, cố gắng thực hiện cho được trọn vẹn.
Người xưa bảo “Nói một trượng không bằng làm một thước, nói một thước không bằng làm một tấc”. Nói một trượng không bằng người không cần nói gì mà làm được một thước. Một trượng dài bằng chục thước. Người chỉ nói suông mà không làm được thì không bằng người làm được rát ít mà chẳng cần phải nói chi. Tại sao người thực hành lại có giá trị như thế? Vì họ chân thật. Nó là những màu sắc đặc biệt trên chiếc áo chân thật họ đang mặc.
Cho nên từ đây về sau, Phật tử lưu ý điểm này. Nhất định những đạo lý gì hay trong cuộc sống, trong tương giao, chúng ta cố gắng hễ nói được thì làm được. Làm được tối thiểu 30%, rồi ngày tới, tháng sau, hoặc năm kế nữa tiến lên 50%, 70%, 80%... Nhất định hướng chúng ta phải đi, phải làm như vậy chứ không có cách nào khác hơn.
Trích "Chiếc áo chân thật" - HT. Thích Nhật Quang