GN - Có một lần, hai thầy trò ngoại đạo tên Phạm-ma-đạt đi theo sau Đức Phật. Người thầy dùng đủ lời chê bai, phỉ báng Phật, trong khi người đệ tử lại dùng đủ lời tán dương ca tụng Ngài. Đức Phật vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, sự im lặng của Ngài khiến cho các đệ tử lấy làm kinh ngạc.
Sau khi Tăng đoàn về đến tinh xá, thọ thực xong, các thầy Tỳ-kheo nhắc lại chuyện gặp phải dọc đường: “Đức Thế Tôn có thiên nhãn, thiên nhĩ, Ngài nghe và thấy tất cả, sao có người tán dương khen ngợi, có người lại chê bai, phỉ báng mà Ngài không có một phản ứng nào?”. Không ai hiểu nguyên nhân vì sao. Đức Phật biết các thầy Tỳ-kheo đang thắc mắc về thái độ của mình, Ngài bèn đi đến và dạy rằng: “Nên nói năng như hiền thánh và nên im lặng như hiền thánh. Khi được ngợi khen, các ngươi chớ nên thỏa thích, tự mãn với lời khen đó mà bị chìm đắm, mê muội. Khi nghe lời chê bai, phỉ báng, các ngươi chớ nên buồn rầu, chán nản mà tinh thần bị sa sút, tối tăm, hay phẫn uất, tức giận mà dẫn đến hành động sai lầm, nông nổi. Khi nghe khen chê, các ngươi nên bình tĩnh, sáng suốt nhận định điều gì đúng với mình và điều gì không đúng với mình”.
Người trí không vì lời khen chê mà tâm dao động
Lời khen, chê là hai trong tám ngọn gió đời (bát phong: lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc) làm cho đèn tâm dao động, ánh sáng trí tuệ lu mờ. Khi được khen, người ta lấy làm thích thú, thỏa mãn, ý chí chủ quan, sinh tâm tự phụ, từ đó dễ mắc phải sai lầm, nếu không thì cũng vì tự mãn mà không cầu tiến để vươn xa. Khi bị chê, nếu không có lòng tin nơi bản thân, không có tâm kiên định, không bình tĩnh sáng suốt để nhận định, đánh giá lời chê bai, phê bình, chỉ trích ấy có đúng không, có đáng để tiếp thu hay không, thì người ta dễ rơi vào tâm trạng buồn bã, khổ não, chán nản, mất niềm tin, mất phương hướng, không còn tinh thần làm việc, mất hết ý chí phấn đấu, thậm chí không còn muốn sống.
Trong kinh Pháp cú, Đức Phật đã từng nói: “Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả, là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại không thể có và vị lai cũng không có được” (PC.228). Và Đức Phật nói về thái độ của người trí trước những điều tiếng thị phi, lời khen chê của người đời: “Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động; Cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động” (PC.81).
Người trí không vì lời khen chê mà tâm dao động; không vì khen mà kiêu căng, tự mãn, chủ quan khinh suất, không vì chê mà thất vọng, khổ não, mất niềm tin và ý chí, mất phương hướng, mất lập trường. Tất nhiên không phải bịt mắt che tai trước ý kiến người khác, mà là bình tâm, tỉnh giác trước thị phi, lắng nghe và quán xét kỹ để có những ứng xử phù hợp, thích đáng. Người trí tuyệt đối không để mình bị tác động và dẫn dắt bởi dư luận thị phi, không để búa rìu miệng lưỡi thế gian làm hại. Cố nhiên điều này rất khó, nó đòi hỏi bản lĩnh của mỗi người, phải có sự rèn luyện, tu tập, phải có nhận thức sáng suốt, tích cực.
Về phía người phát ngôn, chủ thể khen chê, thường là nhận xét, đánh giá mang tính chủ quan, cảm tính. Thích thì khen, không thích thì chê. Có thiện cảm, thiện chí thì khen, có ác cảm, thành kiến thì chê, phê bình, chỉ trích. Có khi vì thiếu hiểu biết, vì hồ đồ, nông nổi mà chê; vì tính khí thiếu kiềm chế, dễ bị kích động mà nổi sân si làm tổn thương người khác bằng hành vi, ngôn ngữ. Lại không ít trường hợp vì ganh ghét, đố kỵ mà ra sức phỉ báng, công kích, muốn hạ uy tín, danh dự của người khác. Có vô số nguyên nhân người ta tạo ra thị phi, dư luận. Khi trong tâm đầy phiền não thì đâu còn đạo đức, lương tri, đâu ai nghĩ đến hậu quả của búa rìu miệng lưỡi. Hậu quả của những lời vọng ngôn, ác khẩu, ỷ ngữ (thêu dệt), kích động thị phi không chỉ khiến người khác bị trầm cảm, khủng hoảng, mất niềm tin, đau khổ, thất vọng, có khi dẫn đến tự tử mà còn khiến người gieo rắc thị phi, người phát ngôn bất thiện, có ác tâm phải nhận lãnh quả báo không nhỏ, như kinh Pháp cú đã dạy:
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo”. (PC.1)
Phan Minh Đức