>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về ăn chay
Đó là ý kiến của PGS-TS Võ Lê Phú, Trưởng Khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển Khoa môi trường và tài nguyên diễn ra hôm nay 21-12.
Lễ kỷ niệm với sự tham gia của hàng trăm đại biểu, sinh viên. Tại đây, mọi người được thưởng thức các món ăn thuần chay, các đồ dùng được sử dụng thân thiện với môi trường, không dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo PGS-TS Võ Lê Phú, xét về dinh dưỡng, ăn chay cũng đảm bảo năng lượng như ăn thịt, việc ăn chay còn tốt về sức khỏe và ăn chay còn góp phần bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta ăn thịt bò, thịt gà, thịt heo thì chúng ta sẽ phải tác động đến môi trường. Chúng ta phải chăn nuôi các động vật này, sẽ dùng nước và đồng thời phân của chúng cũng thải ra môi trường. Trường hợp nếu không có biện pháp quản lý tốt sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước.
Ngoài ra, theo PGS-TS Võ Lê Phú, việc ăn chay, giảm ăn thịt sẽ giúp chúng ta có hành động gián tiếp giảm khí thải nhà kính. Vì những chất thải từ động vật là một trong những nguồn phát khải khí metan (CH4) thông qua quá trình phân hủy, metan là một khí gây hiệu ứng nhà kính.
“Thông qua sự kiện này, tôi cũng kêu gọi cộng đồng cùng lan tỏa lối sống xanh, giảm phụ thuộc vào thịt, tích cực ăn chay, để vừa bảo vệ sức khỏe vừa hướng đến việc bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển đang ở mức báo động như hiện nay” - PGS-TS Lê Phú nói.
Nguồn: Pháp luật TP.HCM