In trang này
Lòng lặng thì nghiệp yên
Cập nhật ngày: 3/20/2020 10:31:38 AM
 
GN - Nghiệp, trong tôn giáo cổ Ấn Độ, có nghĩa là hành động, nhưng cũng chỉ giới hạn trong hành động hiến tế thần linh. Đến khi Đức Phật ra đời, với sự giác ngộ của Ngài, nghiệp mang một ý nghĩa khác, không phải hành động đơn thuần, càng không phải hành động của tế tự, mà chính là ý chí, tư (cetana) hay động lực của mọi hành vi của thân, khẩu và ý.
 
ANHPHATHOC.jpg
Bạn hãy thử một lần dừng tâm lại, để lòng lặng yên, đừng phản ứng thuận nghịch với các pháp, hãy để mọi thứ đến và đi theo nhân duyên vốn có của nó, thì mọi việc ở đời đều trở nên bình an đến lạ thường
 
“Này các Tỳ-kheo, Như Lai xác nhận rằng chính ý chí là nghiệp. Do có ý chí mà con người hành động bằng thân, khẩu và ý”, Đức Phật đã nói như vậy trong kinh Tăng chi. Giáo sư David R. Loy, ở điểm này, đã có nhận định: “Một phần trong cuộc cách mạng tâm linh của Đức Phật là nhấn mạnh nghiệp nơi động cơ của hành vi”.
 
Vậy, nghiệp trong nhận thức của Phật giáo chính là tâm, bởi vì ý chí là tác dụng của tâm, công năng của tâm. “Ý chí hay tư tâm sở (cetana) là một chức năng hoạt động của thức. Bản chất của nó là tâm” (Tuệ Sỹ, Tổng luận về nghiệp).
 
Nghiệp là ý chí, là động cơ hành động của thân, khẩu và ý. Vận mệnh của bạn ra sao, điều đó tùy vào sự lựa chọn động cơ hành động của bạn. Nếu động cơ bất thiện bắt nguồn từ tham, sân, si, thì bạn sẽ có một trải nghiệm bất an trong chính cuộc đời này. Còn nếu động cơ là thiện lành bắt nguồn từ tâm từ bi, độ lượng, bao dung, nhân từ… thì bạn sẽ cảm nghiệm niềm an vui hạnh phúc ngay ở đây và bây giờ. 
 
Đức Phật nói rằng có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới địa ngục, có nghiệp đưa đến cảm thọ loài bàng sinh, có nghiệp đưa đến cảm thọ cõi ngạ quỷ, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới loài người, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới chư thiên. Điều này có nghĩa rằng khi bạn tạo ra nghiệp gì, bạn sẽ trải nghiệm một loại cảm thọ tương ứng. Hay nói cách khác, bạn hành động bằng động cơ ý chí nào, bạn sẽ trải nghiệm cảm thọ tương ứng với động cơ ấy. Giáo sư David R. Loy, trong lần trả phỏng vấn của ký giả Matthias Luckwaldt, đã nói: “Nghiệp được gây ra bởi những động cơ của chúng ta. Nếu tôi bị thúc đẩy bởi sự tham lam và hai yếu tố độc hại đồng hành với nó, điều đó không chỉ khiến cho tôi tiếp tục hành động khác với khi tôi được thúc đẩy bởi tính cao thượng, lòng từ bi và sự hiểu biết, mà còn làm cho tôi nhìn nhận về con người và toàn thể thế giới này theo một lối khác; tương ứng, tất cả những người khác cũng nhìn nhận về tôi và phản ứng với tôi theo cách khác”.
 
Nghiệp, trong ý nghĩa của lời Phật dạy, là định hướng giáo dục nhân cách và đạo đức, là khuyến cáo ta nên thận trọng trong mọi suy nghĩ, hành vi và lời nói để không gây hậu quả đau khổ cho mình và cho người khác. Trong kinh Giáo giới La-hầu-la, Đức Phật đã dạy rõ về điều này, rằng trước khi muốn làm một điều gì, phát ra một lời nói nào hay khởi một suy nghĩ, thì phải phản tỉnh xem suy nghĩ, việc làm và lời nói đó có đưa đến tự hại và hại người hay không. Sau khi cân nhắc thận trọng, nếu thấy có lợi cho mình và người khác thì hãy thực hiện chúng.
 
Thế nhưng tín niệm về nghiệp khi đi vào đời sống xã hội đã có những nhận thức sai lạc như là một kiểu định mệnh luận, kể cả một số vị tu sĩ Phật giáo cũng có cái hiểu tai hại. Karma Yeshe Rabgya, người Anh, tu theo truyền thống Tây Tạng, khi biết được tình cảnh của đứa bé mười hai tuổi, mẹ bệnh tâm thần, bị bố tống cổ ra khỏi nhà, phải lang thang xin ăn, đã đến gặp một vị sư ngỏ ý muốn tìm cách giúp đỡ cậu bé. Vị sư trả lời: “Đó là do ác nghiệp của nó, nó phải trả” và ông chẳng bận lòng gì đến sự khốn khổ của thằng bé. Giáo sư David R. Loy, khi đề cập đến giáo lý nghiệp, cũng có nhắc đến lời giảng của một vị sư mà theo ông là không thể chấp nhận được: “Hẳn là những người Do Thái sống dưới thời Đức Quốc xã đã có những nghiệp xấu cùng cực nên mới phải tái sanh vào thời ấy ở nơi ấy”.
 
Nghiệp không phải là định mệnh, tuy nhiên theo giáo lý tái sinh, những hành nghiệp mà ta đã tạo tác trong quá khứ sẽ có tác động nhất định lên đời sống hiện tại. Tuy vậy, bản chất của nghiệp cũng là tâm; từ tâm mà hình thành nghiệp nhân, cũng từ tâm mà chiêu cảm nghiệp quả. Tâm đóng vai trò quyết định trong việc nghiệp nhân trong quá khứ có tác thành nghiệp quả trong hiện tại hay không. Ví dụ trong quá khứ ta có thể đã gây tổn hại ai đó, bây giờ họ đến gây sự để đáp trả. Nhưng khi họ đến gây sự đáp trả, nếu tâm mình lặng yên, an tịnh không phản ứng giận dữ, thì nghiệp đó coi như vô hiệu, không thể hiện khởi, vì thiếu duyên tác động của tâm sân. Có thể người đó gây sự mắng chửi một hồi rồi thôi. Nhưng nếu ta phản ứng bằng sân hận, chắc chắn ta sẽ chiêu lấy nghiệp quả bị người đó gây tổn hại trở lại. Cho nên lòng lặng thì nghiệp yên, không hiện khởi tác động tiêu cực đến đời sống của mình và nghiệp đó cũng tự nhiên tiêu tan, không còn năng lực hiện hữu nữa.
 
Nghiệp là tâm, là những thói quen của tâm, là những khuynh hướng hoạt động của tâm. Lực nghiệp chính là sức mạnh của những thói quen, của các xu hướng mà tâm đeo đuổi, ước muốn hay ghét bỏ, xua đuổi. Vậy muốn cho nghiệp lặng yên, mất hết cái lực lôi kéo của nó, ta chỉ cần làm cho tâm yên lặng, an tịnh. Nhưng do đâu tâm luôn lăng xăng, vọng động, không lặng yên? Ấy là do tâm phản ứng với tham ái. Chính tâm phản ứng với tham ái tạo ra nghiệp cảm, hình thành nên nghiệp cảm và đó chính là nghiệp cảm khổ đau. Tâm phản ứng với tham ái luôn tạo ra nghiệp cảm khổ đau. Đó là một công thức luôn đúng với mọi người trong mọi không gian và thời gian.
 
Soi chiếu vào đời sống, quả thật ta thấy cuộc sống là một chuỗi phản ứng với tham ái hay tồn tại trên sự phản ứng với tham ái. Bao quanh lấy đời sống là thói quen phản ứng ấy. Từ những phản ứng hạ đẳng mang tính bản năng sinh tồn như phản ứng với nóng lạnh, đói khát… đến những phản ứng mang tính tâm lý như được mất, khen chê, thành bại… Nói chung, mọi trạng thái cảm xúc như hỷ, nộ, ái, ố hay mọi biểu hiện tâm lý như ghen ghét, đố kỵ, tỵ hiềm, chấp ngã, hơn thua, hận thù… đều là hệ quả của việc phản ứng với tham ái. Hay nói tổng quát hơn, từ những chuyện không hài lòng với nhau trong cuộc sống đến những hành động ra tay tước đoạt sinh mạng của người khác đều là do phản ứng với tham ái.
 
Giáo sư Tiến sĩ Yuval Noal Harari trong Lược sử loài người có đoạn viết về điều này mà theo tôi là cực hay và rất chuẩn xác: “Khám phá sâu sắc của Đức Phật là khi tâm trải nghiệm bất cứ điều gì, nó thường phản ứng với tham ái, mà tham ái luôn kéo theo sự bất mãn. Khi tâm trải nghiệm một cái gì đó khó chịu, nó khao khát thoát khỏi các day dứt và bực dọc. Khi tâm trải nghiệm một cái gì đó dễ chịu, nó khao khát rằng niềm vui sẽ vẫn duy trì và tăng thêm. Do đó, tâm luôn không hài lòng và bồn chồn”.
 
Quả thật, lòng người ít khi được bình lặng, tĩnh tại, vì luôn phản ứng với mọi biến đổi của môi trường, hoàn cảnh, của chính thân tâm mình và cả với những ứng xử đối đãi của tha nhân. Lòng không bình lặng thì nghiệp cứ lao xao như những cơn sóng trồi sụt, khiến con người ta cảm thấy chán nản, mệt mỏi, muộn phiền, khổ đau; tinh thần luôn bồn chồn, day dứt nặng nề không yên, không có chút thảnh thơi, thư thả. Chính vì vậy mà trong Cư trần lạc đạo phú, Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm, ngài Trần Nhân Tông đã nói lên sở ngộ thâm sâu của mình về điều này: “Muôn nghiệp lặng yên nhàn thể tính”.
 
Ôi, chỉ có bảy chữ thôi mà Sơ tổ Trúc Lâm đã diễn tả được cả một nền đạo lý nhiệm mầu của Đức Phật! Muôn nghiệp ấy là gì? Thì cũng là cái tâm bồn chồn, lăng xăng, vọng động đó thôi. Cái tâm luôn phản ứng với tham ái: ưa thích, ghét bỏ, nắm bắt, loại trừ, quyến luyến, xua đuổi. Chỉ cần cái nghiệp lăng xăng yêu ghét lấy bỏ, bám luyến xua đuổi ấy lặng xuống thì thể tính tâm hiển lộ tính chất uyên nguyên thanh tịnh, bình lặng an nhàn của nó như mặt nước hồ thu trong xanh phẳng lặng không một gợn sóng.
 
Cuộc sống, tự bao giờ, ta cứ hành động theo thói quen phản ứng yêu ghét mà không nhận ra. Cái tập khí phản ứng ấy tích tập đã lâu đời, đã trở thành vô thức, khiến con người ta cứ hành động theo thói quen vô thức ấy mà ít khi tỉnh giác để nhận ra. Có một điều là, cứ mỗi lần làm theo thói quen phản ứng, ta nhận được một chút thỏa mãn về tham ái, nhưng sự thỏa mãn đó không làm ta bình an hơn mà khiến ta chìm sâu vào khổ đau, vì bản chất của tham ái là không thỏa mãn được dài lâu; lo lắng, bất an, dao động, mệt mỏi, bồn chồn và căng thẳng.
 
Bạn hãy thử một lần dừng tâm lại, để lòng lặng yên, đừng phản ứng thuận nghịch với các pháp, hãy để mọi thứ đến và đi theo nhân duyên vốn có của nó, thì mọi việc ở đời đều trở nên bình an đến lạ thường.
 
Vậy nên, lòng lặng thì nghiệp yên.

Hoàng Nguyên

 
In trang này