Theo Kinh Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền dạy rằng: "Nhược dục thành tựu thử công đức môn, ưng tu thập chủng đại hạnh nguyện":
Nhứt giả lễ kính chư Phật.
Nhị giả xưng tán Như Lai.
Tam giả quảng tu cúng dường.
Tứ giả sám hối nghiệp chướng.
Ngũ giả tùy hỷ công đức.
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân.
Thất giả thỉnh Phật trụ thế.
Bát giả thường tùy Phật học.
Cửu giả hằng thuận chúng sanh.
Thập giả phổ giai hồi hướng.
Nghĩa là nếu ai muốn trọn nên công đức của Phật, thời phải tu mười điều hạnh nguyện rộng lớn như sau:
Một là thành tâm kính lễ các đức Phật.
Hai là khen ngợi, tán thán Như Lai.
Ba là thực hành hạnh cúng dường rộng rãi.
Bốn là ăn năn chừa bỏ các nghiệp chướng.
Năm là vui theo các công đức.
Sáu là thỉnh Phật thuyết pháp.
Bảy là thỉnh Phật trụ ở thế gian.
Tám là thường tu học theo lời Phật dạy.
Chín là luôn luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh.
Mười là hồi hướng công đức khắp tất cả pháp giới.
1) Lễ Kính Chư Phật:
Trong thập phương tam thế khắp pháp giới, có vô số Ðức Phật, chúng ta đều dùng thân khẩu ý, tam nghiệp thanh tịnh, thường tu hạnh lễ kính. Nghĩa là chúng ta thường xuyên một lòng thành tâm kính lễ chư Phật mười phương, điều này là lẽ đương nhiên đối với những người Phật tử. Ðiều quan trọng cần lưu ý là chúng ta không những kính lễ mười phương chư Phật quá khứ, tức là chư Phật đã thành, mà chúng ta luôn luôn kính lễ chư Phật trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Chư Phật hiện tại và vị lai là những vị nào, ở đâu, làm sao chúng ta biết được mà kính lễ?
Thông thường ở thế gian, chỉ khi nào các bậc thánh nhân viên tịch, các nhà hiền triết qua đời rồi, người đời sau mới nhận ra được và tôn sùng, chiêm bái. Còn khi các vị đó đương thời, tại thế, vì mê muội, vì ganh tị đố kỵ, vì gièm pha phỉ báng, nói chung, vì vọng tâm tham sân si che lấp, không có bao nhiêu người thấy được, hiểu được, cảm nhận được sự siêu phàm, sự thanh cao bên trong cái hình tướng thế nhân của các vị đó. Ðó là nói về các bậc chân tu thực học, đạo cao đức trọng, còn đối với mọi người khác thì sao?
Con người thường tưởng tượng rằng thánh nhân phải là những người có hình tướng dị thường, có hào quang tỏa khắp thân, có phép lạ chữa lành bệnh tật, có thần thông đi mây, cưỡi gió, lướt trên mặt nước, hô phong hoán vũ, làm được những chuyện kỳ đặc khác người. Cho nên con người thích chiêm ngưỡng, lễ lạy các vách tường, nóc nhà, gò mối, ụ đất, buồng chuối, cây cao, gốc cây sồi, ngọn cây sao, khe suối, hốc đá, hang sâu, bất cứ chỗ nào có người phao tin rằng có tiên thánh hiện ra nơi đó cứu người giúp đời! Hoặc là tôn sùng, lễ bái các người có hình tướng dị kỳ, râu tóc xồm xoàm, mười năm chưa tắm, bụi bặm dơ bẩn, móng tay cả tấc, thậm chí có người không bận quần áo gì cả! Hay sùng bái các người làm những việc khác thường như ngồi trên bàn chông, đi trên đống lửa, quanh năm chỉ ngồi không nằm, ăn cơm muối mè, không dùng thức ăn nào khác, chỉ uống nước lạnh, không chịu uống thuốc men gì cả!
Sở dĩ có nhiều chuyện mê tín dị đoan như vậy, kể cả những người gọi là học thức, trí thức thế gian, bằng cấp này nọ, bởi vì con người thường quá quan tâm đến phương diện vật chất, chỉ chú trọng đến cái thân xác của con người, mà quên đi phần tâm linh. Ngay khi còn sống tại thế gian, cái thân xác này còn không phải là mình, huống là sau khi chết. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta ai ai cũng muốn được trường sanh bất tử, muốn thân xác này trẻ mãi không già, đẹp mãi không nhăn, khỏe mãi không đau, sống hoài không chết, nhưng nào có được đâu? Ðến khi nghỉ thở hai ba hôm là không ai dám đến gần!
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh". Nghĩa là bất cứ chúng sanh nào, bất cứ người nào trên thế gian này, không phân biệt hình tướng, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt sang hèn, không phân biệt địa vị, không phân biệt nam nữ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt học thức, không phân biệt xuất xứ, không phân biệt gì hết, mọi người đều có Phật tánh đồng như nhau, chỉ vì mê ngộ không đồng, nghiệp chướng khác nhau, cho nên hình tướng bên ngoài có khác.
Chính vì con người chấp chặt cái hình tướng bên ngoài cho nên phân biệt tốt xấu, phải quấy, đúng sai, không hiểu được ngoài các thân xác ra, chính mình có Phật tánh, không hiểu được mọi người đều có Phật tánh như nhau. Do đó phiền não khởi lên, cuộc đời chìm đắm trong các sự tranh chấp, hơn thua, kiện thưa, đấu tranh, giành giựt, phê phán, chỉ trích, chiếm đoạt. Nếu thực sự hiểu được mọi người đều bình đẳng, đều có Phật tánh như nhau, thì con người không dám xúc phạm lẫn nhau, dù bằng hành động, lời nói hay ý nghĩ, huống là âm mưu hại nhau, kiện nhau ra trước ba tòa quan lớn, đòi bồi thường vài triệu đô la, để cả nhà xúm nhau chia chác! Thiệt là tội nghiệp lắm thay! Con người tạo nghiệp mà không hay, không biết! Hoặc biết mà vẫn cố phạm!
Chư Tổ có dạy: "Chúng sanh nhìn chư Phật là chúng sanh cho nên khổ đau phiền não. Chư Phật nhìn chúng sanh là chư Phật cho nên niết bàn an lạc".Nghĩa là những người phàm phu không biết mình có Phật tánh, không biết mọi người đều có thể thành một vị Phật trong tương lai, thường mang tâm trạng tự ti, hèn kém, luôn luôn mang "cặp kiếng chúng sanh", cho nên nhìn thấy tất cả mọi người chung quanh đều là chúng sanh như mình, thường là tệ hơn mình, xấu xa hơn mình, cho nên sanh tâm chán nản, ghét bỏ, khinh khi, giận tức, bực dọc, từ đó phiền não khổ đau bắt đầu. Nói một cách thông thường đó là: "suy bụng ta ra bụng người". Người mang cặp kiếng màu đen, nhìn chỗ nào cũng thấy tối thui, nhìn người nào cũng tưởng là ma đen thùi!
Còn chư Phật từ nhãn thị chúng sanh, thương nhìn cuộc đời bằng Phật nhãn, với tâm bồ đề giác ngộ, với "cặp kiếng bình đẳng", cho nên nhìn thấy rõ ràng người nào cũng có Phật tánh, cũng có khả năng thành một vị Phật, nếu giác ngộ, biết quày đầu hướng thiện, từ bỏ nghiệp chướng. Trong nhà Phật, mọi người trân quí Phật tánh của nhau, nên thường chắp tay trước ngực, cúi đầu, chào nhau bằng câu: "Mô Phật" hay "A Di Ðà Phật", ngụ ý rằng: "Búp sen xin tặng người. Một vị Phật tương lai". Bởi vậy cho nên, tu hạnh "Lễ Kính Chư Phật", chúng ta tạo không biết bao nhiêu phước báu, tránh được biết bao nhiêu phiền não khổ đau, từ đó chúng ta sống trong sự cảm thông, tương kính, cho nên cuộc đời của chúng ta sẽ được an lạc và hạnh phúc, không nghi, dù chúng ta đang sống ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
2) Xưng Tán Như Lai:
Trong thập phương tam thế khắp pháp giới, có vô số Ðức Phật, chúng ta đều dùng sức thậm thâm thắng giải hiện tiền tri kiến thường tu hạnh xưng tán. Mỗi âm thinh diễn xuất tất cả ngôn từ hải, khen ngợi tất cả công đức hải của tất cả Như Lai, bằng ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, thường không hề nhàm mỏi.
Nghĩa là chúng ta luôn luôn xưng dương, tán thán, ca tụng, ngợi khen công đức của chư Phật đã thành, với mục đích tự nhắc nhở mình noi gương chư Phật, trong cuộc sống hằng ngày, giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý được thanh tịnh, chứ không phải chúng ta ca ngợi chư Phật để được ban phước, để được may mắn, để được như ý. Chư Phật mười phương không cần chúng ta tán tụng như vậy đâu! Chúng ta kính lễ chư Phật không phải chỉ ca tụng chư Phật, mà cần phải noi gương, học và hành theo hạnh của chư Phật. Sách có câu: "Tôn sùng các bậc vĩ nhân, không phải chỉ ca tụng họ, mà cần noi gương họ".
Khi nghe hoặc thấy một người lâm nạn đau khổ, chúng ta liền khởi tâm từ bi thương xót. Ðó chính là xưng tán Như Lai. Nhưng đến khi nhận biết kẻ lâm nạn là người đã từng hãm hại mình, là người mình không ưa, thì chúng ta liền khởi tâm khoái chí. Ðó chính là phỉ báng Như Lai. Xưng tán Như Lai còn có nghĩa là chúng ta tự nhắc nhở chính mình, ai ai cũng có đức tính giác ngộ, sáng suốt, thanh tịnh và hòa bình, tự nhắc nhở chính mình nên sống một cuộc đời tỉnh thức, không để vọng tâm chi phối, không để tâm tham điều khiển, không để tâm sân xui khiến, không để tâm si thúc đẩy, làm những chuyện lợi mình hại người, vì quyền lợi nhỏ nhen của mình và người thân của mình làm thiệt hại, gây đau khổ cho người khác và gia đình họ, dù cho người đó là kẻ thù cũng vậy.
Xưng tán Như Lai không có nghĩa là chúng ta chỉ lo chuyện xây chùa to, dựng tượng lớn, đọc các bài tán thán chư Phật trong các thời khóa tụng kinh, làm thơ ca ngợi công đức chư Phật, tổ chức hành hương thập tự, tham dự các khóa tu học, các khóa hành thiền. Nếu chúng ta chỉ biết làm những chuyện như vậy mà thôi, còn trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta sẵn sàng đấu tranh, giành phần hơn, giành phần thắng, giành phần phải, giành phần tốt, giành phần ngon, giành phần lợi, chúng ta để tâm tham sân si chi phối, sẵn sàng lôi người khác ra tòa, hạ nhục kẻ khó ưa, thì thực sự chúng ta phỉ báng Như Lai, chứ không phải xưng tán Như Lai vậy.
3) Quảng Tu Cúng Dường:
"Khởi thâm tín giải hiện tiền tri kiến, tất dĩ thượng diệu chư cúng dường cụ nhi vi cúng dường". Nghĩa là đối với chư Phật mười phương, chúng ta phát tâm hiểu biết, tin tưởng sâu sắc, thành tâm dâng cúng những điều tốt đẹp, những thành tựu cao quí nhứt trên bước đường tu học. Khi viếng chùa, về phần sự tướng, chúng ta thường dâng cúng các phẩm vật cụ thể như: hương, đăng, hoa, quả, tượng trưng cho những nghĩa lý cao thượng, những yếu tố tâm linh siêu thoát.
Dâng cúng hương mang ý nghĩa dâng cúng những hương thơm kết tụ do việc giữ gìn giới luật, những hương thơm kết tụ do việc thiền định, những hương thơm kết tụ do việc phát triển trí tuệ, những hương thơm kết tụ do việc tu hạnh giải thoát và những hương thơm kết tụ do việc giải thoát những hiểu biết phiền lụy của thế gian. Nói chung gọi là Ngũ Phần Hương, gồm có: giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát và giải thoát tri kiến hương.
Dâng cúng đăng, tức là dâng cúng đèn, mang ý nghĩa dâng cúng ánh sáng trí tuệ sáng suốt, thắp sáng tâm trí, biết nhận thức mọi sự mọi vật đúng như thực, không điên đảo, không mê mờ, biết sống theo chánh kiến và chánh tín, tránh tà kiến và mê tín dị đoan. Cho nên trên bàn thờ Phật tại tư gia, cũng như tại các tự viện, luôn luôn có một ngọn đèn thắp sáng, mang ý nghĩa nhắc nhở chúng ta luôn luôn sống trong tỉnh thức, sáng suốt, luôn luôn thúc liễm thân tâm, luôn luôn sống theo lời chư Phật dạy.
Dâng cúng các loại hoa, mang ý nghĩa dâng cúng những điều thiện lành, tốt đẹp, thơm tho, chúng ta làm được trong cuộc sống hằng ngày theo lời chư Phật dạy. Chẳng hạn như chúng ta làm được việc thiện nào trong ngày, chúng ta dừng được việc ác nào trong ngày, đó là những bó hoa tươi thắm đem dâng cúng chư Phật.
Dâng cúng các loại quả, các loại trái cây, mang ý nghĩa dâng cúng những thành tựu, những kết quả, do công phu tu học theo đúng Chánh Pháp. Chẳng hạn như trước đây, những lời phê phán, chửi mắng có thể làm chúng ta bực bội, khó ở, quên ăn, mất ngủ trong một thời gian dài. Giờ đây, gặp những cảnh ngộ trái ngang như vậy, gặp những người gây phiền não khó khăn như vậy, gặp những việc bất như ý đến như vậy, chúng ta có thể khởi lên một niệm trong tâm, song nhận thức được ngay, liền tan biến mất, hoặc là tâm hoàn toàn tĩnh lặng, vô niệm khởi, tức là chúng ta đã thành tựu đạo quả, dù một cách viên mãn, hay chưa viên mãn!
Ðể tâm trí được thanh tịnh, chúng ta hãy làm các điều thiện, quảng tu cúng dường, vì chính những ích lợi của các điều thiện ấy, chứ không phải vì quyền lợi cá nhân, vì quyền lợi bản thân. Chúng ta có thể dễ chán những niềm vui mà chúng ta nhận được, nhưng chẳng bao giờ chán những niềm vui mà chúng ta cho. Ðó là ích lợi sâu xa của sự bố thí cúng dường của những người thiện tâm.
Tuy nhiên, trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: tu hành đúng theo lời Phật dạy, làm lợi ích cho chúng sanh, chịu khổ thế cho chúng sanh, nhiếp thọ chúng sanh, siêng năng tu tập các điều lành, tránh các điều dữ, phát tâm bồ đề. Pháp cúng dường là sự cúng dường rộng lớn hơn tất cả, được vô lượng vô biên công đức. Tại sao vậy? Bởi vì các đức Như Lai tôn trọng Chánh Pháp, theo đúng Chánh Pháp mà tu hành, theo đúng lời chư Phật dạy thì sanh ra các Ðức Phật. Ðó mới chính là mục đích cứu kính của đạo Phật, chỉ dạy phương pháp, giúp đỡ con người, chuyển hóa thành Phật, chứ không phải chỉ có những hình thức cúng kiến lễ lạy mà thôi. Thực hành được như vậy mới gọi là quảng tu cúng dường.
4) Sám Hối Nghiệp Chướng:
Từ vô lượng kiếp về quá khứ, do lòng tham lam, giận tức, si mê, khiến cho thân khẩu ý tạo vô lượng vô biên nghiệp xấu ác, nghiệp bất thiện. Ngày nay chúng ta đem ba nghiệp thanh tịnh thành tâm sám hối, nguyện về sau không tái phạm nữa.
Trong kinh sách có bài kệ sau đây:
Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp
Giai do vô thủy tham sân si
Tùng thân khẩu ý chi sở sanh
Nhứt thiết ngã kim giai sám hối.
Nghiệp là những điều gì do thân làm, do miệng nói, do ý nghĩ, thường xuyên hằng ngày. Nghiệp thiện là những điều gì do thân khẩu ý, tạo ra ích lợi cho mình và cho người. Từ xưa đến giờ, chúng ta tạo tác không biết bao nhiêu là nghiệp xấu ác, nghiệp bất thiện, đều do tâm tham sân si, có từ vô thủy, phát xuất ra hành động, lời nói hay ý nghĩ, làm lợi mình hại người, gây đau khổ cho người khác. Tất cả hôm nay chúng ta đều thành tâm, ăn năn sám hối, nguyện chừa bỏ, không tái phạm.
Nghiệp thường gây những chướng ngại trên đường đời, cũng như trên đường đạo, cho nên gọi là nghiệp chướng. Chẳng hạn chúng ta tạo nghiệp thiện như: làm phước, bố thí, cúng dường, đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, niệm Phật, nhưng thấy người khác không làm như vậy, đâm ra bực dọc, khinh khi, phỉ báng, thì cũng chướng, cho nên gọi là nghiệp chướng. Còn đối với những nghiệp xấu ác, nghiệp bất thiện, thì dĩ nhiên là nghiệp chướng rồi, không cần phải giải thích dài dòng.
Tuy nhiên, trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Nhứt thiết duy tâm tạo".Nghĩa là mọi sự mọi việc trong khắp mười phương pháp giới đều do tâm tạo ra tất cả. Công đức cũng do tâm tạo, nghiệp chướng cũng bởi tại tâm. Ðó chính là vọng tâm, lăng xăng lộn xộn, sinh diệt thay đổi luôn luôn, thường do tham sân si chi phối, thúc đẩy, điều khiển, cho nên chúng ta thường tạo nghiệp xấu ác nhiều hơn là nghiệp thiện. Bởi vậy cho nên, có bài kệ như sau:
Tội tùng tâm khởi tương tâm sám
Tâm nhược diệt thời tội diệc vong
Tội vong tâm diệt lưỡng câu không
Thị tắc danh vi chơn sám hối.
Nghĩa là tất cả những tội lỗi gây ra, đều do tâm của chúng ta chủ động, thì phải thành tâm, phải tự trong thâm tâm, mà sám hối. Từ đó chúng ta phát nguyện không tái phạm, cho nên mỗi khi từ vọng tâm khởi lên, tâm tham, tâm sân, tâm si, chúng ta liền biết ngay, dừng lại, không làm theo sự điều khiển, sai xử của tham sân si, thì tội lỗi sẽ không còn nữa. Khi tội lỗi không còn, vọng tâm cũng lặng mất, chúng ta sống trong trạng thái tịch tịnh, bình yên của tâm hồn. Ðó mới thực là sự sám hối chơn chánh.
Thân nhân kẻ bị hãm hại thường đau khổ, nhưng nếu họ biết tha thứ cho kẻ xấu ác kia, thì họ sẽ sống trong an lạc với tâm lượng từ bi hỷ xả. Con người dù xấu ác đến cở nào, nhưng nếu biết thành tâm sám hối, đều có cơ hội trở thành người thánh thiện. Không thiếu gì các vị thánh nhân trong lịch sử, có quá khứ là kẻ bất thiện xấu ác trong xã hội. Chẳng hạn như gương của Angulimala, nhờ thành tâm dừng các ác nghiệp, từ thân khẩu ý, thực tâm sám hối, tinh tiến tu học, thực hành các lời dạy của Ðức Phật, trở thành một vị đại đức chân tu đắc đạo. Bởi vậy cho nên, chúng ta chỉ nên quán xét chính mình có biết sám hối chưa, chứ đừng quan trọng đến quá khứ của người khác tốt hay xấu! Chuyện ai nấy lo vậy!
Con người thường mang tâm niệm khinh khi, ghét bỏ, nguyền rủa những kẻ bất thiện, mong muốn hình phạt nặng nề, cho nên tâm trạng bất an, rất có thể trở nên kẻ xấu ác hồi nào không hay. Chúng ta nên biết rằng nền tảng của hạnh phúc chính là sự bình yên của tâm hồn. An lạc và hạnh phúc là điều mong ước của tất cả mọi người trên thế gian này. Muốn được như vậy, trong đời sống hằng ngày, chúng ta hãy luôn luôn tha thứ cho người khác, dù là kẻ thù cũng vậy, nhưng đừng bao giờ tha thứ cho bản thân mình.
5) Tùy Hỷ Công Đức:
Từ lúc phát tâm bồ đề, vì muốn cầu đạo giải thoát, chúng ta siêng tu cội phước căn lành, trải qua vô số kiếp, làm tất cả những hạnh khó làm, thấy người khác tu tâm dưỡng tánh, làm bao nhiêu công đức, chúng ta đều phát tâm tùy hỷ. Người tu tập các nghiệp thiện lành như bố thí, cúng dường, giúp đỡ người gặp khó khăn, nghèo đói, hoạn nạn, góp phần ấn tống kinh sách, đúc chuông, tạo tượng, xây chùa, trường học, bịnh viện, tu tâm dưỡng tánh, tụng kinh, niệm Phật, thiền quán, trì chú, giảng kinh, thuyết pháp, được bao nhiêu công đức và phước đức, thì người tu hạnh tùy hỷ cũng được bấy nhiêu công đức và phước đức. Tại sao vậy?
Bởi vì người tu hạnh tùy hỷ công đức là người đã và đang dẹp được rất nhiều các vọng tâm ganh tị, đố kỵ, nghi ngờ, tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ, bon chen, mới có thể thấy người khác làm các việc thiện, việc lành mà vui theo. Như vậy người tu tập các công đức lành và người tu hạnh tùy hỷ công đức, được kết quả như nhau, không khác. Cũng ví như người có cây đuốc cháy sáng, người khác đem cây đuốc của họ đến mồi, cây đuốc của họ cũng được cháy sáng như vậy, không khác, mà cây đuốc của người kia không bị giảm bớt chút ánh sáng nào cả vậy.
Người tu hạnh tùy hỷ công đức là người luôn luôn nở nụ cười nhẹ nhàng, thanh thản trên gương mặt, tâm trí khinh an, từ bi tâm rộng lớn, là người nhìn đời với cặp mắt hoan hỷ khi thấy những người khác thành tựu các công đức, dễ gần gũi thầy tốt bạn lành. Bởi vậy cho nên sách có câu: "Hãy gởi cho gió đóa hoa từ trên gương mặt rạng rỡ nở hoa của bạn. Tôi sẽ ngữi mùi hương trên khắp các nẻo đường bạn đi qua".
6) Thỉnh Chuyển Pháp Luân:
Trong thập phương tam thế khắp pháp giới, có vô số Ðức Phật, chúng ta đều thành tâm đem thân khẩu ý, dùng tất cả những phương tiện ân cần thỉnh mời tất cả chư Phật nói pháp nhiệm mầu. Chư Phật hiện đời chính là các bực chân tu thực học, đạo cao đức trọng, mọi người đều có thể cảm nhận được khi gần gũi. Các Ngài cũng như những cây cổ thụ bóng mát che rợp, cũng như nước cam lồ ngọt lịm, đem lại sự mát mẽ, tươi vui, an lạc cho tất cả chúng sanh đang chìm đắm trong bể khổ của cuộc đời, đang trôi lăn trong các cuộc kiện thưa, tranh chấp về tiền bạc, về danh dự hão, về địa vị dỡm, về chức tước hàm, về đủ mọi thứ khổ não, phiền lụy trên đời.
Thỉnh chuyển pháp luân còn có nghĩa là thỉnh Phật tánh chính mình chứng minh cho các hành động, lời nói và ý nghĩ của chúng ta hợp với Chánh Pháp. Thỉnh chư Phật từ phương xa đến chuyển pháp luân, nói cách khác là chuyển bánh xe pháp hay thuyết pháp, thực là muôn vàn khó khăn. Còn Phật tánh thì luôn luôn có sẵn với chúng ta, mỗi hành động, lời nói hay ý nghĩ đều hợp với Chánh Pháp, với lời dạy của chư Phật mười phương, chính là thỉnh Phật chuyển pháp luân vậy.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, gọi tắt là Kinh Pháp Hoa, Ðức Phật chỉ chấp nhận chư Bồ Tát "tùng địa dũng xuất" hộ trì Chánh Pháp mà thôi. Nghĩa là chỉ có những người phát tâm bồ đề, tu hạnh bồ tát, từ tâm địa mạnh mẽ xóa bỏ tham sân si, xa lìa mê tín dị đoan, không còn nghĩ chuyện lợi mình hại người, từ tâm địa dũng mãnh phát khởi tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả, phát khởi ý nghĩ quên mình vì người, mới thực sự là những người thực hành Chánh Pháp, những người hộ trì Chánh Pháp, những người đang chuyển bánh xe pháp, đang chuyển pháp luân vậy.
Kinh sách có câu: "Nhược năng chuyển vật tức đồng Như Lai". Nghĩa là nếu người nào có khả năng và thường chuyển được mọi sự, mọi việc, mọi vật trên đời theo tâm lượng từ bi hỷ xả, không để các vọng tâm tham lam, sân hận, si mê chuyển, điều khiển, sai khiến, thì người đó đồng với Như Lai, không khác. Trong các buổi tụng kinh, thuyết pháp hay bàn luận trong nhà Phật, trước tiên mọi người đều niệm hồng danh Ðức Phật để cầu gia bị, mang ý nghĩa thỉnh Phật chuyển pháp luân, trong suốt thời tụng kinh, buổi thuyết pháp hay buổi họp đó, để được trọn vẹn phước đức và công đức. Mọi người thỉnh Phật tánh của chính mình, chuyển bánh xe pháp trong mọi hành động, mọi lời nói hay mọi ý nghĩ, để làm gương cho kẻ khác có tín tâm với đạo Phật, với Chánh Pháp.
Chư Tổ có dạy: "Tĩnh tọa thường tư kỷ quá. Nhàn đàm bất luận nhơn phi".Nghĩa là khi ngồi yên một mình, người nào thực tâm tu học, muốn thoát ly phiền não của cuộc đời, thường suy nghĩ về những lỗi lầm, những sai trái của chính mình trong mọi hành động, lời nói hay ý nghĩ. Còn trong lúc nói chuyện, đàm luận với người, không bao giờ đề cập đến sự sai trái, khuyết điểm, lỗi lầm hay tội lỗi của người khác, trong quá khứ cũng như hiện tại. Do đó, chúng ta nên biết rằng những cách cư xử đẹp trên đời không phải là việc vô ích, mà là kết quả của một bản tính cao thượng, thanh nhã và một tinh thần chính trực, ngay thẳng, chí công, vô tư. Ðược như vậy, cũng có nghĩa là chúng ta thỉnh Phật chuyển pháp luân rồi vậy.
7) Thỉnh Phật Trụ Thế:
Trong thập phương tam thế khắp pháp giới, có vô số Ðức Phật, chúng ta đều thành tâm đem thân khẩu ý, dùng tất cả những phương tiện ân cần thỉnh mời tất cả chư Phật ở lại thế gian, vì muốn tất cả chúng sanh được lợi lạc. Về phương diện toán học, một với một là hai. Nhưng về phương diện Phật tánh, một với một là không hai. Chúng ta thương yêu nhau, tinh thần chúng ta sẽ hợp nhất. Chúng ta không tốt được với kẻ thù, thì chưa thực sự tốt hoàn toàn. Chúng ta chưa nhận ra sự bình đẳng giữa các chúng sanh, giữa mình với người, tức là chúng ta chưa thỉnh Phật trụ thế, Phật tánh của chúng ta còn bị che lấp bởi phiền não và khổ đau của cuộc đời, còn bị người đời hãm hại, thưa kiện, nên vọng tâm khởi lên sự tức giận, khó kềm chế nổi.
Muốn thỉnh Phật trụ thế, còn có nghĩa là muốn Phật tánh của chúng ta hiển lộ, chúng ta không nên làm bất cứ điều gì, không nên nói bất cứ điều gì, không nên nghĩ bất cứ điều gì nhằm mục đích hạ thấp người khác. Nhờ đó, chúng ta có thể thỉnh Phật tánh của tất cả những người chung quanh trụ thế. Cuộc đời giữa những người cư xử với nhau bằng chơn tâm, Phật tánh chắc chắn sẽ an lạc và hạnh phúc, không nghi, không còn phải mong đợi cảnh giới cực lạc nào khác, ngoài thế gian này nữa cả.
8) Thường tùy Phật học:
Trong thập phương tam thế khắp pháp giới, có vô số Ðức Phật, chúng ta đều thành tâm đem thân khẩu ý, dùng tất cả những phương tiện ân cần nương theo tất cả chư Phật, học tập, thực hành các hạnh tinh tấn, không biếng trễ, thực hành các hạnh khó làm, ở trong đạo tràng, cũng như ở khắp mọi nơi.
Sách có câu: "Không biết thì hỏi, không giỏi thì học", hay "Không thầy đố mầy làm nên". Ở đời, muốn có trí tuệ, muốn được thông minh, muốn sự hiểu biết được sâu rộng, chúng ta nhứt định phải học hỏi từ sách vở, từ những bực thiện hữu tri thức, từ những bực tiền bối có nhiều kinh nghiệm, hay từ những người đồng trang lứa, thậm chí từ những người trẻ tuổi hơn hơn chúng ta nữa. Người biết đặt câu hỏi, biết được chỗ dốt của mình, sẽ chỉ ngu dốt trong nhứt thời. Còn người không chịu học hỏi, sẽ không hiểu không biết suốt đời. Khi biết được mình dốt điểm nào thì bắt đầu hết dốt. Người trí là người biết mình không biết điều gì, còn người ngu là người tưởng mình biết hết tất cả mọi việc trên đời!
Trong đạo Phật cũng vậy, chư Phật và chư Tổ mười phương cũng từng giảng dạy những pháp môn tu học trong tam tạng kinh điển, để giúp chúng sanh thoát ly khỏi luân hồi, khỏi trầm luân sanh tử, đạt được cứu kính niết bàn. Do đó chúng ta cần nên gần gũi các bực thầy lành bạn tốt để học hỏi đạo lý, không ai có thể tự mình trở thành Phật mà không cần tu học theo đúng Chánh Pháp, theo lời chư Phật dạy, cũng như người đi đường cần có bản đồ, có địa bàn, có hướng dẫn, có hỏi thăm mới có thể đến nơi đến chốn như ý muốn được.
Chư Tổ có dạy: "Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đãy sách".Nghĩa là người phát tâm tu theo đạo Phật, nhứt định phải học hỏi Chánh Pháp, mới tránh được tình trạng tu mù, dễ lầm đường lạc lối, theo tà ma ngoại đạo, mê tín dị đoan. Ở đây, chúng ta cần nên biết rằng: dù có thờ Phật tại gia hay tại chùa, ngoài Tâm cầu Phật đều gọi là ngoại đạo, không phát tâm bồ đề mà làm Phật sự, chẳng qua đó là ma sự! Sách cũng có câu: "Muốn tu thì phải học. Muốn đọc phải biết chữ".
Trái lại, những người học cao hiểu rộng, trí thức thế gian, nhưng không chịu, không biết tu tâm dưỡng tánh, tức là những người có tài học, mà không có đức độ, thì chẳng ích lợi gì cho ai, có khi còn gieo tai họa cho đời, khi họ đem sở học, sự hiểu biết phục vụ những mưu đồ của bản thân, gia đình hay phe nhóm. Họ ỷ thế học rộng biết nhiều, về luật pháp chẳng hạn, khinh khi mọi người, muốn làm giàu nhanh, làm ăn bất chánh, kiếm được nhiều tiền, xúi giục người khác, nổi lòng tham lam, kiện tụng lung tung, đòi tiền thiệt hại. Suốt đời của họ, chỉ biết có tiền! Những người nghiên cứu kinh điển, chỉ nhằm mục đích, thỏa mãn nhu cầu, hiểu nhiều biết rộng, đem đi tranh cãi, lý luận phê bình, chỉ trích soi mói, nhưng không áp dụng, thực hành lời Phật, trong đời sống này, chẳng thể thoát ly, sanh tử luân hồi, chẳng ích lợi gì cho đời sống tâm linh, ví cũng như cái đãy đựng sách, cái tủ chưng sách, hay cái tàng kinh các mà thôi.
9) Hằng Thuận Chúng Sanh:
Trong khắp pháp giới, mười phương ba đời, bao nhiêu chúng sanh sai khác về sắc thân, về tướng mạo, về hình trạng, về tâm tánh, về tri kiến, chúng ta đều tùy thuận tất cả, mà thực hành các sự tôn kính, cúng dường không phân biệt. Tôn trọng, tùy thuận, cúng dường, phụng sự chúng sanh chính là tôn trọng, tùy thuận, cúng dường, phụng sự chư Phật. Nếu làm cho chúng sanh vui mừng, thì chính là làm cho tất cả Như Lai hoan hỷ. Tại sao vậy?
Bởi vì các đức Như Lai dụng tâm đại bi làm thể, nhơn nơi chúng sanh mà sanh lòng đại bi, nhơn nơi lòng đại bi mà phát tâm bồ đề, nhơn nơi tâm bồ đề mà thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bởi vì đối với tất cả chúng sanh, mà đem tâm bình đẳng đối xử, thì có thể sanh lòng đại bi đầy đủ hoàn toàn. Dùng tâm đại bi mà tùy thuận chúng sanh thì có thể thành tựu pháp cúng dường Như Lai. Những người tu hạnh Bồ Tát, tùy thuận chúng sanh như thế ấy. Chứ tùy thuận chúng sanh không có nghĩa là bị chúng sanh sai xử, xui khiến, xúi giục, làm theo tất cả những gì chúng sanh đòi hỏi, những gì chúng sanh mong muốn.
Trong gia đình, cũng như ngoài xã hội, tùy thuận chúng sanh không có nghĩa là nhắm mắt hùa theo, làm theo, ủng hộ những việc làm bất thiện, bất lương. Chẳng hạn như con cái không thể tùy thuận cha mẹ, làm những việc sai lời Phật dạy, trả thù báo oán, sát nhân hại vật. Ngược lại, cha mẹ cũng không thể tùy thuận con cái, chiều theo con cái, muốn gì được nấy, thưa kiện hại người, dù đó là người thân hay kẻ thù cũng vậy. Tùy thuận cũng không có nghĩa là tự do muốn làm gì thì làm, tự do muốn làm gì cũng được. Chúng ta cần nên nhớ rằng: mọi thứ tự do đều được giới hạn ở chỗ đụng chạm tới tự do của kẻ khác.
Ví như giữa chốn rừng sâu, có cây cổ thụ to lớn, nơi gốc cây được nước tưới nhuần, thì cành lá hoa quả thảy đều sum sê tươi tốt. Trong vòng sanh tử luân hồi, cây bồ đề cũng vậy, tất cả chúng sanh là cội rễ, Bồ Tát là hoa, chư Phật là quả. Dùng nước đại bi đượm nhuần gốc rễ chúng sanh, thì có thể trổ bông Bồ Tát trí tuệ, và kết thành quả Phật toàn giác. Nghĩa là chư Phật và chư Bồ Tát không từ trên mây rơi xuống, không từ dưới đất đi lên, mà từ những chúng sanh biết tu tâm dưỡng tánh, biết chuyển hóa tâm địa, biết tu hạnh nhẫn nhục, biết từ bỏ các việc lợi mình hại người, biết dừng các nghiệp báo, biết trưởng dưỡng tâm từ bi hỷ xả, biết cứu người giúp đời, biết vì người quên mình, biết tùy thuận chúng sanh, để hướng dẫn chúng sanh vào Bát chánh đạo.
10) Phổ Giai Hồi Hướng:
Từ sự lễ kính ban đầu nhẫn đến tùy thuận có bao nhiêu phước đức và công đức, thảy đều đem hồi hướng cho tất cả chúng sanh khắp trong hư không pháp giới. Nguyện cho tất cả chúng sanh thường được an lạc, không các bịnh khổ, muốn thực hành các pháp ác đều không thành, còn tu các nghiệp lành thì đều mau thành tựu. Nếu các chúng sanh nhơn vì trước kia chứa nhóm các nghiệp ác nên chiêu cảm tất cả quả khổ, chúng ta đều phát nguyện chịu thế cho, khiến chúng sanh đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu quả vô thượng bồ đề. Những người tu hạnh Bồ Tát, hồi hướng như vậy.
Hồi hướng như vậy, người tu học sẽ dẹp được các vọng tâm tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, keo kiệt, trừ được tâm sân hận căm tức, bực dọc thù hằn, phá được tâm si mê u tối, không biết lẽ phải, không thấy chánh đạo, tâm từ bi hỷ xả sẽ phát triển, ngày một to lớn hơn, tâm thiện lành ngày một bao trùm, khắp các hành động, lời nói, ý nghĩ. Con người sẽ ngày một gần với chư Phật hơn, cuộc đời ngày một an lạc và hạnh phúc hơn. Niết bàn hay quả vị Phật ngày một gần hơn, không còn bao xa nữa vậy.
Tóm lại, nếu chúng ta quyết tâm, trì chí tu tập theo mười điều nguyện lớn thì có thể thuần thục tất cả chúng sanh, trọn đủ các hạnh nguyện hải của ngài Bồ Tát Phổ Hiền, các loài ma quân, quỉ dữ thảy đều tránh xa, các hạng phát tâm tu tập gần gũi, tuy vẫn sống trong thế gian, nhưng không gặp chướng ngại.
Lúc lâm chung tất cả các căn thân đều hư hoại, tất cả thân thuộc đều phải xa lìa, tất cả oai phong đều phải thối thất, tất cả của cải, tài sản, công danh, sự nghiệp đều không đem một món nào theo được. Chỉ có mười điều nguyện lớn này chẳng rời người mà thôi. Người nào được nghe mười điều nguyện lớn này, luôn luôn giữ gìn, giảng giải cho người, tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, phước đức vô lượng, công đức vô biên, có thể ở trong biển đau khổ phiền não tự cứu được mình, giúp đỡ chúng sanh, khiến được giác ngộ, đạt được Niết bàn.