Đại bàng kim sí điểu/ Khoáng dã quỷ thần chúng...
Về xuất xứ tại sao chư Tăng Ni phải cúng Đại bàng (và các loài khác như các loài quỷ thần ngoài đồng trống, mẹ con quỷ La-sát…) mỗi khi ăn cơm thì có lẽ ai cũng biết. Đại khái chúng là những loài hung tợn, hại người và ăn nuốt lẫn nhau. Đức Phật đã dùng lòng từ bi và giáo pháp để hóa độ chúng, làm cho chúng bỏ ác hướng thiện, theo hầu hạ Phật và trở thành những hộ pháp của Phật giáo. Để giúp cho các loài này sau khi đã từ bỏ tà pháp khỏi bị đói khát bức bách mà phải trở lại đường ác, Đức Phật đã dạy chư Tăng Ni trước khi thọ trai phải trích một phần nhỏ thức ăn sẻ chia cho chúng. Đó là duyên khởi của nghi thức Xuất sanh.
Bài kệ cúng Đại bàng là:
Đại bàng kim sí điểu
Khoáng dã quỷ thần chúng
La-sát, quỷ tử mẫu
Cam lồ tất sung mãn
Án mục đế tóa ha.
Nghĩa:
Chim đại bàng cánh vàng
Chúng quỷ thần hoang dã
La-sát, quỷ tử mẫu
Cam lồ đều no đủ.
Ý nghĩa trước hết là lòng từ bi có thể cảm hóa được các thế lực xấu ác. Qua bài kệ Xuất sanh, chúng ta thấy rõ được tinh thần cơ bản của đạo Phật: Chỉ có lòng từ bi mới giải tỏa được oán thù để chuyển hóa người ác thành thiện. Đức Phật không vì thương rồng, bảo vệ rồng mà tiêu diệt loài kim sí điểu. Không vì yêu quý trẻ thơ mà tàn hại quỷ tử mẫu. Bởi vì với tuệ giác, Đức Phật thấy rằng bạo lực không thể nào giải quyết được vấn đề mà chỉ tạo ra oán thù, oan oan tương báo không bao giờ chấm dứt. Ngài dạy rằng “Tất cả chúng sanh đều ham sống sợ chết, do đó chớ giết và chớ bảo giết”.
Trong kinh Pháp cú có ghi: “Oán thù diệt oán thù, đời này không thể có, từ bi diệt oán thù, là định luật ngàn thu”. Muốn diệt trừ tận gốc rễ oán thù không thể đứng về một phía. Chỉ có lòng từ bi vô lượng, vô biên mới làm cho các oan gia trái chủ thức tỉnh, sám hối lỗi lầm của mình mà quay về chánh đạo. Khi lấy bảy hạt cơm bỏ vào trong chén nước nhỏ, chư Tăng Ni đem tâm từ bi kiết ấn cam lồ, thành tâm chú nguyện bài kệ:
Pháp lực bất tư nghì
Từ bi vô chướng ngại
Thất lạp biến thập phương
Phổ thí châu sa giới.
Nghĩa:
Pháp lực không nghĩ bàn
Từ bi chẳng chướng ngại
Bảy hạt biến mười phương
Cho khắp vô lượng cõi.
Ở đây không chỉ là “do nguyện lực thần chú của Phật mà bảy hạt cơm kia sẽ biến thành cam lồ pháp nhũ khiến cho loài đại bàng ăn no đủ” mà còn là sự lan tỏa của tâm từ. Lòng từ bi có sức mạnh rất phi thường, có thể làm ấm lại những tâm hồn giá lạnh cũng như làm mềm những trái tim sắt đá nhất. Lịch sử tôn giáo đã ghi lại không biết bao nhiêu trường hợp cái xấu ác bị khuất phục bởi tình thương. Trường hợp Đức Phật cảm hóa Vô Não là một điển hình.
Việc cúng Đại bàng còn có ý nghĩa nữa là muốn cho người ta không phạm tội thì trước hết phải đảm bảo được cho họ điều kiện sống cơ bản. Để giúp cho các loài kim sí điểu, la-sát, quỷ tử mẫu… sau khi đã từ bỏ tà pháp mà không quay trở lại con đường cũ bất chính, Đức Phật đã dùng biện pháp thay thế, tức là phải cho chúng thức ăn khác. Điều này có ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn đối với mọi thời đại.
Người xưa nói “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Không phải ai nghèo cũng làm điều xấu, nhưng sự thiếu thốn, túng quẫn cũng là một trong những nguyên nhân đẩy con người ta vào vòng tội lỗi. Muốn cho xã hội được ổn định, không xảy ra những tệ nạn như trộm cướp, buôn lậu hay các nghề bất chính khác thì phải đảm bảo cho tất cả mọi người đều có công ăn việc làm ổn định, tối thiểu cũng đủ để nuôi sống bản thân và gia đình. Còn những tội phạm sau khi đã hoàn lương thì phải tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để họ có thể sống một cuộc sống bình thường.
Lịch sử cho thấy rằng khi mà chính quyền vô đạo, bọn tham quan ô lại cậy thế ỷ quyền hạch sách và cướp bóc của dân, đẩy dân chúng vào cảnh khốn cùng, thì trong nước sẽ sinh biến loạn; trộm cướp và tệ nạn sẽ phát sinh và phát triển. Ngược lại nếu như trên có minh quân, dưới có hiền thần biết lo cho dân cho nước thì mọi người sẽ được an cư lạc nghiệp và đất nước sẽ được phồn vinh.
Một xã hội lý tưởng không phải là một xã hội trong đó có nhiều người giàu mà là mọi người tin tưởng nhau, biết yêu thương và quan tâm nhau. Trong xã hội đó, hạnh phúc của người này không phải được xây dựng trên khổ đau của người khác. Qua bài kệ cúng thí nhỏ trong hành trì của Tăng Ni, ta thấy được bao nhiêu là tâm tình, ước vọng được thể hiện trong đó, về một xã hội an lành, hạnh phúc.
Thích Trung Hữu (GNO)