Vào đầu đời Lê Trung Hưng, với tư cách là một phật tử tu tại gia, bà Hoàng Thị Phiếu cùng hai người anh em trai, từ ngoài Bắc vào
sinh sống tại làng này đã bàn bạc với các trưởng tộc trong làng lập ra chùa Giác Lưong, để tất cả con dân nơi quê hương mới có nơi gần gũi với đạo Phật. Bà Hoàng Thị Phiếu thọ giới Ưu Bà Di - nghĩa là người con gái tu theo đạo Phật, nhưng không ở chùa, khi chết bà Phiếu được chôn cạnh chùa.
Chùa được xây ở vị trí nổi bật giữa cánh đồng của làng gọi là Cồn Bệ, dân làng cúng cho chùa 7 pho tượng gỗ sơn son, thiếp vàng gồm: 3 pho tượng Tam Thế Tôn; 1 pho tượng Hộ Pháp; 3 pho tượng Quan Công, Quan Bình và Châu Xương. Chùa Giác Lương cũng thờ tất cả các những vị thuỷ tổ các dòng họ đã có công lập ra làng như: họ Hoàng, họ Trương, họ Dương, họ Trần, họ Nguyễn, họ Trịnh, họ Hà, họ Lê, họ Đỗ, họ Phan, họ Võ...
Do thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt, chùa Giác Lương bị hư hỏng nặng, năm 1806, dân làng phải trùng tu lại chùa. Ngày 18 tháng 3 năm Bính Dần (ngày 6 - 5 - 1806), làng dựng cột thượng lương, sau hơn hai tháng thi công hoàn thành vào ngày 8 tháng 6 (ngày 23 - 7 - 1806).
Tam quan chùa Giác Lương
|
Gần 120 năm sau, chùa Giác Lương lại được trùng tu lần nữa vào tháng 6 năm Khải Định thứ 9 (tháng 7 - 1924). Trong lần tu sửa này, có thay đổi kiến trúc của chùa từ ba gian xuống còn hai gian. Thời gian tiếp theo, chùa Hiền Lương bị chiến tranh tàn phá hư hỏng khá nặng, nhất là trong chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968. Năm 1969, dân làng tu sửa nhỏ, mái lợp lại bằng tồn.
Bất đầu từ lễ Vu Lan năm 1987, dân làng Hiền Lương đã sáng kiến thành lập ban vận động kêu gọi sự đóng góp của con em người làng Hiền Lương ở khắp mọi miền đất nước, ở nước ngoài để đại trùng tu ngôi chùa cổ của quê hương. Trong ba năm (1987 - 1990), nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của con dân Hiền Lương đóng góp kinh phí khá lớn, nên ngôi chùa đã được trùng tu khang trang cho đến ngày nay.
Chùa cổ Giác Lương
|
Chùa Giác Lương quay về hướng Nam, mặt bằng kiến trúc chùa là hình chữ nhật dài 14.60m; rộng 11,48m, chùa gồm hai gian và bốn chái, sân vườn chùa rộng, xung quanh có la thành bao bọc dài 79m, rộng 55,20m, cao 1,20m, dày 0,50m. Mặt trước của la thành xây 4 trụ, hai cột cao ở giữa, hai cột thấp hai bên. Kiến trúc Tam Quan chùa Giác Lương rất đặc biệt, xây hai tầng với mái giả, quy mô đồ sộ, to lớn nhất trong các tam quan chùa ở Huế hiện nay. Sân chùa có cây sứ cổ - theo truyền tụng thì có tuổi trên dưới 200 năm. Nội thất chùa, từ bộ khung đến hệ thống liên ba, cửa bảng khoa đều trang trí, chạm nổi hình bát bửu, tứ linh, tứ thời, và các kiểu hoa văn tinh xảo. Trong chùa bài trí 8 án thờ, trong đó 3 án thờ chính là án thờ Phật, án thờ thánh Quan Công và án thờ "Nhị thập tôn phái". Trên các hàng cột đều có treo đối liễn xưa. Sau khi Văn chỉ làng Hiền Lương bị chiến tranh phá huỷ, dân làng đã rước ảnh đức Khổng Tử đến thờ ở gian tiền hữu. Chái sau khá rộng là nơi lưu giữ nhiều sắc phong và các tài liệu thư tịch cổ của chùa và của làng Hiền Lương. Ở chái trước, bên trái đặt giá treo chuông đồng, bên trên đặt giá treo trống, theo nguyên tắc "tả chung, hữu cổ".
Chùa Giác Lương là một trong những ngôi chùa cổ được xây dựng khá sớm ở vùng Thuận Hoá, dưới thời Lê, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ về văn hoá và xã hội của dân tộc Việt trên con đường mở đất, mở nước về phương Nam - xứ đàng Trong. Mặt khác, nó còn góp phần nghiên cứu những đặc điểm riêng biệt về kiến trúc, cách thức thờ tự của một ngôi chùa làng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn ở vùng bắc Trung bộ. Và còn góp phần nghiên cứu lịch sử hình thành phong cách kiến trúc chùa xứ Huế, trong dăm dài của nền kiến trúc Phật giáo Việt Nam.