TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC PHƯƠNG
(1933-2018)
Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế Trú trì chùa Diệu Đế Quốc Tự, Tra Am, Lam Sơn và Bạch Vân
I. Thân thế
Hòa thượng họ Nguyễn, húy Văn Túy, là đệ tử Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, sau là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, pháp danh Nguyên Thanh, tự Đức Phương, pháp hiệu Hải Nguyện, sinh năm Quý Dậu tháng 5 nhuận ngày 19 giờ Sửu (01/6/1933) trong một gia đình có truyền thống tín mộ Phật giáo tại làng Đông Lưu, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Nhơn, pháp danh Nguyên Tín, tự Thiện Nhơn và thân mẫu là cụ bà Võ Thị Huệ, pháp danh Tâm Khai. Hòa thượng là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em (2 anh, 3 chị, 1 em trai).
II. Giai đoạn xuất gia học đạo
Hội đủ duyên lành, năm 16 tuổi (1948), Hòa thượng phát nguyện xuất gia đồng chơn nhập đạo, thọ Tam quy Ngũ giới và theo hầu Bổn sư thượng Tâm hạ Như hiệu Trí Thủ tại Tổ đình Báo Quốc - Huế.
Năm 1949, thọ Sa di giới tại Giới đàn Hộ Quốc, Tổ đình Báo Quốc - Huế.
Năm 1952, thọ Cụ túc giới tại Giới đàn Báo Quốc - Huế, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Đường đầu Hòa thượng.
Hòa thượng Bổn sư đã ban bài kệ đắc pháp vào ngày 01 tháng 11 năm Bính Thìn, Phật lịch 2520 như sau:
Cổ dĩ Đức lưu Phương
Ly không hữu đoạn thường
Tâm hương thù Hải Nguyện
Vĩnh kiếp bạn Y vương.
Tinh cần học tập, với trình độ Đại học Phật giáo, năm 1954, Hòa thượng được giao nhiệm vụ làm Lãnh chúng Sa di; 4 năm sau làm Lãnh chúng Tỷ kheo 14 năm liền. Cũng trong thời gian này Hòa thượng còn phụ giúp công việc xây dựng Trường Tiểu học tư thục Hàm Long, giữ các chức vụ Thư ký, Thủ quỹ, Tổng giám thị và Giảng viên dạy môn Anh văn.
Từ 1980 đến 1985, Hòa thượng phát nguyện lễ bái kinh văn theo phương pháp nhất tự nhất bái của kinh Pháp hoa, Vô Lượng nghĩa, Vạn Phật hồng danh, Đại Bát Niết bàn; nhất tự thập bái kinh A di Đà; nhất tự bách bái chú Đại bi, chú Vãng sanh, chú Thất Phật diệt tội, chú Tiêu tai cát tường; nhất tự thiên bái các danh hiệu Phật: Thích Ca, A Di Đà, Dược Sư, Di Lặc.
III. Thời kỳ hành đạo
Tham gia Giáo hội tỉnh nhà:
Từ 1982 - 1990, ủy viên Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Bình Trị Thiên;
Từ 1990 - 1992 làm Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Trị Thiên và được tấn phong lên ngôi vị Hòa thượng (1992).
Từ 1992 - 1995, Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Quyền Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Trị Thiên.
Từ 1995 - 2017, Hòa thượng được suy cử đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế suốt 4 nhiệm kỳ.
Từ năm 2017 đến nay, Hòa thượng được cung cử lên ngôi vị Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tình Thừa Thiên Huế.
Tham gia Trung ương Giáo hội.
Từ 1992 - 2002, ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ V, đã suy tôn Hòa thượng vào Thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử chức vụ Phổ Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam liên tiếp 2 nhiệm kỳ (2002 - 2012).
Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017, Hòa thượng được suy tôn lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cương vị trong các Giới đàn:
Năm 1964, tại Đại giới đàn Vạn Hạnh tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu - Huế, Hòa thượng được mời làm Quản giới tử.
Sau đó, vào các năm 1970, 1974, 1977, 1979 Hòa thượng được cung thỉnh làm Dẫn thỉnh sư tại các Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Phật học viện Hải Đức - Nha Trang; Đại giới đàn Vĩnh Gia tổ chức tại chùa Phổ Đà - Đà Nẵng; Đại giới đàn Phước Huệ, tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc - Huế.
Năm 1981, Đại giới đàn Thiện Hòa tại Tổ đình Ấn Quang - Sài Gòn, Hòa thượng được cung thỉnh làm Tôn chứng.
Năm 1987, Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Chánh Chủ đàn Đại giới đàn Hộ Quốc, tổ chức tại Tổ đình Báo Quổc - Huế.
Năm 1996, đảm nhiệm cương vị Yết ma tại Đại giới đàn Phước Huệ - Đà Nẵng.
Năm 2000, đảm nhiệm cương vị Chánh Chủ đàn kiêm Yết ma Đại giới đàn Tịnh Khiết, tổ chức tại Tổ đình Tường Vân - Huế.
Năm 2005, đảm nhiệm cương vị Chánh Chủ đàn Đại giới đàn Giác Nhiên, tổ chức tại Tổ đình Thuyền Tôn - Huế.
Các Đại giới đàn Minh Hoằng năm 2010, Đại giới đàn Liễu Quán năm 2013 tổ chức tại Tổ đình Từ Đàm, và Đại giới đàn Giác Phong năm 2016 tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc, Ban Kiến đàn cung thỉnh Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Đường đầu Hòa thượng.
Tham gia Khối đại đoàn kết toàn dân:
Ủy viên ủy ban Mặt trận Tố quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế khóa IV, Khóa V (1994-2004);
Ủy viên ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2004-2009.
Công tác xây dựng cơ sở:
Ngày 02/5/1972, mùa Hạ năm Nhâm Tý, đảm nhiệm trú trì chùa Lam Son, Hàm Long hội thân hữu đã tặng Hòa thượng bài thơ “Công đức”:
Duyên bén Lam Sơn đã khiến thầy
Giã từ Báo Quốc để về đây
Chùa trơ cảnh vắng cây xơ xác
Vườn trống rào không cỏ mọc đầy
Mái dột tường hư ra sức sửa
Liêu không, bếp thiếu cố công xây
Lam Sơn đáo nhậm hai tay trắng
Mai hậu chùa xinh công đức dày!
Năm 1992, mùa Hạ năm Nhâm Thân, nhân kỷ niệm 20 năm nhậm chức trú trì chùa Lam Sơn, lại tặng Hòa thượng bài thơ “Tròn đầy”:
Hai mươi năm trước hội Rồng mây
Bạch thủ Sa môn đến chốn này
Đức hậu lưu phương lưu vạn thưở
Lăng già cổ nguyệt mãi tròn đầy!
Hiện nay, Hòa thượng đảm nhiệm chức vị trú trì 4 ngôi chùa: Diệu Đế Quốc tự, Tra Am, Lam Sơn và Bạch Vân.
Trên cương vị lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà, Hòa thượng đã tiến hành các thủ tục xin lại cơ sở Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, đại trùng tu Tổ đình Từ Đàm và Trụ sở Giáo hội tỉnh, Quốc tự Diệu Đế, chùa Tra Am; khôi phục chùa Khoai (Pháp Vân tự), chùa Trấn Hải, chuyển và nâng cấp cơ sở Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế, trường Mẫu giáo Lâm Tỳ Ni, xin cấp đất để xây dựng mới cơ sở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, 32 tiểu cảnh hóa thân tại Thánh tích tượng đài Quán Thế Âm, chùa Huyện hội và Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo Phong Điền, cùng nhiều cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà mang ý nghĩa lịch sử.
Ghi nhận công đức:
Với những đóng góp lợi đạo ích đời, Hòa thượng được Nhà nước và Giáo hội trân trọng ghi nhận và tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương và Bằng khen cao quý:
Huân chương Độc lập hạng ba
Huân chương Đại Đoàn kết Dân tộc
Bằng Tuyên dương Công đức của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
IV. Những tháng ngày cuối cùng
Qua 86 năm hiện diện ở cõi Ta bà, với 66 hạ lạp, Hòa thượng đã tận tụy phục vụ cho quê hương, xứ sở, Đạo pháp và Dân tộc. Bằng trí tuệ và đức độ của bậc chân tu, Hòa thượng đã tập hợp, đoàn kết Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh nhà cùng xây dựng Giáo hội ngày càng lớn mạnh, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và nền hòa bình khu vực và thế giới.
Những việc cần làm đã làm xong, Hòa thượng nghỉ hoạt động Phật sự từ tháng 3 năm 2017 để chuyên sâu thiền quán. Thuận theo quy luật vô thường, vào lúc 14 giờ ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tuất, Phật lịch 2562 (Chủ Nhật 01/7/2018), Hòa thượng xả báo thân, an nhiên thị tịch tại chùa Lam Sơn, để lại bao nỗi niềm kính tiếc cho Giáo hội, cho Tông môn Báo Quốc, chư Tăng Ni và đồng bào Phật tử.
Nam mô Lâm Tế tông, tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật giáo Giáo hội Chứng minh Hội đồng Phó Pháp chủ, Diệu Đế quốc tự, Tra Am, Lam Sơn, Bạch Vân trú trì, húy thượng Nguyên hạ Thanh, tự Đức Phương, hiệu Hải Nguyện Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám./.