Hiếu là nền tảng của đạo đức
Cập nhật ngày: 8/24/2018 8:22:16 AM
Chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình, chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người.
 
Con cái có hiếu với cha mẹ, ngoài việc mang lại niềm hạnh phúc chung trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc, bình an. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, mỗi công dân của một quốc gia có an lạc, bình an thì xã hội, quốc gia đó mới có an lạc bình an và mỗi xã hội, mỗi quốc gia có an lạc bình an thì thế giới của chúng ta mới được an lạc, bình an.
 
Không có tình yêu thương kính trọng vô điều kiện đối với cha mẹ thì không thể có tình yêu thương thật sự đối với người khác. Một xã hội không có những cá nhân có tình yêu thương thật sự, chỉ có những cá nhân mà lòng yêu thương trong họ chỉ tồn tại khi các điều kiện xuất phát từ lòng tham dục đã được thỏa mãn, nếu không đúng theo sự ham muốn, nếu trái với ý muốn, thì tình thương đó sẽ tan biến, dễ biến thành sự khinh khi, đố kỵ, ganh ghét và hận thù. Như thế thì xã hội đó, sẽ không thể có được sự an lạc, sự an bình thật sự.
 
Phong tục tập quán của các dân tộc, giáo lý của các tôn giáo đều khuyên dạy, đề cao và hướng con người đến việc nhận thức và thể hiện lòng hiếu hạnh của mình đối với đấng sinh thành. Đặc biệt nước ta với nền văn minh phát triển từ rất lâu, văn hóa Nho - Phật - Lão đã ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội ngay từ thời lập quốc. Chữ hiếu đã hình thành và tồn tại trong từng cá nhân như là bản tính tự nhiên vốn có từ khi chúng ta mới chào đời. 
 
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” (Ca dao)
 
Mỗi người Việt Nam, không ai là không thuộc nằm lòng những câu câu ca dao ấy và chúng ta có thường xuyên nhớ tới, để tìm cách thể hiện lòng hiếu thảo của mình trong thực tế ở mức độ như thế nào, còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người.
 
Hơn nữa, do khả năng nhận thức của mỗi cá nhân có sai khác, nên chữ hiếu có được ý thức và thực hiện ở mức độ cao hay thấp, lại tùy thuộc vào khả năng nhận thức của người đó. Thậm chí có trường hợp bản tính hiếu thảo đối với cha mẹ vốn có sẵn từ khi mới sinh, nhưng đến nay, sau hơn 20 năm, 30 năm, có khi đến 50, 60 năm vẫn còn đang nằm bất động dưới tận đáy sâu tâm hồn, bị che phủ, che lấp dưới lớp trầm tích của vô minh và tham dục. Đây là trường hợp đại bất hạnh cho người đó, họ đang ở trong cảnh giới đại ngu si, liệt tuệ, si ám. Thật đáng thương! 
 
Phật giáo là một trong những tôn giáo luôn đề cao chữ hiếu, luôn tôn trọng cha mẹ ở mức độ cao nhất, như: 
 
"Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (Kinh Đại Tập)
 
“Thờ trời đất quỷ thần, không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh” (Kinh Tứ Thập nhị Chương)
 
“Phạm thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha.
Các đạo sư ngày xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha.
Đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. (Tăng Chi II A)
 
Phật giáo xem chữ hiếu là giới hạnh cao nhất, là điều thiện tối cao và bất hiếu là đều ác lớn nhất, như:
 
“Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu,
Điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn Nhục)
 
“Làm con đối với cha mẹ, khi đem dâng vật dụng cho cha mẹ, dù nhỏ đi nữa thì được phước vô lượng.
Khi làm điều bất thiện đối với cha mẹ, dù một chỉ một chút thì tội cũng vô lượng” (Kinh Tập Bảo Tạng)
 
Đức Phật, bậc giác ngộ, bậc thầy của tất cả cõi trời và người, bậc đại trí huệ, bậc được khắp sáu cõi tôn kính, bậc Chánh đẳng Chánh giác... sau khi thành đạo đã thể hiện lòng từ hiếu của mình với phụ vương, mẫu hậu, kế mẫu vừa theo thường pháp vừa đúng chánh pháp. Thế Tôn đã đi bộ, vượt ngàn dặm đường hiểm trở để trở về thăm phụ hoàng, khi người sắp lâm chung, Ngài lại vượt đường xa để đến bên cạnh vua cha và tự khiêng một góc linh sàng của người đến tận nơi hỏa táng. Với kế mẫu, Ngài luôn tỏ lòng từ hiếu.
 
Bên cạnh việc thể hiện chữ hiếu theo thường pháp, lòng từ hiếu của đức Phật còn nhằm mục đích hướng tất cả chúng sinh đến việc hiểu và hành chính pháp để được giải thoát. Trong những lần gặp gỡ phụ thân và kế mẫu, Ngài đã thuyết pháp để độ cả hai chứng đắc quả A La Hán; với mẫu hậu, Ngài đã ngự lên cõi trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ (Phật thăng Đao Lợi vị mẫu thuyết pháp kinh).
 
Chữ Hiếu, sự thể hiện của lòng từ bi được Ngài thể hiện với tất cả bà mẹ đang cư ngụ tại thế gian, trên thiên giới hay đang thọ nghiệp nơi các cõi. Ngài đã phương tiện thuyết pháp, đưa họ từ nơi tối tăm đến nơi ánh sáng, từ chốn khổ đau đến nơi bình an hạnh phúc.
 
“Các ngươi nghĩ như thế nào, này các Tỳ kheo? Cái gì là nhiều hơn? Sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển?
 
“Cái này là nhiều hơn, này các Tỳ kheo, tức là sữa mẹ các ngươi đã uống, trong  khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chứ không phải nước trong bốn biển”
 
Đức Phật luôn khuyên dạy chúng ta việc nhớ ơn và trả ơn cha mẹ:
 
“Phụng sự cha mẹ không thiếu thốn, phàm làm việc gì phải thưa trình trước cho cha mẹ rõ...” (Kinh Trường A Hàm)
 
Phụng dưỡng, cúng dường cha mẹ là điều nên làm. Nhưng vì cha mẹ mà làm điều ác, vì muốn cha mẹ được sung sướng mà làm việc bất nhân, thời nhất định không thể chấp nhận. Vì làm như vậy chỉ đem lại tai hại cho tự thân và còn đem lại sự nguy hại cho mẹ cha:
 
“Người đã làm ác để nuôi dưỡng cha mẹ, cũng không thể nào tránh khỏi quả báo của hành vi bất thiện của mình; và như vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự cứu mình và để bào chữa cho những hành vi bất chính của mình” (Kinh Trung Bộ)
 
Chúng ta hiếu dưỡng mẹ cha không những hưởng được rất nhiều hạnh phúc từ sự yêu quý của cha mẹ, người thân trong gia đình, mà còn nhận được sự tán thán kính trọng của xã hội, còn được hưởng những quả báo tốt lành do lòng hiếu dưỡng mang lại: 
 
“Cha mẹ là Phạm thiên
Bậc đạo sư thời trước,
Xứng đáng được cúng dướng,
Vì thương đến con cháu.
Do vậy bậc Hiền trí, 
Đảnh lễ và tôn trọng,
Dâng đồ ăn và uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp cả thân mình,
Tắm rửa cả chân tay,
Với sở hành như vậy,
Đối với mẹ và cha,
Đời này người hiền khen,
Đời sau hưởng thiên lạc"  (Kinh Tăng Chi II A)
 
“Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa” (Kinh Tăng Chi Bộ)
 
Mục đích của người con Phật là phải thực hiện lời đức Từ phụ chỉ dạy, luôn hướng đến mục đích thoát khổ, mang đến hạnh phúc, sự an lạc thật sự, vững bền cho mình, cho người khác ngay trong hiện tại và trong tương lai lâu dài. Thế nên việc phụng dưỡng song thân đầy đủ vật chất là điều tốt, nhưng càng tốt đẹp hơn nữa, một khi chúng ta tìm cách hướng cha mẹ mình đến với Phật pháp. 
 
Chúng ta đến với đạo Phật, tìm hiểu và hành trì theo những điều Thế Tôn chỉ dạy, chúng ta được may mắn, được phần nào hưởng được hương vị chính pháp thì lẽ nào lại không cúng dường cha mẹ mình điều tốt đẹp đó sao. Món ăn ngon ta còn dâng lên cha mẹ, huống chi đây lại là Pháp lạc cao quý nhất trong những điều cao quý:
 
“Muốn báo ân cha mẹ, nên khuyên cha mẹ đến với Tam bảo; đối với các pháp nhân quả... cha mẹ chưa tin, tìm cách khuyên giải để cha mẹ tin; cha mẹ tin rồi, tìm cách để lòng tin tăng trưởng. Cha mẹ không giữ tịnh giới, thì khuyến khích, hướng dẫn giữ tịnh giới. Cha mẹ có lòng xan tham, thì khuyến khích, hướng dẫn làm việc bố thí, quán niệm xả ly; giúp cha mẹ khéo tự điều phục, an trú trong chánh pháp. Như vậy mới gọi là chân thực báo ân cha mẹ". (Luận Cảnh Sách)
 
Hoặc như cha mẹ lỡ đang có nếp sống không lành mạnh, nhiều bất thiện, thời phải cương quyết tích cực tìm cơ duyên thích hợp mà khuyên giải, hướng dẫn để họ từ bỏ nếp sống ấy mà làm các thiện hạnh về thân, về lời nói, ý nghĩ, sống một đời sống hướng thiện.
 
Không những Thế Tôn khuyên dạy về chữ Hiếu cho hàng cư sĩ, mà đối với các Tỳ kheo Ngài luôn nhắc nhở:
 
“Các thầy Tỳ kheo, có hai vị Phật sống đang sống trong nhà các ngươi, đó là Cha và Mẹ” (Vạn 35/154A)
 
“Các thầy Tỳ kheo, có hai người mà dù các thầy có hướng dẫn họ làm điều thiện đi nữa, cũng vẫn chưa trả ơn được, đó là cha và mẹ. Các thầy phải phụng dưỡng cha mẹ, luôn luôn hiếu thuận cho đúng lúc, không lỡ mất cơ hội” (Chính 2/601)
 
Khi cha mẹ còn sống, phải tranh thủ khoảng thời gian quý báu này, để ân cần chăm lo săn sóc, thăm viếng. Như thế gọi là đúng lúc. Nếu bằng không thì khi cha mẹ chết đi sẽ không còn cơ hội nào nữa. Lúc ấy dù cho ta có hối hận, có tổ chức làm lễ, cúng giỗ to lớn đến thế nào đi nữa cũng không còn ý nghĩa. Do đó thật may mắn cho những ai đang có được cơ hội đền đáp công ơn sinh thành:
 
“Phụng dưỡng cha và mẹ
Là vận may tối thượng” (Kinh Hạnh Phúc)
 
Không những hàng cư sĩ mà người xuất gia có hiếu với cha mẹ cũng hưởng được quả báo to lớn: “Có hai việc được đại công đức, được đại quả báo, được vị cam lộ, ấy là phụng sự cha và phụng sự mẹ. Vì vậy, các thầy Tỳ kheo, hãy luôn nhớ mà hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ”.
 
Như trên chúng ta thấy rõ, từ người xuất gia là các Tỳ kheo cho đến người tu tại gia là các cư sĩ, cho đến người ngoại đạo, tất cả đều được Thế Tôn khuyên dạy về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và nhờ vậy, đối với người Việt Nam chúng ta, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, được thể hiện qua biết bao câu ca dao, tục ngữ; thì nay, chữ Hiếu lại càng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Việt.
 
“Tâm hiếu là tâm Phật, 
Hạnh hiếu là hạnh Phật”
 
Nhân mùa Vu Lan xin dâng đến những ai còn Mẹ.
 
Chùa Linh Sơn Pháp Bảo - Nha Trang. Vu Lan 2018.
 
 
 
Tác giả bài viết: TT. Thích Tâm Như
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập