Mục tiêu của đạo Phật là đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật chứ không phải là đời sống giàu hay nghèo. Chấp thủ và bám víu vào những gì mà bản chất chúng là vô thường, vô ngã thì chắc chắn sẽ gặt hái khổ đau.
Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm xã hội bắt nguồn từ nội tâm con người bị ô nhiễm bởi ba độc tham, sân, si. Do đó, chữa bệnh không thể chữa từ ngọn. Đối trị những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như chiến tranh, bạo hành, ma túy, ô nhiễm và hủy hoại môi sinh cũng vậy. Phải đối trị từ trong tâm của con người, của mỗi chúng ta, mà lòng tham không đáy gây ra. Chính vì tham dục và khát ái là mầm mống của khổ đau, cho nên con người muốn thoát khổ cần phải “xả ly ngũ dục” [1, tr.100].
Đức Phật dạy:
“Đa dục vi khổ,
Sanh tử bì lao,
Tùng tham dục khởi,
Thiểu dục vô vi,
Thân tâm tự tại”. [2, tr.38].
Dục vọng sợi dây dẫn tới khổ đau
Đi vào thực tiễn của đời sống với nhận thức chánh kiến, con người cần phải thực tập hạnh thiểu dục(1) và tri túc(2). Trong kinh Di giáo, Phật dạy: “Tri túc giả tuy ngọa địa thượng do vi lạc, bất tri túc giả tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý” [3, tr.415]. (Người biết đủ dù nằm ở trên đất cũng thấy an lạc, còn người không biết đủ dù được ở thiên đường cũng không vừa ý).
Tu tập quán chiếu Tứ niệm xứ, trang bị cho mình nhận thức rõ về thân, về thọ, về tâm và về pháp. Tu tập hạnh thiểu dục tri túc sống đời thanh bạch từ bỏ các lạc thú ở đời, nhờ vậy trí tuệ được tăng trưởng, tuệ giải thoát phát sinh.
Quán chiếu để thấy rõ bản chất của năm dục lạc đưa đến tội ác và tai ương hoạn nạn, mà hoạn nạn lớn nhất là trí tuệ bị che khuất và chìm đắm trong vòng sanh tử. Phải tu tập để chiến thắng sự kiềm tỏa của năm dục, phải triệt tiêu áp dụng của chúng trong nội tâm mình.
Kinh Trung bộ đưa ra công thức: “Nhàm chán đưa đến ly tham, ly tham đưa đến đoạn diệt, đoạn diệt đưa đến Niết-bàn” [4, tr. 619]. Vậy để dừng lại tham dục phải có thái độ nhàm chán. Sau đó, là sự gần gũi, tu tập trong Chánh pháp phát triển xu hướng ngược lại của thói thường như trong kinh văn gọi là “Thường niệm tri túc”.
Kiểm soát dục vọng qua góc nhìn Phật học và khoa học
Mục tiêu của đạo Phật là đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật chứ không phải là đời sống giàu hay nghèo. Chấp thủ và bám víu vào những gì mà bản chất chúng là vô thường, vô ngã thì chắc chắn sẽ gặt hái khổ đau. Lòng tham dục là đầu mối của các bám víu và vướng mắc, cho nên rũ bỏ đi lòng tham vô độ thì đời sống của ta và của người mới nhẹ nhàng, thanh thản, mới có hạnh phúc.
Như vậy, hạnh phúc chỉ có mặt trên thế giới này khi và chỉ khi con người vứt bỏ được những nhu cầu thái quá thuộc ham muốn cá nhân. Ham muốn nhiều thì vất vả, khổ sở nhiều. Đó là quy luật. Con người cứ tưởng rằng họ đạt được nhiều tiền bạc hay địa vị cao là họ thỏa mãn, họ có hạnh phúc. Nhưng thực tế thì vui ít, hạnh phúc ít mà buồn sầu đau khổ thì nhiều. Cuối cùng con người cũng nhận ra chân lý đơn giản này khi họ buộc phải từ bỏ tất cả, như khi chết chẳng hạn…
Nỗi đau khổ của cuộc đời giống như nồi nước đang sôi, ngọn lửa làm cho nước sôi là ngọn lửa tham dục. Ngọn lửa càng lớn, nước càng sôi và càng cạn kiệt; ngọn lửa càng yếu thì nước sôi sẽ bớt nhiệt độ và hết sôi. Cũng vậy, ngọn lửa tham dục bớt đi thì đau khổ sẽ giảm, giảm mãi hàng ngày đến lúc không còn giảm nữa thì con người sẽ thoát khỏi được những phiền não khổ đau do tham dục gây ra và sự giải thoát tối hậu được thành tựu.
Chú thích:
1. Thích Viên Giác, 1998, Tài liệu giảng dạy - Kinh Bát đại nhân giác, Trường cơ bản Phật học Long An.
2. Thích Thanh Từ, 1993, Kinh Bát đại nhân giác giảng giải, TP.HCM: Thành hội Phật giáo TP.HCM.
3. Đoàn Trung Còn, 2004, kinh Di giáo. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.
4. Thích Minh Châu dịch, 2012, kinh Trung bộ. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.