Hiểu đúng về chữ Hiếu & hạnh hiếu
Cập nhật ngày: 9/5/2018 8:10:33 AM
 
GN - Cách đây không lâu, báo chí đăng vụ án một đứa con phạm tội giết người vì bênh vực cha mình. 

Người cha say xỉn gây sự với hàng xóm sinh ra ẩu đả. Thay vì can ngăn và khuyên nhủ cha mình, đồng thời xin lỗi hàng xóm vì hành động sai trái của cha, đứa con bênh vực cha đã dùng cây đánh chết người hàng xóm. Đó không phải là trường hợp cá biệt. Từ trước tới nay, có rất nhiều trường hợp con cái vì bênh vực cha mẹ mà có những hành động, việc làm sai trái, tội lỗi. Hoặc có trường hợp vì muốn mang lại cho cha mẹ đời sống vật chất đầy đủ mà vi phạm pháp luật, làm những việc trái với lương tâm, đạo đức như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cướp, tham ô, tham nhũng v.v... 

anh hieu.jpg
Từ ngàn xưa hiếu thảo được xem là đức tính quý báu đứng đầu các đức tính - Ảnh minh họa

Những hành động xấu dù xuất phát từ lòng hiếu thảo cũng không thể chấp nhận, vì nó tổn hại đạo đức, vi phạm pháp luật, gây hại không chỉ đối với người khác mà còn cho chính bản thân người thực hiện và người thân của họ. Những hành động như thế không phải là hành động hiếu thảo. Dù xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo, nhưng những việc làm bất thiện gây hệ lụy cho bản thân và cha mẹ, ảnh hưởng xấu đến xã hội lại chính là hành động bất hiếu.

Con cái cần khuyên nhủ, can ngăn, không nên ủng hộ cha mẹ, hưởng ứng việc làm của cha mẹ khi cha mẹ có nhận thức lệch lạc và hành vi sai trái. Giúp cha mẹ tránh gây tạo điều xấu, nghiệp bất thiện; giúp cha mẹ gieo nhân lành để gặt lấy quả phúc an vui trong đời này và đời sau, như thế mới chính là việc làm của người con hiếu thảo. 

Trong kinh Tăng chi bộ I, Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ của cải vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng những ai đối với cha mẹ không có lòng tin chân chánh thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào lòng tin chân chánh; đối với cha mẹ theo ác giới (các điều răn, giới cấm bất thiện) thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham bỏn sẻn thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ bố thí; đối với cha mẹ sân nhuế thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ tu tập, an trú trong từ bi; đối với cha mẹ theo tà kiến, ác trí tuệ thì mang lại chánh kiến cho cha mẹ, khuyến khích cha mẹ an trú trong chánh kiến, trí tuệ, được như thế mới là làm đủ những gì người con cần làm đối với cha mẹ, mới là trả ơn đủ cho cha mẹ”. 

Trong kinh Dhananjàni (Trung bộ II), Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi một người tên Dhananjàni rằng: “Này Dhananjàni, nhà ngươi nghĩ thế nào? Một người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, và một người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chánh thì ai tốt đẹp hơn?”. Dhananjàni đã trả lời: “Thưa Tôn giả, người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp. Và thưa Tôn giả, người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chánh, người ấy tốt đẹp hơn”. 

Tôn giả Xá Lợi Phất đã kết luận như sau:“Này Dhananjàni, những hành động chân chánh, đúng pháp, không làm các điều ác và làm các điều lành, với những hành động này có thể phụng dưỡng cha mẹ. Những người làm các điều ác để nuôi dưỡng cha mẹ cũng không thể tránh khỏi quả báo của những hành vi bất thiện của mình. Và như vậy không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự cứu mình và bào chữa cho những hành vi bất chánh của mình”.

Cũng từ lời dạy của Đức Phật và Tôn giả Xá Lợi Phất mà chúng ta có thể suy ra rằng, không thể viện dẫn lý do vì lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ, vì lòng thương con, thương cháu, vì tình yêu chồng/vợ, nghĩa anh em, bè bạn mà mình sát sinh, trộm cướp (lấy của không cho, lừa đảo chiếm đoạt, tham ô, tham nhũng, lấy cắp của công…), tà dâm, nói dối, cờ bạc, say nghiện; vì người thân người thương mà mình tham, sân, si, tạo các nghiệp bất thiện. 

Trong 24 tấm gương hiếu thảo ngày xưa (Nhị thập tứ hiếu), có câu chuyện Quách Cự gợi lên nhiều suy nghĩ về nhận thức cũng như phương pháp báo hiếu.

“Quách Cự sống vào đời Hán (Trung Hoa), nhà rất nghèo, ông làm đủ mọi việc để nuôi gia đình gồm có mẹ già, vợ và một con trai ba tuổi. Quách Cự rất hiếu thảo với mẹ, dù bận làm lụng kiếm sống vẫn không quên chăm lo cho mẹ, có miếng ngon vật lạ đều dành cho mẹ ăn. Vợ Quách Cự cũng noi gương ông, hết lòng hiếu thảo với mẹ chồng. 

Nhà quá nghèo không có đủ miếng ăn, mẹ Quách Cự lại rất thương cháu, thường nhường phần thức ăn của mình cho cháu. Hàng ngày đến bữa cơm, vợ chồng Quách Cự mang con đi chỗ khác, không để con ăn bớt phần thức ăn của mẹ. Mẹ Quách Cự thương cháu, không đồng ý cho vợ chồng Quách Cự làm vậy, bà buộc Quách Cự phải cho cháu vào ăn cơm chung với bà, bà bảo như thế bà cảm thấy vui hơn. 

Vì nhà nghèo, Quách Cự không đủ khả năng lo được nhiều thức ăn cho cả nhà, nay lại nhường phần ăn cho cháu nên mẹ Quách Cự ngày một gầy yếu đi. Thấy mẹ tuổi cao sức yếu mà phải chịu kham khổ, thiếu thốn, không có đủ cái ăn, Quách Cự bèn bàn với vợ đem con bỏ đi để dốc sức nuôi mẹ. Quách Cự nghĩ, vợ chồng ở độ tuổi còn có thể sinh con, mất đứa con này thì có đứa khác, nhưng mất mẹ thì không tìm lại được. Dù hai vợ chồng rất đau lòng nhưng cuối cùng vẫn quyết định đem con đi chôn. Đến khi đào hố chôn con, bỗng dưng Quách Cự đào được một hũ vàng. Hai vợ chồng hết sức mừng rỡ và bỏ ý định giết con. Nhân gian cho rằng lòng hiếu thảo của Quách Cự cảm động lòng trời, khiến trời ban cho hũ vàng để khỏi đau lòng vì bỏ con để nuôi mẹ”. 

Suy ngẫm, người hiếu thảo như Quách Cự xưa nay khó tìm, hiếu đến mức đau lòng nát ruột bỏ con để dành trọn sự chăm lo báo hiếu cho mẹ. Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa biểu trưng, việc làm nhân danh hiếu thảo đó là không nên có. Tâm hiếu của Quách Cự thật đáng quý, đáng trân trọng ngợi khen, nhưng phương cách báo hiếu thì không nên tán dương khích lệ. 

Chắc chắn mẹ Quách Cự không bao giờ muốn vì bà mà con bà phải mang tội bất nhân. Tuy đứa bé là con của Quách Cự sinh ra nhưng ông không có quyền giết chết nó. Chắc chắn mẹ Quách Cự sẽ rất đau khổ, thậm chí sống không nổi khi biết vì bà mà đứa cháu còn thơ dại phải chết, dù đó là sự việc ngoài ý muốn của bà. Quách Cự không hiểu rằng đứa cháu chính là niềm vui, là một phần cuộc sống của mẹ ông. Con người không chỉ sống nhờ vào vật chất mà còn nhờ vào những yếu tố tinh thần. Chính đời sống tinh thần mới làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa. Nếu chỉ có uống ăn, ngủ nghỉ để tồn tại, để sống lâu thì có khác gì các loài vật. 

Câu chuyện gợi cho người đời sau nhiều suy nghĩ và bài học đạo lý đáng lưu tâm. Đôi khi những việc mình làm tưởng chừng như thiện, đáng làm nhưng kỳ thực lại là việc bất thiện. Hành động hiếu thảo cũng vậy, có thể xuất phát từ những suy nghĩ sai lầm. 

Có một câu chuyện khác được ghi lại trong Cổ học tinh hoa về lòng hiếu của ông Tăng Sâm, tức Tăng Tử, cũng chính là một trong Hai mươi bốn tấm gương hiếu thảo rất đáng để chúng ta suy ngẫm. 

“Tăng Sâm cùng cha làm việc ở ruộng dưa. Do bất cẩn, Tăng Sâm làm đứt một ít rễ dưa khiến cho cha ông nổi giận. Đang cơn giận, cha Tăng Sâm dùng gậy đánh ông mãi đến ngất xỉu. Khổng Tử biết chuyện bèn dặn học trò đóng cửa không cho Tăng Sâm vào lớp học. Các học trò hỏi Khổng Tử nguyên do vì sao thì ngài bảo: Tăng Sâm là đứa con bất hiếu. Trong lúc cha nóng giận đánh nặng tay mà đứa con không chạy đi chỗ khác, nếu chẳng may cha không làm chủ được hành động, lỡ tay đánh chết con thì vô tình đứa con khiến cho cha mang tội bất nhân, bất từ (độc ác, không có tình thương) và làm cho cha ân hận, khổ đau suốt đời. Các bạn đồng học thuật lại lời Khổng Tử cho Tăng Sâm nghe, ông hiểu ra, bèn xin vào tạ lỗi với Khổng Tử”. 

Từ ngàn xưa hiếu thảo được xem là đức tính quý báu đứng đầu các đức tính, tuy nhiên nhận thức và cách thể hiện lòng hiếu thảo là vấn đề cần phải lưu tâm. 

Diệu Thể

 
 
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập