Quả báo của hành vi bất hiếu
Cập nhật ngày: 9/6/2018 7:26:22 AM
 
GN - Thánh hiền dạy về đạo hiếu

Từ ngàn xưa, hiếu thảo được xem là nhân cách đạo đức hàng đầu (Hiếu giả bách hạnh chi tiên). Một người không thể được xem là hoàn thiện dù có nhiều đức tính tốt nhưng khiếm khuyết lòng hiếu thảo. Hiếu thảo là hành động biết ơn và đền ơn đối với các bậc đã dày công sinh dưỡng, dạy dỗ mình nên người. Nếu không có ông bà cha mẹ thì không ai có mặt trên cuộc đời này, cho nên tri ân báo ân ông bà cha mẹ là hành động có ý nghĩa hết sức thiêng liêng. 

tinhme.jpg
Mẹ luôn ở đó chờ con quay về bằng hình hài và cả tình thương, lòng hiếu - Hình minh họa

Trong kinh Tâm địa quán, Đức Phật dạy các Trưởng giả trong thành Vương Xá rằng: “Này các Trưởng giả, Ta sắp nói pháp mầu nhiệm, vì muốn lợi ích cho những ai trong đời vị lai chưa biết ơn đức. Các ngươi hãy nghe cho kỹ, ơn trong thế gian và xuất thế gian có 4 thứ: Thứ nhất là ơn cha mẹ, thứ hai là ơn chúng sinh, thứ ba là ơn quốc vương (lãnh đạo đất nước), thứ tư là ơn Tam bảo”. Trong kinh Đại phương quảng bất tư nghì cảnh giới, Đức Phật dạy: “Người nào biết ơn, tuy còn ở trong sinh tử mà căn lành chẳng mất. Kẻ chẳng biết ơn, căn lành diệt mất. Vậy nên các Đức Phật khen ngợi những người biết ơn và đền ơn”. Đức Phật cũng từng dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. “Gặp thời không có Phật, nên biết khéo phụng sự cha mẹ tức là phụng sự Phật vậy”(Kinh Đại tập).

Hiếu thảo là đạo đức to lớn thì bất hiếu là một tội nặng. Trong kinh Nhẫn nhục, Đức Phật dạy: “Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu. Điều ác cùng cực chẳng gì bằng bất hiếu”. Trong kinh Báo hiếu phụ mẫu trọng ân, Đức Phật cho biết quả báo của tội bất hiếu như sau: “Người con bất hiếu với cha mẹ là người thấp kém về nhân phẩm, bị người đời khinh rẻ và bị pháp luật trừng trị, về sau không đủ tư cách làm cha mẹ và sẽ bị con cái bất hiếu trở lại. Chẳng những thế, sau khi chết đi người con bất hiếu còn bị đọa địa ngục hoặc sinh làm loài súc sinh chịu muôn vàn khổ sở”. 

Khổng Tử, bậc Thánh khai sáng đạo Nho nêu rõ năm mối quan hệ lớn trong các mối tương giao xã hội gọi là Ngũ luân gồm: quan hệ vua tôi (quân thần), quan hệ cha mẹ và con cái (phụ tử), quan hệ chồng vợ (phu phụ), quan hệ anh em (huynh đệ), quan hệ bạn bè (bằng hữu), trong đó mối quan hệ vua và bầy tôi, cha mẹ và con cái, chồng và vợ là ba mối quan hệ cơ bản và quan trọng nhất được gọi là Tam cương (ba giềng mối). Trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, Khổng Tử xem hiếu thảo là ứng xử đạo đức quan trọng mà con cái cần phải có đối với cha mẹ. 

Đức Khổng Tử dạy rõ về hiếu thảo như sau: “Con cái hiếu thảo không chỉ là phụng dưỡng người đã sinh ra mình mà trước hết phải có lòng thành kính. Chỉ nuôi cha mẹ không thôi chưa thể gọi là hiếu” (Luận ngữ).

Mạnh Tử, người được tôn xưng là Á thánh của đạo Nho cũng dạy nhiều về hiếu thảo, nêu ra năm điều mà người làm con phạm phải bị xem là bất hiếu: 1. Lười biếng chẳng chịu làm việc để nuôi cha mẹ. 2. Ham mê cờ bạc, rượu chè, chẳng đoái hoài đến việc phụng dưỡng cha mẹ. 3. Ham mê của cải, chỉ lo làm giàu, hoặc chỉ biết có vợ/chồng mình, chẳng đoái hoài đến việc phụng dưỡng cha mẹ. 4. Chiều theo lòng ham muốn của mình để được sướng tai, vui mắt, ăn chơi sa đọa, trụy lạc, làm những điều xấu xa, tồi tệ khiến cha mẹ xấu hổ tủi nhục. 5. Ham dùng sức mạnh, quyền uy, thế lực gây hấn, đánh nhau làm cha mẹ lo lắng, làm cha mẹ bị liên lụy, nguy hại đến cha mẹ.

Pháp luật và tội bất hiếu

Ở nước ta vào thời Lý Thái Tông đã có Hình thư; đến thời Lê Thánh Tông có bộ luật Hồng Đức; đến thời Gia Long (triều Nguyễn) có bộ luật Gia Long (soạn trên cơ sở các bộ luật đời trước, nhất là căn cứ theo bộ luật Hồng Đức, đồng thời chịu ảnh hưởng của luật nhà Thanh - Trung Quốc). Các bộ luật này đều nói đến 10 tội lớn (tội thập ác) trong đó có tội bất hiếu với cha mẹ (7. Bất hiếu: xúc phạm, làm tổn thương ông bà cha mẹ, chửi mắng hay nói xấu ông bà cha mẹ).

Hiếu thảo là căn bản đạo đức. Pháp luật có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn đạo đức, có hình phạt răn đe đối với người vi phạm đạo đức. Do đó trong thể chế pháp luật ngày xưa, người bất hiếu bị hình phạt rất nặng. “Người có hành vi đánh đập hay mưu giết ông bà cha mẹ của mình hay của chồng, của vợ mình đều bị xử tử hình. Con cái rủa mắng ông bà cha mẹ, không nuôi cha mẹ già, đang có tang cha mẹ mà vui chơi, tham gia các hoạt động cờ bạc, rượu chè, đàng điếm đều phạm tội thập ác”.

Ngày nay các hành vi ngược đãi ông bà cha mẹ, chửi mắng, đánh đập, đày đọa, gọi chung là bạo hành đều là vi phạm pháp luật. Luật Hôn nhân và gia đình có ghi rõ: “Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, ốm đau. Nghiêm cấm các hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông bà cha mẹ”. Chương trình Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở cũng có dạy điều này. Ở cấp tiểu học, học sinh cũng được học về công ơn cha mẹ và lòng biết ơn đối với cha mẹ. 

Theo Điều 11, Nghị định 87 ngày 21/11/2001 của Chính phủ, người vi phạm nghĩa vụ đối với ông bà cha mẹ như đã nói trong bộ luật Hôn nhân và gia đình, nếu nhẹ thì bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ theo Điều 151 của Bộ Luật Hình sự, sẽ bị phạt 3 năm tù giam. Đối với người đã bị xử phạt hành chính về tội ngược đãi, hành hạ cha mẹ nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 151 của Bộ Luật Hình sự

Từ xưa cũng như nay, phạm tội bất hiếu là đánh mất tư cách làm người, suốt đời mang tiếng xấu, hổ với người đời, thẹn với con cháu, sau khi chết đi bị đọa địa ngục, đó chính là quả báo nặng nề cho những người con bất hiếu.

Diệu Thể

 
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập