Thế nào là hạng người không có tội? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp không có tội. Như vậy là hạng người không có tội...
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:Này các Tỷ kheo, có bốn hạng người này hiện hữu, có mặt ở đời. Thế nào là bốn? Có tội, nhiều tội, ít tội và không có tội.Thế nào là hạng người có tội? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp có tội. Như vậy là hạng người có tội.
Và thế nào là hạng người nhiều tội? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp có nhiều tội. Như vậy là hạng người có nhiều tội.Thế nào là hạng người có ít tội? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp không có tội nhiều, chỉ có ít tội. Như vậy là hạng người có ít tội.Và thế nào là hạng người không có tội? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp không có tội. Như vậy là hạng người không có tội.Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, hiện hữu, có mặt ở đời.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Loài người, phần Có tội [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.72)
Lời bàn:
Tội lỗi là một trong những thuộc tính cơ bản của chúng sanh. Con người có mặt ở trên đời thì tội lỗi có mặt. Thậm chí từ trong quá khứ, trước khi được sinh ra, tội lỗi hay nghiệp đã đóng vai trò chi phối, là tác nhân chính để hình thành nên hình dáng, tính cách, hoàn cảnh của mỗi cá nhân trong hiện tại. Vì thế, con người là sự kế thừa tội lỗi, nghiệp lực của chính mình và do vậy, người sống trên đời có tội cũng là chuyện bình thường.
Khi chưa trở thành các bậc Thánh, ai cũng giống nhau ở chỗ là đều có tội cả. Có khác chăng là mức độ gây nghiệp, tạo tội nhiều hay ít, về phương diện này hay phương diện kia mà thôi. Tội lỗi, theo tuệ giác Thế Tôn, đó là những hành vi tạo tác bất thiện được tạo ra nơi việc làm, lời nói và suy nghĩ của con người.
Tuy chúng ta chấp nhận có tội vì hiện ba nghiệp chưa thanh tịnh nhưng tội phải ít và nhỏ thôi và điều cần thiết nhất là tự thân phải rõ biết điều đó. Khi còn trong thân phận chúng sanh, biết rõ những hạn chế, thói hư tật xấu của chính mình để phấn đấu, vươn lên, loại trừ điều ác, đạt đến sự hoàn thiện là tối cần. Con người sở dĩ ngày càng tạo nhiều tội lỗi, một phần do không nhận chân được điều xấu ác hoặc xem những điều xấu ác hiện tồn tại với số đông là bình thường, thậm chí không ít người còn tự mãn với những thành tựu dựa trên nền tảng tham sân si.
Hơn ai hết, người con Phật cần phải trở về với chính mình, biết rõ mọi hành vi của tự thân nhằm kiểm soát, từng bước làm chủ, chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý xấu ác. Đạt đến sự hoàn thiện, không tội lỗi là một lộ trình dài. Nền tảng cơ bản của lộ trình đó là tuệ tri, biết rõ tự thân có tội nên trước hết phải cố gắng để không tạo thêm nhiều tội lỗi đồng thời phát huy thiền quán để thấy mọi tội lỗi đều xuất phát từ tâm, tâm thanh tịnh tức ba nghiệp thanh tịnh.
Nằm nghe pháp có tội không?