Tôi không cho rằng hạnh phúc là sự vắng bóng của phiền não. Song tôi tin, hạnh phúc có thể được tìm thấy ngay giữa khổ đau, hay trong căng thẳng và lo lắng.
Điều này chính chúng ta cần trải nghiệm. Tuy nhiên chúng ta cần có sự rèn luyện tinh thần, trao dồi năng lực tâm linh để có thể tìm thấy và trải nghiệm hạnh phúc ngay trong đau khổ, lo lắng. Thực ra, cuộc sống của tôi vẫn rất nhiều công việc, vẫn có thể gặp những lo lắng, mệt mỏi và căng thẳng. Song rất may, trong những lúc như vậy, tâm tôi vẫn thấy bình an và hạnh phúc. Nhờ vậy tôi có cảm hứng hơn trong công việc, hoàn thành tâm nguyện.
Tôi cho rằng hạnh phúc không thể tách rời với khổ đau. Chúng ta cần có quan kiến đúng đắn về hạnh phúc, đó không phải là một mặt trái ngược với khổ đau. Giữa cuộc sống thăng trầm, đầy căng thẳng lo âu mà chúng ta vẫn có cái nhìn đúng đắn thì vẫn có thể trải nghiệm được hạnh phúc, bình an. Chẳng hạn, đôi khi tôi đi khám bệnh, bác sĩ nói dạ dày của tôi có vấn đề, có lẽ tôi đang qua một thời kỳ căng thẳng, cần phải nghỉ ngơi. Đương nhiên là bác sĩ nói như vậy. Nhưng với tôi cho dù công việc căng thẳng nhiều vấn đề cần lo nghĩ, tôi vẫn tìm được sự bình an trong tâm, tôi vẫn thấy mình đang nỗ lực một cách đầy cảm hứng, đầy hoan hỷ để có thể làm công việc Phật sự lợi ích hữu tình theo cách tốt nhất. Cảm hứng khích lệ tôi không bao giờ dừng nghỉ. Chừng nào còn sống, còn có thể làm gì giúp cho xã hội và thế giới này tốt hơn thì chúng ta hãy nỗ lực hết mình. Đó chính là động cơ truyền cảm hứng. Cảm hứng không bao giờ tắt khi chúng ta sống vì hạnh phúc và bình an của mọi người và thế giới quanh mình.
Cho nên, xin khẳng định một lần nữa, tôi vẫn trải nghiệm căng thẳng, lo lắng như bình thường, nhưng tôi luôn luôn đứng vững với niềm vui và hạnh phúc nhờ biết luôn giữ lòng trân trọng tri ân.
Trích từ sách: Vấn đáp tâm linh thời hiện đại với đức Gyalwang Drukpa