Tư tưởng chấn hưng Phật giáo của TS. B.R. Ambedkar và Ht. Khánh Hòa: Những điểm tương đồng và khác biệt (Phần 2)
Cập nhật ngày: 10/22/2018 5:12:36 AM

 

HĐ> Quá trình tu học lâu dài là động lực trong việc hình thành tư tưởng chấn hưng Phật giáo ở hai vị.

Ambedkar được coi là một biểu tượng cho sự vươn lên về học vấn của những người thuộc đẳng cấp thấp trong xã hội Ấn Độ. Ông là một trong những người tiện dân hiếm hoi bước chân vào giảng đường Đại học, đi du học ở những ngôi trường hàng đầu thế giới cũng như trở thành người thuyết giảng trong trường Đại học và giảng sư về tôn giáo trong nhiều hội nghị tôn giáo lớn. Ông đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho con đường tu học với 20 năm nghiên cứu về đạo Phật và cả phần đời còn lại để tiếp tục nghiên cứu và thuyết giảng về đạo Phật cho đông đảo người dân Ấn Độ và các quốc gia ở khu vực lân cận. Với mong muốn hiểu sâu về những gì Đức Phật đã thuyết giảng, cuối thập niên 40, Ambedkar còn học thông thạo tiếng Pali để tìm hiểu Phật giáo thông qua kinh tạng Nikaya.1

Trong khi đó, Hòa thượng Khánh Hòa cũng có sự nghiệp tu học vẻ vang không kém. Ngài không chỉ nổi tiếng là một nhà Sư tinh thông Phật học mà còn am tường cả Nho học. Sau khi xuất gia, Hòa thượng đã tham học tại nhiều ngôi chùa lớn như chùa Kim Cang, chùa Long Triều… Sau thời gian tu học, Ngài bắt đầu giảng giáo lý, đào tạo Tăng sinh và dần mở rộng hoạt động ở Nam Kỳ vào những năm đầu thế kỉ XX. Qua những hoạt động này, tư tưởng chấn hưng Phật giáo bắt đầu hình thành và dần được hiện thực hóa trong các hoạt động của Hòa thượng. Hòa thượng từng nói: “Phật pháp suy đồi, Tăng đồ thất học và không đoàn kết. Cho nên, muốn chấn hưng Phật giáo phải thực hành 3 việc: Chỉnh đốn Tăng già; kiến lập Phật học đường và diễn kịch, xuất bản kinh sách Việt ngữ”.2

– Trong quá trình chấn hưng Phật giáo, cả hai vị đều từng trải qua nhiều lần thất bại trước khi đạt được những thành tựu.

Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học do Hòa thượng Khánh Hòa sáng lập chỉ hoạt động được hơn 2 năm thì bị chính quyền thực dân Pháp khống chế và kiểm soát gắt gao, đưa đến sự từ chức của Hội trưởng và Chủ nhiệm báo của Hòa thượng Khánh Hòa.

Do sự bất đồng ý kiến giữa chư Tăng và một số cư sĩ nên học Tăng nội trú của Thích Học Đường đến năm 1934 cũng không khai giảng được. Chương trình của Hòa thượng Khánh Hòa thất bại vì các Thiền sư đã không nắm được thực quyền trong hội. Hội đã bị một số cá nhân dùng địa vị trong xã hội để khuynh loát và định hướng khác. Ngay từ khi mới thành lập hội, ông Trần Nguyên Chấn – vốn là một cư sĩ đồng chí hướng với các Hòa thượng đã vận động mời ông Khrautheimer (Thống đốc Nam Kỳ) làm Hội trưởng danh dự và ông Rivoal (Đốc lý Thành phố Sài Gòn) làm Phó Hội trưởng danh dự. Sự thỏa hợp với chính quyền là để nhằm vào sự an toàn và quyền lợi của hội. Các lớp học luân chuyển do Hòa thượng Khánh Hòa khai mở cũng chỉ hoạt động được 3 khóa thì phải giải tán (1934) do thiếu kinh phí… Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Hòa thượng Khánh Hòa cùng nhiều đồng chí vẫn kiên trì theo đuổi con đường chấn hưng Phật giáo.

Với Ambedkar, ngài cũng trải qua nhiều tổn thất khi thực hiện công cuộc chấn hưng đạo Phật tại Ấn Độ. Lúc biên soạn bộ luật Hindu Code Bill, Ambedkar đã trình bày trước Quốc hội rằng: “Đức Phật đã tuyên bố về sự công bằng và Đức Phật là người mạnh mẽ chống lại chế độ đẳng cấp.”4 Ông muốn đưa sự bình đẳng xã hội vào bộ luật này. Tuy nhiên, bộ luật này đã không được thông qua theo như ý nguyện. Đó cũng là lý do ông không muốn tiếp tục làm việc trong Chính phủ của Thủ tướng Nehru (Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập).
Mặc dù B.R. Ambedkar đã tuyên bố rằng Đức Phật không phải là hóa thân của thần Vishnu và miệt mài đấu tranh cho tư tưởng này, nhưng những người Ấn giáo vẫn chỉ xem Đức Phật như một vị thần của Ấn giáo. Cũng giống như việc Ambedkar khuyên những người theo ông chớ có tin vào các thần linh của Ấn giáo, trong thực tiễn các Phật tử vẫn kết hợp việc thờ các thần linh này cùng chung với việc thờ Phật. Phong trào của B.R. Ambedkar được cho là đã thành công ở lĩnh vực chính trị – xã hội, nhưng đã không thành công ở lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo. Những Phật tử theo phong trào này, nói chung đã thay đổi đáng kể vị thế xã hội nhờ vào sự thay đổi nghề nghiệp và việc phát triển giáo dục. Nhưng những Phật tử mới này đã không cải sang Phật giáo một cách triệt để, tức là niềm tin và sự phụng thờ các vị thần Ấn giáo vẫn còn được họ thực hành, và niềm tin mới bị trộn lẫn vào trong truyền thống cũ.

– Chủ trương ôn hòa và con đường đấu tranh kiên trì, nhẫn nại.

Đường lối của Hòa thượng Khánh Hòa luôn là ôn hòa, tránh bút chiến, tránh tranh luận. Là một bậc chân tu, sớm giác ngộ, thấn hiểu tinh thần đạo đức từ bi và trí tuệ của Phật giáo, Hòa thượng cho rằng chỉ có con đường nhẫn nại, hiến thân cho đạo Pháp một cách ôn hòa mới đạt được kết quả. Hòa thượng chủ trương mọi hành động của mình đều là bất bạo động, đều phải xuất phát từ tâm an lạc, thanh tịnh, tránh những tranh cãi…

Ambedkar cũng kiên trì theo đuổi con đường bất đạo động trong việc chấn hưng Phật giáo ở Ấn Độ. Ông luôn cho rằng tinh thần của Phật giáo là đạo đức nên bằng trí tuệ và đạo đức của một Phật tử làm cho người Ấn Độ hiểu và tin theo, cải đạo sang Phật giáo chứ không bằng con đường ép buộc người khác phải làm theo mình. Ðức Phật không bao giờ “dụ dỗ” người khác đến với Ngài bằng niềm tin mù quáng, mà ngược lại khuyến khích họ hãy tìm hiểu trước. Ambedkar đã tiếp cận Phật giáo bằng con đường của lý trí. Ông học Phật nên đương nhiên không bao giờ bắt người khác phải tin mình, theo mình. Ông nói với những người cùng đi theo ông rằng đừng có nhảy vào lửa chỉ vì ông bảo họ làm thế, mà phải suy nghĩ. Cũng thế, đừng có theo Phật giáo chỉ vì ông làm thế. Có như vậy thì họ mới có thể trở thành những Phật tử đúng nghĩa khi quy y.

b. Những điểm khác biệt

Mặc dù hai nhà tư tưởng của thời đại có nhiều điểm tương đồng tiến bộ nhưng mỗi người lại có những khác biệt riêng làm nên bản sắc dân tộc và dấu ấn cá nhân trên con đường chấn hưng Phật giáo ở mỗi quốc gia.

Đầu tiên là sự khác biệt trong mục tiêu của tư tưởng chấn hưng Phật giáo ở hai ông.
Ambedkar xuất thân trong một gia đình Hindu giáo, ông cũng là một tín đồ Hindu giáo. Sau đó, bản thân ông đã cải đạo sang Phật giáo sau một quá trình nhận thức lâu dài và sâu sắc về Phật giáo. Ambedkar sau khi quy y cũng tiến hành nhiều cuộc cải đạo cho rất nhiều tín đồ Hindu sang đạo Phật. Việc chấn hưng của ông tiến hành trên quy mô lớn, bắt đầu bằng việc truyền bá giáo lý đạo Phật tới đông đảo quần chúng bị áp bức… Ambedkar đã đi các nơi để diễn thuyết và kêu gọi bãi bỏ chế độ đẳng cấp và truyền bá Phật giáo. Theo đó, nhiều cuộc quy y Tam bảo quy mô lớn với ý nghĩa cải đạo từ Hindu sang Phật giáo, với số lượng vài chục ngàn người mỗi lần được tổ chức trong nhiều nơi ở Ấn Độ vào thời kỳ bấy giờ.

Ngày 14/10/1956, tại Nagpur, Ambedkar đã tổ chức buổi lễ Quy y Tam bảo cho chính ông và 380.000 người. Tại buổi lễ, ông đã phát 22 điều thệ nguyện của mình. Trong đó có: Con không tin vào sự hiện thân của Thượng Đế, con không tin Đức Phật là hiện thân của Thần Vishnu, vì đó là sự tuyên truyền không đúng, con không vi phạm những nguyên tắc và lời dạy của Đức Phật, con không cho phép thực hiện bất cứ nghi lễ của những người Bà La Môn, con tin vào sự bình đẳng của con người, con nỗ lực để thiết lập sự bình đằng, con thực hành Bát Chánh Đạo của Đức Phật, con thực hành 10 Ba La Mật được truyền dạy từ Đức Phật, con long trọng tuyên bố từ đây con hướng cuộc đời con theo giới luật của Đức Phật và giáo pháp của Ngài…5 Những điều này thể hiện niềm tin vững chắc vào Phật pháp và cũng thể hiện sự quyết tâm hành trì một cách mạnh mẽ. Đây cũng thể hiện sự sáng tạo và cải cách trong lễ quy y của đạo Phật.

Ngày hôm sau (15/10/1956), Ambedkar phải tổ chức thêm một lễ Quy y Tam bảo nữa cho khoảng 100.000 người đến sau và cầu thỉnh chư Tăng truyền Tam quy Ngũ giới cho những người này.6 Như vậy, tổng cộng là 460.000 người đã phát nguyện trở thành Phật tử chỉ trong một thời gian ngắn.

Sau ngày quy y, Ambedkar sang Kathmandu tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới tổ chức tại Nepal. Tại đây, ông đã thuyết trình chủ đề “Đức Phật và Karl Marx”. Bằng những hoạt động không mệt mỏi, ông đã kêu gọi tiện dân Ấn Độ cải đạo sang Phật giáo. Tính đến khi ông qua đời, khoảng 750.000 người đã trở thành Phật tử và hàng tháng có hàng trăm, hàng ngàn người quy y. Tính đến năm 1961, số Phật tử ở Ấn Độ là khoảng 3.250.227 người.7

Trong khi đó, Hòa thượng Khánh Hòa đã lựa chọn con đường tu hành để trở thành một vị Cao tăng từ khi còn rất trẻ (Ngài xuất gia năm 19 tuổi). Con đường của Hòa thượng Khánh Hòa là con đường của một bậc chân tu, một người xuất gia đích thực, bằng sự am tường về Phật giáo không chỉ để giảng dạy mà còn góp phần cải tạo, thay đổi bản thân Phật giáo để thích hợp với hoàn cảnh mới và đưa tới sự hưng thịnh trở lại của Phật giáo.

Khác với việc mang Phật giáo trở lại trên diện rộng với đông đảo người Ấn Độ của Ambedkar, con đường chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa mang tính toàn diện, đi từ cách mạng trong chính bản thân giáo lý, giáo chế Phật giáo tiến tới cách mạng trong ý thức tư tưởng con người và đóng góp vào phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Nói cách khác, Ambedkar chấn hưng Phật giáo theo chiều rộng hướng tới một cộng đồng tín đồ đông đảo, Hòa thượng Khánh Hòa lại tiến hành chấn hưng Phật giáo theo chiều sâu của bản thân tôn giáo và tầng lớp Tăng sĩ.

Thứ hai là sự khác biệt trong bối cảnh phát triển của tư tưởng chấn hưng Phật giáo ở hai vị.
Ambedkar tiến hành phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ trong bối cảnh Hindu giáo đang thịnh hành, Phật giáo đã gần như biến mất khỏi đất Ấn trong nhiều thế kỷ. Việc đưa Phật giáo trở lại Ấn Độ là một việc làm rất khó khăn. Nhưng với tư cách là người lãnh đạo của giai cấp cùng đinh và là một Phật tử, Ambedkar rất muốn phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ, coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng và là tâm nguyện suốt cả đời của ông.

Trong bài phát biểu của ông tại một ngôi chùa ở Bombay vào ngày 29/9/1950, ông nói rằng sẽ cống hiến phần còn lại của mình cho sứ mạng phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ. Tháng Giêng năm sau, phát biểu với đại biểu của Hội Đại Bồ đề (Maha Bodhi Society) và Hội Phúc lợi Giai cấp Cùng đinh Delhi (Delhi Scheduled Castes Welfare Association), ông cũng nói rằng đã quyết định phục hưng lại tôn giáo vĩ đại của Đức Phật và làm cho Phật giáo một lần nữa, vinh quang trở lại trên mảnh đất Ấn Độ.

Hầu như trong những lần có dịp nói chuyện với công chúng, Ambedkar đều nói lên tâm nguyện phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ của mình. Ông cho rằng Ấn Độ đã sẵn sàng đón nhận thông điệp của Đức Phật trở lại. Theo Ambedkar, Ấn Độ là quê hương của Phật giáo, Phật giáo đã từng một thời gian dài thịnh hành ở Ấn Độ, tuy Phật giáo sau đó bị suy tàn, nhưng không ai có thể nói rằng đạo Phật đã chết tận gốc rễ. Ông khẳng định rằng không phải thiết lập một tôn giáo mới mà chỉ là khôi phục lại tín ngưỡng sẵn có. Việc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ có lợi thế là Đức Phật – Ngài trở lại đất nước mình mà không cần phải xin hộ chiếu hay Visa gì cả. Ambedkar cũng cho rằng lúc này là thời gian tốt nhất để phục hưng Phật giáo. Những người Hindu cấp tiến cũng bất mãn với giáo lý bất bình đẳng của đạo Hindu và sẵn sàng theo Phật giáo. Chỉ cần có ý chí và quyết tâm, việc phục hưng Phật giáo không khó.

Hòa thượng Khánh Hòa lại phục hưng Phật giáo trong tâm thế của một nhà cải cách tôn giáo cũng đồng thời là một nhà cách mạng, việc phục hưng của Ngài đã vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo mà còn mang tính dân tộc, đại chúng.

Trước tình hình đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, dù luôn kiên trì con đường bất bạo động nhưng không vì thế Hòa thượng thờ ơ trước nỗi đau dân tộc. Hòa thượng đã hiến tặng quả chuông đồng của chùa Tiên Linh cho Cách mạng để đúc vũ khí. Nhiều Tăng sinh theo học tại Lưỡng Xuyên Phật học được sự ủng hộ của Hòa thượng cũng hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến, gác lại việc tu học, lên đường tham gia kháng chiến. Hội Phật giáo Cứu quốc do Hòa thượng Khánh Hòa sáng lập cũng nhằm mục đích phụng sự sự nghiệp giải phóng dân tộc theo đường lối và tôn chỉ tích cực của Hòa thượng.

Khi Cách mạng tháng Tám – 1945 bùng nổ, Hòa thượng đã kêu gọi các Phật tử ủng hộ chính quyền cách mạng, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay cả khi tuổi cao sức yếu, Hòa thượng đã sắp xếp, căn dặn học trò, tín đồ tham gia phục vụ đạo pháp, dân tộc trước khi từ giã cõi đời.

Thứ ba là những khác biệt trong con đường hiện thực hóa tư tưởng chấn hưng Phật giáo.
Ambedkar thành lập nhiều tổ chức, Hội, trường học giúp cho việc truyền bá và chấn hưng Phật giáo, bản thân ông cũng trở thành một người truyền giáo đích thực.

Vào năm 1950, ông đã thành lập Học viện có tên là Siddhartha College, cũng vào năm 1950 ông tiếp tục thành lập Đại học Milind Maha Vidyalaya, đây đều là các trường Đại học Phật giáo. Năm 1955, Ambedkar thành lập Hiệp hội Phật giáo Ấn Độ (Bharatiya Bauddha Mahasabha). Ông đã dựng một tượng Phật trong ngôi đền ở đại lộ Dehru, gần thành phố Pune (Poona).8

Năm 1951, ông cũng đã viết một quyển sách diễn giải về Phật pháp một cách dễ hiểu cho đại đa số quần chúng. Cho đến lúc cuối đời, ông đã làm việc cực lực để hoàn thành quyển sách đó. Tác phẩm có tên “Đức Phật và Giáo pháp của Ngài” (Buddha and His Dhamma). Ông hoàn thành quyển sách ấy trong đêm 5/12/1956. Người ta phát hiện ra ông đã qua đời sáng ngày hôm sau tại tư gia ở New Delhi. Ông hưởng thọ 64 tuổi.9 Tác phẩm này được xuất bản vào kỷ niệm 2500 năm ngày Phật nhập Niết Bàn (Mahaparinirvana) vào năm 1957.10

Trong khi đó, Hòa thượng Khánh Hòa cũng chủ trương thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, nhưng trên hết Hòa thượng muốn thông qua các hoạt động giáo dục và xuất bản, báo chí để tạo ra một lớp Tăng sĩ mới thấm nhuần Phật pháp. Hòa thượng còn mong muốn mang các tác phẩm Phật giáo kinh điển về Việt Nam và thông qua các tác phẩm nghiên cứu Phật học, các ấn bản Phật học giúp đưa chân lý Phật giáo đến với đông đảo quần chúng. Ngoài ra, Hòa thượng còn sử dụng báo chí như một kênh thông tin để truyền bá tư tưởng đến quần chúng thay vì tổ chức các buổi thuyết giảng với quy mô lớn như Ambedkar.

Năm 1928, Hòa thượng cùng ba vị Tăng sĩ đồng chí là Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm lo tổ chức việc xây dựng Thích Học Đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn ở Sài Gòn. Năm 1929, Hòa thượng và Hòa thượng Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ hữu tâm ở Trà Vinh gởi mua cho Thư xã một bộ Tục Tạng Kinh gồm 750 tập và an trí tại chùa Linh Sơn. Hòa thượng Khánh Hòa giữ trách vụ Phó nhất Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học và Chủ nhiệm Tạp chí Từ Bi Âm. Tạp chí này ra đời ngày 01/3/1932.

Năm 1929, Khánh Hòa cho ấn hành một tập san Phật học bằng chữ Quốc ngữ lấy tên là Pháp Âm. Pháp Âm đặt cơ sở tại chùa Xoài Hột Mỹ Tho, dựa trên sự ủng hộ kinh tế của bổn đạo chùa này. Đó là tờ báo nghiên cứu Phật giáo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ tại Việt Nam. Số đầu ra đời ngày 13.8.1929.

3. Kết luận

Hai nhà tư tưởng lớn của Việt Nam và Ấn Độ đã có nhiều đóng góp cho sự hưng thịnh trở lại của Phật giáo tại đây, đặt nền móng cho những đổi thay của đạo Phật trong thế giới hiện đại. Trong quá trình gần nửa thế kỷ cống hiến không biết mệt mỏi cho công cuộc chấn hưng Phật giáo, cả hai nhà tư tưởng đã góp phần đưa Phật giáo nước mình bước lên một tầm cao mới. Trên tinh thần Phật pháp, dân tộc và đại chúng, hai vị đã thể hiện tầm nhìn của thời đại đối với tôn giáo, đấu tranh cho độc lập dân tộc cũng như bình đẳng xã hội. Với những cống hiến của mình, Hòa thượng Khánh Hòa được coi là một tấm gương cao đẹp về đạo đức, trí tuệ, lòng yêu nước, tinh thần từ bi hỷ xả hiến dâng cho Phật giáo đối với hàng vạn tín đồ. Trong khi đó, Tiến sĩ Ambedkar xứng đáng được coi là một nhà tư tưởng tiến bộ, nhà cải cách tôn giáo vĩ đại đã mang ánh sáng của Đức Phật trở lại trên quê hương của tôn giáo này và được nhiều thế hệ người Ấn Độ tôn vinh.

TS. Tống Thị Quỳnh Hương
Khoa Lịch sử – Đại học Sư phạm Hà Nội


Chú thích
1. Bellwinkel-Schempp, Maren (2004). Roots of Ambedkar Buddhism in Kanpur, in Jondhale, Surendra; Beltz, Johannes. Reconstructing the World: B.R. Ambedkar and Buddhism in India. New Delhi: OUP, tr.221–244.
2. https://quangduc.com/a5562/hoa-thuong-khanh-hoa.
3. Sangharakshita, Ambedkar and Buddhism, NXB. Windhorse, 1986, tr.56.
4. Sđd, tr.80.
5. Đây là những dòng chữ viết tay của Ambedkar trong lá thư gởi cho Devapriya Valisinha ngày 30/10/1956. Tạp chí “The Maha Bodhi (Calcutta)”, vol. 65, tr. 226.
6. Sangharakshita, Ambedkar and Buddhism, NXB. Motilal Banarsidass, New Delhi, 1986, tr.80
7. Sđd, tr.13.
8. Sđd, tr.77.
9. Sđd, tr.12.
10. Sđd, tr.59.

Tài liệu tham khảo
1. Sangharakshita (1986), Ambedkar and Buddhism, NXB. Windhorse.
2. Dhananjay Keer (1990), Dr. Ambedkar: Life and Mission, Popular Prakashan.
3. Bellwinkel-Schempp, Maren (2004), Roots of Ambedkar Buddhism in Kanpur, in Jondhale Surendra – Beltz Johannes. Reconstructing the World: B.R. Ambedkar and Buddhism in India, New Delhi.
4. R.M.Pal, Remembering Dr. Ambedkar, Nguồn: http://www.pucl.org/reports/National/ambedkar0.html.
5. Dr. Babasaheb Ambedkar, Writings and Speeches, Vol.1 (Bombay 1979), Education Dept., Govt., Maharashtra, Bombay.
6. The Maha Bodhi (Calcutta) Journal, Vol. 65.
7. Trần Hồng Liên, Hòa thượng Khánh Hòa và Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, Kỷ yếu Hội thảo “Hòa thượng Khánh Hòa và Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam”, TP. Hồ Chí Minh, tháng 5/2017.
8. https://quangduc.com/a5562/hoa-thuong-khanh-hoa.
9. http://phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201501/Thuc-dan-Phap-voi-van-de-chan-hung-PGVN-trong-nua-dau-the-ky-XX-17106/.
10. http://www.phattuvietnam.net/phatgiaovietnam/lich-su-phat-giao-viet-nam/1877-cu%E1%BB%99c-ch%E1%BA%A5n-h%C6%B0ng-ph%E1%BA%ADt-gi%C3%A1o-vi%E1%BB%87t-nam-1932-1945.html).

 
Dacsanhoadam.com
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Các tin khác:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập