Ý nghĩa lễ Tự tứ của Phật giáo Nam truyền
Cập nhật ngày: 10/24/2018 5:19:19 AM
 
GN - Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền (Theravāda), mùa an cư của chư Tăng bắt đầu từ ngày 16 tháng 6 âm lịch và kết thúc vào ngày 15 tháng 9 âm lịch.

Sau ba tháng an cư mùa mưa, vào ngày kết thúc an cư mùa mưa, chư Tăng phải hội lại tại trú xứ mà mình nhập hạ để làm lễ Tự tứ (Pavāraṇā). Ngày Tự tứ có thể thực hiện vào ngày 15 tháng 9, cuối tháng 10 hoặc trễ lắm là vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, nghĩa là phải làm lễ tự tứ trong thời gian mùa mưa, không được quá mùa mưa. 1

Pavāraṇā thường được dịch là Tự tứ, và từ này đã được dùng phổ thông trong Phật giáo. Tuy nhiên, ý nghĩa chính thức và chủ yếu của từ Pavāraṇā có nghĩa là sự thỉnh cầu (pavāreti), sự yêu cầu hay nói cách khác là sự thỉnh tội, tức là thỉnh cầu chư Tăng chỉ lỗi, nhắc nhở, khuyên bảo bằng tâm từ do thấy, do nghe, do nghi để vị Tỳ-khưu đương sự thấy lỗi của mình mà sửa sai và hoàn thiện bản thân.

namtruyen.jpg
Chư Tăng tác pháp Tự tứ - Ảnh: ĐP

Đức Phật dạy trong tạng Luật như sau:

“Này các Tỳ-khưu, đối với các Tỳ-khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa, Ta cho phép thỉnh cầu dựa trên ba tình huống là do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ. Bằng cách ấy, các ngươi sẽ có được sự hòa thuận lẫn nhau, có được sự thoát ra khỏi tội, và có được sự hiểu rõ thêm về Luật”. 2

Theo tinh thần của Phật giáo, lễ Tự tứ hay thỉnh cầu vị khác chỉ lỗi của mình là một cách kiểm điểm lại bản thân mình, từ những hành động do thân, đến những lời nói phát ra từ khẩu, thậm chí là những suy nghĩ từ ý, nếu thấy những lời chỉ dạy đó là đúng sự thật, mình sẽ thành khẩn sám hối để được thanh tịnh. Nhờ vậy, mọi thành viên trong Tăng đoàn đều trở nên hoàn thiện, xứng đáng là bậc phước điền của nhân thiên.

Có lẽ nhiều người sẽ thấy rằng cách thức xây dựng như thế này hơi khác so với thế tục. Lẽ thường, chúng ta rất giàu lòng tự ái, sống mà chỉ biết chấp vào cái ngã của mình, không mấy ai muốn người khác biết khuyết điểm của mình, chứ đừng nói là có thể chấp nhận để cho họ nêu ra những lỗi lầm mà mình đã phạm. Giả sử có ai đó động đến tên tuổi, tự ngã của ta thì ta sẽ phản ứng lại bằng nhiều hình thức “ăn miếng trả miếng” ngay lập tức, vì kẻ khác chạm đến nhược điểm của ta, đó là một sự xúc phạm tự ái không hề nhẹ, khó mà tha thứ được.

Học tập theo gương hạnh của Đức Thế Tôn, chính Ngài, là bậc thầy của cả chư thiên và nhân loại, vậy mà Ngài vẫn đích thân làm lễ Tự tứ với chúng Tỳ-khưu Tăng. Đây sẽ là một bài học hữu ích về một vị Đạo sư giản dị và bình thường như bao vị đạo sư khác mà không hề tầm thường.

“Một thuở nọ, Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Đông Viên, giảng đường Lộc Mẫu, cùng đại chúng khoảng năm trăm vị Tỳ-khưu, tất cả đều chứng quả A-la-hán. Lúc bấy giờ, vào ngày lễ  Tự tứ của Tỳ-khưu Tăng, Thế Tôn ngồi giữa đại chúng, sau khi nhìn quanh đại chúng im lặng, liền bảo các Tỳ-khưu:

- Này các Tỳ-khưu, Ta mời các ông nói lên, các ông có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân hay về lời nói?

Được nghe như vậy, Tôn giả Sāriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, chúng con không có chỉ trích gì Thế Tôn về thân hay lời nói. Và bạch Thế Tôn, con xin mời Thế Tôn nói lên, Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay về lời nói?

- Này Sāriputta, Ta không có gì chỉ trích ông về thân hay về lời nói.

- Bạch Thế Tôn, đối với năm trăm Tỳ-khưu này, Thế Tôn có gì chỉ trích về thân và lời nói hay không?

- Này Sāriputta, đối với năm trăm Tỳ-khưu này, Ta không có gì chỉ trích về thân hay về lời nói”. 3

Trong xã hội của chúng ta, đa số mọi người chỉ mong cầu nghe được những lời nói ngọt ngào, đường mật để đưa họ lên đến dây điện hay nóc nhà, nhưng họ đâu biết rằng càng đưa lên cao thì họ sẽ càng té đau. Vì si mê, họ đâu biết điều đó mà chỉ lo đi tầm cầu cái tầm thường trong những cái quá bình thường mà họ không hề biết đến. Họ cho rằng “Người quân tử chỉ ca ngợi những đức hạnh của người, chứ không đề cập đến lỗi lầm của họ”. 4 Mới nghe qua thấy sao mà cao thượng quá, khiến ai cũng chạy theo răm rắp nhưng những kẻ a dua ăn hùa ấy đâu biết rằng họ đang sống theo một chủ nghĩa cầu an một cách tiêu cực, bởi vì những hành vi của họ chỉ muốn bảo đảm an toàn cho cá nhân mà không hề có một chút suy nghĩ gì đến việc xây dựng và phát triển của tập thể, của cộng đồng và xã hội.

Vượt ra ngoài thế gian phàm tục, đi ngược dòng đời, hàng xuất gia áp dụng phương thức thỉnh tội một cách tinh tế và đầy lòng vị tha. Tự tứ là nhằm mục đích xây dựng Tăng đoàn có một đời sống cao khiết, thanh tịnh và an lạc thực sự. Bởi vì, Tăng đoàn là một tập thể sống hòa hợp, vô ngã, theo đuổi một mục đích tối thượng là giác ngộ và giải thoát. Mà muốn thực sự giải thoát giác ngộ thì nỗ lực đoạn diệt những phiền não kiết sử như là thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân, ái sắc, ái vô sắc, mạn, trạo cử, vô minh.5  Vì những kiết sử này vốn là những thế lực chủ yếu của ma vương, tay sai của luân hồi để cản trở chúng ta trên tiến trình hướng đến sự giác ngộ, vượt ra khỏi ma lực của tử thần.

Những ai hành trì pháp

Theo Chánh pháp khéo dạy

Sẽ đến bờ bên kia

ợt ma lực khó thoát.6

Trong đoàn thể chư Tỳ-khưu Tăng, muốn cho được hoàn thiện, để đem lại đức tin đối với những người chưa có đức tin và làm tăng trưởng đức tin đối với những người đã có đức tin7, nên Ðức Phật chế định cách hành Tăng sự Pavāraṇā của chư Tỳ-khưu, từ vị Trưởng lão cho đến vị tân Tỳ-khưu, mỗi vị đều thành tâm nghiêm chỉnh, tha thiết nói lên lời thỉnh mời chỉ rõ lỗi của mình, trong trường hợp do thấy, do nghe, hoặc do nghi ngờ. Khi nhận thấy đúng, vị ấy phải xin thành tâm sám hối và sửa chữa để trở nên thánh thiện, tốt đẹp. Tốt đẹp không chỉ riêng cho mình, mà còn chung cho đoàn thể chư Tỳ-khưu Tăng. Ðó là mới là ý nghĩa của việc hành Tăng sự Pavāraṇā (lời thỉnh mời) đúng theo tinh thần giới luật cũng như là tinh thần của Phật giáo Nam truyền. 

 Bhik.Samādhipuñño Định Phúc

............................

1 Thời tiết Ấn Độ chia thành 3 mùa trong năm là mùa nóng, mùa mưa và mùa lạnh.

2 Luật tạng, Đại phẩm, chương IV, Đoạn 14 (TK.Indacanda dịch Việt).

3 Tương ưng bộ kinh 1, chương 8, phần Tự tứ (HT.Thích Minh Châu dịch Việt). (S.i.190)

4 Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác.

5 Tăng chi bộ kinh, chương 10 Pháp, phẩm Lợi ích, phần Các kiết sử (HT.Thích Minh Châu dịch Việt).

6 Pháp cú kinh 86 (HT.Thích Minh Châu dịch Việt).

7 Tạng Luật, Phân tích Giới Tỳ-khưu, chương I, đoạn 40 (TK.Indacanda dịch Việt).

 
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập