Tìm Hiểu Lớp Ý Nghĩa Từ “Lá Rụng” Trong Tác Phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên Qua Góc Nhìn Phật Giáo
Cập nhật ngày: 11/14/2018 5:11:16 AM

 

Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image
 
Khái Hưng quả đúng là một ngòi bút không chỉ giỏi về lột tả tâm lý nhân vật, mà ông còn là một nhà văn tả cảnh thiên nhiên rất tài tình, ông đã dẫn dắt người đọc đi từ tâm trạng vui vẻ nhộn nhịp của làng quê Bắc bộ khi đang vào mùa thu hoạch lúa, cùng với sự bởn cợt trêu ghẹo chàng sinh viên Ngọc bằng những lời lẽ có văn có thơ của những thiếu nữ đang gặt lúa trên nương trong phần đầu tác phẩm. Khi đến cuối tác phẩm, tác giả lại đưa tâm trạng người đọc về trạng thái bi thương đồng cảm với nỗi buồn của Lan và Ngọc, với vài nét tả thực cảnh thiên nhiên buồn ảm đạm.

Trong lĩnh vực sáng tác văn học và nghệ thuật, rất nhiều văn nghệ sĩ thành danh chỉ với một tác phẩm văn học xuất sắc, hay một nhạc phẩm sâu lắng truyền cảm dễ đi vào lòng người và trở thành bất hủ, hay một bộ phim mang dấu ấn lịch sử khó phai mờ trong lòng khán giả qua bao thế hệ v.v..., và nhà văn Khái Hưng đúng là một văn sĩ như vậy. Tác phẩm “Hồn Bướm Mơ Tiên” là tác phẩm đầu tay của ông, ra đời vào năm 1933, và cũng chính quyển tiểu thuyết này đã làm cho tên tuổi Khái Hưng sáng rực lên trong vườn hoa văn học nghệ thuật nước nhà không chỉ trong giai đoạn từ 1930-1945, mà cho đến nay tác phẩm này vẫn có một chổ đứng trong lòng độc giả.

        Mặc dầu đã trải qua hơn 80 năm kể từ khi tác phẩm được Khái Hưng khai sinh, có thể nói cho đến hôm nay, các thế hệ cả già lẫn trẻ, khi có duyên thưởng thức tác phẩm này, đều thấy được những giá trị văn học nghệ thuật cao đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam hòa cùng văn hoá Phật giáo trong sáng, cao thượng qua câu chuyện tình lãng mạn nên thơ giữa Ngọc và Lan đã vô tình nảy nở nơi cửa Phật từ bi.      

      Theo những nhà nghiên cứu văn học, văn học Việt Nam từ 1930 đến 1945 là giai đoạn chuyển mình và hình thành nên một phong cách sáng tác văn học mới, mang tính phóng khoáng theo trào lưu lãng mạn trữ tình, được ảnh hưởng không nhỏ từ nền văn học, văn hóa phương tây. Trong bối cảnh đất nước đang là thuộc địa của Pháp thì Khái Hưng là một thanh niên trẻ thuộc dòng dõi nho quan, lại được học trường tây, vì vậy tác phẩm “Hồn Bướm Mơ Tiên” ít nhiều đã chịu ảnh hường từ nền văn học lãng mạn này. Tuy nhiên, ở đây người viết không đi sâu phân tích tác phẩm theo phong cách các nhà phê bình văn học vẫn thường làm, mà chỉ muốn nói rõ hơn về “điểm nhấn ngôn ngữ” trong tác phẩm này, đó là hai từ “lá rụng”. Bằng cách nhìn của Phật giáo và phân tích ngôn ngữ văn học theo quan điểm Phật học, nhằm giúp độc giả nắm bắt được trọn vẹn chủ ý của tác giả muốn gửi đến chúng ta, đó chính là những nét mới mà người viết muốn nói đến trong bài viết này.

       Trong phần IX của tác phẩm “Hồn Bướm Mơ Tiên” độc giả dễ dàng nhận ra một hiện tượng lặp đi lặp lại nhiều lần hai từ “lá rụng”, có tổng cộng là 9 lần, đây là một điểm nhấn ngôn ngữ quan trọng và hoàn toàn có chủ ý của tác giả, muốn nói lên tư tưởng chủ đạo của Phật giáo trong phần cuối này của tác phẩm, đó là gì !? là nói đến sự luân hồi của vạn vật, sự vô thường vô ngã giả tạm và sinh tử của kiếp người, những nổi khổ của con người trong cuộc sống thế nhân, và cuối cùng là trở về cảnh giới Niết-Bàn như một cứu cánh cho con người sau khi trải qua hành trình tu chứng. Dưới đây người viết tạm trích lược những đoạn văn có hai từ “lá rụng”. 

Lần thứ nhất: “Lan ngồi sưởi dưới ánh nắng, thì thầm đọc kinh, thỉnh thoảng lại đặt quyển sách xuống ngơ ngác nhìn. Tiếng “lá rụng” trên vườn sắn như có mảnh lực gì khiến Lan ôn lại những đời dĩ vãng...”[1]

Lần thứ hai: “Lan nhắm mắt, trong trí lại tưởng tượng ra cái cảnh “lá rụng” khi đi sang chùa Long Vân...”

Lần thứ ba: “cái cảnh bên bờ suối mấy gốc thông già, chiều hiu hắt, lá thông khô, theo dòng suối trôi đi... lá rụng ! ”

Lần thứ tư: “chỉ ít lâu là anh ta đã mờ hẳn trong trí nghĩ. Rồi sự buồn, nhớ đổi ra mừng vui. Trong lòng, Lan hớn hở rằng đã qua một bước khó khăn trên con đường tu hành. lá rụng !”

Lần thứ năm: “Lan lạnh lùng đáp: giá lần này ông cũng về ngay thì phải. Ngọc không để ý đến câu trả lời của Lan, lại gần đứng tựa vào cây chấn, ngay chổ Lan ngồi, nhìn Lan không nói. lá rụng !”

Lần thứ sáu: “Mặt trời gần lặn sau đồi, mặt trời lạnh lẽo mùa đông. Gió chiều thoảng qua. “lá rụng!” Lan bừng mắt, thở dài...”

Lần thứ bảy: “Dưới chân đồi, mấy đứa trẻ mục đồng cưỡi trâu về chuồng, cười đùa vui vẻ, trên cây chẩu đàn chim sẻ đuổi nhau, tiếng kêu chiếp chiếp. “lá rụng !” Lan đứng phắt dậy sẽ đẩy bạn ra: không bao giờ thế được !”

Lần thứ tám: “Mặt trời đã lặn sau trời tây. Vạn vật nhuộm màu ảm đạm. lá rụng !”

Lần thứ chín: “Lan đứng chắp tay tụng niệm, con mắt lờ đờ nhìn xuống con đướng đất quanh lượt khúc dưới chân đồi. Gió chiều hiu hiu..... lá rụng !”[2]

      Trong phần IX của tác phẩm, chỉ hơn bảy trang giấy, mà có đến chín lần tác giả dùng từ “lá rụng”, vậy chủ ý của Khái Hưng muốn nói điều gì !? muốn diễn đạt sự dằn vặt, đấu tranh nội tâm liên tục và có vẻ như quyết liệt giữa hai nhân vật trong tác phẩm là Lan và Ngọc chăng !?, hay muốn diễn tả tâm trạng mâu thuẫn dữ dội nhằm phân định phần thắng giữa một bên là tình yêu chân thành trong sáng, và một bên là lý tưởng tu hành giải thoát cao thượng.

       Qua các trích dẫn trên, chúng ta cũng nhận ra rằng, mỗi khi tác giả dùng từ “lá rụng” là tất nhiên có ngụ ý muốn nói đến một trạng thái tâm thức nào đó trong nội tâm của hai nhân vật chính, hoặc của thiên nhiên ngoại cảnh vô tình nhưng lại hữu ý. Dưới đây là các lớp ý nghĩa của từ “lá rụng” trong tác phẩm qua lăng kính Phật giáo.

1. “Lá Rụng” với học thuyết “luân hồi sinh tử” trong Phật giáo.

       Trong nhà thiền, hiện tượng lá rụng là một hình ảnh biểu cảm, giàu hình tượng và đa nghĩa, đã có những vị thiền sư khi tọa thiền dưới cội cây nào đó, khi vô tình nhìn những chiếc lá vàng úa rơi rụng, bổng hốt nhiên ngộ lẽ luân hồi của vạn vật, vì chuyện lá rụng về cội hay nước chảy về nguồn là lẽ tự nhiên của tạo hóa, và người tu đạo cũng vậy mà thôi, chẳng khác gì chiếc lá vàng kia, một ngày nào đó rồi cũng đến lúc xả bỏ báo thân mà trở về cảnh giới“vô trụ xứ Niết-bàn”.

        “Lan ngồi sưởi dưới ánh nắng, thì thầm đọc kinh, thỉnh thoảng lại đặt quyển sách xuống ngơ ngác nhìn. Tiếng “lá rụng” trên vườn sắn như có mảnh lực gì khiến Lan ôn lại những đời dĩ vãng...”

       Hai từ “lá rụng” trong đoạn văn trên, Khái Hưng như đã muốn nói đến thuyết luân hồi trong Phật giáo, ít nhất cũng là muốn nói đến “những đời dĩ vãng” của nhân vật Lan, vì có sinh là có tử, là đồng nghĩa với sự luân hồi. Thật vậy, trong các phần trước của tác phẩm, Khái Hưng đã có nhắc đến quá khứ bất hạnh của Lan. Lan là một người thiếu nữ vừa mới lớn, đã sớm mồ côi Cha Mẹ và sống với người Chú ruột, vì không muốn bị Chú ép duyên và cộng thêm lời hứa với Mẹ trước lúc lâm chung, mà Lan đã cải trang thành nam nhân để đến chùa Long Giáng quy y tu học. Đối với Lan, cái quá khứ bất hạnh kia dường như đã trôi vào dĩ vãng từ lâu, trước mắt Lan là một cuộc sống tu hành, tuy đơn sơ đạm bạc, rau cháo muối dưa mà lại yên bình và thanh thoát đến lạ thường, Lan chỉ chuyên tâm tu học kinh Phật để chuyển hóa cái duyên nghiệp ái tình đã tạo nên hình hài một chú tiểu Lan có hoàn cảnh bất hạnh như thế, và để cho những nổi muộn phiền thuộc về dĩ vãng kia rụng rơi theo tháng năm. Nhưng chuyện tu hành không đơn giản như chúng ta từng nghĩ, điển hình là sau hơn hai năm miệt mài tu học đưới mái chùa Long Giáng, lần đầu tiên trong đời, Lan mới chợt nhận ra cơn dông bão ái tình thật dữ dội, và nếu không có sự cố gắng vượt qua chính mình thì Lan không dễ gì được tiếp tục bước đi trên con đường đã chọn...

       “ Lan nhắm mắt, trong trí lại tưởng tượng ra cái cảnh “lá rụng” khi đi sang chùa Long Vân...”

      Khi Lan vâng lời Sư cụ mang quà sang biếu cho Sư ông trụ trì Chùa Long Vân có Ngọc cùng đi, vì đường xa nên đành trú lại Chùa qua đêm, vì Ngọc cố tình khám phá sự thật có phải chú Lan là gái giả trai hay không, với tâm tình ngây thơ trong sáng, Lan đã vô tình làm lộ bí mật giả trai của mình, khi Ngọc biết được chính xác Lan là gái giả trai thì càng đem lòng yêu Lan tha thiết hơn, trong hoàn cảnh như vậy, Lan vô cùng hoảng hốt và sợ hãi, lo lắng cho thiện duyên tu hành của mình với ngôi Chùa Long Giáng này phải rụng rơi trong sự giằng xé tâm thức của cơn bão ái tình đang nổi lên mãnh liệt giữa hai người. Nhưng trong hoàn cảnh éo le ấy, Lan và Ngọc đã kịp nhìn lại mình, và hứa với nhau những lời cảm thông sâu sắc, làm cho độc giả phải xúc động thật sự, rồi cơn bão ấy cũng qua đi để lại cho Lan một nỗi ám ảnh khó quên, nhưng ở đây Khái Hưng đã dùng từ “lá rụng” để ẩn chỉ một trạng thái tâm thức đang hồi tưởng lại sự kiện đã xảy ra trong quá khứ tựa như những phiền muộn đã trôi đi như những chiếc lá rụng rơi theo dòng thời gian của tâm thức.     

2. “Lá Rụng” với học thuyết “vô thường, vô ngã ” trong Phật giáo.

      Trong tam tạng kinh điển nhà Phật, “vô thường, vô ngã” là một trong những pháp ấn rất quan trọng, vì vậy trong tác phẩm đậm chất Phật giáo này, Khái Hưng cũng đã khéo léo dùng từ “lá rụng” để nói đến học thuyết này.

“cái cảnh bên bờ suối mấy gốc thông già, chiều hiu hắt, lá thông khô, theo dòng suối trôi đi... “ lá rụng !. từ đó đến nay, đã qua sáu tháng, Lan trải bao sự buồn, nhớ, mừng,  lo...”.

     Trong đoạn văn trên, Khái Hưng không chỉ mượn từ “lá rụng” để nói đến sự vận hành xoay chuyển của thiên nhiên vạn vật “lá thông khô, theo dòng suối trôi đi... “ lá rụng !”, mà còn nói đến trạng thái vô thường trong tâm thức của Lan. Bao sự “buồn, nhớ, mừng, lo” là trạng thái của vọng tâm, thay đổi liên tục không ổn định, không ngừng nghĩ bởi sự ảnh hưởng trực tiếp từ thiên nhiên ngoại cảnh, đoạn văn tiếp theo còn cho chúng ta thấy rõ hơn tâm thức là vô thường, không có một trạng thái nào là ổn định.

“chỉ ít lâu là anh ta đã mờ hẳn trong trí nghĩ. Rồi sự buồn, nhớ đổi ra mừng vui. Trong lòng, Lan hớn hở rằng đã qua một bước khó khăn trên con đường tu hành. “lá rụng !”

       Hai từ “lá rụng” trong đoạn văn trên, Khái Hưng đã có chủ ý muốn nói đến sự rụng rơi của phiền não ái tình trong tâm thức của Lan, vì “sự buồn, nhớ đã đổi ra mừng vui” nên tâm tình Lan đã trở nên “hớn hở”, không còn ủ rủ, ray rứt, bực dọc, mong ngóng, hồi hộp v.v..., như khi Ngọc vừa rời khỏi chùa Long Giáng, như sự hồi phục sức khỏe của tâm thức sau cơn bạo bệnh do virut ái tình gây nên. Trong ý nghĩ của Lan, đoạn đường nhiều chông gai khó khăn của lộ trình tâm thức Lan đã trãi nghiệm vừa qua, đã được Lan bỏ lại phía sau và dấn thân tiến về phía trước. 

 3. “Lá Rụng” với quan điểm “khổ” trong Phật giáo.

      Trong hệ thống kinh điển đồ sộ của nhà Phật, “khổ” là một trong những pháp ấn không kém phần quan trọng, vì vậy mà Khái Hưng đã khéo léo dùng từ “lá rụng” để nói đến quan điểm này của Phật giáo.

“Lan lạnh lùng đáp: giá lần này ông cũng về ngay thì phải. Ngọc không để ý đến câu trả lời của Lan, lại gần đứng tựa vào cây chấn, ngay chổ Lan ngồi, nhìn Lan không nói. “lá rụng !”

        Trong đoạn văn trên tác giả không chỉ nói đến nổi khổ của Lan và Ngọc phải đấu tranh để chiến thắng bản thân và vượt qua chính mình nhằm dành phần thắng về cho lý tưởng tu hành giải thoát cao thượng của Lan, nhưng cũng đồng thời tác giả đã khéo dùng từ “lá rụng” để chỉ cho niềm hy vọng được thưởng thức mật ngọt ái tình của Ngọc tựa như lá rụng sau câu nói lạnh lùng của Lan.

 “dưới chân đồi, mấy đứa trẻ mục đồng cưỡi trâu về chuồng, cười đùa vui vẻ, trên cây chẩu đàn chim sẻ đuổi nhau, tiếng kêu chiếp chiếp. “lá rụng !” Lan đứng phắt dậy sẽ đẩy bạn ra: không bao giờ thế được !”

        Trong bài thuyết pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển. Đức Phật có nói đến nổi thống khổ của con người, con người có rất nhiều nổi khổ, nhưng đại khái được chia làm tám loại khổ cơ bản như sau: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, mong muốn mà không được là khổ, ghét nhau mà gặp nhau là khổ, thân thể ngũ uẩn không sạch là khổ, yêu nhau mà xa nhau là khổ v.v..., trong đoạn văn trên, chúng ta thấy rằng Lan đã tỏ thái độ rõ ràng với Ngọc, quyết tâm giữ trọn lời thề với Mẹ và Phật tổ. Tuy nhiên, Lan cũng phải chịu nhiều nỗi dằn và đấu tranh nội tâm quyết liệt với chính mình, cho nên trạng thái tâm thức này của Lan đúng y như lời Phật dạy “yêu nhau mà không đến được với nhau là khổ”. Khái Hưng đã khéo léo dùng từ “lá rụng” trong đoạn văn trên để ẩn chỉ cho mối lương duyên ái tình mãnh liệt của Lan và Ngọc tựa như “lá rụng” sau quyết định dứt khoát của Lan “không bao giờ thế được !”.

          “Mặt trời đã lặn sau trời tây. Vạn vật nhuộm màu ảm đạm. lá rụng !”

        Khái Hưng quả đúng là một ngòi bút không chỉ giỏi về lột tả tâm lý nhân vật, mà ông còn là một nhà văn tả cảnh thiên nhiên rất tài tình, ông đã dẫn dắt người đọc đi từ tâm trạng vui vẻ nhộn nhịp của làng quê Bắc bộ khi đang vào mùa thu hoạch lúa, cùng với sự bởn cợt trêu ghẹo chàng sinh viên Ngọc bằng những lời lẽ có văn có thơ của những thiếu nữ đang gặt lúa trên nương trong phần đầu tác phẩm. Khi đến cuối tác phẩm, tác giả lại đưa tâm trạng người đọc về trạng thái bi thương đồng cảm với nỗi buồn của Lan và Ngọc, với vài nét tả thực cảnh thiên nhiên buồn ảm đạm.   

3.“Lá Rụng” với khái niệm “Niết-bàn” trong Phật giáo.

        Sau khi trải qua bao thử thách cam go, Lan đã đủ nghị lực để xa lánh chốn trầm luân trong tâm thức của mình, và lại tiếp tục dấn bước trên con đường tu đạo. Đức Phật từng nói “Chiến thắng ba quân, không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”, và Lan được xem như một chiến sĩ dũng cảm đã vượt qua những mật ngọt cám dỗ của tình yêu lứa đôi, dù trái tim đã hơn một lần rung động dữ dội vì mối tình đầu chớm nở của người thiếu nữ đang độ xuân thì, nhưng cuối cùng Lan đã vượt qua chính mình, và vẫn là người nữ tu xuất gia thoát tục, giữ vẹn được lời thề với Mẹ và với đức Phật từ bi.

“Lan đứng chắp tay tụng niệm, con mắt lờ đờ nhìn xuống con đường đất quanh lượt khúc dưới chân đồi. Gió chiều hiu hiu..... “lá rụng !”

        Trong đoạn kết tác phẩm, nhân vật Lan đã trải qua những cuộc dậy sóng trong tâm bởi lực hấp dẫn tự nhiên của ái tình, nhưng Lan đã vượt qua và trụ lại được, vẫn là người nữ tu giả trai đáng kính với tâm hồn trong sáng không tỳ vết, mặc dù trong tâm thức của Lan phiền não vẫn còn, duyên nghiệp ái tình nhiều đời nhiều kiếp huân tập không thể một sớm một chiều có thể rũ sạch, nhưng Lan đã thật sự có được một tâm thái an lành sau cơn dông bão, và tiếp tục dấn thân trên con đường xuất gia thoát tục tìm về Niết-bàn giải thoát.

Kết Luận

       Mặc dầu “Hồn Bướm Mơ Tiên” là tác phẩm đầu tay, nhưng trình độ mô tả tâm lý nhân vật của Khái Hưng lại tỏ ra hết sức tài tình, thâm thúy và tế nhị như chính bản thân tác giả là người trong cuộc, qua sự phân tích ý nghĩa “ý nghĩa từ lá rụng”như trên, chúng ta thấy được tác giả không chỉ mượn hình ảnh “lá rụng” để nói lên sự “luân hồi sinh tử” theo vòng quay sinh học của một chiếc lá để ám chỉ đời sống con người trong vòng xoáy luân hồi bất tận. Hơn nữa, qua điểm nhấn lặp lại ngôn ngữ này, nhằm gây sự chú ý cho độc giả thấy được việc tu hành của những tu sĩ Phật giáo không chỉ là những chuyện đơn giản chúng ta thường thấy hằng ngày như: thức khuya, dậy sớm, lễ Phật, tụng kinh, ăn chay, niệm Phật, tọa thiền hay chấp tác v.v..., mà còn phải trải qua những chặng đường đầy cam go gian khổ để thuần hóa tâm thức, không ngừng tu tập và hành trì để chiến thắng chính mình, quán chiếu nhận rõ được nguyên nhân của các nổi khổ niềm đau trong cuộc sống đều xuất phát từ tham dục và ái tình, nhận rõ sự vô thường, vô ngã của vạn vật và nhân sinh, thấy sự ràng buộc và sự khổ của ngũ dục thế gian mà hướng đến đời sống giải thoát.

       Trong tiến trình hướng thượng của đời sống tâm linh, người tu sĩ phải luôn đấu tranh với nội tâm, với tư tưởng để hoàn thiện bản thân, có nhiều lúc vô cùng cam go và quyết liệt, vì vậy mà có nhiều người không thể vượt qua, nên để cuộc đời tiếp tục trôi lăn trong luân hồi sinh tử, chỉ khi nào hành giả đạt đến sự tự tại ung dung bất động của tâm thức, mới có đủ khả năng cảm hóa người khác, giúp cho mình và người vượt thoát nổi khổ niềm đau của kiếp nhân sinh.

      Câu chuyện tình yêu trong sáng và cao thượng mang đậm tính nhân văn và trữ tình của Lan và Ngọc trong tác phẩm “Hồn Bướm Mơ Tiên” đã giúp cho tác phẩm này được xếp vào một trong những tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam nói chung và văn học Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại nói riêng ./.

 


[1] Khái Hưng “Hồn Bướm Mơ Tiên”, phần IX, tr 81, Nxb Dân Trí, Năm 2012. 

[2] Khái Hưng “Hồn Bướm Mơ Tiên”, phần IX, tr 88, Nxb Dân Trí, Năm 2012. 

 
Thích Bổn Huân
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Các tin khác:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập