Sám hối
Cập nhật ngày: 11/30/2018 5:57:31 AM

52

<HĐ>Bước xuống xe buýt, Cảnh lầm lũi bước đi. Một cơn gió lạnh tàn Đông thổi thốc vào mặt, lùa vào áo làm chàng rùng mình. Kéo cao cổ áo bành tô và bước nhanh hơn để chiến đấu với cái lạnh nơi xứ người, đầu óc Cảnh bắt đầu nghĩ ngợi vẩn vơ, phiêu lưu đây đó.
Bầu trời xám xịt với những tia chớp báo hiệu cơn mưa sắp tới. Thành phố Dallas không có được mấy ngày nắng đẹp. Mưa, mây mù, dông bão cứ thay phiên nhau; đài khí tượng ít có dịp dự báo những ngày nắng ấm đẹp trời. “Cũng giống như cuộc đời mình, chẳng được bao nhiêu ngày vui.” Cảnh tự bảo thầm như vậy. Lúc mới sang Mỹ, gia đình chàng định cư ở Houton, Texas. Thành phố này người Việt đông nên có thể chỉ dẫn cho nhau về giấy tờ, quyền lợi của người đi theo diện H.O. và nhất là một quy hoạch cho tương lai dài lâu. Hồi đó, đứa con gái lớn của chàng, Mỹ Hạnh mới 21 tuổi và cô Út, Mỹ Hòa vừa 17. Sau một năm ôn luyện Anh văn, chúng nó học nghề làm móng tay cả. Nghề “neo” này mau làm giàu nếu gặp thời và mở tiệm đúng chỗ.

Mấy người bạn thân mà Cảnh gặp lại ở Houton, lúc “rượu vào lời ra” thường đùa dai hỏi cắc cớ rằng:
– Sao mày không kiếm thêm bà thứ ba? Bảo đảm sẽ có con trai. Bà nhất không con, bà nhì sanh toàn con gái. Số mày phải thêm một vợ nữa đó, mới có con trai nối dòng.
– Thôi! Tôi xin mấy ông, đừng xúi bậy. Một vợ một chồng là hạnh phúc thế gian. Càng đèo bồng lắm, càng đau khổ nhiều.

Sau khi vướng vào bà nhỏ, điêu đứng đủ bề, Cảnh luôn luôn tự dặn lòng như vậy, không dám phiêu lưu chi nữa vào thế giới của ái tình. Hai năm ở Houton, Cảnh quả nhiên là người chồng tốt: làm tài xế đưa con đi học, chở vợ đi chợ rồi thì quanh quẩn ở nhà xem tivi, thỉnh thoảng nhậu lai rai vào cuối tuần để có dịp bàn luận chuyện đời hay ngâm nga câu “tha hương ngộ cố nhân”.

Vào tuổi ngoài năm mươi như Cảnh mà sang Mỹ thật là lỡ thời. Anh văn không có là bao, nghề chuyên môn chỉ là con số không, sức khỏe lại đâu sánh được với bọn trẻ, thành ra chẳng mong gì tìm được một việc làm ngon lành và vững chắc. Đành hy vọng vào thế hệ con cái.

Mà quả nhiên tụi nhỏ làm giàu hay thiệt! Sau khi có chứng chỉ hành nghề trong tay, tụi nó bàn nhau dọn qua thành phố Dallas này để mở tiệm. Lý do là vì ở đây ít tiệm “neo”, người Việt lại không nhiều như ở Houton nên không sợ chia khách. Khách Mỹ đến vài lần mà ưng ý thì chắc chắn là hốt bạc. Người mình khéo tay lại chiều khách nên trong lãnh vực này thường chiếm ưu thế.

… Một tràng còi xe inh ỏi làm Cảnh giật nảy mình. Anh hoảng hốt nhận ra mình đang đặt chân để bước qua đường trong lúc đèn xanh đã báo hiệu cho đoàn xe bắt đầu chạy. Cảnh rút chân lên, thụt lùi ra sau, miệng cười giả lả: “Dân Mỹ ở Dallas này hiền hơn ở Houston nên mình đã không bị chửi!” Chỉ vì trong lúc nghĩ ngợi bâng quơ, anh bước đi theo thói quen nên không để ý gì đến chung quanh.

Từ nơi đây, qua đường, đi thêm 3 khu phố nữa là tới nhà lao. Gọi là nhà lao cho văn vẻ, chớ nói trắng ra đó là một trại giam dành cho nữ giới. Cả năm nay, mỗi tháng anh có phận sự phải đi thăm Thiếp một lần. Các con đều bận bịu chuyện làm ăn, chúng giao anh nhiệm vụ này. Đáng lẽ anh đi bằng taxi vì tụi nó đã dúi cho anh 100 đồng, dặn đi dặn lại: “Ba đừng đi xe buýt nghe vì phải đi bộ xa lắm, rủi có chuyện gì bất trắc, má ở trong trại sẽ buồn thêm.”
Nhưng từ ngày bị rút bằng lái vì tội nhậu say, lái ẩu và làm bẹp dí chiếc xe Nissan mới tinh, Cảnh tự phạt mình bằng cách luôn luôn dùng xe buýt làm phương tiện di chuyển.

Trong lúc chờ đèn báo hiệu cho người đi bộ, Cảnh lại tiếp tục dòng tư tưởng vừa bị cắt đứt: “Tụi nhỏ qua Dallas có mấy năm mà làm chủ 3 tiệm “neo”, mua nhà 4 phòng rộng rãi, ở khu yên tịnh, còn mấy chiếc xe hơi không chiếc nào già tới 3 tuổi. Thiếp thấy con cái ăn nên làm ra thì bắt đầu cởi lốt ra cho ra vẻ bà chủ. Nào căng da mặt, xoa bụng mỡ, nào xăm lông mày, cấy lông nheo… mấy thứ đó thì cũng được đi, nhưng khổ nỗi áo quần lại quá diêm dúa; đầu tóc chải bới đủ kiểu, mặt mày lúc nào cũng trét đầy son phấn như một lớp sơn dày cộm khiến Cảnh có cảm tưởng vợ ông là một đào hát cải lương sắp ra sân khấu.
Cảnh vốn dĩ đã không hợp tính tình với bà vợ kế này – đối với chàng, sự kết hợp giữa hai người như một oan gia tiền kiếp – bây giờ bà ta lại chưng diện lố bịch làm Cảnh càng thêm ngán ngẩm, chẳng muốn đi chung với Thiếp ra đường. Anh kiên nhẫn tập cho Thiếp lái xe, 4 tháng trời mới đậu được bằng lái.

Mấy đứa con cũng có hiếu, chúng mua ngay cho mẹ một chiếc xe và mỗi ngày Thiếp có thể lái xe từ tiệm này sang tiệm kia để phụ coi sóc công việc làm ăn của các con.
Từ đấy, Cảnh hóa ra được tự do. Chẳng biết có phải vì “nhàn cư vi bất thiện” hay không mà chàng sinh ra thú uống bia, mà phải vào quán “bia ôm”, vì ở đấy mới hưởng đủ cảm giác lâng lâng, tê mê nhờ các tiếp viên trẻ đẹp lúc nào cũng vồn vã “săn sóc” và nuông chiều.
Thấy Cảnh xài sang, một cô bám lấy sát chàng, khi thì tỉ tê tâm sự của một “thiếu phụ nửa chừng xuân” khi mời mọc, lúc nũng nịu, lúc dỗi hờn.

Hai thứ tóc trên đầu, Cảnh không phải là con nai tơ khờ khạo nhưng chàng cảm thấy hứng thú, muốn xem người diễn viên trổ tài ra sao trong vở kịch chưa viết hồi kết cuộc, Yến quả có tài đóng kịch lại trẻ trung và có nhan sắc nên trò đùa này kéo dài lâu, một năm rồi hai năm… Chơi với lửa mãi cũng có ngày phỏng tay. Sau một thời gian đùa dai như thế, họ trở thành tình nhân với nhau lúc nào không hay.

Than ôi! Ba người đàn bà đi qua đời Cảnh, bây giờ một đã đi tu, một vào tù còn một người mang sẹo mặt.

Nếu còn nghèo như lúc ở Houton chắc Thiếp đã không vào tù vì tội mướn người rạch mặt Yến. Đã cung tiền ra lại còn mang án tù 5 năm! Tánh bà ta xưa nay vẫn vậy, muốn làm gì cứ làm, không cần nghĩ tới hậu quả.

Cảnh đến trễ 15 phút. Phòng thăm đã chật người. Mỗi tù nhân có một bàn riêng để tiếp thân nhân. Họ thì thầm tâm sự không chú ý gì đến người xung quanh. Thời gian gặp gỡ của họ rất quý báu vì phải chờ đợi cả tháng mới có một giờ đồng hộ bên nhau.
Thiếp hiện ra ở khung cửa. Tóc đã hết thuốc nhuộm từ lâu nên bạc thếch màu muối tiêu, suôn dài quá vai. Trên gương mặt xanh xao, cặp mắt không còn lấp lánh thu ba như thuở nào; đôi cửa sổ tâm hồn ấy tỏa ra sự chán chường, phiền muộn hơn là hung dữ. Trong bộ đồ xanh dương sậm, đồng phục rộng thùng thình chẳng có chút gì thẩm mỹ, Thiếp có vẻ già nua xấu xí thêm.

Thiếp kéo ghế ngồi xuống. Hai người nhìn nhau im lặng. Cảnh chuẩn bị tinh thần chờ nghe những lời trách cứ vì sự đến muộn. Nhưng hôm nay, Thiếp có vẻ hiền lành hơn mọi khi. Bà cất tiếng hỏi:
– Mấy đứa nhỏ không đứa nào đi thăm tôi được sao?
Cảnh biết vợ nhớ các con, lựa lời an ủi:
– Tụi nó cũng nhớ bà lắm, đứa nào cũng có gửi quà cho mẹ. Nhưng vì chuyện làm ăn, không đứa nào bỏ tiệm được. Thứ Bảy toàn khách quen hẹn trước, không thể từ chối. Tiệm tụi nó lúc này đông khách lắm.
Thiếp thở dài:
– Tiền nhiều chưa hẳn là sung sướng. Chúng mê làm ăn riết rồi quên tình nghĩa mẹ con.
Nghe vợ than thở, Cảnh vừa thương hại, vừa tức. Lúc nào Thiếp cũng chỉ nghĩ cho mình:
– Bà chưa biết tụi nhỏ lo làm để có đủ tiền bồi thường cho Yến 30 ngàn như tòa đã xử, vậy mà cũng buông lời trách móc.
Vì lối suy nghĩ ích kỷ hẹp hòi như vậy mà tụi nhỏ không phục, cũng không thương Thiếp. Trong đầu óc của chúng, Hồng, má lớn của tụi nó mới là hình ảnh một người mẹ lý tưởng.
Cảnh nhắc khéo:
– Tụi nó cực lắm bà à! Chúng nó làm việc không kể giờ giấc. Con Mỹ Hạnh năm nay đã 26 tuổi rồi mà chưa lập gia đình chỉ vì chữ hiếu. Mỹ Hòa muốn bỏ nghề “neo” để tiếp tục việc học nhưng cũng chưa thực hiện được.
Thiếp thông minh lắm, biết Cảnh ngầm trách sự nông nổi của mình tác hại đến tương lai của con cái. Bà lảng sang chuyện khác:
– Tôi mới nhận được thư của chị Hồng. Hồi tôi vô tù tới giờ, chị ấy hay thư từ an ủi. Nhờ vậy tôi cũng bớt khổ.
– Hồng bao giờ cũng tốt.
– Nhưng lần này, “chỉ” khuyên tôi làm một việc khó làm.
Cảnh giương mắt nhìn Thiếp, bà nói tiếp:
– “Chỉ” biểu tôi tìm cách xin lỗi “con Yến”, làm dịu sự oán thù trong lòng nó, nếu không, chuyện này có thể kết thành mối oan nghiệt truyền kiếp. Ông nghĩ coi, tôi phải hạ mình đi xin lỗi nó à? Còn cái tội nó giựt chồng tôi đó, ai xử giùm đi. Nó được hưởng 30 ngàn, tiền nó đi xóa thẹo cũng còn dư, tôi biết mà.

Thiếp càng nói càng to tiếng hơn vì sự tức giận bỗng nhiên nổi dậy đùng đùng. Cảnh “suỵt” nho nhỏ, nhắc Thiếp hạ giọng xuống. Thật là chán ngán làm sao! Hồi nào tới giờ, chưa bao giờ Thiếp thấy lỗi của mình nên khi có ai chỉ lỗi cho thì bà ta nổi xung liền và không còn tự chủ được nữa. “Người như vậy làm sao sửa đổi được. Lúc nào cũng cho là mình đúng!” Cảnh giấu ý tưởng đó trong đầu, không để lộ ra ánh mắt. Thiếp mà đọc được ý nghĩ ấy, cơn điên sẽ lồng lộn không kiềm chế nổi.

Cảnh cố gắng nắm lấy tay vợ, tỏ vẻ trìu mến cho bà dịu lại. Ông rành tâm lý Thiếp. Người này tự ái cao lắm, đừng bao giờ hữu ý hay vô tình chạm vào yếu điểm đó. Phải làm sao gợi được lòng thương hại nơi cô ta thì việc gì cũng xong.

Một hồi chuông vang lên. Giờ thăm đã chấm dứt. Cảnh thấy nhẹ nhõm, nói giả lả vài câu rồi ra về. Thiếp đứng nhìn theo dáng người thong dong với mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ của chồng, tự nhiên thấy hai người cách xa nhau vời vợi. “Anh ấy chưa bao giờ yêu mình!” Thiếp ứa nước mắt, cúi đầu bước trở lại phòng giam, làm bạn với những song sắt lạnh lùng và những bức tường xám xịt.

… Những năm sau đó, Cảnh không đến thăm một cách thường xuyên như trước. Thiếp tự ái cũng chẳng thèm hỏi han hạch sách chi cả. Các con thay phiên nhau đi thăm mẹ nhưng đứa nào cũng đến một đôi lần rồi báo tin lập gia đình. Mỹ Hạnh lấy chồng dọn về Alabama; Mỹ Dung theo chồng tận Washington, Mỹ Duyên bỏ nghề “neo” vì cơ thể hay bị dị ứng với hóa chất, sang California làm việc cho hãng điện tử rồi lấy chồng bên ấy. Gái Út Mỹ Hòa đi học xa, ở Austin, thủ phủ của Texas. Chỉ còn Mỹ Hương chưa lập gia đình và tiếp tục điều khiển tiệm “Beautiful Nails” như cũ.

Năm cuối cùng trong tù, Thiếp nôn nao đếm từng ngày một, chờ được tự do. Thật rõ ràng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.” Những ngày trong tù dài như vô tận, chẳng biết làm sao cho hết thì giờ. Hồng viết thư nói Sư trưởng chùa Liên Hoa dạy Thiếp nên thường xuyên niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát cho tâm hồn được an tịnh. Thiếp không có việc gì làm, nên cũng tập niệm cho qua ngày tháng, trong lòng không mấy gì tin tưởng.
Sáng hôm sau, người ta vừa trao cho Thiếp một bức thư của luật sư. Dù Anh văn không khá nhưng Thiếp cũng mò mẫm đọc và hiểu rằng đó là lá thư của luật sư báo tin thủ tục ly dị bắt đầu. Thật là sét đánh ngang tai, không thể nào ngờ được. Thiếp khóc hù hụ, vừa khóc vừa nguyền rủa kẻ bạc tình.

Mấy bạn tù người Mỹ đọc thư, hiểu tình cảnh đáng thương của Thiếp, họ cay đắng giải thích rằng: “Luật của Mỹ cho phép ly dị nếu người hôn phối bị ở tù 3 năm trở lên.” Đối với Thiếp, đó là một đạo luật quái đản và vô hậu. Nhưng dù muốn dù không, Thiếp cũng phải ký tên vào giấy tờ, cõi lòng tan nát thương đau: “Mình thật sự mất Cảnh rồi. Tại sao mình hết lòng thương ảnh mà ảnh chẳng thương mình? Ly dị rồi, ảnh tha hồ tự do. Chắc chắn tại con Yến xúi biểu chớ chẳng ai khác vô đây. Chừng ra tù, tao sẽ liều mạng, một phen sống chết với mày nghe Yến!”

Lửa sân đang hừng hực trong lòng bỗng thói quen niệm Phật trở về, tự nhiên Thiếp động môi niệm khẽ: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát, nam mô…” khiến lòng dịu lại đôi phần.
Một lúc sau, hình ảnh Hồng hiện ra với nét mặt phúc hậu, nụ cười hiền lành… Cuốn phim quá khứ trở về… Hồi đó, Cảnh và Hồng đang khắng khít thương nhau, mình cố tình chiếm đoạt Cảnh rồi còn ghen ngược trở lại mà chị không thù hận gì. Lúc mình thất thế sa cơ, chị còn ra tay cứu giúp hết lòng hết dạ… Chị cũng là người phàm như mình sao chị không ghen tuông, không thù hận? Cái gì đã giúp chị chiến thắng lòng vị kỷ? Phải chi mình cũng có được tấm lòng cao cả như vậy thì đâu đến nỗi khổ sở đến mức này?”

Lần đầu tiên trong đời, Thiếp có dịp tự xét mình thay vì luôn luôn tự bào chữa. Nhưng bà không muốn nghĩ tiếp. Thiếp nhắm mắt lại, cố gắng tiếp tục niệm danh hiệu Quán Thế Âm cho đến lúc đi vào giấc ngủ với hai hàng mi đẫm giọt sầu.

Diệu Nga

 
 
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập