Chính bản thân tôi cũng từng là người kém ý thức nơi công cộng khi để rác lộn xộn. Cách đây một tháng, khi đứng ngay nhà chờ xe buýt, tôi bị một cậu bé khoảng 12 tuổi “chỉnh”. Lúc tôi để vỏ chai nước vào thùng rác, thì cậu bé chạy đến nói: “Chú ơi, để bên kia.” Khi tôi hỏi lý do thì cậu chỉ tay vào những dòng chữ bên ngoài thùng rác và giải thích. Không để con nít nhắc nhở thêm, tôi vội đưa tay vào thùng rác lấy vỏ chai nhựa ra và đặt đúng vị trí bên phần rác vô cơ. Và tôi cũng không quên cảm ơn cậu bé vì lời khuyên ý nghĩa đó.
Thực tế còn rất nhiều người có tính chủ quan như tôi. Người ta cứ nghĩ rằng cho rác vào thùng là đã văn minh rồi, chứ không màng đến việc phân loại vô cơ, hữu cơ riêng biệt. Qua tìm hiểu thì tôi được biết ở nhiều quốc gia trên thế giới, người ta đã biết phân loại rác từ rất lâu. Chẳng hạn như nước Đức, có khoảng 4 thùng rác với 4 màu khác nhau (không chỉ 2 thùng như nước ta): nhựa và bao bì được cho vào thùng màu vàng; giấy và thùng các-tông chứa vào thùng màu xanh dương; thủy tinh có 2 thùng, màu trắng cho chất liệu sáng và màu xanh lá cây cho thủy tinh màu. Chính vì thế, nước Đức đã đạt được tỉ lệ tái chế rác tới mức 65%. Trong khi người Việt chúng ta chỉ mới dừng lại ở ý thức cho rác vào thùng trong vài năm gần đây. Việc phân loại rác không những bảo vệ môi trường mà còn giúp cho người lao công đỡ vất vả hơn. Để ý thức này được nhân rộng khắp, người lớn phải làm gương cho trẻ em. Một khi trẻ học được điều hay này từ phụ huynh nhiều lần thì trẻ sẽ có thói quen tự giác. Như trường hợp cậu bé mà tôi đã kể trên.
Nguyễn Thanh Vũ