Làng nghề cổ và cơ duyên...
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Bắc, làng nghề tạc tượng và làm sơn son thếp vàng, thếp bạc ở Sơn Đồng đã có từ lâu. Theo Ngọc phả Thần tích đền thờ cụ tổ nghề tạc tượng tại đền Thượng, xã Sơn Đồng, được soạn năm 976 triều Tiền Lê, tại làng Sơn Đồng thờ cụ Đức thánh Đào Trực. Cụ là người đã có công “phục nghệ giáo dân”, tức khôi phục nghề và dạy học cho dân. Sau khi cụ qua đời, nhà vua lệnh cho bản trang Sơn Đồng lập miếu, tạc tượng thờ. Người được bản trang Sơn Đồng tôn là “Công sư phục nghệ” và thờ làm nghệ sư tổ.
Trong thời kỳ chiến tranh, làng nghề bị mai một nhiều. Đến khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ XX, cụ Nguyễn Đức Dậu cùng một vài nghệ nhân từ thời Pháp mới mở lớp khôi phục lại nghề. Đến nay làng nghề rất phát triển và nổi tiếng trong lĩnh vực đồ thờ cúng, tượng Phật. Làng nghề đã được chọn là một trong 5 làng nghề tiêu biểu được rước Tổ nghề vào nội đô mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010.
Khi tìm đến làng Sơn Đồng, lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến quy trình sản xuất tượng, được ngắm các sản phẩm tinh xảo, thấy được sự kỳ công của kỹ thuật sơn son thếp vàng và được hòa mình vào bản nhạc tạo nên từ tiếng đục, tiếng cưa mang đậm chất làng nghề Sơn Đồng. Không ai trong chúng tôi có thể nghĩ rằng mình đang đứng trong một ngôi làng mỹ nghệ trong lĩnh vực tượng Phật, đồ thờ cúng nổi tiếng bậc nhất nước ta.
Dấu ấn Sơn Đồng trên đền, chùa, phủ ở Đồng bằng Bắc Bộ
Nhắc đến làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, không chỉ người dân Thủ đô mà nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đều biết tiếng. Theo những người thợ ở Sơn Đồng, hầu như ở các di tích đền, chùa, phủ... trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ đều có dấu ấn bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân làng mỹ nghệ Sơn Đồng.
Làng nghề Sơn Đồng hiện nay có hơn 300 hộ gia đình sản xuất chuyên nghiệp, quy tụ 4.000 thợ lành nghề trong tổng số hơn 8.000 nhân khẩu của xã. Trong số tay thợ lành nghề của Sơn Đồng có đến hơn một nửa là thợ giỏi và được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân. Đồ thờ của làng nghề Sơn Đồng phục vụ cho nhu cầu trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, nhà thờ, điện thờ, bàn thờ gia tiên... Sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm trên 50% thị phần toàn quốc và chủ yếu là tượng Phật, tượng Đức Thánh, những người anh hùng, các linh vật thờ như ông Ngựa, ông Hạc, hoành phi, câu đối, cuốn thư, án gian, ban thờ... Tất cả đều được sơn son, thếp vàng, thếp bạc một cách tỉ mỉ và công phu.
Sản phẩm điêu khắc gỗ Sơn Đồng thường xuyên được gửi tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Những nét tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng Sơn Đồng đã để lại dấu ấn ở khắp nơi. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, người thợ Sơn Đồng còn sáng tạo làm tượng chân dung, tượng mỹ nghệ để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của các đối tác nước ngoài. Không ít Việt kiều sau khi đến tham quan làng nghề Sơn Đồng đã đặt hàng, thậm chí còn mời thợ ra nước ngoài để xây chùa, đình phục vụ cộng đồng người Việt. Giờ đây, giá trị của những bức tượng được nâng lên hơn trước rất nhiều, có một số bức tượng khách hàng đặt mua với mức giá hơn 100 triệu đồng.
Làng mỹ nghệ Sơn Đồng - Nơi thổi hồn cho gỗ
Bằng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng Sơn Đồng đã “thổi hồn” vào những khúc gỗ mộc mạc, khô khan tạo ra những sản phẩm với nét tinh hoa, độc đáo riêng biệt. Nét tinh hoa của nghệ nhân Sơn Đồng đã từng được khái quát: “Mắt người chưa thấy dung nhan Phật/Mà tự tay người Phật hiện ra”.
Để chế tác ra một sản phẩm không hề đơn giản, đặc biệt là trong việc chế tác đồ thờ và tượng thờ lại càng quan trọng hơn do phải tuân thủ theo các tính chất của tôn giáo. Đồng thời, để bức tượng “sống” đòi hỏi những nghệ nhân thật sự tài hoa và có phẩm hạnh, tâm linh mới tạo nên được cái thần cho các pho tượng.
Theo anh Nguyễn Lương Minh, một người thợ làng nghề Sơn Đồng: “Nói đến thời gian để tạc một pho tượng Phật là vô kể. Bởi khi tâm trạng không tốt, mấy ngày cũng không tạc được một pho tượng, nhưng khi tinh thần thoải mái, tập trung vào công việc thì tạc tượng sẽ nhanh, pho tượng cũng sẽ có hồn”.
Anh Minh cũng cho biết: "Trong quá trình tạc tượng Phật, khó nhất vẫn là khuôn mặt. Bởi một pho tượng có hồn hay không và thể hiện tài hoa của người thợ là thể hiện qua khuôn mặt. Để làm được điều này, người thợ phải hiểu rõ về lịch sử, tính cách đặc trưng, những biểu hiện trên khuôn mặt của từng vị Phật, Đức Thánh"…
Quả thật, người Sơn Đồng có bí quyết và kinh nghiệm điêu khắc riêng. Từ cách chọn gỗ, cách chế tác đều được thực hiện công phu tỉ mỉ, kết hợp với bàn tay khéo léo để tạo nên một sản phẩm có chất lượng. Theo kinh nghiệm cha ông làng nghề này để lại, loại gỗ để làm nên tượng Phật chuẩn xác phải là gỗ mít già, có tuổi tầm 500 - 700 năm mới lấy được lõi làm nên tượng nguyên bản. Nhưng ngày nay, rất hiếm cây mít lớn tuổi như vậy nên tượng được chắp ghép từ nhiều cây gỗ mít tốt nhỏ hơn, tạc thành.
Ngoài ra, các công đoạn làm nên một tác phẩm bằng gỗ là hoàn toàn thủ công, không sử dụng bất kỳ máy móc thiết bị gì. Do đó, sản phẩm khi đưa ra thị trường đều có “hồn” và được người tiêu dùng ghi nhận. Đặc biệt với những chi tiết đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế như mài mịn, lót và kẹt lại những vết nứt trên gỗ, diện cho tượng, những nghệ nhân nữ sẽ thực hiện.
Theo những người thợ chạm khắc Sơn Đồng, tuy quy trình làm nên một pho tượng Phật không khác so với quy trình làm nên một sản phẩm nơi khác nhưng tay nghề của những người thợ làng Sơn Đồng thường có sự khác biệt so với các sản phẩm ở Thường Tín, Thanh Oai (Hà Nội)… “Để tạc được tượng Phật, người thợ phải trải qua quá trình học lâu dài, từ việc nhớ chi tiết đặc điểm của từng vị Phật đến việc tạo khối, chạm khắc… Đối với những người khéo tay, chăm chỉ mất khoảng thời gian từ 5 đến 6 năm để học, còn có người mất 10 năm mới có thể tạc được tượng Phật. Điều đặc biệt, những người thợ Sơn Đồng khi tạc tượng Phật không cần sử dụng đến hình ảnh mẫu và chính từ đó, người dân chúng tôi tạo nên những sản phẩm và thương hiệu riêng cho làng nghề Sơn Đồng. Pho tượng lớn nhất mà xưởng chúng tôi đã thực hiện là bức tượng Phật A Di Đà cao 7,5m và nặng 10 tấn. Chúng tôi có những người thợ lành nghề nhất nên chúng tôi rất tự tin. Hi vọng trong tương lai, nghề tạc tượng Phật ở Sơn Đồng sẽ ngày càng phát triển, được các lớp con cháu yêu nghề và gắn bó”, anh Nguyễn Hữu Quang, một người thợ lành nghề chia sẻ.
Đặc biệt hơn, mỗi một sản phẩm làm ra đều được người dân Sơn Đồng trân trọng và tôn kính nên thường gọi những bức tượng Phật là Ông Tượng, Ngài Tượng. Những bức tượng gỗ được mang đi đều xếp đặt theo ngôi thứ rất rõ ràng. Những chi tiết nhỏ ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng đã hình thành một nếp nghề rất đáng quý.