Rất nhiều tin đồn liên quan đến ông chủ Tập đoàn Hoa Sen – Cư sĩ Lê Phước Vũ (Pháp danh Hoằng Lược) – hiện đang sống ở đâu khi không hề xuất hiện trong bối cảnh Tập đoàn trở thành tâm điểm của dư luận.
Và rất bất ngờ trong động thái mới đây, ông Vũ cho biết đang sống trên núi, 1 tháng chỉ ghé Hoa Sen 2 lần, mỗi lần 2 tiếng. Đồng thời, ông Vũ còn miêu tả núi nơi mình sống như cảnh thần tiên, có suối để tắm rất đẹp.
Chủ tịch Lê Phước Vũ đã lên núi và sống thanh tịnh
Chi tiết, nói về những khó khăn thời gian qua của Hoa Sen, ông Vũ cho biết do sự đảo lộn từ khi Trump lên làm tổng thống Mỹ, và Tập đoàn phải chuyển chủ trương hoạt động sang quản lý hàng tồn, tạm ngưng đầu tư mở rộng độ phủ.
Và trong cơn bĩ cực, Chủ tịch Vũ phân trần rất may mắn vì tính đến hiện tại Hoa Sen có một ban lãnh đạo đã có sự va chạm, sự mài dũa và đạt độ chín nhất định.
Đội ngũ lãnh đạo luôn trung thành với Tập đoàn, và điều này khiến Chủ tịch Vũ yên tâm để chỉ đến Tập đoàn 2 lần, mỗi lần cũng chỉ 2 tiếng đồng hồ, hàng ngày cũng thi thoảng mới gọi cho Tổng Giám đốc 1 cuộc điện thoại hay Phó Chủ tịch 1 cuộc điện thoại.
"Công việc rất tốt, đâu cần đến tôi đâu. Khi nào Cà Ná có giấy phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi", ông Vũ nhấn mạnh.
Ông Vũ cho biết thêm, mặc dù ở xa nhưng bản thân vẫn nắm hết công việc, bởi không thể Chủ tịch hai mươi mấy năm nay đi đòi nợ, đi bán hàng, đi kiểm kê kho, đi xuống công trường… đến lúc cũng phải được nghỉ nếu không "chết sớm thì sao".
Theo đó, ngày xưa tay chân yếu giờ tay chân khỏe rồi, ông Vũ cho biết chỉ còn dùng cái đầu thôi, như vậy theo vị này mới là Chủ tịch!
Cư sĩ Lê Phước Vũ chọn cuộc sống thảnh thơi, an nhàn
Có mặt trong đại hội cổ đông Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ngày 14/1, ông Lê Phước Vũ cho biết đang sống trên núi, nơi có cảnh sắc thần tiên. Mỗi tháng ông chỉ ghé qua Tập đoàn Hoa Sen 2 lần, mỗi lần 2 tiếng.
Cơ sở để Chủ tịch Hoa Sen thảnh thơi, an nhàn với cuộc sống tự tại theo chia sẻ của ông là vì tính đến hiện tại Hoa Sen đã có một ban lãnh đạo đã có sự va chạm, sự mài dũa, đạt độ chín nhất định và trung thành với Tập đoàn. Chính điều này khiến Chủ tịch Lê Phước Vũ yên tâm.
“Chủ tịch hai mấy năm nay đi công trình, đi đòi nợ... cũng phải cho chủ tịch nghỉ chứ, nếu không thì chết sao”, ông Vũ nói.
Lên núi sống, người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen cảm thấy nhẹ nhõm và thấy vui, cuộc sống nhẹ nhàng, tâm trí không mệt mỏi.
Ông Vũ cho biết, hiện tại bản thân ở trên núi, nếu ai có muốn gặp ông thì lên núi để gặp, dưới Đà Lạt ngay chân đèo Bảo Lộc. Dù ở khá xa về mặt địa lý nhưng Chủ tịch Tôn Hoa Sen cho biết bản thân ông vẫn nắm hết công việc.
Thấy may mắn vì không làm Cà Ná và sống thanh tịnh trên núi
Liên quan đến Cà Ná, không làm theo ông Vũ ngẫm lại thấy may mắn. Bởi, "nếu đang làm Cà Ná thì phải đứng công trường từ sáng đến tối ròng rã 1 tháng 30 ngày.
Vì không làm Cà Ná nên giờ tôi ở trên núi, 3 giờ sáng dậy tập công phu đến 5-6 giờ, cuộc sống an lành và vui lắm, tâm an thì trí sáng, quý vị nào thích lên tắm suối, suối của tôi tuyệt vời", người đứng đầu Hoa Sen miêu tả đó là cảnh thần tiên, cho rằng trời đất thương mình nên cho ông chút gì đó an ủi!
Lên núi rồi, người đứng đầu Hoa Sen chia sẻ ngộ nhận một điều rằng: "Mình sống thanh tịnh, cái trí mình sáng, cái lòng mình vui".
Con đường đến với Phật pháp của cư sĩ Lê Phước Vũ
Cha mẹ ông Vũ quê ở Điện Bàn, Quảng Nam nhưng ông sinh ra ở Bình Định. Ông kể rằng thuở nhỏ hay lên chùa nhưng khi đó ông chưa có đức tin. Tuy nhiên, nhiều biến cố sau này đã làm ông bước vào con đường Phật pháp.
Tinh thần đạo Phật không chỉ toát lên ở con người ông, mà nó thực sự thấm nhuần trong văn hóa của Hoa Sen - tập đoàn do ông gây dựng. Logo của Hoa Sen là hình hoa sen cách điệu, 8 cánh hoa biểu trưng cho Bát chính đạo của nhà Phật. Văn hóa của Hoa Sen dựa trên 10 chữ T: “Trung thực - Trung thành - Tận tụy - Trí tuệ - Thân thiện”. Trong đó, tiêu chí trung thực được ông đặt lên hàng đầu.
Ông Vũ từng chia sẻ: “Tôi là Phật tử thực sự. 'Gặp' Đức Phật là nhân duyên lớn nhất trong đời tôi. Đó là một giá trị vô giá, từ giá trị đó tôi tạo ra giá trị vật chất. Ông Vũ ngày nay dù vẫn còn phàm phu, nhưng đã thánh thiện hơn nhiều so với ông Vũ trước khi giác ngộ đạo Phật cách đây 20 năm”, ông Vũ nói về mình.
Phương châm kinh doanh theo Phật pháp của cư sĩ Lê Phước Vũ
Bên cạnh tinh thần làm việc hết mình và không nản chí trước mọi khó khăn, ông Lê Phước Vũ đã giác ngộ, đưa triết lý nhà Phật vào cuộc sống với suy nghĩ: "Sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người".
Ông Vũ cho hay, ông bắt đầu tìm hiểu đạo Phật sau những biến cố trong cuộc đời. Ông khởi tâm đi tìm bản chất thật của đời sống hiện tại, cũng như bản chất của những cảnh giới khác tương tác vào đời sống con người.
Sau một thời gian khá dài tìm hiểu Phật pháp ông đã có một cái nhìn tỏa ngộ từ các trạng thái tâm thức và sự chuyển hóa tâm thức. Biến chuyển lớn nhất từ khi theo đạo Phật, của ông Vũ chính là sự thay đổi hoàn toàn về lối sống tâm linh, về nhận thức, suy nghĩ và cách hành động như thế nào cho phù hợp.
Triết lý đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến đường lối kinh doanh của Hoa Sen. Có hai tính cách đối lập trong con người ông, đó là sự khát khao mãnh liệt của một nhà kinh doanh và sự điềm tĩnh học tập từ đức Phật và các vị sư.
Phương châm kinh doanh của Chủ tịch Lê Phước Vũ là làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm chính đáng cho người lao động, mang lại những hạnh phúc căn bản nhất cho con người.
Trước sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh, ông luôn nhất quán với nguyên tắc kinh doanh trung thực của nhà Phật: phát triển Hoa Sen dựa trên 3 nền tảng giá trị cốt lõi: Trung thực - Cộng đồng - Phát triển.
Ông khẳng định nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Ở Hoa Sen, tính trung thực và tính cộng đồng là hai tiêu chí được đặt lên hàng đầu và trở thành nét văn hóa của công ty.
“Do hệ quả của thời kỳ bao cấp để lại, ngoài thu nhập chính thống nhiều vị cũng kiếm thêm nhưng riết thành quen nên khi bắt tay xây dựng một văn hóa mới, nhận thức mới cho người lao động cực kỳ khó. Nhưng chúng tôi nhất quyết không có chuyện huê hồng, không chấm mút hành, tiêu, tỏi, mắm. Có lòng trung thực mới có sự tin cậy. Có tin cậy mới xây dựng cuộc sống tốt hơn”, ông chia sẻ
Phương châm kinh doanh của Chủ tịch Lê Phước Vũ là làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm chính đáng cho người lao động, mang lại những hạnh phúc căn bản nhất cho con người.
Cho dù có rất nhiều người quan tâm đến việc ông Vũ đã chọn cho mình một quả núi, nơi ông có thể toàn tâm toàn ý cho đạo Phật, thì với mục tiêu “số một” của Hoa Sen chắc chắn rằng, Phật tử Lê Phước Vũ vẫn còn nhiều duyên nợ với đời!
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, cư sĩ, pháp danh Hoằng Lược
Ông Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh từ một cơ sở bán lẻ tôn vào năm 1994. Năm 2001, sau 7 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm kinh doanh, ông sáng lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Ông đã phát triển Hoa Sen thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành thép.
Với gần 42,9 triệu cổ phiếu HSG đang nắm giữ - có giá trị 754 tỷ đồng tính theo giá cổ phiếu ngày 27/11- ông Vũ hiện là người giàu thứ 19 trên TTCK Việt Nam. So với đầu năm, cổ phiếu HSG đã tăng hơn gấp đôi.
Đã nhiều năm nay, đêm giao thừa nào, ông Vũ cũng dành trọn thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới để tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt. “Tôi muốn nhân viên của tôi thấm nhuần văn hóa kinh doanh là trung thực - cộng đồng - phát triển”, ông Vũ nói.
“Có mâu thuẫn nào trong một con người vừa là Phật tử đích thực, vừa là một doanh nhân trên thương trường như chiến trường hay không?”. Ông trả lời: “Vấn đề là ta chiến thắng bằng phương thức nào. Nếu cạnh tranh một cách lành mạnh, kinh doanh một cách trung thực, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt với giá thành thấp là hợp đạo”.