Những ngày đầu chỉ có nắng, gió, cát và cả những con côn trùng lạ lẫm chưa từng biết, không một bóng cây, không một ngọn cỏ, như chưa từng có sự sống nơi này, giống như hành trình về hướng Tây của Đại sư Pháp Hiển, hay Ngài Huyền Trang đều phải đi qua sa mạc với đầy dẫy sự nguy hiểm nhưng vẫn không ngăn được bước chân tìm đến chân lý. Sau hai mùa Hạ, tất cả đều thay đổi, lột xác một cách bất ngờ, Học viện giờ đây phủ đầy màu xanh non mơn mởn của lá cây, cỏ đậu, màu vàng ánh của những gốc chuông vàng, hoa đại mai, những cánh sen hồng, hoa chiều tím đua nhau khoe sắc từng cụm, từng khoảng sân tạo nên một bức tranh phong cảnh rất tự nhiên đan xen vào nhau. Tất cả đều nhờ vào bàn tay, khối óc của những con người nơi đây.
Những buổi lên lớp thật sinh động với tình Thầy trò, với tri thức mới mẻ, tiếng cười giòn tan hòa vào kí ức của mỗi Tăng Ni sinh qua từng ngày, thân thương và quen thuộc. Những buổi tan trường bất chợt cơn mưa nặng hạt vụt qua cũng không ngăn được bước chân trở về nội xá ấm áp – nơi có những người bạn đồng tu đang chờ đợi bữa cơm chiều chuẩn bị sức khỏe cho thời khóa cuối trong ngày. Tất cả đọng lại trong trái tim mỗi người con Phật đã từng là sinh viên dưới mái trường, đặc biệt hơn nữa cùng chung sống dưới một mái nhà chung – Học viện. Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại,… để cho những ánh mắt không còn đau đáu một nỗi buồn khi hoài niệm về trường cũ, thầy xưa.
Chiều Chủ nhật cùng lao động làm xanh, sạch cảnh quan của trường với tiếng cười vui rộn rã, xua tan những mệt nhọc một tuần dài ngồi trên lớp. Những que kem, chai nước ngọt, gói bánh giòn tan… tay chuyền tay không ngừng nghỉ đã gắn kết tình huynh đệ – những người con đến từ những vùng đất khác nhau trên dải đất hình chữ S… Biển kiến thức thật mênh mông, rộng lớn, bốn năm trôi qua chưa đủ để có thể dung chứa tất cả nhưng bằng sự nỗ lực và cố gắng, những tân cử nhân Phật học giờ đây có thể vững bước trên con đường hoằng hóa độ sinh.
Những chú chim non giờ đây đã đủ lông đủ cánh, đã có thể thay thế tiền nhân tiếp bước con đường hoằng dương Chánh pháp, trở thành mô phạm cho thế hệ tiếp theo. Một cánh cửa mới lại mở ra: trở thành Tăng Ni du học sinh, hay trở về trú xứ hoằng pháp, cũng có khi ở lại nơi này, tiếp tục góp phần làm thêm màu xanh cho đất, màu vàng cho hoa và sức sống cho tất cả. Tất cả cũng đều theo lời dạy của Đức Phật: “Các ngươi hãy đi vì lợi ích của chư Thiên và loài người. Hãy đi mỗi người một hướng, đừng đi hai người một hướng”. Trở thành những người mang sứ mệnh, trọng trách gánh vác sự nghiệp lâu dài của chư vị tiền bối, không ít lần ý niệm chùn bước đã hiện hữu trong tâm thức những Tăng Ni sinh trẻ, những tâm hồn non nớt trước sự thênh thang của cuộc đời, nhưng dù sớm hay muộn, họ cũng phải đi tới, đi lên để không phụ ân giáo dưỡng của Thầy Tổ, cha mẹ, đàn na tín thí và quốc gia.
Cơn gió thoảng qua nhẹ nhàng nhưng cũng đủ làm khóe mắt cay cay. Mùi thơm của cỏ xanh, hoa trang dây nở từng chùm rực rỡ, chợt chạnh lòng khi một ai đó trong chúng ta đứng giữa nơi đất khách quê người nhớ về những năm tháng bên nhau của tuổi học trò, hay nhìn những cơn mưa ở quê nhà lại mơ về tiếng giảng bài, giọng cười đùa chen lẫn tiếng chuông reo tan trường. Mỗi một gốc cây, ngọn cỏ đều ghi dấu chân của những người đầu tiên bước chân vào miền đất hứa để thay đổi, dựng xây và làm nên lịch sử. Mai đi xa, tất cả những kí ức còn đọng lại sẽ góp cùng hành trang vào đời hoằng đạo của mỗi Tăng Ni sinh chúng ta. Và có lẽ, tuy chúng ta không từng sinh ra nơi đây, nhưng vẫn có thể trở lại đây bất cứ lúc nào để hoài niệm về những ngày xưa ấy. Một thời để nhớ….
Nhuận Bảo