Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ hai của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, có lần ngài Pháp Loa hỏi Tổ Trúc Lâm:
- Khi muôn dặm mây tạnh thì thế nào?
Tổ Trúc Lâm đáp: - Mưa tầm tã.
Lại hỏi: - Khi muôn dặm mây che kín hết thì thế nào?
Đáp:- Trăng vằng vặc.
Theo tâm lý thế gian nghe vậy là không hiểu gì hết, nói chuyện ngược đời. Muôn dặm mây tạnh tức là trời trong sáng, không có vết mây thì làm sao mưa, đây Ngài lại đáp: "Mưa tầm tã".
Còn hỏi: "Muôn dặm mây che kín hết" là đang mưa, mà Ngài lại đáp: "Trăng sáng ngời".
Theo thế gian thấy giống như nghịch lý, nhưng trong nhà thiền là đánh thức cho hành giả sống trở về ngay thực tại sáng ngời, phải sống "ngay bây giờ đây".
Muôn dặm mây tạnh, tức là trời trong sáng, trời trong sáng đây có hai ý: Thiền sư vừa mượn hình ảnh trời trong sáng, nhưng cũng muốn nói bầu trời tâm của mình trong sáng không có vết mây, mà ông còn hỏi chi cho động niệm, động niệm là mây mưa tầm tã rồi.
Câu thứ hai hỏi: "Muôn dặm mây che kín thì sao?". Nếu nói tâm mình bị che kín, không còn chỗ nào để ló đầu.
Vậy ai biết hỏi đây, đã biết hỏi thì đâu có che, nên Sơ Tổ đáp: "Trăng sáng ngời". Tâm vẫn hiện hữu sao còn chưa tỏ ngộ? Chúng ta thấy Thiền sư đáp, mới nghe dường như nghịch lý, nhưng hiểu ra thì rất chí lý.
Quả thật, tâm thiền của Ngài luôn luôn hiện hữu sáng ngời, chưa từng vắng mặt bao giờ. Ngay lúc đang hỏi đáp, tâm của Ngài vẫn sáng nên đáp một cách trực tiếp bén nhạy. Chân lý thiền rất đơn giản, gần gũi đâu có gì xa lạ.
Ngay thực tại đây thôi. Ngay chỗ chúng ta ngồi đây, biết sống trở về là thiền là đạo. Nhưng do con người quen thêm vào, quen tưởng tượng nên thành ra rắc rối, khó hiểu. Nếu chúng ta buông bỏ những tưởng tượng thì thiền rất đơn giản.
Như câu chuyện trà Triệu Châu. Có vị tăng đến chỗ Thiền sư Triệu Châu. Ngài Triệu Châu liền hỏi:
- Ông từng đến đây chăng?
Vị tăng thưa:- Đã từng đến.
Triệu Châu liền bảo:- Vậy thì uống trà đi!
Vị tăng khác đến, Sư hỏi:- Ông từng đến đây chăng?
Vị tăng thưa:- Chưa từng đến.
Sư cũng bảo:- Uống trà đi.
Vị viện chủ thấy vậy thắc mắc hỏi:- Từng đến cũng bảo uống trà đi, chưa từng đến cũng bảo uống trà đi, vậy là sao?
Ngài Triệu Châu liền gọi:- Viện chủ.
Viện chủ đáp:- Dạ.
Sư cũng bảo:- Uống trà đi!
Mới nghe thấy giống như thầy trò đùa chơi, nhưng đó chính là đánh thức cho người học sống trở về ngay thực tại đang hiện hữu, không khởi thêm niệm gì khác. Ông đã từng đến đây, có mặt tại đây thì còn hỏi gì nữa, uống trà đi là xong.
Vị tăng kia bảo ông chưa từng đến, chưa từng đến vậy ai đang đứng đây? Đang đứng đây tức là đã đến rồi, mà nói chưa từng đến là ông đang nhớ về chuyện quá khứ hôm qua, hôm kia. Hiện tại đang đứng đây thì ông đang ở đây, cho nên cũng uống trà đi, là xong.
Vị viện chủ cũng giống như mình, chuyện đến hay chưa đến là việc của người ta, không dính dáng gì tới ông hết. Gọi thì ông biết dạ, ngay đó đủ rồi khỏi phải hỏi thêm chuyện của người chi nữa, cũng uống trà đi là xong.
Chúng ta thấy các Thiền sư rất thực tế, đang ở đây thì có mặt ở đây, nghĩ cái khác là quên mất thực tại đang hiện hữu gọi là mất mình, là mặt trời bị mây che, cần phải tỉnh lại là xong.
Có lần Thiền sư Huyền Sa đang ngồi chỉ một điểm trắng ở dưới nền đất, Ngài hỏi ông tăng kế bên:- Ông có thấy không?
Vị tăng thưa:- Dạ thấy.
Ngài nhấn mạnh trở lại:- Ông có thật thấy không?
Vị tăng nói:- Dạ thấy.
Ngài hỏi thêm lần thứ ba nữa:- Ông thấy thật không?
Vị tăng nói:- Dạ thấy.
Ngài Huyền Sa mới bảo:- Ông cũng thấy, ta cũng thấy. Vì sao nói là chẳng hội?
Như bây giờ bình hoa ở đây, ai cũng thấy mà sao có người ngộ có người chẳng ngộ? Hai người đồng thấy một điểm trắng rõ ràng, nhưng Thiền sư thì ngộ còn vị tăng chẳng ngộ, là vì vị tăng thấy nó nhưng lại chạy theo nó nên quên mất chính mình. Chúng ta ở đây cũng vậy, nhìn thấy bình hoa rồi đồng hóa mình với bình hoa nên quên mất thực tại.
Học thiền rất đơn giản, thực tế ngay trong cuộc sống, ngay nơi thực tại đây thôi. Nhưng chúng ta không thấy được là do tâm mình quen tưởng tượng xa xôi.
Có lần một học giả đến học đạo với Thiền sư Việt Khê, người Nhật Bản. Ông tha thiết hỏi về thiền đạo:
- Bạch thầy! Con đã nghiên cứu về Phật học, Nho học hơn hai mươi năm. Những điều đó con hiểu rất nhiều, nhưng còn một điểm con chưa rõ biết là thiền đạo. Xin thầy giải thích cho con hiểu về thiền đạo.
Ngay đó Thiền sư Việt Khê tát cho một tát tay. Ông bực tức bỏ đi, đến gặp vị thủ tọa ở trong chùa. Vị thủ tọa thấy vẻ bực bội của ông, biết có chuyện nên Ngài cũng nhẹ nhàng bảo:
- Có việc gì vậy? Người học thiền cần phải bình tĩnh, có việc gì mà phải bực bội, thôi ông hãy ngồi đây uống tách trà đi.
Ông nghe vậy cũng hơi cởi mở, ngồi xuống uống trà với Ngài thủ tọa. Trong khi ngồi uống trà thì ông liền tuôn ra những lời bực bội về Thiền sư Việt Khê, đến hỏi đạo chưa gì bị tát cho một bạt tay. Bất chợt, vị thủ tọa cũng đánh vào tay ông, tách trà rơi xuống đất vỡ tan.
Vị thủ tọa mới nói:- Vừa rồi ông nói là hiểu được Phật học, Nho học chỉ còn có chút thiền đạo là ông chưa hiểu thôi. Bây giờ đây tôi đã đem thiền đạo cúng dường cho ông rồi, ông có biết cái gì là thiền đạo chăng?
Lúc đó ông ngơ ngẩn không biết gì. Ông nghĩ Thiền đạo gì đâu, chưa chi đã bị đánh, tách trà rớt xuống đất. Vậy là cái gì chứ?
Vị thủ tọa hỏi lại lần nữa, ông cũng không biết.
Vị thủ tọa mới nói:- Thật là không xứng cho ông thấy thiền đạo của chúng ta.
Vị thủ tọa bèn cúi xuống nhặt những mảnh vỡ của tách trà lên, lấy giẻ lau khô nước trà ở trên nền đất. Rồi bảo:
- Ngoài những thứ này ra còn có thiền đạo nào nữa không?
Ngay đó ông liền tỉnh ngộ. Ông ở lại tham thiền với Thiền sư Việt Khê.
Vậy thiền đạo ở chỗ nào? Đa số người đi học thiền, cứ nghĩ thiền đạo là cái gì cao siêu trên trời trên mây. Trong khi đó Thiền sư chỉ rất là đơn giản, ngay chỗ việc làm hằng ngày của mình đây, như tách trà rớt xuống, lượm lên lau khô nước.
Mọi cử chỉ chúng ta làm trong tỉnh giác, sáng suốt thì đó là thiền đạo. Sống ngay thực tại hiện tiền sáng ngời đó là thiền đạo. Như chúng ta đang làm bếp nấu nướng, làm trong tâm sáng suốt tỉnh táo đó là thiền đạo.