>> Phật pháp và cuộc sống
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, có người tốt kẻ xấu, có những việc thiện, việc ác và chúng luôn diễn ra trong cuộc sống của chúng ta bất kỳ lúc nào mà không theo sự sắp đặt hay suy nghĩ của một ai.
Sống trên cuộc đời này chúng ta từng không ít lần phải rơi vào trạng thái mất đi niềm tin, tuyệt vọng, đau khổ về một ai đó, một việc gì đó mà mình đã hi vọng và nỗ lực rất nhiều để mong muốn mọi thứ theo suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, nếu là người học Phật, chúng ta sẽ hiểu vạn vật trong vũ trụ này luôn có sự chi phối của luật nhân quả, nhân duyên.
Thứ đắt giá nhất trên đời này là lòng tin. Để có được có khi cần rất nhiều thời gian, nhưng để đánh mất thì chỉ cần vài giây ngắn ngủi.
Dù chúng ta là ai, chúng ta đang làm trong ngành nghề gì, ở vị trí nào thì việc chiếm được cảm tình, lòng tin của người khác là một điều nên làm và nên có. Chưa hẳn là việc xây dựng được lòng tin của mọi người dành cho chúng ta thì sẽ làm cho ta thành công, nhưng chắc chắn rằng, bản thân chúng ta sẽ cảm nhận rõ nhất những cái được từ việc một ai đó tin tưởng mình. Đó là sự yêu quý, sự tôn trọng, những cái nhìn chứa đầy những niềm tin, sự ngưỡng mộ... mà chỉ khi nhận được sự tin tưởng, chúng ta mới cảm nhận được.
Từ xa xưa đến nay, liệu có ai đạt được thành công rực rỡ mà bản thân họ lại là người không trung thực, ích kỷ, kiêu ngạo... Hay chúng ta vẫn thường thấy những bậc hiền tài, những vị doanh nhân thành đạt là những người luôn đối xử tốt với mọi người, luôn giữ thái độ ôn hòa, thân mật, xây dựng thành công từ chính sự nỗ lực của bản thân và không ngừng giúp đỡ mọi người...
Vai trò của lòng tin trong cuộc sống
Lòng tin là chất keo dính để kết nối các mối quan hệ xã hội và để mọi việc trong cuộc sống được vận hành trơn tru. Tin vào những điều tốt đẹp sẽ giúp chúng ta cảm thấy yêu đời và có những động lực.
Nếu bạn tin trong cuộc sống còn những những mảnh đời bất hạnh, thiếu thốn thì tâm bạn lại rộng mở và luôn có những hành động tích cực để san sẻ. Khi ấy, bạn sẽ tự tìm được niềm vui cho chính mình.
Hay bạn tin rằng: Bằng sự nổ lực, phấn đấu của mình trong công việc hay trong sự tu tập sẽ đạt được thành quả như mong muốn. Từ đó, bạn sẽ có nguồn động lực lớn để vượt qua những thử thách.
Vì sao lòng tin bị đánh mất?
Nguyên nhân 1: Do gặp nhiều sự lừa dối trong cuộc sống
Nếu như lòng chân thành là chất liệu để xây dựng nên lòng tin thì sự lừa dối là một cơn bão tố làm sụp đổ đi bức tường thành của lòng tin. Ở đời, người ta dùng sự lừa dối để đạt được lợi ích cho cá nhân, bảo vệ quyền lợi của họ hay để làm đau khổ, trả thù người khác.
Câu chuyện dân gian Tấm Cám, Thạch Sanh Lý thông, Cô bé quàng khăn đỏ hay truyện lịch sử Mị Nương Trọng Thủy… đều cho ta thấy rõ về sự lừa dối vì mục đích cá nhân.
Xã hội càng hiện đại thì dường như tâm con người lại nhỏ hẹp, ích kỷ nhằm bảo vệ cái tôi, bảo vệ những vật chất, quyền lợi mà họ đang sở hữu được mà dễ quên mất đi tình người, tình thân.
Nguyên nhân 2: Ảnh hưởng từ môi trường xung quanh
Đôi khi, những người có tính hoài nghi, mất niềm tin không nhất thiết họ đã từng bị tổn thương về lòng tin, mà do họ bị ảnh hưởng từ môi trường sống trong gia đình.
Một đứa trẻ sống trong gia đình chứng kiến cảnh ba mẹ lừa dối nhau sẽ có thái độ sống phòng ngừa, khép kín hoặc hình thành cách sống hờ hợt vì luôn e sợ người khác sẽ làm tổn thương mình. Ngược lại một đứa trẻ sống trong sự yêu thương, chân thành thì tấm lòng sẽ cởi mở hơn, suy nghĩ tích cực hơn.
Nguyên nhân 3: Thường bị chê trách nhiều.
Lòng tin có hai dạng: Tin ở bản thân mình và tin ở người khác. Những người thiếu tự tin là họ không tin vào khả năng bản thân mình khi họ đã rơi vào nhiều lỗi lầm, sai trái hay có những mặt hạn chế mà lại không nhận được sự động viên, chỉ dẫn, ngược lại là sự chê cười, mỉa mai, chê trách. Từ đó, họ sẽ bị áp lực và mất hẳn đi niềm tin ở bản thân, cảm thấy bất tài và tự khép kín mình.
Biểu hiện của người mất lòng tin
Lòng tin là nguồn sống của tinh thần, khi một người bị lừa gạt nhiều hay thiếu tự tin, theo bản năng họ sẽ có những hành động để bảo vệ lấy mình như: Thu hẹp mình, ít cởi mở, hòa đồng với mọi người vì tâm lý sợ lừa gạt; Có thái độ nghi ngại trước ai đó hay sự việc nào đó; Có tâm trạng lo âu và những suy nghĩ tiêu cực về các mối quan hệ xung quanh và về chính bản thân mình.
Vậy chúng ta có nên đánh mất lòng tin?
Nhiều người luôn khuyên rằng: Tin ai thì tin một nửa, sống đừng quá cả tin. Nghĩa là chúng ta vẫn giữ lòng tin nhưng đừng quá tin, quá đặt hi vọng hoàn toàn để tránh những hậu quả xấu xảy ra hay tránh đi sự thất vọng, đau khổ từ ai đó hay điều gì đó vì mọi thứ luôn có thể xảy ra.
Đức Phật cũng dạy rằng: “Khi nào chứng quả A-la-hán thì mình mới có thể tin vào tâm ý của mình. Nói như vậy để thấy rằng mọi thứ đều tương đối, đều vô thường đổi thay. Mình mà chưa thể tin vào chính mình thì không nên tin tưởng tuyệt đối vào người khác, dù họ là bất cứ ai hay việc gì”.
Dẫu cuộc đời bạn gặp nhiều trái ngang, lòng tin và niềm hi vọng của bạn đôi lần bị tổn thương, nhưng đừng vì thế mà mất hoàn toàn niềm tin vào cuộc sống. Một người sống không có niềm tin sẽ thấy cuộc sống ảm đảm, u tối và dễ sinh ra lối sống tiêu cực, cảm thấy mệt mỏi, chán nản sẽ bao lấy họ. Mỗi lần vấp ngã, hãy xem đó là bài học để có kinh nghiệm sống, để mình trưởng thành hơn, biết cách nhìn nhận sự việc xa hơn, sâu sắc hơn và tránh khi gặp tình huống tương tự.
Làm thế nào để lấy được lòng tin từ người khác? Làm sao để biến nó thành cơ hội tạo dựng thành công?
Đừng bao giờ nuông chiều bản thân, hãy dạy cho chính chúng ta trở thành một người tử tế. Từ ánh mắt, cử chỉ, hành động phải đáng tin cậy, khi làm việc phải có lòng tin, khi giao tiếp với mọi người thì cần phải chân thật.
Tuyệt đối đừng thể hiện những hành động giả dối để che đậy bản chất bên trong với hy vọng sẽ chẳng ai phát hiện ra, không đâu, không có gì là bí mật mãi mãi cả. Vì vậy, hãy chân thành, thành thật ngay từ đầu trong mọi mối quan hệ. Đó chính là điều kiện cần để chiếm được lòng tin, xây dựng thiện cảm đối với mọi người.
Bằng kinh nghiệm của mình, kèm theo những kinh nghiệm của người khác, chúng ta chỉ nên đặt lòng tin dựa trên hành động, kết quả, không nên đặt lòng tin từ lời nói hay lời hứa hẹn. Lòng tin có nhiều mức độ khác nhau, do đó tùy tình huống mà bạn đặt vào để hạn chế hậu quả có thể xảy ra cho bản thân.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên sống trong sự hoài nghi. Một vấn đề chưa có căn cứ để đạt lòng tin, hãy ghi nhận đó, để đó và thời gian sẽ giúp bạn cũng cố có nên tin hay không?
Có câu: Lòng tin như một trang giấy, một khi đã bị vò nát thì khó mà trở lại hoàn hảo ban đầu. Lòng tin rất khó xây dựng nhưng lại dễ làm mất đi. Một người tự làm cho mình mất đi sự uy tín sẽ nhận lại hậu quả khó lường như câu chuyện cậu bé nói dối chăn cừu. Do đó, Đức Phật khuyên người Phật tử hạn chế tối đa việc nói dối để không làm đau khổ cho mình và làm hại chính mình.
Lòng tin là một thứ khó tìm nhất, nhưng cũng là thứ dễ mất nhất. Hãy nhìn vào hành động để tin, hãy để thời gian giúp bạn trả lời câu hỏi có nên tin hay không? Và hãy luôn có những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống: Một lần vấp ngã, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm để xây dựng nên chất lượng cuộc sống tốt nhất cho mình.