>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Đức Phật
Phẩm "Du già chân thực nghĩa" gọi chân lý là chân thực, chia làm 4 loại lớn, gọi là bốn loại chân thực.
1. Thế gian cực thành chân thực:
Chỉ cho những chân thực thường thức, tùy loại và tùy tục. Lại chia làm 2 loại: Chân thực phi thế gian, không thuộc nhân loại; Chân thực thế gian, thuộc nhân loại, do tự nhiên hay tập quán, huyễn giác mà thành.
2. Đạo lý cực thành chân thực:
Chỉ cho những chân thực, có tính lý luận, do các học thuật gia nghiên cứu, suy diễn ra, lại chia thành 4 loại: Chân thực do các khoa học gia thực nghiệm mà có được; Chân thực do các triết gia tư biện mà có được; Chân thực do các nhà thần giáo tín ngưỡng, cảm ứng mà chứng đắc; Chân thực do các nhà tu định ngồi thiền mà chứng đắc.
3. Chân thực do trí tuệ thanh tịnh đã đoạn trừ phiền não chướng chứng đắc:
Đó là chân thực do các bậc thánh xuất thế dùng trí tuệ giải thoát mà chứng được. Lại chia làm 2 loại: Chân thực ngã không do hàng Thanh văn Duyên giác, tức là các Thánh Tiểu thừa chứng đắc; Chân thực một phần ngã không do các bậc Thánh Đại thừa chứng được.
4. Chân thực do trí tuệ thanh tịnh đã đoạn trừ sở tri chướng, chứng được:
Đó là chân thực pháp không do các bậc thánh Đại thừa giác ngộ chính biến tri, chứng được. Chia làm 2 loại: Chân thực pháp không do Bồ Tát chứng được một phần; Chân thực pháp không do Phật chứng đắc một cách viên mãn, tròn đầy.
Phật giáo không bao giờ phủ định chân lý của người khác một cách vũ đoán và nông nổi. Phật giáo chỉ sắp xếp các chân lý thành chủng loại và đẳng cấp, thừa nhận các loại chân lý đó đều có vị trí và giá trị của chúng.
Như trên nêu rõ, Phật giáo chấp nhận có 4 loại chân thực, tức là chân lý, chúng chỉ có sự phân biệt theo nặng nhẹ, cao thấp mà thôi.
Sự thực, cái gọi là chân lý thế gian, chân lý thường thức, thường là không chịu đựng nổi khảo nghiệm. Chân lý thường thức thời cổ đại, sang tới các đời sau, trở thành câu chuyện bông đùa. Chân lý thường thức ở xứ A, đến xứ B chỉ là chuyện suông tình! Còn cái chân lý do các học giả phát minh ra, thì hoặc là do hóa nghiệm mà có, hoặc là do suy lý mà được, hoặc là do cảm ứng thần linh, hay là do rèn luyện thân tâm, ngồi thiền điều hòa hơi thở mà chứng đắc, dù chỉ là những chân lý bộ phận, tạm thời, huyễn giả, cục bộ, giả thiết chứ không phải là chân lý vĩnh hằng bất biến.
Chân lý của Phật giáo là kết quả đạt được, sau khi đã chứng ngã không và pháp không. Chứng được ngã không thì đoạn trừ hết phiền não chướng, chứng được pháp không thì đoạn trừ hết sở tri chướng. Sau khi chứng ngã không thì giải thoát khỏi sinh tử. Sau khi chứng pháp không thì không trụ ở Niết Bàn. Kinh Kim Cương viết : "Không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng". Đó là cảnh giới ngã không, còn "phiền não tức Bồ đề [chính giác]" sinh tử tức Niết Bàn [Tịch diệt], đó chính là cảnh giới pháp không. Cảnh giới trung đạo diệu lý phi không phi hữu, không thiên chấp bên nào thì cũng có những người chứng được pháp không mới tự mình thể nghiệm được.
Chân lý rốt ráo của Phật giáo, tức là chân lý ngã không và pháp không - Không phải là pháp thế gian, không thể mô tả bằng lời nói, chân lý đó "Xa lìa tướng danh ngôn, tâm tư cũng không nghĩ bàn được". Đó là chân lý rốt ráo, mà tính Phật miễn cưỡng gọi là "chân pháp giới" là "Lý chân như". Thế nhưng, chân lý rốt ráo đó của Phật giáo, tuy là không đặt tên được, không nghĩ bàn được, nhưng nó vẫn không tách rời muôn vàn hiện tượng thế gian, và mỗi hiện tượng thế gian là một bộ phận của chân lý rốt ráo đó.
Vì vậy mà đại sư Tổ Huệ Năng của Thiền tông nói rằng: "Phật pháp là ở trong thế gian, không tách rời thế gian mà giác ngộ được; nếu tách khỏi thế gian đi tìm đạo Bồ đề, cũng không khác gì đi tìm sừng thỏ vậy". Mục đích của Phật giáo là giảng lý không; xóa bỏ phiền não chướng của ngã chấp, xóa bỏ sở tri chướng của pháp chấp, chứ không phải phủ định vạn tượng của thế gian. Chân lý Phật giáo nằm trong chữ "giác ngộ". Chỉ có tự giác mới thoát khỏi sinh tử. Chỉ có tự giác giác tha mới có thể độ chúng sinh; chỉ có giác hành viên mãn mới có thể thành Phật.